Để người lao động không còn mòn mỏi đợi chờ
- Cập nhật: Thứ tư, 8/7/2015 | 2:42:39 PM
YênBái - YBĐT - Sau nhiều năm chờ đợi, tới đây một số lao động tại Công ty cổ phần Chè Văn Hưng (gọi tắt là Công ty Chè Văn Hưng) sẽ được hoàn thiện các thủ tục để được nghỉ theo chế độ, kết thúc chuỗi ngày dài sống trong điều kiện khó khăn về kinh tế, mòn mỏi chờ được hưởng mọi chế độ, lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình.
Ông Vũ Văn Hảo phải làm nghề sửa xe máy để duy trì cuộc sống gia đình.
|
Mòn mỏi chờ chế độ
Thấy có khách, ông Vũ Văn Hảo, thôn Đào Kiều, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình - người có 24 năm công tác tại Công ty (trên tổng số 29 năm công tác) dừng tay sửa chiếc xe máy, đi vào tiếp đón chúng tôi. Trong ngôi nhà gỗ đã cũ, ông mở đầu câu chuyện bằng sự tiếc nuối cho vùng chè, đã một thời giúp bao người ở Yên Bình thoát đói nghèo, nay nhiều diện tích rơi vào hoang hóa. Từng là một điển hình, nhưng năm 2013, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh khiến nhiều tháng lao động không lương, ông Hảo đã làm đơn chấm dứt hợp đồng với Công ty. Tưởng khi chấm dứt hợp đồng mình sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) theo luật định. Nhưng không, đến nay sau hơn 2 năm nghỉ việc, ông Hảo vẫn chưa được hưởng chế độ của mình. Thu nhập, cuộc sống hàng ngày của gia đình trông tất vào cửa hàng sửa chữa xe máy.
Ông Hảo cho biết: "Chúng tôi đã phải đóng đầy đủ tiền BHXH, mọi nghĩa vụ cho Công ty nhưng không hiểu sao đến nay chúng tôi vẫn chưa được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước. Nhiều người đủ điều kiện nghỉ chế độ nhưng phải làm đơn chấm dứt hợp đồng hoặc làm đơn bảo lưu BHXH. Hiện nay, chúng tôi không thể lấy được sổ bảo hiểm để nghỉ hoặc chuyển nơi khác làm việc".
Nghỉ việc nhưng không được giải quyết chế độ, khiến nhiều người đã từng công tác tại Công ty Chè Văn Hưng cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bởi vì, đã nghỉ việc đồng nghĩa với không có lương. Chưa được giải quyết chế độ BHXH chẳng thể nào có lương hưu, đặc biệt vì Công ty nợ đọng tiền BHXH nên họ cũng không thể được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nên khi ốm đau, thai sản họ phải tự chi trả. Nhiều trường hợp rất khó khăn như ông Phùng Quang Đồng ở đội 4, ông Nguyễn Thế Kỷ ở đội 2, Nguyễn Thị Bích Dung ở đội 2…
Bà Nguyễn Thị Bích Dung cho biết thêm: "Từ tháng 3/2014, tôi xin nghỉ với trên 29 năm công tác nhưng đã hơn một năm nay tôi vẫn chưa được giải quyết các chế độ. Nhà chồng có ít đất chè nên chịu khó "bới đất lật cỏ" nên gia đình tôi may mắn có chút thu nhập duy trì cuộc sống. Nhiều trường hợp không có sức khỏe, ốm đau liên miên, thậm chí mắc bệnh trọng thì cực lắm".
"Tức nước vỡ bờ", sau nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết chế độ, ngày 14/3/2015, ông Vũ Văn Hảo cùng 18 người đã có đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng có phương án giải quyết quyền lợi cho công nhân. Trong đơn có đoạn: "… người lao động hàng tháng phải nộp 100% tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm y tế (BHYT) cho Công ty (trong đó, một số đã nghỉ việc, một số đã chấm dứt hợp đồng lao động, một số đã đến tuổi nghỉ hưu) nhưng không chốt được sổ BHXH để trả người lao động, giải quyết và hưởng các chế độ BHXH…".
Ngày 17/3/2015, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp 5 công nhân và nhận 3 đơn thư kiến nghị của 19 công nhân trực thuộc Công ty Chè Văn Hưng. Sau khi xem xét đơn đề nghị của ông Vũ Văn Hảo thay mặt cho 18 công nhân đề nghị, ngày 13/4/2015, Ủy ban Kiểm tra Liên đoàn Lao động tỉnh cùng Chủ tịch Công đoàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến làm việc tại Công ty về nội dung đơn đề nghị của 19 công nhân lao động.
Qua cuộc làm việc, nguyên nhân của thực trạng này đã được làm rõ. Theo đó, sau khi chuyển đổi doanh nghiệp, Công ty vay vốn nước ngoài để mua dây chuyền sản xuất, chế biến chè đen xuất khẩu trị giá 12 tỷ đồng và nợ cũ trước khi chuyển đổi là 1 tỷ đồng. Đến năm 2014, Công ty đã hoàn trả hết số nợ trên và trả lương cho công nhân, viên chức, lao động.
Tuy nhiên, do sản xuất theo thời vụ và tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, giá nguyên liệu, tiền lương, tiền công đều tăng trong khi thị trường tiêu thụ chè trong nước và quốc tế giảm từ 30 - 40%, sản phẩm tồn kho không tiêu thụ được, dẫn đến nợ công nhân lao động BHXH, BHTN, BHYT. Đến ngày 31/12/2014, doanh nghiệp còn nợ cơ quan BHXH 3 tỷ 531 triệu đồng (số chẵn) tiền BHXH, BHYT, BHTN. Số nợ phát sinh trong quý I/2015 là 440 triệu đồng. Tổng cộng, Công ty Chè Văn Hưng còn nợ cơ quan BHXH là 3 tỷ 971 triệu đồng, trong đó lãi chậm nộp là 584 triệu đồng.
Sau khi xem xét số công nhân, lao động của Công ty cần thực hiện chế độ, chính sách BHXH là 66 người (nay là 68 người) chứ không phải là 19 người có đơn. Cụ thể: 14 người đủ điều kiện nghỉ hưu, tai nạn lao động đã giám định y khoa và tử tuất; 25 người đã nghỉ việc chờ chốt sổ BHXH để giám định sức khỏe nghỉ hưu; 10 người đang đóng BHXH đủ điều kiện giám định sức khỏe nghỉ hưu và 19 người đã nghỉ việc chờ chốt sổ BHXH.
Bà Nguyễn Thị Minh - Giám đốc Công ty Chè Văn Hưng cho biết: "Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, căn cứ vào Văn bản số 2266/BHXH - BT ngày 20/6/2013 của BHXH Việt Nam về giải quyết vướng mắc về thu, xác nhận sổ BHXH, chúng tôi đề nghị cơ quan BHXH tỉnh xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ. Theo đó, Công ty xây dựng kế hoạch tiến độ nộp tiền BHXH và đề nghị cơ quan BHXH xem xét giải quyết chế độ cho 68 cán bộ, công nhân viên của đơn vị theo tiến độ kế hoạch nộp tiền; số tiền của đơn vị nộp đề nghị được trừ vào phần nợ gốc để giải quyết chế độ cho người lao động (phần lãi đề nghị cơ quan BHXH trừ sau); Công ty sẽ nộp trước số tiền BHYT của năm 2015. Đề nghị BHXH tỉnh cấp thẻ BHYT cho lao động của đơn vị để họ bớt khó khăn lúc ốm đau, tai nạn. Số tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT còn lại, Công ty cam kết trả dần và trả hết trong năm 2015".
Cơ quan chức năng vào cuộc
Đã có rất nhiều cuộc họp, nhiều phương án để giải quyết chế độ cho những lao động tại Công ty Chè Văn Hưng nhưng thời gian qua doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện những cam kết của mình đưa ra. Ông Nguyễn Văn Hảo - Giám đốc BHXH huyện Yên Bình cho biết: "Thời điểm trước tháng 5/2011, Công ty Chè Văn Hưng thực hiện tương đối tốt việc đóng BHXH cho người lao động nhưng từ tháng 6/2011 đến hết tháng 12/2011, doanh nghiệp bắt đầu phát sinh nợ với số tiền 706 triệu đồng (số chẵn). Từ đó đến nay, số tiền nợ cơ quan BHXH liên tục tăng. Trong thời gian qua, BHXH Yên Bình đã có 39 cuộc làm việc và 10 văn bản đôn đốc, thậm chí cơ quan BHXH đã khởi kiện doanh nghiệp nhưng tình hình thu nợ với Công ty Chè Văn Hưng vẫn chưa được cải thiện".
Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động tại Công ty Chè Văn Hưng, ngày 15/4/2015, Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái đã tổ chức hội nghị với các cơ quan liên quan đến kiến nghị về giải quyết chế độ của người lao động tại Công ty Chè Văn Hưng. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH tỉnh, BHXH huyện Yên Bình, Công đoàn ngành nông nghiệp và lãnh đạo Công ty đã có nhiều ý kiến để giải quyết vấn đề này. Trong đó, nhấn mạnh những việc mà doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc đó là, trước mắt phải giải quyết chế độ BHXH cho những lao động trong danh sách giám đốc Công ty đã ký ngày 6/4/2015. Công ty phải cam kết trách nhiệm của mình với cơ quan quản lý Nhà nước về trích nộp BHXH, có thời gian, số lượng cụ thể, đúng quy định của pháp luật.
Đề nghị cơ quan BHXH phối hợp xem xét có biện pháp giải quyết cho người lao động đủ điều kiện được nghỉ chế độ hưởng BHXH và từng bước tháo gỡ khó khăn cho Công ty. Cần xem xét cấp thẻ BHYT cho người lao động, vì đây là trách nhiệm đã ghi vào tiền nợ của Công ty, trước mắt là cấp thẻ BHYT năm 2015 cho người lao động…
Tiếp theo tinh thần buổi làm việc ngày 15/4/2015, trên cơ sở văn bản của Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công ty Chè Văn Hưng, sau khi Công ty đã nộp 1,1 tỷ đồng/1,8 tỷ đồng theo công văn cam kết số 41/CV của đơn vị trong tổng số tiền nợ cơ quan BHXH đến ngày 31/3/2015, ngày 27/5/2015, BHXH tỉnh Yên Bái tổ chức đối thoại với các bên liên quan để giải quyết chế độ BHXH cho người lao động.
Theo đó, các bên thống nhất đề nghị Công ty tách danh sách 67/68 lao động đề nghị giải quyết chế độ BHXH làm 4 nhóm theo từng loại đối tượng thành 2 danh sách. Một bản danh sách giải quyết trong tháng 5/2015 gồm 13 lao động nghỉ hưu, tai nạn lao động, tuất và 25 lao động đã nghỉ việc phải qua giám định y khoa. Một bản danh sách giải quyết trong tháng 6/2015 cho 10 lao động đang đóng BHXH phải qua giám định y khoa và 19 lao động đã nghỉ việc chờ chốt sổ.
Cụ thể, đồng ý giải quyết ngay cho 13 trường hợp đủ điều kiện nghỉ hưu, tai nạn lao động (trừ giám đốc Công ty), giải quyết ngay cho 25 trường hợp đã nghỉ việc phải qua giám định y khoa. Còn lại, nhóm đối tượng đang đóng BHXH phải qua giám định y khoa và trường hợp đã nghỉ việc chờ chốt sổ BHXH gồm 29 trường hợp (danh sách tháng 6/2015), khi nào Công ty nộp đủ số tiền đã cam kết là 700 triệu đồng thì cơ quan BHXH sẽ giải quyết. Về BHYT, đề nghị Công ty Chè Văn Hưng nộp thêm 100 triệu đồng thì sẽ cấp thẻ BHYT năm 2015 cho lao động Công ty…
Lời kết
Theo cam kết của Công ty Chè Văn Hưng, trong tháng 6/2015, doanh nghiệp sẽ thực hiện nộp tiếp 700 triệu đồng và 100 triệu đồng BHYT cho cơ quan BHXH. Như vậy, 67 lao động sẽ được hưởng đầy đủ lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Tuy nhiên, số tiền doanh nghiệp nộp dịp này mới chỉ giải quyết được một phần trong tổng số tiền nợ BHXH. Thật đáng tiếc, nếu thời điểm cuối năm 2011, khi Công ty mới nợ trên 700 triệu đồng tiền BHXH, các cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong giải quyết nợ đọng thì chắc chắn các cơ quan chức năng, cơ quan liên quan không mất nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt, các chế độ, chính sách cho người lao động sẽ được bảo đảm tốt hơn.
Qua sự việc này cho thấy, những vấn đề nảy sinh khi doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH do các chế tài xử phạt những trường hợp này thấp, cơ quan BHXH chỉ có chức năng kiểm tra, không có chức năng thanh tra, không thể ra quyết định xử phạt. Hơn thế, lãi suất chậm nộp rất thấp, thấp hơn cả lãi suất ngân hàng… Chính vì vậy, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn việc kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm chính sách BHXH cho người lao động; tăng cường tuyên truyền, vận động để chủ sử dụng lao động nâng cao nhận thức, nâng cao trách nhiệm trong bảo đảm mọi quyền lợi cho người lao động; thường xuyên tổ chức đối thoại giữa tổ chức công đoàn, chủ sử dụng lao động, đại diện ngành lao động, thương binh và xã hội, BHXH, người lao động để sớm có phương án giải quyết nếu có tình trạng người lao động chưa được hưởng lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình…
Thành Trung
Các tin khác
YBĐT - Tôi cứ muốn nhìn thành phố trẻ bên sông từ nhiều góc độ khác nhau, để khám phá hết mọi vẻ đẹp tiềm ẩn không phải ai cũng có thể nhìn ra. Có những buổi chiều, một mình lần mò lên một ngọn đồi cao của xã Hợp Minh phía hữu ngạn sông Hồng nhìn sang thành phố. Cũng có lần leo lên ngọn đồi cao của Nam Cường gần như vị trí trung tâm địa lý, để nhìn trực diện thành phố.
YBĐT - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, những năm qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh không ngừng phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện đi tới khắp các địa phương trong tỉnh để tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển.
YBĐT - Sản xuất nông nghiệp (SXNN) Yên Bái trong những năm qua đã có những bước phát triển khá toàn diện và vượt lên “chính mình”. An ninh lương thực được bảo đảm, sản xuất bước đầu chuyển dịch theo hướng hàng hóa, tập trung, đã và đang hình thành một số vùng chuyên canh.
YBĐT - “Đời tôi luôn khao khát làm được một việc gì đó từ chính những gì mình đã được học, giúp được nhiều người có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, giúp họ thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương...” - đó là tâm sự rất chân tình của kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Hữu Thìn - Giám đốc Công ty TNHH Đức Việt, tổ 32, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái khi ông nói về sản phẩm Trà giảo cổ lam ngũ diệp sâm Yên Bái. Đây là sản phẩm chức năng do chính Công ty ông sản xuất đang đứng vững trên thị trường trong nước.