Niềm vui trên những cánh đồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/5/2015 | 8:13:55 AM

YênBái - YBĐT - Những năm qua, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có những bước đi vững chắc, trong đó lựa chọn giải pháp sản xuất nông nghiệp chất lượng cao làm trọng tâm nhằm nâng giá trị kinh tế trên diện tích canh tác, gắn với chuyển dịch cơ cấu mùa vụ thích hợp cho từng vùng miền.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn kiểm tra giống lúa Séng Cù trồng tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn kiểm tra giống lúa Séng Cù trồng tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.

Đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi về Văn Chấn khi lúa đông xuân đã đổ vàng trên khắp các cánh đồng; nhà nông Chấn Thịnh, Bình Thuận, Phù Nham… đang chuẩn bị cho thu hoạch. Vụ này chắc chắn sẽ lại giành thắng lợi bởi khoa học kỹ thuật (KHKT) đã và đang được triển khai áp dụng trên tất cả các khâu, từ làm đất, gieo mạ, chăm sóc, thu hoạch, đặc biệt là  chọn giống và lịch gieo cấy. Nhờ những chiếc máy cày, máy bừa, nhờ máy bơm, máy gieo hạt, máy tuốt lúa… mà bà con người Tày, Thái đã bớt lam lũ, cực nhọc.

Trên lĩnh vực trồng trọt, nông dân không chỉ còn “trông trời, trông đất, trông mây” mà việc ứng dụng tiến bộ KHKT, trong đó lấy phương châm phòng là chính, kết hợp công tác dự tính, dự báo với thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có những giải pháp kịp thời sát hợp đã giảm thiểu thiên tai, đồng thời nâng cao năng lực hoạt động các câu lạc bộ IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp) tại các xã, thị trấn.

Theo thống kê, chỉ tính từ năm 2011 đến nay, huyện Văn Chấn đã mở 1.834 lớp tập huấn hướng dẫn trực tiếp trên đồng ruộng và tại gia đình cho trên 90.000 hộ nông dân tại 31 xã, thị trấn trong toàn huyện; 31 lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi, trồng nấm cho trên 1.000 lượt hộ và phát 99.500 tờ rơi tài liệu kỹ thuật các loại cây trồng cho nông dân. Nhiều mô hình được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình phân nén NPK dúi sâu cho lúa; “Ba giảm ba tăng trên lúa”; gieo cấy lúa bằng phương pháp cải tiến SRI và các mô hình chăn nuôi như: mô hình chăn nuôi gà thịt, lợn thịt theo hướng hàng hóa… đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nông dân.

Dù là vùng đa canh nhưng đối với Văn Chấn, lúa vẫn được xem là cây trồng chủ lực với diện tích gieo cấy cả năm đạt 8.155,6ha, năng suất bình quân đạt 53,2 tạ/ha/vụ, sản lượng đạt 43.379 tấn. Cây ngô diện tích 5.951ha, sản lượng đạt 18.981 tấn, đưa tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt 62.360 tấn. Ngô, thóc nhiều không chỉ bảo đảm an ninh lương thực, ổn định đời sống của người dân với lương thực tăng từ 363kg/người/năm năm 2010 lên 412kg/người/năm năm 2014 mà còn thúc đẩy ngành nghề chăn nuôi, đặc biệt là nhiều nông hộ, nhiều địa phương đã thành công trong việc sản xuất lúa hàng hóa.

Nhiều xã có diện tích trồng lúa nước lớn như: Phù Nham 290ha, Phúc Sơn 259ha, Hạnh Sơn 256ha, Thượng Bằng La 225ha… nông dân đã có cuộc sống ổn định và khấm khá. Hàng năm, cây vụ 3 trồng trên đất 2 vụ lúa được đưa vào trồng đạt trên 2.500ha, trong đó cây ngô 1.200ha, còn lại nhiều cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cà chua 80ha, dưa hấu 116ha, dưa chuột 119ha, bí xanh 114ha, bí đỏ 116ha, bầu 120ha và rau mầu các loại gần 200ha. Trong trồng lúa, bà con nông dân được tăng cường tập huấn chuyển giao KHKT qua Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư.

Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn thường xuyên có sự điều chỉnh cơ cấu giống phù hợp với khí hậu từng vùng, từng mùa vụ, bảo đảm các giống chủ lực là những giống tốt, ít sâu bệnh, khả năng chịu rét và kháng sâu bệnh cao với các giống lúa lai đưa vào gieo cấy 54% diện tích, gồm các giống: Nhị ưu 838; Nghi Hương 305; giống lúa thuần gieo cấy 46% diện tích bằng các giống: HT1, Séng Cù, Chiêm Hương… Công tác bảo vệ thực vật được chú trọng, nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nên tình hình sâu bệnh trên lúa như: đạo ôn trên lá, đạo ôn cổ bông, khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng… kịp thời được phát hiện và khoanh vùng dập dịch, hạn chế tối đa thiệt hại. Nhiều năm qua trên địa bàn huyện không có dịch bệnh lớn.

Liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp đã và đang là thành công của huyện Văn Chấn. Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước đã có sự liên kết để tạo ra một nền sản xuất bền vững và hiệu quả. Trong đó 8 xã vùng ngoài của huyện đạt giá trị kinh tế trung bình 100 triệu đồng/ha năm; 11 xã vùng cao thượng huyện từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng/ha/năm và đặc biệt 11 xã, thị trấn vùng Mường Lò với trên 2.400ha ruộng nước cho giá trị kinh tế đạt 120 triệu đồng đến gần 200 triệu đồng/ha/năm.

Những nhà nông làm giàu

Chuyện nhà nông làm giàu ở huyện Văn Chấn những năm gần đây không còn là những câu chuyện xa lạ. Những con người chịu thương chịu khó, quanh năm bám đất, với bao mồ hôi và công sức vất vả đã được đền đáp khi “đất không phụ công người”. Chúng tôi được đồng chí Lê Ngọc Long - Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đưa xuống gặp những triệu phú nông dân từ đồng ruộng. Anh Long phấn khởi cho biết: “Thị trấn có trên 1.500 hộ thì chỉ có 40 hộ thu nhập chính từ làm nông nghiệp. Diện tích lúa nước của thị trấn 86ha nhưng 5 năm gần đây năng suất liên tục đạt trên 13 tấn/ha/năm. Vụ 3 trên đất 2 vụ lúa cũng được phủ kín bởi cây ngô, cà chua, su hào, cải bắp… Giá trị kinh tế đất canh tác 3 vụ của thị trấn đạt trên 150 triệu/ha/năm. Thị trấn không có hộ đói, tỷ lệ hộ khá giàu chiếm 70% với mức thu nhập từ 80 triệu đồng đến 200 triệu đồng/hộ/năm. Thu nhập bình quân đầu người của thị trấn đạt 26 triệu đồng/năm”. Nhân vật nhà nông làm giàu mà chúng tôi được gặp là ông Vũ Đăng Lư, trú tại tổ dân phố 3B. Ông Lư trước đây là hộ nghèo của thị trấn.

Nhớ lại những năm tháng gia đình khó khăn, vất vả, chật vật nuôi 3 người con ăn học, ông cho biết: “Nhà có 5.000m2 ruộng, trước đây gieo cấy bằng giống lúa năng suất thấp, sâu bệnh thường xuyên, có năm thiên tai xảy ra, gạo không đủ ăn, phải độn ngô, độn sắn. Từ năm 2011 đến nay, do được tập huấn chuyển giao KHKT, gia đình đã đưa giống lúa Séng Cù vào gieo cấy 2 vụ ở 5.000m2 ruộng nước,  sản lượng đạt 3,5 tấn/ha/vụ. Đặc điểm của gạo Séng Cù là dẻo, thơm nên đến vụ thu hoạch là các thương lái đều mua bằng hết. Với giá gạo 18 ngàn đến 20 ngàn đồng/kg, cây lúa trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Ngoài trồng lúa, gia đình còn trồng cây vụ 3 như ngô và rau mầu các loại nên 5 năm gần đây kinh tế gia đình đạt mức thu nhập 170 triệu đồng/năm”.

Cùng ở khu phố 3, “nhà nông làm giàu” thứ hai mà chúng tôi được gặp đó là ông Nhữ Văn Nghĩa. Đã ở cái tuổi trên 60 nhưng ông Nghĩa ngày nào cũng đều đặn 2 buổi ra thăm đồng. Nói về giá trị kinh tế từ cây lúa của gia đình, ông Nghĩa phấn khởi: “Trước đây, gia đình tôi cũng là hộ cận nghèo, bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào 5.000m2 ruộng kết hợp với chăn nuôi nhỏ. Từ khi áp dụng KHKT và đưa giống lúa lai, lúa thuần cho năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy và đặc biệt 5 năm gần đây trồng giống lúa Séng Cù, kinh tế gia đình cũng tăng lên rõ rệt. Năm 2010 gia đình đạt 80 triệu đồng/năm và 5 năm gần đây luôn giữ mức ổn định 150 triệu đồng/năm từ sản xuất nông nghiệp. Có tiền, gia đình nuôi hai cháu ăn học đại học và còn mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền. Làm nông nghiệp thời nay phải năng động, nhanh nhạy nắm bắt với thị trường thì việc làm giàu không khó”.

Cùng nằm trong khu vực cánh đồng Mường Lò, xã Sơn A lại có hướng đi riêng của mình. Hàng năm, xã đưa vào gieo cấy 205ha ruộng nước, chủ yếu bằng các giống lúa lai như Nhị Ưu 838 và Nghi Hương 305, lúa thuần bằng giống HT1 và Chiêm Hương, diện tích Séng Cù chỉ đưa vào gieo cấy 30ha/vụ. Tìm hiểu nguyên nhân tại sao giống Séng Cù cho năng suất và giá trị kinh tế gấp 1,5 lần so với các giống lúa khác nhưng người dân Sơn A lại không đưa vào trồng trên diện rộng, Bí thư Đảng ủy xã Đinh Văn Thuyên khẳng định: “Thứ nhất là giống Séng Cù chịu lạnh và chịu nóng kém hơn các giống lúa khác.

Thứ hai là mặc dù các giống lúa lai, lúa thuần khác giá trị kinh tế thấp hơn nhưng năng suất rất ổn định trên 7 tấn/ha/vụ và ít sâu bệnh nên nhân dân vẫn thích đưa vào trồng. Nếu Sơn A được Nhà nước tiếp tục đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng, 100% diện tích chủ động được nguồn nước tưới thì thành công trên lĩnh vực sản xuất lúa của xã chắc chắn còn lớn hơn. Theo báo cáo, toàn xã Sơn A mới có 10/31km được kiên cố hóa. Những tuyến mương cần sớm được đầu tư là bản Cò Cọi (2km), bản Viềng  (3km).

Tập trung mạnh cho vùng cao

Nói về sản xuất nông nghiệp, ngoài chủ động về giống, phân bón, nguồn nước thì yếu tố khí hậu cũng đặc biệt quan trọng tới việc sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Chúng tôi có 11 xã vùng thượng huyện với độ cao trung bình 600m so với mực nước biển. Mùa đông thì rét đậm kéo dài, có thời điểm xuống tới 2oC đến 5oC nên sản xuất nông nghiệp rất khó khăn; bên cạnh đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đồng bào nên mặc dù Nhà nước, tỉnh, huyện đã dành nhiều sự quan tâm nhưng khoảng cách giữa vùng thấp và vùng cao vẫn còn khá lớn. Mục tiêu, giải pháp phát triển nông nghiệp của huyện đến năm 2020 là giữ vững ổn định diện tích gieo cấy lúa nước; đầu tư ứng dụng KHKT và các biện pháp canh tác tiên tiến, cơ giới hóa đưa vào sản xuất; tăng diện tích ngô lên 6.300ha và hình thành các vùng thâm canh tập trung; tăng diện tích rau mầu các loại gắn với chủ động phòng trừ sâu bệnh…

Cùng với lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội, tập trung nhân lực và vật lực là việc đưa các giống cây trồng phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ canh tác của đồng bào các xã vùng cao, trong đó tập trung vào nâng cao diện tích ngô đồi, đậu tương… đã là cách làm đúng của huyện Văn Chấn để giúp bà con nông dân thoát nghèo, bảo đảm mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 4% hộ nghèo mà nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra.

Lấy khoa học kỹ thuật làm khâu đột phá, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, nền sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn đã có những bước phát triển, đời sống đồng bào đã khấm khá lên, khoảng cách giữa vùng thấp và vùng cao đang được thu hẹp dần. Ngô xuân vừa vào bồ thì lúa xuân cũng chín tới, bức tranh nông nghiệp, nông thôn đã tươi sáng. Kết quả này khẳng định công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ huyện tới cơ sở được thực hiện quyết liệt trên mỗi diện tích canh tác nông nghiệp.

Thạch Phong

 

Các tin khác
Tỷ lệ bé trai hiện nay cao hơn so với bé gái.
Ảnh: Cô và trò Trường mầm non xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trong giờ học. (Ảnh: Hồng Duyên)

YBĐT - Những năm gần đây, cũng như nhiều tỉnh, thành khác, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh Yên Bái đã đến mức báo động. Vậy, tình trạng này hiện như thế nào ? Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào nhằm khống chế và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh?

Người dân xã Yên Thái nhận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

YBĐT - Tín dụng chính sách là kênh tín dụng đặc biệt, là nguồn vốn của Chính phủ cho người dân vay để thoát nghèo, giúp bà con vươn lên làm giàu. Để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả, cần có trách nhiệm rất cao của ngân hàng, chính quyền, các hội, đoàn thể và mỗi người dân. Kinh nghiệm rút ra trong thực hiện mô hình xã điểm tín dụng chính sách ở xã Yên Thái, huyện Văn Yên thời gian qua đã cho thấy rõ điều này.

YBĐT - Chế biến gỗ rừng trồng là nghề đang phát triển khá rầm rộ tại các huyện, thị trong tỉnh, tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên, do sự chủ quan, thiếu kiến thức về an toàn lao động của các nhà xưởng và chính người lao động, nhất là khi chủ xưởng chưa có sự đầu tư về các phương tiện và điều kiện bảo hộ lao động cho những lao động đang làm việc tại xưởng của mình... vẫn đang là những nguy cơ tiềm ẩn, rình rập gây mất an toàn lao động...

YBĐT - Sở dĩ gọi việc thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006 - 2010 là một cuộc "cách mạng" bởi thực hiện Nghị quyết này, một bộ phận không nhỏ đồng bào Mông huyện Trạm Tấu lần đầu tiên làm nhà vệ sinh, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, người chết không để lâu trong nhà...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục