An vui những chuyến đò ngang

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/5/2015 | 8:36:48 AM

YênBái - YBĐT - Ngày 8/5/2012, UBND xã Xuân Ái đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-UBND thành lập Tổ tự quản về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa bến đò thôn Chăn Nuôi. Tổ tự quản có 6 thành viên, do Trưởng thôn làm Tổ trưởng, Tổ phó là chủ đò, các thành viên gồm: công an viên, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Thôn đội trưởng và thuyền viên.

Một chuyến đò xuất phát từ bến đò Chăn Nuôi, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên.
Một chuyến đò xuất phát từ bến đò Chăn Nuôi, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên.

Bến đò của xã Xuân Ái, huyện Văn Yên nằm trên địa bàn thôn Chăn Nuôi. Vì thế, bến đò cũng có tên gọi là bến đò Chăn Nuôi. Trước năm 2012, đoạn đường từ bến đò vào khu vực trung tâm xã có lượng phương tiện và người tham gia giao thông khá lớn, tiềm ẩn những vấn đề phức tạp về trật tự an toàn giao thông (ATGT) nói chung, về trật tự ATGT đường thủy nói riêng. Khi đó, phương tiện chuyên chở khách qua sông không bảo đảm an toàn; nhiều khi người không đủ tuổi hoặc người không có giấy phép theo quy định cũng điều khiển phương tiện chở khách qua sông; chủ đò hoặc thuyền viên thiếu trách nhiệm trong khâu trang bị phao, chở quá số người quy định...

Mặt khác, bến đò xa khu dân cư nên buổi tối, các đối tượng xấu thường tụ tập đánh bạc, gây gổ, buôn lậu lâm sản... ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) địa phương. Giải quyết tận gốc khó khăn, dựa vào chính nhân dân, nhất là người dân sinh sống ở khu vực bến đò, Đảng ủy, chính quyền xã Xuân Ái đã đề xuất xây dựng mô hình tổ tự quản về trật tự ATGT đường thủy nội địa ở cơ sở.

Tổ tự quản ra đời

Tổ tự quản về trật tự ATGT đường thủy nội địa bến đò thôn Chăn Nuôi, xã Xuân Ái đi vào hoạt động đã tạo nên những chuyển biến tích cực. Tổ tham gia tuần tra, nhắc nhở nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật, phát hiện những đối tượng lạ mặt, những dấu hiệu khả nghi trên địa bàn... Công việc thực hiện từ 21 giờ hàng ngày, là thời điểm đò ngừng chở khách. Quang cảnh bến đò thông thoáng hơn, các vấn đề phức tạp dần được giải quyết, hoạt động quản lý vận chuyển khách qua sông bắt đầu đi vào nề nếp, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật.

Bà Hà Hồng Lĩnh - Trưởng thôn Chăn Nuôi, Tổ trưởng Tổ tự quản cho biết: “Các tổ viên chung trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chở đò đưa khách qua sông. Chúng tôi quan tâm lắng nghe, tìm hiểu tâm tư của người đi đò để kịp thời góp ý với chủ đò. Có thuận lợi khi chủ đò là Tổ phó Tổ tự quản nên hoạt động nhịp nhàng, cùng nhau rút kinh nghiệm, công việc đạt hiệu quả”.

Góp phần tích cực giữ gìn ANTT trên địa bàn và duy trì tốt hoạt động bảo đảm ATGT đường thủy tại cơ sở, Tổ tự quản còn chủ động tham gia phòng, chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn. Mùa mưa lũ, các thành viên tập trung cao độ giúp nhân dân vận chuyển hoa màu trồng ở bãi bồi ven sông về nơi an toàn, tránh thiệt hại về tài sản.

Bà Nguyễn Thị Thời - người dân thôn Chăn Nuôi ghi nhận: “Hồi trước, vào mùa bão lũ, gia đình phải chủ động vận chuyển hoa màu. Nhà tôi cách bờ sông khoảng nửa cây số, tự vận chuyển thì rõ ràng là phải mất nhiều thời gian hơn, tài sản thiệt hại cũng không ít. Ba năm nay, có Tổ tự quản tham gia giúp đỡ, việc này cũng đỡ hơn nhiều. Như năm kia, nước lớn quá lại về ban đêm thì không nói chứ năm ngoái là chuyển được toàn bộ cả tấn bí đỏ đấy chứ”.

Khi có thêm trách nhiệm

Theo quy định, ở bến sông này, luân phiên nhau, chủ đò phía xã Báo Đáp (Trấn Yên) chở khách một tuần lại đến chủ đò bên xã Xuân Ái chạy một tuần. Chiếc thuyền của chủ đò Xuân Ái Nguyễn Văn Khanh mang biển đăng ký YB 0057H, có số điện thoại, bảng giá vé đò ngang, nội quy qua đò, phao tròn, áo phao, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện... Ông Khanh đã 27 năm gắn bó với nghề chở đò. Tham gia Tổ tự quản, ông là Tổ phó và vợ ông, bà Nguyễn Thị Hồng cũng là tổ viên. Chuyến đò này toàn khách quen nên mọi người đều thông thạo việc đưa xe lên, mặc áo phao và tìm chỗ ngồi hợp lý trên đò. Vợ chồng chủ đò và hành khách trò chuyện, hỏi thăm nhau như thể người nhà.

Ông Khanh có giọng nói dứt khoát: “Khách không nhiều như xưa nữa, mỗi ngày chỉ dăm, sáu chục lượt người qua lại. Trách nhiệm của mình thì mình phải cố gắng hoàn thành tốt, tạo sự thoải mái cũng như bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản cho người đi đò”. Ông chủ đò kể chuyện chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường thủy nội địa, tập huấn hàng năm, đăng kiểm phương tiện... cùng những lần cứu người chết đuối, đưa khách đi viện, người nhỡ độ đường... Bà Hồng thêm vào câu chuyện của chồng: “Niêm yết giá là chúng tôi thực hiện nghiêm. Khách đi lại thường xuyên, chúng tôi giảm giá vé còn một nửa. Mình như làm dâu trăm họ, khách có ý kiến phải quan tâm, đáp ứng ngay”. Bên này bãi bồi rộng, từ đường xuống thuyền lên bờ cũng gần 100m là cát, khó đi. Vợ chồng ông đã đóng thang gỗ lát đường rồi tôn đường cao cho khách dễ di chuyển và năm nào cũng phải đầu tư sửa chữa.

Niềm vui cho bao người

Khách qua đò hàng ngày chủ yếu có các giáo viên nhà ở thị trấn Mậu A (Văn Yên), thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên), thành phố Yên Bái... và công nhân Nhà máy Giấy Yên Hợp. Những người đi đò chia sẻ, bây giờ qua sông không phải chờ đợi lâu như trước đây, bước xuống đò có cảm giác an toàn, tin tưởng, thoải mái. Anh Bùi Xuân Thức ở thôn Tân Tiến 1, xã Xuân Ái là chủ xưởng cơ khí Thức Thủy. Với công việc của mình, anh thường xuyên qua lại bến đò này, ngày nhiều tới bốn lượt đi về. Anh vui vẻ cho hay: “Từ ngày có Tổ tự quản hoạt động, việc qua đò bảo đảm an toàn hơn, giá đò ổn định, người lái đò nhiệt tình. Nói chung là khách đi đò cũng như bản thân tôi đều cảm thấy hài lòng”.

Chuyến đò lúc 19 giờ hôm ấy có duy nhất chị Hà Thị Bình đi thăm họ hàng ở thôn Chăn Nuôi trở về nhà bên thôn 1, xã Báo Đáp. Chị bảo rằng: “Thích nhất là bây giờ chẳng phải chờ đợi lâu nữa, kể cả có một người thì chủ đò vẫn vui vẻ đưa khách sang sông”.

Ba năm đi vào hoạt động, Tổ tự quản về trật tự ATGT đường thủy nội địa bến đò thôn Chăn Nuôi cho thấy hiệu quả cụ thể khi không để xảy ra vụ việc mất ATGT đường thủy nào. Tính đúng đắn của việc xây dựng mô hình này thể hiện ở chỗ tăng cường hiệu quả phối hợp hoạt động của các cơ quan chức năng, nâng cao trách nhiệm của mỗi thành viên tổ tự quản, người dân tự giác chấp hành quy định của pháp luật, đoàn kết giữ gìn trật tự an ninh và trật tự ATGT đường thủy. Những con số thống kê lượt người, lượng hàng hóa, tài sản qua bến đò này bảo đảm an toàn không chỉ là niềm vui của riêng mình ai mà là niềm vui chung của bao gia đình khi được đón người thân trở về sau mỗi ngày.

Đồng chí  Vũ Viết Cường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Ái:

“Tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình tự quản về trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn, xã sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá hoạt động của tổ tự quản theo định kỳ. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ quan tâm giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của mô hình này khi có đề xuất”.

 

 

 

 Đồng chí  Triệu Đình Khải - Trưởng Công an xã Xuân Ái:

“Trực tiếp chỉ đạo nghiệp vụ đối với mô hình tổ tự quản, chúng tôi chú trọng kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở chủ đò chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường thủy nội địa. Công an xã sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình, báo cáo kết quả thực hiện cũng như các khó khăn nảy sinh với chính quyền địa phương, với Công an huyện”.

 

 

 

 

 Bà Hà Hồng Lĩnh - Trưởng thôn Chăn Nuôi, Tổ trưởng Tổ tự quản:

“Tổ tự quản đã hoạt động theo đúng Quy chế số 01/QC-TTQ ngày 8/5/2012 của UBND xã. Mỗi thành viên của tổ đều có ý thức tốt, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao. Mong muốn của chúng tôi là có nguồn kinh phí hỗ trợ duy trì hoạt động của tổ ngày càng hiệu quả hơn nữa”.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn kiểm tra giống lúa Séng Cù trồng tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.

YBĐT - Những năm qua, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có những bước đi vững chắc, trong đó lựa chọn giải pháp sản xuất nông nghiệp chất lượng cao làm trọng tâm nhằm nâng giá trị kinh tế trên diện tích canh tác, gắn với chuyển dịch cơ cấu mùa vụ thích hợp cho từng vùng miền.

Tỷ lệ bé trai hiện nay cao hơn so với bé gái.
Ảnh: Cô và trò Trường mầm non xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trong giờ học. (Ảnh: Hồng Duyên)

YBĐT - Những năm gần đây, cũng như nhiều tỉnh, thành khác, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh Yên Bái đã đến mức báo động. Vậy, tình trạng này hiện như thế nào ? Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào nhằm khống chế và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh?

Người dân xã Yên Thái nhận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

YBĐT - Tín dụng chính sách là kênh tín dụng đặc biệt, là nguồn vốn của Chính phủ cho người dân vay để thoát nghèo, giúp bà con vươn lên làm giàu. Để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả, cần có trách nhiệm rất cao của ngân hàng, chính quyền, các hội, đoàn thể và mỗi người dân. Kinh nghiệm rút ra trong thực hiện mô hình xã điểm tín dụng chính sách ở xã Yên Thái, huyện Văn Yên thời gian qua đã cho thấy rõ điều này.

YBĐT - Chế biến gỗ rừng trồng là nghề đang phát triển khá rầm rộ tại các huyện, thị trong tỉnh, tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên, do sự chủ quan, thiếu kiến thức về an toàn lao động của các nhà xưởng và chính người lao động, nhất là khi chủ xưởng chưa có sự đầu tư về các phương tiện và điều kiện bảo hộ lao động cho những lao động đang làm việc tại xưởng của mình... vẫn đang là những nguy cơ tiềm ẩn, rình rập gây mất an toàn lao động...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục