Mù Cang Chải từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/7/2015 | 2:58:29 PM

YênBái -

YBĐT - Người Mông thường quan niệm, con gái đi lấy chồng thì "lúc sống là người của họ nhà chồng, lúc chết cũng là ma họ nhà chồng. Do đó, con của anh trai, hay con em gái ruột và ngược lại vẫn lấy nhau được vì đã khác họ.

 

Những cặp vợ chồng người Mông kết hôn đúng độ tuổi được bà con đến dự đám cưới đông vui.
Những cặp vợ chồng người Mông kết hôn đúng độ tuổi được bà con đến dự đám cưới đông vui.

Huyện Mù Cang Chải có trên 90% dân số là người Mông, dân trí không đồng đều nên nhận thức về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Đặc biệt, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH,HNCHT) vẫn tồn tại và để lại những hệ lụy. Trước thực trạng trên huyện Mù Cang Chải đã tăng cường các giải pháp từng bước ngăn chặn và đẩy lùi nạn TH,HNCHT.

Người Mông thường quan niệm, con gái đi lấy chồng thì "lúc sống là người của họ nhà chồng, lúc chết cũng là ma họ nhà chồng. Do đó, con của anh trai, hay con em gái ruột và ngược lại vẫn lấy nhau được vì đã khác họ. Hoặc là, lấy anh em cận huyết là để hai bên có điều kiện quan tâm đến con cái. Chính những quan niệm lạc hậu này, đã để cho nhiều trường hợp kết hôn khi còn ít tuổi và thường kết hôn cận huyết, rồi để lại những hậu quả khôn lường, làm ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi.

Trường hợp anh Mùa A Sùng, ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn kết hôn với chị Giàng Thị Chù - con gái của người cô ruột. Sau khi kết hôn, vợ chồng anh sinh được 2 cậu con trai. Sau này, họ lại muốn sinh thêm con gái và năm 2000 anh chị tiếp tục sinh thêm đứa con thứ 3. Tuy nhiên, lại thêm cậu con trai nữa nhưng không được khỏe mạnh mà bị dị tật. Mỗi bàn chân của cháu có 6 ngón, mắt bị mù và không có hậu môn. Các bác sỹ ở Viện Nhi Trung ương đã tạo hậu môn bên hông nhưng sức khỏe cũng không có gì tiến triển. Anh Sùng vẫn thường xuyên phải đưa con đi chữa tại các bệnh viện lớn, khiến kinh tế kiệt quệ. Mùa A Sùng nghẹn ngào: "Lúc mới lớn, bố mẹ đã bắt mình lấy vợ theo ý thích của bố mẹ. Hậu quả đã dẫn đến như ngày hôm nay. Vợ chồng mình đau lòng lắm! Cháu bị bệnh là một gánh nặng cho gia đình. Mong thông qua câu chuyện của tôi, các bậc cha mẹ không nên ép duyên, không để con cháu cận huyết lấy nhau, tránh được những hậu quả xấu".

Anh Sùng A Nủ ở bản Tà Ghênh, xã Nậm Có cũng là trường hợp tương tự. Vì ép duyên nên Nủ cũng lấy con gái của người cô ruột khi mới tuổi 15. Anh chị sinh được 2 con nhưng chúng đều bị mù loà ngay khi mới lọt lòng. Tuổi thơ của các em bị đánh mất bởi cuộc hôn nhân cận huyết thống của cha mẹ. Do thiếu kiến thức làm mẹ khi còn quá trẻ, khi phát hiện cả 2 con bị mù. Đau khổ tột cùng, khiến vợ Nủ từ giã cõi đời bằng lá ngón. Giờ đây, anh Nủ sống thui thủi với những lo âu không biết cuộc sống của mình và tương lai hai đứa con mù lòa kia sẽ ra sao?

Để nâng cao nhận thức cho đồng bào về tác hại và giải pháp ngăn chặn nạn TH,HNCHT, thời gian qua, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS - KHHGĐ) huyện Mù Cang Chải đã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình về tuổi đăng ký kết hôn, khai sinh và phổ biến kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS); phân tích về quyền, trách nhiệm, lợi ích trong thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, chăm sóc SKSS và KHHGĐ; vận động thực hiện quy ước, hương ước thôn bản đối với công tác DS-KHHGĐ. Từ những minh chứng cụ thể ở các thôn bản, cán bộ của Trung tâm DS - KHHGĐ huyện không chỉ giúp người dân thấy được hậu quả của nạn TH,HNCHT mà qua đó đã đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ và các vấn đề liên quan đến hôn nhân tới họ.

Bà Sùng Thị Máy - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết: "Để làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống nạn TH,HNCHT, Trung tâm đã tham mưu với UBND huyện về các giải pháp và thường xuyên tổ chức tuyên truyền tại các trường học, cụm dân cư, gia đình". Với giải pháp này, bên cạnh việc tuyên truyền tới các đối tượng đã kết hôn, huyện đặc biệt chú ý tuyên truyền cho học sinh các trường học tổ chức tuyên truyền về ảnh hưởng xấu của nạn TH,HNCHT, giáo dục giới tính, kỹ năng sống đối với lứa tuổi vị thành niên. Từ nhận thức của các em, không chỉ làm thay đổi hành vi của mình mà còn trở thành "đội ngũ" tuyên truyền viên tích cực tại gia đình, cộng đồng để chống nạn TH,HNCHT.

Em Hoàng Thị Thi - lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú  Mù Cang Chải tâm sự: "Qua các buổi tuyên truyền về chủ đề TH,HNCHT, em thấy vô cùng ý nghĩa vì đã giúp em hiểu sâu về tác hại của tình trạng này. Đồng thời, em thấy mình cần phải tích cực tuyên truyền cho nhiều người cùng biết".

Là một trong bốn huyện của tỉnh được tham gia Dự án "Can thiệp làm giảm tình trạng TH,HNCHT", huyện Mù Cang Chải đã tổ chức triển khai thực hiện tốt mô hình tại 4 xã: Nậm Khắt, Púng Luông, Chế Cu Nha, Lao Chải. Bước đầu, mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành và nhân dân về hậu quả của nạn TH,HNCHT. Thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân với nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên trong thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình. Ngoài mục đích làm giảm tỷ lệ TH,HNCHT tại các xã trên, mô hình còn hướng tới làm giảm tỷ lệ trẻ em bị dị tật, nâng cao sức khỏe cho các bà mẹ "nhí" trong quá trình mang thai và sinh đẻ.

Tuy vậy, việc ngăn chặn nạn TH,HNCHT không thể là công việc có thể giải quyết ngay được mà nó cần có sự quyết tâm hành động lâu dài của các cấp, ngành, đoàn thể, nhân dân do vấn đề này đã trở thành phong tục, tập quán của bà con từ xa xưa. Trong đó, cấp xã, thôn bản cần quyết liệt hơn trong xây dựng hương ước, quy ước thôn bản một cách rõ ràng, cụ thể và có biện pháp xử lý hiệu quả những trường hợp vi phạm TH,HNCHT. Cán bộ, đảng viên công tác tại xã, thôn bản phải là những người gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình. Kiên quyết không cho con cháu TH,HNCHT, để người dân noi theo. Thực tế, những năm gần đây, các xã cũng đã tiến hành khá quyết liệt việc ngăn chặn TH,HNCHT. Do vậy, năm 2013 có 24 cặp tảo hôn thì năm 2014 còn 14 trường hợp và chỉ có 1 cặp kết hôn cận huyết tại xã Chế Cu Nha.

Ông Giàng A Tông - Bí thư Huyện ủy huyện Mù Cang Chải cho biết: "Những năm gần đây, huyện đã chỉ đạo quyết liệt, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động, xử lý nên tình trạng TH,HNCHT đã giảm đáng kể. Nhưng về lâu dài, huyện vẫn phải huy động mọi giải pháp tốt nhất, để việc ngăn chặn vấn nạn TH,HNCHT  phải trở thành ý thức tự giác của người dân".

Trước mắt, huyện Mù Cang Chải vẫn cần phải tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy lùi TH,HNCHT; nhân rộng các mô hình điểm nhằm giảm thiểu tình trạng này; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng và đội ngũ nhân viên y tế thôn bản cùng nhập cuộc; tích cực đầu tư nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào; chú trọng nâng cao hiệu quả Đề án "Giảm thiểu tình trạng TH,HNCH trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 -2025".

Đức Hồng

Các tin khác
Các học viên Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Yên Bái tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn.

YBĐT - Hơn 20 năm chìm đắm trong sự khoái lạc của ma túy, Vũ Văn Quang, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ không thể nhớ nổi mình đã đốt hết bao nhiêu tiền của gia đình. Nghĩ lại quãng thời gian 20 năm làm khổ vợ con, bố mẹ và người thân, trong Quang giờ đây chỉ còn lại sự ăn năn, hối hận. Đó cũng là tâm trạng chung của các học viên đang cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Gi

Nhân dân Bình Thuận san tạo mặt bằng để bê tông hóa đường liên thôn.

YBĐT - Sau khi kiện toàn lại đội ngũ lãnh đạo, Đảng ủy, chính quyền xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã tập trung ngay vào lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng hệ thống chính trị, lấy lại niềm tin với nhân dân.

Hòa giải viên thôn Đồng Mè, xã Đại Lịch (Văn Chấn) giải quyết mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở.

YBĐT - Với phương châm giải quyết dứt điểm, không để "chuyện bé xé ra to", công tác hoà giải trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động đó góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư", giữ gìn truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng thôn, xóm…

Sản phẩm vỏ quế khô Xuân Tầm được xuất bán ra thị trường.

YBĐT - Xã Xuân Tầm (huyện Văn Yên) có tổng diện tích tự nhiên trên 7.000ha, với dân số trên 600 hộ, hơn 2.700 nhân khẩu, 98% là đồng bào Dao, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đất đai chủ yếu là đồi núi dốc, cả xã chỉ có trên 65ha ruộng nước còn lại là nương đồi và rừng tự nhiên. Vì vậy, nhân dân trong xã đã đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng và qu

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục