Đổi mới tư duy lãnh đạo, phát triển kinh tế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/3/2015 | 5:19:46 PM

YBĐT - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, kinh tế - xã hội huyện Văn Chấn có những bứt phá mạnh trên các mặt. Công nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng là hai khâu đột phá thúc đẩy kinh tế xã hội tăng trưởng nhanh. Đổi mới tư duy lãnh đạo, tư duy phát triển kinh tế và xã hội của đội ngũ cán bộ là khâu quyết định tạo ra những đột phá và kết quả trên các mặt mà Đảng bộ đạt được trong nhiệm kỳ...

Nhân dân xã Thanh Lương (huyện Văn Chấn) tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Nhân dân xã Thanh Lương (huyện Văn Chấn) tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Nâng cao chất lượng cán bộ

Văn Chấn đất rộng, người đông nhưng có tới 17 xã đặc biệt khó khăn và 51 thôn, bản thuộc diện này. Tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội lớn nhưng thoát nghèo vẫn là một đòi hỏi cấp thiết sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Đổi mới tư duy lãnh đạo, tư duy phát triển kinh tế không là vấn đề mới nhưng Đảng bộ tiếp tục quan tâm và quan tâm đặc biệt; coi đó vừa là cơ sở, vừa là nền tảng có tính quyết định để tạo ra những đột phá căn bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh, sớm đi đến thoát nghèo.

Với quan điểm như vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy chú trọng quan tâm công tác quy hoạch cán bộ; chủ động đào tạo, bồi dưỡng cho từng đối tượng, từng chức danh cán bộ. Đảng bộ quan tâm làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ.

Trong nhiệm kỳ, 27 đồng chí tham gia các lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị, đại học chính trị (văn bằng 2); 15 đồng chí tham gia đào tạo trình độ thạc sỹ; 60 đồng chí được đào tạo theo Đề án số 11-ĐA/TU của Tỉnh ủy. Huyện liên kết mở các lớp đại học nông nghiệp, đại học luật và trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ.

Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ theo quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai; công tác luân chuyển cán bộ gắn với quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và định hướng phát triển lâu dài; tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức có đổi mới và nâng cao chất lượng.

Trong nhiệm kỳ, đã bầu bổ sung 4 ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, 9 ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, 2 ủy viên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, 4 phó chủ tịch UBND huyện; điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 85 trưởng, phó các phòng, ban và tương đương; chỉ định, phân công, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm 299 đồng chí giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở; luân chuyển, điều động 15 lượt cán bộ từ huyện về các xã, từ xã về huyện và từ xã sang xã. Đội ngũ cán bộ được nâng cao một bước về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, từng bước được trẻ hóa đã tạo ra những năng lực tư duy mới. Cán bộ trưởng thành nhanh về năng lực thực tiễn, tạo ra những chuyển biến rõ rệt hơn về chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ từ huyện xuống cơ sở.

Đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Phát triển công nghiệp và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là hai khâu đột phá để tăng trưởng kinh tế nhanh và thúc đẩy nhanh hơn sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế. Sản xuất công nghiệp của địa phương tiếp tục phát triển cả về quy mô và năng lực. Các sản phẩm chè chế biến, gạch nung, chế biến chì, kẽm, sắt, điện thương phẩm… sản lượng tăng và chất lượng ổn định. Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển với các ngành nghề chế biến nông lâm sản, dịch vụ cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Văn Chấn tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Sơn Thịnh. Tới nay đã có 5 đơn vị đăng ký với tổng số vốn trên 1.500 tỷ đồng, trong đó có 3 đơn vị đã xây dựng xong nhà xưởng và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 dự ước đạt 504 tỷ đồng, vượt 104 tỷ đồng so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra, tăng 279 tỷ đồng so với năm 2010. Đảng bộ huyện cũng lãnh đạo, chỉ đạo huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển.

Công tác quản lý quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được các cấp, các ngành quan tâm; việc huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư đã tập trung ưu tiên phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông vùng thấp, vùng trọng điểm kinh tế của huyện.

5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 5.009 tỷ đồng (tăng 25,23% so với mục tiêu Đại hội đề ra). Trong đó, nguồn vốn huyện làm chủ đầu tư 615 tỷ đồng; vốn bộ, ngành trung ương quản lý 428 tỷ đồng; vốn đầu tư của doanh nghiệp 3.286 tỷ đồng; vốn đầu tư trong dân 680 tỷ đồng. Các nguồn vốn trên đã đầu tư xây dựng trên 400 công trình, trong đó có 193 công trình xây dựng dân dụng, 167 công trình giao thông, 38 công trình thủy lợi, 5 công trình thủy điện. Nguồn lực trên đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm của Văn Chấn đạt 15%, trong đó nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,2%; công nghiệp - xây dựng đạt 18,6%; thương mại - dịch vụ đạt 17%. Tổng sản phẩm (GDP) năm 2015 dự ước đạt 3.372 tỷ đồng, tăng 1.974 tỷ đồng so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản. Năm 2015, dự ước giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm 42,2%; thương mại - dịch vụ 29%; nông - lâm nghiệp - thủy sản 28,8%. Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai tại 28 xã trên địa bàn, 16 xã đạt được từ 5 tiêu chí trở lên, trong đó 8 xã đạt từ 8 đến 10 tiêu chí, nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới bình quân trên 100 tỷ đồng/năm.

Một tầm nhìn, ba đột phá

Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 sẽ tiến hành trong tháng 6 tới. Mục tiêu đề ra là tiếp tục xây dựng huyện phát triển nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Yên Bái.

Ba đột phá là phát triển công nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Phát triển công nghiệp, tiếp tục tập trung vào chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển thủy điện, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 đạt 1.700 tỷ đồng trở lên.

Văn Chấn tiếp tục thu hút các nguồn vốn và các nhà đầu tư để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng và lấp đầy Cụm công nghiệp Sơn Thịnh; thành lập các cụm công nghiệp vùng thượng huyện và vùng ngoài huyện theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt; tập trung khai thác vật liệu xây dựng; chế biến nông, lâm sản thực phẩm, chế biến khoáng sản chì, kẽm, sắt tinh tuyển; khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su; chế biến gỗ ván ép; sản xuất gạch; phân vi sinh; các cơ sở xay xát gạo xuất khẩu, chế biến hoa quả tươi; đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện. Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, huyện tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, phấn đấu là đến năm 2020 có 50% các tuyến đường liên thôn bản thuộc các xã vùng cao được rải cấp phối hoặc đường bê tông xi măng; 100% các tuyến đường liên thôn, bản các xã vùng thấp được bê tông hóa hoặc rải cấp phối; 90% các tuyến đường huyện đến các xã được cải tạo nâng cấp bê tông xi măng, nhựa.

Nhân tố con người, nguồn nhân lực, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục vùng cao; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngành giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề, địa bàn là nông thôn, đối tượng là nông dân.

Bài, ảnh: Quốc Khánh

Các tin khác
Ngày càng có nhiều hộ dân ở thôn Vực Tuần 1 tích cực phát triển kinh tế gia đình với các mô hình chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp với mức thu nhập mỗi năm từ 50 - 70 triệu đồng mỗi năm.

YBĐT - Vực Tuần hôm nay đã khác. Ngôi làng từng là nỗi ám ảnh ngày nào đang hồi sinh trở lại khi “cơn bão” HIV/AIDS đã qua. Hơn 100 hộ dân của 2 thôn Vực Tuần cùng với 24 thôn, bản khác của xã đang vươn mình, gạt bỏ mặc cảm, đón luồng gió mới để hồi sinh... 

YBĐT - Mấy năm trở lại đây, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên đã có sự chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Có nhiều nguyên nhân để Nga Quán đổi mới đi lên, trong đó có chuyện người dân đã biết tận dụng những tiềm năng, lợi thế có thể nói là rất nhỏ bé của mình. Tư tưởng "ly nông bất ly hương" đã khiến nông dân xã ven sông Hồng này không chân lấm, tay bùn mà mặc quần áo công nhân đi làm thợ. Đó chính là gốc rễ của vấn đề.

Chị Thào Thị Dở (thứ 3, trái sang) trao đổi kinh nghiệm công tác với các hội viên phụ nữ xã La Pán Tẩn.
(Ảnh: Anh Hải)

YBĐT - Là một trong năm đại biểu ưu tú của huyện Mù Cang Chải được tham dự Hội nghị biểu dương bí thư chi bộ thôn, bản tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2014, có lẽ Thào Thị Dở là nữ Bí thư Chi bộ trẻ tuổi nhất nhưng cũng là đại biểu để lại nhiều ấn tượng nhất tại Hội nghị với những nhận xét đáng trân trọng: cán bộ nữ dân tộc Mông trẻ tuổi, luôn tươi cười, thân thiện và có nhiều sáng kiến, cách làm hay trong vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán...

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm mô hình nuôi bò bán công nghiệp
tại xã Mậu Đông, huyện Văn Yên.

YBĐT - Trước những thách thức phải đối mặt như hiện nay, việc thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi là việc làm cấp bách để phát triển chăn nuôi bền vững. Vậy đâu là giải pháp để đạt mục tiêu đề ra? Bài 1: Thực trạng và rào cản

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục