Thành phố lúc rạng đông

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/7/2015 | 2:42:55 PM

YênBái - YBĐT - Tôi cứ muốn nhìn thành phố trẻ bên sông từ nhiều góc độ khác nhau, để khám phá hết mọi vẻ đẹp tiềm ẩn không phải ai cũng có thể nhìn ra. Có những buổi chiều, một mình lần mò lên một ngọn đồi cao của xã Hợp Minh phía hữu ngạn sông Hồng nhìn sang thành phố. Cũng có lần leo lên ngọn đồi cao của Nam Cường gần như vị trí trung tâm địa lý, để nhìn trực diện thành phố.

Một đoạn đường tránh ngập, thành phố Yên Bái đã hoàn thành đưa vào sử dụng. (Ảnh Thanh Miền)
Một đoạn đường tránh ngập, thành phố Yên Bái đã hoàn thành đưa vào sử dụng. (Ảnh Thanh Miền)

Lần này, anh bạn là nhà báo tự tay lái xe ô tô đưa tôi về Văn Phú. Anh bảo là đưa tôi đi “thị sát” đường tránh ngập - đại lộ hoành tráng nhất của tỉnh và cũng là của thành phố Yên Bái để tôi có một góc độ từ cửa ô phía Nam nhìn về thành phố vào lúc rạng đông. Làm sao anh lại biết tôi đang ấp ủ những điều mong muốn ấy.

Đứng ngay trên cầu Văn Phú - cây cầu bê tông dự ứng lực, hiện đại, sừng sững bắc qua sông ở vị trí tận cùng phía Nam của thành phố, cây cầu rộng thênh, vồng lên nối đôi bờ đẹp như một dải cầu vồng bảy sắc trong ánh mắt tuổi thơ. Mặt trời đã lên đến đỉnh đồi cao của thôn Thanh Hùng (xã Tân Thịnh) - quả đồi vừa bị vạt đi một nửa để đường tránh ngập đi qua. Nắng sớm đã dịu đi so với ngày nóng nực hôm qua. Ánh nắng lênh láng trên dòng sông chảy dưới chân cầu, nắng tràn lên vùng đồi mênh mông bên hữu ngạn sông Hồng thật đẹp và thoáng đãng như vừa mới hiện về từ quá khứ, một vùng đất giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng. Tự dưng, tôi muốn cất lên lời cảm ơn Đảng bộ, chính quyền, cảm ơn những người có trọng trách, với tầm nhìn rộng lớn đã quyết định một cuộc “đổ bộ” đưa thành phố sang sông.

Đứng giữa ban mai nhìn về, tôi nhận ra một điều thật lý thú, có lẽ chưa ở đâu có được thành phố rừng xanh bát ngát giữa phố, giữa phường như Yên Bái của mình. Nhớ rất rõ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định thành lập thành phố Yên Bái trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Yên Bái, gồm 11 đơn vị hành chính xã, phường. Sáu năm sau, Chính phủ tiếp tục ra Nghị định điều chỉnh địa giới, mở rộng thành phố trên cơ sở sáp nhập 6 xã của huyện Trấn Yên vào thành phố, trong đó có 4 xã, hơn một vạn ba nghìn dân ở phía hữu ngạn sông Hồng từ Tuy Lộc đến xã Âu Lâu, 2 xã ở phía tả ngạn là Văn Phú và Văn Tiến.

Không gian mở rộng sang phía hữu ngạn sông Hồng, không chỉ tạo điều kiện cho sự phát triển theo một quy hoạch mới, thông thoáng hơn, sớm đưa thành phố lên đô thị loại II mà còn hướng tới những ý tưởng lớn hơn, xa hơn. Những sức ép về tốc độ phát triển và quy mô phát triển, đòi hỏi phải đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng. Những yếu tố nội tại của nền kinh tế đô thị non trẻ khiến thành phố luôn ở trong tình trạng hạn hẹp về nguồn lực. Bằng bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm, thành phố sớm nhìn ra quyết sách, phải quyết liệt xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư từ nội bộ, từ bên ngoài. Xây dựng kết cấu hạ tầng vừa là yêu cầu nội tại của thành phố nhưng cũng chính là tiền đề để khơi nguồn đầu tư, đó là con đường tất yếu để giải quyết tình trạng khát vốn, hạn hẹp về nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa đi liền với giải quyết vấn đề môi trường.

