Viếng mộ Đại tướng
- Cập nhật: Thứ năm, 30/4/2015 | 9:31:37 AM
YênBái - YBĐT - Những ngày tháng Tư lịch sử, trong không khí cả nước tưng bừng hướng tới kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và những ngày lễ lớn của dân tộc, đông đảo đồng bào, chiến sĩ cả nước lại tìm về với núi Mũi Rồng trên dãy Hoành Sơn ở Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) để dâng nén tâm nhang, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng thành kính và biết ơn vô hạn...
Vũng Chùa - nơi yên nghỉ của Đại tướng.
|
Tôi nhớ như in buổi đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Quảng Bình đầy nắng và gió vào trung tuần tháng tư, thăm nơi yên nghỉ của người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, vị tướng tài ba trong lĩnh vực quân sự được cả thế giới biết đến. Đoàn công tác của Báo Yên Bái, do đồng chí Phí Văn Nam – Phó tổng biên tập dẫn đầu đã vượt hơn 700km để đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi, ai nấy đều tự hào rằng đất nước đã sản sinh ra một vị tướng kiệt xuất, một người con ưu tú có công đặc biệt để nước nhà được độc lập...
Vũng Chùa thật yên bình. Từng đoàn người xếp hàng dài trong trật tự viếng mộ Đại tướng. Trong đó, có một người con ở nơi gió ngàn Việt Bắc - anh Tòng A Lóng cùng bạn bè về dâng hương. “Tôi thay mặt cha tôi về thăm Đại tướng. Vì tuổi già, không di chuyển được nên cụ ủy quyền cho tôi dâng lên mộ Đại tướng nén hương. Cha tôi ngày xưa thường kể về tình cảm Đại tướng với người lính cấp dưới, khoan dung, độ lượng. Trong lúc này cả nước hướng tới ngày hội lớn, giá như Đại tướng còn ở lại, chắc ngày vui sẽ trọn vẹn. Chúng tôi dâng hương báo với Đại tướng, ai cũng nhớ Người như người cha, người ông của đồng bào bà con miền núi Việt Bắc” – anh Lóng tâm sự.
Trong dòng người nối dài ấy, nhiều gương mặt trẻ đã tỏ lòng tri ân sâu sắc trước anh linh Đại tướng. Bạn Nguyễn Hòa Nam (26 tuổi) từ thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: “Em muốn viếng mộ Đại tướng trong dịp này để nhớ về công lao của Người. Ra đây em mới biết Vũng Chùa của Quảng Bình là một vùng đất tuyệt vời. Em tự hào khi đến đây. Đại tướng chọn chốn an nghỉ nhìn ra biển Đông lộng gió, nơi đó là biển đảo của quê hương Việt Nam. Đại tướng như muốn nhắn gửi với thế hệ trẻ về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà chúng em sẽ không thể nào quên”.
Về thăm mộ Đại tướng, tôi chợt nhớ đã có lần được đọc những vần thơ của nhà thơ Vũ Trọng Tạo khi viếng thăm Người:
“Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê.
Vì Dân Nước Người trở thành Bất Tử.
Thành Núi thành Mây thành Ruộng, Đồng, Sông, Bể.
Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông.
Thành Đền thờ trong mỗi tấm lòng Dân.
Thành Ngọn đuốc soi đường đêm tăm tối.
Thành Mặt trời cho trần gian nắng mới.
Thành Mặt trăng vành vạnh tấm gương vàng”…
Bài thơ ấy như mang bao nỗi niềm nhắn gửi của đồng bào cả nước hướng về Đại tướng. Người đã trở thành “vị Thánh trong lòng mỗi người dân Việt Nam”, để rồi hằng ngày, nhân dân Việt Nam vẫn hướng về Người nơi Vũng Chùa – Đảo Yến. Câu chuyện từ lúc 100 ngày mất của Đại tướng, người Thanh Hóa đã đúc và dâng kiếm lệnh, súng thần công và trống đồng lên anh linh Người; Đồng Nai là tỉnh lập đền thờ Đại tướng sớm nhất; Đà Nẵng đã chuyển đá Non Nước ra Vũng Chùa xây Khu lăng mộ Đại tướng… Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã dành những con đường dài nhất, rộng nhất mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp… cũng đủ để minh chứng rằng: Đại tướng sống mãi trong lòng dân tộc. Đặc biệt, gần hai năm qua, việc đi viếng mộ Đại tướng đã trở thành tâm thức Việt. Hàng ngày, dòng người từ trong Nam, ngoài Bắc vẫn nối nhau về viếng mộ Đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi và chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn (tháng 4/1975).
Đã gần hai năm Đại tướng chọn vùng quê dưới chân dãy Hoành Sơn an giấc thiên thu. Đèo Ngang của mấy trăm năm trước khi Bà Huyện Thanh Quan qua đây thấy “Lom khom dưới núi tiều vài chú…” thì nay nhà cửa không còn “lác đác bên sông” như xưa nữa. Gần hai năm không phải là nhiều nhưng người trong vùng đã cảm nhận được tấm lòng của vị tướng từng yêu thương khi về thăm quê qua ngả Hoành Sơn này từ mấy chục năm trước. Nghe kể, những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, Đại tướng về thăm quê trên chiếc xe Lada cũ kỹ, trời mùa nắng nóng như lửa đốt.
Lên đỉnh Hoành Sơn, đứng giữa trời đất lộng gió, cảm nhận cuộc sống của người dân trong vùng, ai cũng làm tiều phu kiếm củi để gồng gánh đi bán. Đại tướng rơi lệ với cuộc sống khó khăn của vùng đất đèo Ngang hẻo lánh, ông nói với bà con rằng: “Khi mất, giúp gì được cho quê hương tôi sẽ cố hết sức”. Đó là lời kể của ban lãnh đạo Quảng Bình thời kỳ đó, họ nhớ như in. Người dân ở Kỳ Nam (Hà Tĩnh) và Quảng Đông (Quảng Bình) đã thấm được sự giúp đỡ của vị tướng già. Nhìn đoàn người nườm nượp nối nhau về Vũng Chùa, ai cũng ấm lòng.
Từ quốc lộ 1A vào Vũng Chùa, các quầy hoa tươi, vàng ruộm dưới trời Hoành Sơn. Người dân không chen lấn, cũng chẳng chèo kéo, họ đứng vẫy tay, nhẹ nhàng mời chào người mua. Chị Hương, một người dân đứng nép bên vệ đường nói: “Ở đây người dân ai cũng biết mời chào tế nhị, vì bà con đi viếng mộ Bác Giáp là lòng thành nên không có cảnh khó coi mô chú ạ. Giá cả thống nhất với nhau, không tăng kiểu phiền phức, vì Bác Giáp về đây là giúp bà con mà. Bà con phải biết lễ nghĩa chứ”. Anh Nguyễn Quang Hà, từ Hà Nội cùng gia đình vào viếng mộ Đại tướng, thổ lộ: “Bà con chất phác, cái ăn cái uống cũng nhẹ nhàng, đồ biển tươi ngon mà không chặt chém như nhiều nơi”.
Cán bộ, phóng viên Báo Yên Bái thắp hương viếng mộ Đại tướng. (Ảnh: Ngọc Đồng)
Những ngày lễ, ngày tết, những dịp kỷ niệm ngày 30/4, 1/5, 27/7, 2/9…, bãi xe ở Vũng Chùa chật ních. Các chiến sĩ bảo vệ mộ Đại tướng cho biết, trong những ngày tâm điểm của Tháng tư lịch sử, đã có tới hàng chục vạn người đến viếng. Từ khi Đại tướng yên nghỉ ở Vũng Chùa - Đảo Yên đến nay, đã có hơn 2 triệu lượt người viếng. Gần hai năm nay, du lịch biển xã Quảng Đông cũng đã nhộn nhịp hẳn lên. Tôi thấy có thêm nhiều dịch vụ được mở ra phục vụ nhu cầu thăm viếng của du khách bốn phương. Trong đó, các hãng du lịch cũng đã tổ nhiều tours du lịch Quảng Bình - Lệ Thủy viếng mộ Đại tướng và thăm động Thiên Đường, Phong Nha - Kẻ Bàng 3 ngày 3 đêm, thu hút rất nhiều du khách.
Ngày hội kỷ niệm non sông thu về một mối đang đến rất gần, về đây thắp nén hương thơm kính viếng hương hồn Đại tướng, cầu cho Người được thảnh thơi an nghỉ nơi quê nhà. Tri ân Đại tướng, thế hệ con cháu chúng tôi nguyện với lòng mình sẽ mang hết tri thức, tâm huyết để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, xứng đáng với những gì Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị anh hùng của dân tộc sẽ còn mãi được nhắc đến và mãi được tưởng nhớ với tất cả niềm kính trọng và tự hào.
Anh Hải
Các tin khác
YBĐT - Cuộc trường chinh thần thánh của dân tộc Việt Nam đã đi vào lịch sử vẻ vang với những mốc son chói lọi. Tròn 40 năm đất nước trọn vẹn niềm vui độc lập, hai miền Bắc – Nam sum họp một nhà. Những ngày này, người dân cả nước rưng rưng sống lại với quá khứ hào hùng của dân tộc...
YBĐT - Ở thị xã Nghĩa Lộ có một hội đồng đội thật đặc biệt. Đó là Hội đồng đội 30/4/1975 với 37 hội viên sinh hoạt tại 5 chi hội, được thành lập ngày 30/4/2007 theo nguyện vọng của các cựu chiến binh (CCB) từng vinh dự được trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hiện đang cư trú trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Mặc dù là tổ chức tự nguyện nhưng Hội có quy chế hoạt động với tôn chỉ, mục đích rõ ràng.
YBĐT - Nếu ai đó đã một lần đến với Nghĩa Lộ - Mường Lò, hình ảnh đọng lại là các thiếu nữ Thái với chiếc áo cỏm mềm mại, váy nhung huyền căng tràn sức trẻ, thướt tha như bước ra từ trong câu truyện cổ. Câu hát mời gọi đưa nhịp chân du khách cuốn vào vòng xoè. Và người truyền dạy những điệu dân ca, dân vũ này không ai khác chính là nghệ nhân Điêu Thị Xiêng.
YBĐT - Cái nghiệp làm báo luôn gắn liền với những chuyến đi! Vừa Liễu Đô, Vĩnh Lạc (Lục Yên) đã lại Phù Nham, Sơn Thịnh (Văn Chấn). Bữa nay, “con ngựa sắt” ngoan ngoãn cõng chủ nhân băng dốc, lội suối lên bản Mông Đồng Ruộng, xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên).