Hồi sinh Vực Tuần
- Cập nhật: Thứ năm, 19/3/2015 | 1:38:53 PM
YBĐT - Vực Tuần hôm nay đã khác. Ngôi làng từng là nỗi ám ảnh ngày nào đang hồi sinh trở lại khi “cơn bão” HIV/AIDS đã qua. Hơn 100 hộ dân của 2 thôn Vực Tuần cùng với 24 thôn, bản khác của xã đang vươn mình, gạt bỏ mặc cảm, đón luồng gió mới để hồi sinh...
Ngày càng có nhiều hộ dân ở thôn Vực Tuần 1 tích cực phát triển kinh tế gia đình với các mô hình chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp với mức thu nhập mỗi năm từ 50 - 70 triệu đồng mỗi năm.
|
“Cơn bão” AIDS tràn qua những năm đầu thế kỷ XXI đã biến làng Vực Tuần êm đềm ngày nào trở nên tiêu điều, hoang vắng. Một người, hai người rồi hầu như đàn ông trai tráng của 2 thôn Vực Tuần 1 và Vực Tuần 2 của xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn ra đi theo căn bệnh thế kỷ, để lại nỗi đau cùng gánh nặng cơm áo đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của những người phụ nữ trong làng. Thế nhưng Vực Tuần hôm nay đã khác, một cuộc sống mới đang hồi sinh trên nỗi đau và trên cả những mặc cảm, tự ti tưởng chừng khó mà thay đổi.
Ký ức về “ngôi làng không có đàn ông”
Từng là thủ lĩnh Đoàn của xã Cát Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Hứa Văn Giáp vẫn còn như in những ngày mà “cơn bão” AIDS tràn qua hai thôn Vực Tuần. Đó là vào thời điểm năm 2000, khi đó những cánh rừng đầu nguồn trong xã vẫn còn bạt ngàn. Rồi không biết từ đâu những đầu nậu gỗ về khai thác, thu hút đám thanh niên trai tráng trong làng đi theo. Hết những cánh rừng đầu nguồn của xã, họ lại tiếp tục đến những cánh rừng khác rồi thì vừa khai thác gỗ vừa đào vàng. Người nối người rời xa những mái nhà bình yên đến những nơi “thâm sơn cùng cốc” những mong thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Và rồi giàu sang đâu chẳng thấy, chỉ thấy “khi đi trai tráng, khi về bủng beo”, đến khi sức tàn lực kiệt và đến bác sỹ, họ mới ngã ngửa người ra bởi đã mang trong mình căn bệnh vô phương cứu chữa. Vậy là một người rồi hai người và số người nhiễm HIV/AIDS cứ tăng dần theo cấp số nhân. Chồng nhiễm AIDS rồi lây sang vợ con. Đàn ông, thanh niên trai tráng cứ thế từ biệt gia đình, người thân mà ra đi khi bao nhiêu ước mơ, dự định cho một cuộc sống khá hơn chưa thành hiện thực. Người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh, vợ mất chồng, con mất cha, ngôi làng êm đềm ngày nào nay chỉ toàn thấy tiếng khóc ai oán thê lương. Nghĩa trang nhân dân xã cũng phải cơi nới, mở rộng thêm để có chỗ chôn cất cho những người đàn ông xấu số...
Ngôi làng đông vui ngày nào giờ chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ và phụ nữ, tất cả mọi công việc lớn nhỏ đều một tay phụ nữ đảm đương. Những ngôi nhà tranh vách nứa đìu hiu, hoang vắng nay lại oằn mình với gánh nặng cuộc sống thường nhật. Nhiều người vợ lây nhiễm AIDS từ chồng mặc cảm với xã hội cũng bỏ con lại ra đi biệt tích, có việc gì hệ trọng không đừng thì người dân đành phải vào thôn song cũng chỉ chốc lát rồi quay ra. Họ sợ căn bệnh AIDS như sợ bệnh hủi.
Để giải quyết hệ lụy của vấn nạn này, cấp ủy, chính quyền xã cũng đã tổ chức không biết bao nhiêu cuộc họp, rồi nhận kiểm điểm của tỉnh, của huyện cũng nhiều. Cuối cùng với sự đồng lòng của người dân, sự tận tâm, quyết liệt để đương đầu ngăn chặn của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã, sau hơn 6 năm hoành hành, “cơn bão” AIDS cũng đã được khống chế, người dân đã ổn định lại cuộc sống. “Hai thôn Vực Tuần 1 và Vực Tuần 2 đã hồi sinh sau “cơn bão” AIDS” - Phó chủ tịch UBND xã Hứa Văn Giáp vỗ vai tôi khẳng định như vậy.
Vực Tuần vực dậy
Trên con đường bê tông uốn lượn, chỉ mất hơn 10 phút đồng hồ, chúng tôi đã tới tận cuối thôn Vực Tuần 1. Khoát một vòng tay chỉ về phía những ngôi nhà khang trang, mái ngói đỏ tươi bên những thửa ruộng non xanh, Phó chủ tịch UBND xã Hứa Văn Giáp cho biết: “Trước đây, chả ai dám nghĩ Vực Tuần lại có thể vực dậy nhanh như vậy. Thế là đã hơn 8 năm trôi qua, nhờ những chương trình của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng của người dân trong thôn mà đời sống đã khá lên rất nhiều”.
Có được thành công hôm nay là cả một quá trình bền bỉ, lâu dài có cả được và chưa được của cả hệ thống cấp ủy, chính quyền từ xã đến tận thôn, bản bởi giải quyết vấn nạn HIV/AIDS không phải là chuyện chỉ của một thôn, một xã. Do vậy, những đối tượng đầu tiên xã xác định dứt điểm có biện pháp xử lý là những người đi làm ăn xa trở về địa phương đã nghiện ma túy, từ chỗ nghiện thì con đường nhiễm HIV/AIDS cũng rất nhanh. Vì vậy, xã giao cho Ban Công an phối hợp với thôn rà soát danh sách người nghiện để lập hồ sơ, cưỡng chế cho đi cai nghiện tập trung. Tuy nhiên, có thời điểm, con số này của 2 thôn lên tới gần 40 đối tượng. Bởi vậy, xã đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Văn Chấn mời cán bộ Trung tâm Cai nghiện của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh về mở điểm cai nghiện tập trung tại thôn Vực Tuần 2. Trong quá trình cai nghiện, có sự quản lý sát sao của cán bộ huyện, xã.
Với quyết tâm giúp các đối tượng tránh xa ma túy, cắt cơn sau 3 tháng cai tập trung tại địa phương. Đồng thời sau khi cai nghiện, để các đối tượng có công ăn việc làm, xã cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho họ vay vốn phát triển kinh tế gia đình và cho họ tham gia các lớp học nghề ngắn hạn để tạo việc làm sau khi hòa nhập cộng đồng. Với sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền xã, tình trạng nghiện hút cùng với những hệ lụy do nghiện hút mang lại tại 2 thôn đã được giải quyết triệt để. Nhiều người cắt cơn đã hòa nhập cộng đồng. Cùng với những chương trình đầu tư của Nhà nước, chính sách cho vay hộ nghèo, những người dân cùng họ thâm canh tăng vụ, tập trung làm vụ 3, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều hộ có thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm.
Tiêu biểu như hộ gia đình anh Hoàng Đình Nhớ, thôn Vực Tuần 1 với mô hình chăn nuôi lợn kết hợp làm dịch vụ máy xay xát và nuôi cá, trừ chi phí mỗi năm cũng thu lãi trên 50 triệu đồng; mô hình kinh doanh dịch vụ vận tải của gia đình ông Hoàng Văn Nghiêm, thôn Vực Tuần 2, trừ chi phí mỗi năm cũng thu lãi 50 triệu đồng; mô hình nuôi gà thả vườn quy mô 1.000 con của gia đình chị Đinh Thị Ngữ, thôn Vực Tuần 2, trừ chi phí mỗi năm lãi 60 triệu đồng… Nhờ đó mà tỷ lệ hộ nghèo ở thôn Vực Tuần 1 đã giảm xuống chỉ còn 13,5%; thôn Vực Tuần 2 có 63 hộ thì tỷ lệ này chỉ còn 7,9%, thu nhập bình quân đầu người của 2 thôn đạt 14 triệu đồng. So với tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn xã là 21,6% và thu nhập bình quân đầu người toàn xã là 18 triệu đồng/người/năm thì đây quả là một sự cố gắng vượt bậc.
Bí thư Chi bộ thôn Vực Tuần 1 - Hoàng Thị Nhô, người cũng đã có thâm niên tới 3 khóa làm Bí thư Chi bộ cho biết: “Mặc dù thôn cách trung tâm xã có 3km song cuộc sống người dân chủ yếu là thuần nông, ruộng canh tác ít, không ngành nghề phụ. Do vậy, mục tiêu của Chi bộ là tập trung vận động nhân dân thâm canh tăng vụ, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa trên cơ sở tận dụng lợi thế của địa phương như diện tích mặt nước, sự hỗ trợ của Nhà nước cho các mô hình”.
Anh Hoàng Đình Nhớ - người dân của thôn rất năng động, dám nghĩ dám làm. Năm 2012, nhận thấy tiềm năng về mặt nước, anh đã mạnh dạn vay mượn tiền, thuê nhân công đào gần 2.000m2 ao để thả cá. Sau một năm nuôi cá có lãi, anh Nhớ lại tiếp tục đầu tư mua máy xay xát làm dịch vụ và nuôi lợn thịt. Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết quay vòng đồng vốn sinh lời, từ một hộ nghèo, đến nay, gia đình anh đã trở thành một trong những hộ khá giả nhất nhì thôn, trừ chi phí mỗi năm thu lãi trên 50 triệu đồng. Học theo anh Nhớ, nay trong thôn đã có tới hơn 10 hộ vươn lên phát triển kinh tế với các mô hình tổng hợp với mức thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm.
Bí thư Chi bộ Hoàng Thị Nhô cho biết thêm, tại Đại hội Chi bộ thôn Vực Tuần 1 nhiệm kỳ 2015 - 2017 diễn ra hồi đầu tháng 2 vừa rồi, trong 11 chỉ tiêu chủ yếu được biểu quyết thông qua thì giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% và nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 16 triệu đồng/năm là 2 chỉ tiêu Chi bộ sẽ phấn đấu hoàn thành tốt trong nhiệm kỳ. Đây cũng là 2 chỉ tiêu mà trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 được tổ chức trong tháng 3 này sẽ được đưa vào để biểu quyết thông qua. Trước mắt, hơn 1km đường bê tông nối từ quốc lộ vào thôn Vực Tuần 1 trị giá gần 1 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2014 đã hoàn thành. Trong năm 2015, thôn Vực Tuần 2 sẽ được đầu tư hơn 600m đường bê tông nối tận vào đến thôn Đồng Hẻo. Cùng với đó, các chương trình hỗ trợ giống, vốn của Nhà nước như chương trình vốn vay sản xuất kinh doanh, vốn hỗ trợ cho hộ cận nghèo, vốn vay cho học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân trên 800 triệu đồng cho 40 lượt hộ dân trong thôn được vay vốn vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu - nữ Bí thư Chi bộ cho biết thêm.
Vực Tuần hôm nay đã khác. Đó là nhờ những người mạnh dạn, dám nghĩ dám làm như Bí thư Chi bộ Hoàng Thị Nhô cùng những đảng viên trẻ năng nổ, nhiệt tình, đầy trách nhiệm trong thôn, nhất là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong suốt gần 2 nhiệm kỳ qua. Ngôi làng từng là nỗi ám ảnh ngày nào đang hồi sinh trở lại khi “cơn bão” HIV/AIDS đã qua. Hơn 100 hộ dân của 2 thôn Vực Tuần cùng với 24 thôn, bản khác của xã đang vươn mình, gạt bỏ mặc cảm, đón luồng gió mới để hồi sinh.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Mấy năm trở lại đây, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên đã có sự chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Có nhiều nguyên nhân để Nga Quán đổi mới đi lên, trong đó có chuyện người dân đã biết tận dụng những tiềm năng, lợi thế có thể nói là rất nhỏ bé của mình. Tư tưởng "ly nông bất ly hương" đã khiến nông dân xã ven sông Hồng này không chân lấm, tay bùn mà mặc quần áo công nhân đi làm thợ. Đó chính là gốc rễ của vấn đề.
YBĐT - Là một trong năm đại biểu ưu tú của huyện Mù Cang Chải được tham dự Hội nghị biểu dương bí thư chi bộ thôn, bản tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2014, có lẽ Thào Thị Dở là nữ Bí thư Chi bộ trẻ tuổi nhất nhưng cũng là đại biểu để lại nhiều ấn tượng nhất tại Hội nghị với những nhận xét đáng trân trọng: cán bộ nữ dân tộc Mông trẻ tuổi, luôn tươi cười, thân thiện và có nhiều sáng kiến, cách làm hay trong vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán...
YBĐT - Trước những thách thức phải đối mặt như hiện nay, việc thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi là việc làm cấp bách để phát triển chăn nuôi bền vững. Vậy đâu là giải pháp để đạt mục tiêu đề ra? Bài 1: Thực trạng và rào cản
YBĐT - Mặc dù tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi, giúp nhiều hộ chăn nuôi có mức lợi nhuận cao, tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn không khỏi lo lắng về một thị trường thức ăn và sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bấp bênh.