Để chuyện bé không xé ra to!
- Cập nhật: Thứ năm, 25/6/2015 | 2:57:36 PM
YênBái - YBĐT - Với phương châm giải quyết dứt điểm, không để "chuyện bé xé ra to", công tác hoà giải trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động đó góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư", giữ gìn truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng thôn, xóm…
Hòa giải viên thôn Đồng Mè, xã Đại Lịch (Văn Chấn) giải quyết mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở.
|
Bắt đầu từ xích mích nhỏ
Được chứng kiến anh Phan Văn P và anh Hà Văn H ở thôn Đồng Mè, xã Đại Lịch (Văn Chấn) cùng đi làm nương, thu hoạch, vận chuyển gỗ rừng trồng không ai có thể hình dung được chỉ chưa đầy hai năm về trước, mâu thuẫn của hai người đó trở thành tâm điểm của địa phương. Trước đây, do mảnh đất của hai gia đình không phân ranh giới cụ thể nên đã xảy ra tranh chấp khiến anh P, anh H cùng làm đơn gửi đến thôn nhờ giải quyết. Tổ hòa giải của thôn đã trực tiếp đến tận nơi khuyên giải, thuyết phục hai bên, đồng thời mời cán bộ địa chính của xã xuống đo lại diện tích theo giấy tờ đất. Nhờ cách giải quyết có tình, có lý, mâu thuẫn giữa gia đình anh P và anh H đã gỡ bỏ.
Anh Phan Văn P chia sẻ: "Nếu không có tổ hòa giải giúp đỡ, không biết đến bao giờ chúng tôi mới làm lành với nhau. Bây giờ tôi và anh H lại thành anh em tốt rồi, thường xuyên giúp nhau việc lớn nữa đấy". Được biết, không chỉ một vụ việc trên, mà rất nhiều vụ việc mâu thuẫn trong thôn Đồng Mè đã được giải quyết ngay tại cơ sở như vậy.
Câu chuyện của gia đình anh Giàng A T. thôn Tà Đằng, xã Xà Hồ (Trạm Tấu) cũng là một trường hợp như vậy. Được biết, là vợ chồng trẻ, luôn xảy ra chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, anh chồng đuổi vợ về nhà ngoại không cho gặp mặt con. Nhưng rồi thông qua những lời động viên, phân tích hợp tình, hợp lý của các thành viên trong tổ hòa giải của thôn, anh T. đã hiểu ra vấn đề, đón vợ về nhà đoàn tụ, cùng nhau chăm sóc con nhỏ.
Hộ bà Lương Thị D ở thôn 2, xã Động Quan (Lục Yên) xảy ra mâu thuẫn với 3 hàng xóm cùng thôn. Nguyên nhân là do đất đồi sản xuất của 4 hộ ở liền kề nhau, nên hộ bà T, bà Đ và hộ ông T ở cạnh đất của bà D đã lấn chiếm đất dẫn đến mâu thuẫn nảy sinh. Nắm bắt được tình tiết vụ việc, Ban hòa giải thôn đã gặp gỡ các gia đình nghe nội dung trình bày của các bên.
Sau đó xác minh lại hiện trường tranh chấp, xác định rõ ranh giới, mốc giới của lô đất lấn chiếm và hồ sơ cấp quyền sử dụng đất của các hộ, Ban hòa giải đã phân tích: việc lấn chiếm đó là sai đối với ranh giới, mốc giới được nhà nước cấp quyền cho các hộ sử dụng. Kết quả vụ việc được hòa giải thành, ba hộ lấn chiếm đất đã trả lại cho hộ bà D. Đó chỉ là 3 trong rất nhiều vụ việc, mâu thuẫn nhỏ vẫn thường xảy ra tại cơ sở, cộng đồng khu dân cư đã được ban hòa giải, các tổ hòa giải ở cơ sở can thiệp kịp thời, không làm phát sinh thành vụ việc lớn.
Trách nhiệm với cộng đồng
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.238 tổ hòa giải với 12.367 hòa giải viên cơ sở. Qua nhiều năm hoạt động, các tổ hòa giải cơ sở đã góp phần gìn giữ cuộc sống ấm êm trong mỗi gia đình, bình yên thôn xóm, đồng thời xây dựng, củng cố mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ hoà giải được thành lập ở hầu hết các tổ nhân dân, thôn, khu dân cư, xóm... Thành phần của tổ hòa giải gồm: bí thư chi bộ, trưởng thôn (tổ nhân dân), hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên và các tổ chức thành viên khác của mặt trận cùng các tổ viên là già làng, chức sắc tôn giáo, những người có kinh nghiệm, có uy tín cao trong cộng đồng dân cư.
Khi có sự việc xảy ra, hay một lá đơn mới gửi lên thôn, lên xã... đều được những người làm công tác hòa giải ở cơ sở khẩn trương bắt tay vào cuộc. Tuy chỉ làm kiêm nhiệm trong các tổ hòa giải, tổ an ninh xung kích, không chút kinh phí hỗ trợ, không chút tiền trách nhiệm nhưng tất cả đều vì nhiệm vụ chung là bảo đảm an ninh trật tự địa bàn, giữ tình làng nghĩa xóm. Không chỉ tiên phong trong việc “hướng dẫn, thuyết phục, dàn xếp, giúp đỡ” những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, lực lượng hòa giải viên cơ sở còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể những người có uy tín, nhất là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệt tình hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do cấp trên phát động...
Nhờ đội ngũ này, các vụ hoà giải thành công ngày càng nhiều, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn toàn tỉnh năm 2014 chiếm tỷ lệ trên 90% số vụ việc góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở.
Một trong những kinh nghiệm của công tác hòa giải ở cơ sở là ngay sau khi có báo cáo về vụ việc, tổ hòa giải của thôn đều xuống tận cơ sở, tìm hiểu rõ nguyên nhân, sau đó, xin ý kiến chỉ đạo của xã, tiến hành họp thảo luận, nghe ý kiến đóng góp của các thành viên để thống nhất phương án hoà giải. Trước đó, thành viên tổ hòa giải của xã gặp gỡ làm công tác tư tưởng với từng cá nhân xảy ra mâu thuẫn rồi mới tiến hành hòa giải. Với cách làm "Mưa dầm thấm lâu", cách giải quyết vụ việc thấu tình đạt lý nên tỷ lệ hòa giải thành ở các xã Đại Lịch (Văn Chấn), Giới Phiên (thành phố Yên Bái), Phú Thịnh (Yên Bình), phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ), thị trấn Yên Thế (Lục Yên) và ở nhiều địa phương khá luôn đạt cao. Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, người dân đã gửi đơn lên đúng cấp thẩm quyền (cấp thôn) giải quyết chứ không gửi vượt cấp...
Nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên
Công tác hòa giải ở cơ sở không chỉ góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện mà qua đó nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước đã được truyền tải, nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy hoạt động hòa giải ở cơ sở hiện nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Ở một số xã, phường, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thật sự quan tâm đến công tác hòa giải, sự phối hợp giữa các tổ chức để tiến hành hòa giải thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, vai trò tham mưu của cán bộ tư pháp cấp xã đôi khi còn lúng túng, chưa nắm kỹ những quy định của pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở, còn tình trạng khi sự việc xảy ra chưa phát hiện kịp thời hoặc giải quyết qua loa nên kết quả hòa giải chưa bền vững...
Mặt khác, nhiều hòa giải viên tâm lý cả nể, xuề xòa "dĩ hòa vi quý" chưa mạnh dạn, nhiệt tình trong hoạt động hòa giải nên giải quyết các vụ việc chưa kịp thời. Thực tế còn cho thấy, cơ chế, chính sách cho công tác hòa giải và hòa giải viên chưa cụ thể và thỏa đáng góp phần động viên, khuyến khích sự tự nguyện trong hoạt động này. Mặt khác, còn có những hạn chế về trình độ, năng lực, kỹ năng của đội ngũ hòa giải viên, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Để công tác hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và trật tự, an ninh ở địa phương, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải; bổ sung nguồn kinh phí hợp lý cho công tác hòa giải tại các tổ, nhất là phụ cấp cho đội ngũ hòa giải viên trực tiếp làm công tác hòa giải tại cơ sở. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên để có thể kết hợp hài hòa giữa lý và tình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, bản thân các hòa giải viên cũng cần tự trau dồi, rèn luyện kỹ năng, phương pháp, tiếp cận các kiến thức, hiểu biết về pháp luật và phát huy tinh thần, trách nhiệm trong việc phát hiện, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở địa bàn dân cư, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư; ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, ổn định trật tự, an toàn xã hội ngay từ cơ sở.
Ông Lý A Lử - Trưởng phòng Tư pháp huyện Mù Cang Chải:
Ông Lê Ngọc Long - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn):
Anh Sùng A Khay - Hòa giải viên, thôn Tà Đằng, xã Xà Hồ (Trạm Tấu):
|
Quỳnh Nga
Các tin khác
YBĐT - Xã Xuân Tầm (huyện Văn Yên) có tổng diện tích tự nhiên trên 7.000ha, với dân số trên 600 hộ, hơn 2.700 nhân khẩu, 98% là đồng bào Dao, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đất đai chủ yếu là đồi núi dốc, cả xã chỉ có trên 65ha ruộng nước còn lại là nương đồi và rừng tự nhiên. Vì vậy, nhân dân trong xã đã đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng và quế trở thành cây trồng mũi nhọn không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu ở vùng đất này.
YBĐT - Trong nền kinh tế thị trường đầy ắp những biến động, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm kinh tế nói riêng là cuộc chiến đầy cam go, phức tạp và lâu dài của ngành công an nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
YBĐT - Phiên chợ vùng cao, người ta nhớ những người phụ nữ Mông kiên nhẫn đứng che ô cho chồng mà lây cả niềm vui bè bạn. Tan chợ có người quá chén được đặt nằm vắt ngang lưng ngựa, người vợ đi sau tay cầm đuôi ngựa vượt dốc. Mọi người lưu luyến chia tay, hẹn phiên chợ sau.
YBĐT - Năm 1995, thị xã Nghĩa Lộ được tái lập. Với 4 phường của những ngày đầu, đến nay, thị xã có 7 xã, phường. 20 năm sau ngày tái lập, thị xã đã có những đổi thay vượt bậc, tuy nhiên để đánh thức các tiềm năng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vẫn là bài toán khó. Nhiều chuyên gia vẫn thường ví: “Nghĩa Lộ, Mường Lò như một cô gái đẹp đang ngủ quên”.