Đã nhiều lần đi “thị sát” đường tránh ngập nằm trên địa bàn thành phố, kể từ khi bắt đầu công việc giải phóng mặt bằng còn ngổn ngang trở ngại vì đường đi qua địa bàn 6 xã của thành phố và huyện Trấn Yên, có tới 710 hộ dân và cơ quan, đơn vị phải di chuyển, kinh phí bồi thường lên tới 123 tỷ đồng. Đoạn đường đôi vừa được thảm nhựa thật thênh thang, hoành tráng, vượt ra ngoài cả sức tưởng tượng của tôi. Xin ghi lại tóm tắt mấy con số sau: công trình đường tránh ngập là công trình giao thông cấp II, nối liền quốc lộ 37 với 32C và cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm đầu là Km5 trung tâm thành phố, điểm cuối là điểm giao cắt với cao tốc có chiều dài 10,3km. Đường có qui mô thiết kế mặt cắt ngang nền đường 50m, trong đó bề rộng mặt đường 21m, bề rộng dải phân cách 9m, bề rộng vỉa hè 20m; tổng vốn đầu tư 996 tỷ đồng, trong đó đoạn từ đầu cầu Văn Phú đến đường cao tốc dài 4.131m.

Đứng trên đường cao tốc ở nút giao cắt, nhìn về con đường tránh ngập thấy trời cao mây trắng trên đầu, con đường thênh thang hùng vĩ xuyên qua núi, qua đồi mà dâng tràn cảm xúc. Chắc chắn đến một ngày nào đó các nhà văn hóa, nhà khoa học sẽ chọn ra một cái tên nào đó thật xứng tầm để tỉnh và thành phố đặt tên cho đường tránh ngập hôm nay. Anh bạn cùng đi nói với tôi một cách thật hình ảnh:

- Có thể nói, thành phố Yên Bái cũng như tỉnh Yên Bái đã trải thảm đỏ để chờ khách, đón khách đến làm ăn.

- Có thật thế không? Tôi hỏi lại anh bạn.

Anh bạn trả lời tôi:

- Còn hơn thế nữa là đằng khác, lên xe ta đi tiếp.

Mấy năm gần đây, thành phố ưu tiên đầu tư cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng; chỉnh trang hè phố; kè bờ sông, bờ suối; nâng cấp vườn hoa, công viên; xây dựng nhiều công trình theo hướng đạt chuẩn đô thị. Các tuyến đường đô thị được xây dựng theo hướng đồng bộ, bảo đảm được tính kết nối cao trong toàn hệ thống; khu vực nông thôn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nguồn huy động đóng góp của nhân dân, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kiên cố hóa toàn bộ đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa… góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư mở rộng, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Trong đó, đường, điện, nước đi trước một bước.

Xe của chúng tôi dừng lại trước khu đền Rối, anh bạn cùng đi tỏ ra rất thông thạo chỉ tay giới thiệu, đây sẽ là nút giao cắt của đường tránh ngập với đường dẫn vào cầu Tuần Quán, điểm cuối bên kia là thôn 5, xã Giới Phiên, nút giao cắt với quốc lộ 32C (sắp được nâng cấp). Đường dẫn 2 đầu cầu được thiết kế theo qui mô đường đô thị có chiều dài 3,5km. Cầu được thiết kế vĩnh cửu, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng HL 93 có chiều dài 414,6m, chiều rộng mặt cầu 17m, nghĩa là rộng gần gấp đôi cầu Văn Phú với tổng mức đầu tư 674 tỷ đồng, trong đó xây cầu là 521 tỷ đồng. Tôi thật sự mừng rỡ trước thông tin này bởi mấy tháng trước đây, tỉnh và thành phố còn mở “Hội nghị Diên Hồng” lấy ý kiến của các vị bô lão (cán bộ lão thành), các đồng chí có chức vụ cao, về dự án xây dựng cầu Tuần Quán.

Trước khi vào hội nghị góp ý vào một dự án có tầm quan trọng đặc biệt, có cán bộ lão thành gặp dân, thăm dò ý nguyện của dân. Có người đưa ra phân vân của chính mình để hỏi dân: “Một thành phố đã có 2 cây cầu bắc qua sông vượt quá cả mơ rồi, vậy có cần xây dựng cái cầu thứ ba nữa không? Tốn kém năm sáu trăm tỷ đồng, trong khi đang rất hạn hẹp về nguồn vốn”. Nhưng chính các vị ấy cũng lại bộc lộ với dân có thêm một cây cầu lại là rất cần thiết để kết nối hoàn chỉnh mạng giao thông đô thị, phát huy tối đa hiệu quả của kết cấu hạ tầng… Thế nhưng, rất mừng đến “Hội nghị Diên Hồng” thì tất cả đều giơ tay ủng hộ vì xây dựng cây cầu là yêu cầu của phát triển, hợp với ý nguyện của dân.

Theo tay chỉ của anh bạn, trước mắt tôi là một vùng đồi tràn ngập cây xanh và dòng sông vẫn thao thiết chảy giữa đôi bờ. Và tôi thầm ước, đến một ngày nào đó, sẽ đến khúc sông này và ném xuống dòng sông một mảnh bần tan mà nói rằng: “Sông ơi, sông cứ trôi đi, từ nay sông lại có thêm một bóng cầu. Thành phố đôi bờ, trôi giữa triền sông. Đẹp lắm sông ơi!”.

Hôm ấy, trở về, chúng tôi đã tìm gặp Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Thủy, ông đã trình bày cho biết về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án cầu Tuần Quán mà không phải chúng tôi đã hiểu hết được. Ông nói rằng, khi cầu hoàn thành sẽ hiện thực hóa ý tưởng: quy hoạch xây dựng thành phố Yên Bái trở thành một đô thị văn minh - hiện đại với đặc trưng là đô thị sinh thái, trong đó, sông Hồng đoạn qua thành phố là trục không gian phát triển, liên kết giữa đô thị hiện đại và thành phố tương lai phía hữu ngạn sông Hồng mà hạt nhân đô thị là xã Giới Phiên. Vâng, tôi còn nhớ khi cây cầu đầu tiên của thành phố và cũng là đầu tiên của tỉnh xây dựng, phía hữu ngạn Hợp Minh bên kia còn là một vùng đồi hoang vu, cư dân thưa thớt.

Cây cầu bắc qua sông làm xong chỉ vài ba năm sau đã hình thành một đường phố sầm uất, nhà tầng, cửa hiệu mọc lên và đấy cũng chính là trung tâm để hình thành phường Hợp Minh. Hai phía của đầu cầu Văn Phú cũng đang được đô thị hóa và đang hướng tới mục tiêu đưa Văn Phú và Phúc Lộc trở thành hai phường mới của thành phố. Cầu Tuần Quán khi hoàn thành mở ra bước đột phá lớn. Các xã Hợp Minh, Âu Lâu, Phúc Lộc kết hợp với khu công nghiệp Minh Quân và khu du lịch Đầm Hậu (Minh Quân) cùng phát triển, mang đặc trưng khu đô thị sinh thái sẽ có sức hấp dẫn rất lớn.

Nhiều sự kiện mang dấu ấn làm nức lòng người, diễn ra trước thềm đại hội. Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX sẽ quyết định nhiều vấn đề mới mẻ mà nhân dân trông đợi, là bước đột phá cho sự phát triển và tôi nghĩ đó là đại hội có ý nghĩa quyết định đưa thành phố Yên Bái hiện nay sớm trở thành đô thị loại II.

Hải Đường

Các tin khác
Thanh niên tình nguyện tham gia làm đường giao thông nông thôn tại xã Xuân Long (Yên Bình).

YBĐT - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, những năm qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh không ngừng phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện đi tới khắp các địa phương trong tỉnh để tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển.

Sản xuất hàng hóa đòi hỏi các hộ nông dân phải liên kết lại thành hợp tác xã mới bền vững.

YBĐT - Sản xuất nông nghiệp (SXNN) Yên Bái trong những năm qua đã có những bước phát triển khá toàn diện và vượt lên “chính mình”. An ninh lương thực được bảo đảm, sản xuất bước đầu chuyển dịch theo hướng hàng hóa, tập trung, đã và đang hình thành một số vùng chuyên canh.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Thìn (người thứ 2, từ trái sang) giới thiệu giống giảo cổ lam 5 lá trồng tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên.

YBĐT - “Đời tôi luôn khao khát làm được một việc gì đó từ chính những gì mình đã được học, giúp được nhiều người có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, giúp họ thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương...” - đó là tâm sự rất chân tình của kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Hữu Thìn - Giám đốc Công ty TNHH Đức Việt, tổ 32, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái khi ông nói v

Những cặp vợ chồng người Mông kết hôn đúng độ tuổi được bà con đến dự đám cưới đông vui.

YBĐT - Người Mông thường quan niệm, con gái đi lấy chồng thì "lúc sống là người của họ nhà chồng, lúc chết cũng là ma họ nhà chồng. Do đó, con của anh trai, hay con em gái ruột và ngược lại vẫn lấy nhau được vì đã khác họ.

 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục