Làm giàu ở làng chài thôn Mạ

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/7/2015 | 1:18:17 PM

YênBái - YBĐT - Nằm ở phía tây dãy Cao Biền - một trong hai dãy núi bao quanh hồ Thác Bà, thôn Mạ thuộc xã Vũ Linh, huyện Yên Bình có 183 hộ chủ yếu là người dân tộc Cao Lan sinh sống. Trước đây, người dân trong làng mưu sinh dựa vào đánh bắt thủy sản tự nhiên trên hồ, thu nhập không ổn định, đời sống gặp vô vàn khó khăn. Những năm gần đây, tận dụng mặt nước hồ, người dân đã biế

Một điểm ngách nuôi cá lồng và bến cá của người dân thôn Mạ.
Một điểm ngách nuôi cá lồng và bến cá của người dân thôn Mạ.

Thoát nghèo từ nuôi cá lồng

Cách thị trấn Thác Bà chỉ hơn 2km, người dân thôn Mạ cũng như nhiều làng chài ven hồ khác sống chủ yếu bằng việc đánh bắt thủy sản tự nhiên. Vào thời điểm nạn đánh bắt thủy sản trái phép bằng kích điện, nổ mìn rộ lên, làng Mạ cũng là một trong những “điểm nóng”. Hậu quả để lại không chỉ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản mà còn nhiều nỗi đau thương tật khiến cho cuộc sống vốn đã khó càng khó hơn.

Được sự vận động của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của huyện Yên Bình, người dân thôn Mạ bắt đầu chuyển sang nuôi cá lồng, kết hợp với chăn nuôi đại gia súc trên các đảo hồ.
Ông Trần Văn Thịnh là một trong những người nuôi cá lồng trên hồ đầu tiên của thôn Mạ, chỉ với hai lồng cá, mỗi năm ông Thịnh thu về cả trăm triệu đồng. Từ cá lồng, kết hợp với trồng rừng, ông Thịnh đã xây nhà, sắm sửa đồ đạc đầy đủ, thậm chí 3 người con trai lập gia đình ở riêng cũng được ông xây cho mỗi người một ngôi nhà khang trang.

Ông Thịnh cho biết: “Nuôi cá lồng hiệu quả rất cao, với một lồng cá trắm, nếu chăm tốt sản lượng cũng đạt 7 - 9 tạ, giá thị trường 65.000 đồng/kg như hiện nay thì cũng thu về trên 50 triệu đồng. Cỏ trên đảo hồ rất nhiều, chỉ mất công đi cắt đem về cho cá ăn, kết hợp với một số loại thức ăn tinh như ngô, sắn trừ chi phí thì mỗi lồng cá người dân cũng lãi 40 triệu đồng một năm”.

Chị La Thị Dư - người Tuyên Quang làm dâu thôn Mạ từ 4 năm trước nhưng gia đình vẫn chỉ là hộ nghèo. Từ khi được hỗ trợ vay vốn đầu tư lồng cá qua Hội Nông dân xã chị đã xây được nhà kiên cố, có tích lũy cho con cái học hành. Chị Dư tâm sự: “Khi hai vợ chồng ra ở riêng không có đất canh tác, cuộc sống trông vào đánh bắt tôm, cá trên hồ nên rất bấp bênh, nếu không đi hồ thì không có tiền đong gạo. Song, từ khi được vay tiền đóng lồng nuôi cá thu nhập ổn định hơn rất nhiều, bây giờ tôi có 2 lồng cá mỗi năm cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng”. Hiện nay, cả thôn Mạ có 41 hộ nuôi cá với 57 lồng chủ yếu là cá trắm, mè trắng và rô phi đơn tính. Người dân tận dụng thức ăn tại chỗ phục vụ chăn nuôi nên sản phẩm tiêu thụ tốt, nhiều nhà hàng, siêu thị ở các tỉnh xa như Lào Cai, Hà Nội cũng tìm đến đặt mua.

Mới đây, ông Trần Văn Thịnh đã tập hợp được 21 hộ dân trong thôn thành lập Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản thôn Mạ với ý định xây dựng thương hiệu cá lồng sạch để tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho nghề nuôi cá lồng trên hồ. Theo ông Thịnh, nuôi cá lồng không khó mà hiệu quả cao nhưng nếu làm manh mún hoặc mạnh ai nấy làm thì rủi ro rất khó tránh. Bởi lẽ, môi trường nước rất dễ bị ô nhiễm, nếu một lồng cá bị bệnh thì sẽ nhanh chóng lây lan sang các lồng khác, do vậy đòi hỏi mỗi người phải có ý thức cao trong việc phòng bệnh. Đặc biệt là việc lựa chọn giống, có người bất chấp con giống bị bệnh vẫn đem về nuôi dẫn đến không chỉ cho bản thân, mà kéo theo nhiều hộ khác cùng chịu thiệt hại.

Chị Nguyễn Thị Thơ - một trong những hội viên tích cực của HTX nhớ lại: “Năm 2003, cả làng hơn 20 lồng cá đều bị chết sạch, người ta mang lên đảo đào hố chôn, về sau mới biết nguyên nhân là do một hộ mua phải cá giống đã mắc bệnh”. Thời điểm này, mặc dù đã vào vụ nuôi nhưng chị Thơ vẫn còn một lồng không vào được giống. Chị bảo, vẫn có chỗ bán nhưng vì không đảm bảo được giống sạch bệnh nên không dám mua. Thiếu nguồn cá giống sạch đang là khó khăn lớn nhất cản trở việc mở rộng nuôi cá lồng ở thôn Mạ.

Hiện nay, cả thôn mới chỉ có ông Trần Văn Thịnh tự cung ứng được giống cho gia đình và một số hộ dân nhờ việc quây lưới 5 ha mặt nước để tạo nguồn cá giống sạch. Ông Thịnh cho biết: “Muốn mở rộng quy mô lồng cá thì trước tiên phải đảm bảo được nguồn cung ứng giống sạch và ổn định. Nếu có thể quây lưới một số ngách hồ, liên kết các hộ dân cùng làm cá giống thì hiệu quả sẽ rất cao. Tuy nhiên, để làm được việc đó rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, đầu tư hệ thống lưới, kỹ thuật…”

Làm giàu từ nuôi dê

Hồ Thác Bà không chỉ đem lại nguồn lợi thủy sản khổng lồ bởi diện tích mặt nước rộng lớn để phát triển nghề nuôi cá lồng mà còn có hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ trồng rừng rất hiệu quả. Đó chính là địa điểm thích hợp để phát triển chăn nuôi dê.

Trước năm 2003, ông Lê Văn Đồng trong thôn được biết đến như một người nghèo nhất thôn, nhưng từ nuôi dê, chỉ sau 4 năm ông Đồng đã được xếp vào “tốp” người giàu nhất thôn. Dê của ông con nào con nấy lông mượt mà béo tốt, tất cả gói trong một kinh nghiệm đó là phải chủ động phòng, chống được các loại dịch bệnh cho dê. Câu chuyện thoát nghèo, làm giàu của ông Đồng bắt đầu từ hai chú dê đực còi cọc. Những năm 2000, cuộc sống của gia đình ông rất khó khăn.

“Nhìn thấy người ta đi chợ xách thịt thèm lắm nhưng không có tiền mua” - ông Đồng nhớ lại. Năm 2003, ông bỏ ra mấy chục ngàn mua được 2 con dê đực còi cọc và bị ghẻ. Lúc đó ông cũng chẳng nghĩ con dê sẽ làm mình đổi đời, nhiều người cũng cho rằng 2 con dê đực thì làm được gì. Nhưng bên cạnh việc đánh bắt tôm cá trên hồ, vợ chồng ông Đồng dành thời gian chăm sóc cặp dê, lúc đó cũng chẳng ai biết chữa ghẻ cho dê, ông mua thuốc ghẻ về tiêm cho chúng, chỉ vài ngày sau cặp dê bắt đầu mọc lông, các vết ghẻ cũng dần lặn mất, vài tháng sau chúng trở nên béo tốt, lớn rất nhanh. Tuy nhiên, giá bán lúc đó chỉ 5 ngàn đồng/kg nên ông không bán mà đem ra quán thịt dê dưới thị trấn Thác Bà đổi lấy một cặp dê khác, trong đó có một con cái với hy vọng nhân rộng đàn dê. Thật bất ngờ, chỉ trong năm đầu tiên cặp dê đã sinh sản được 3 con. Lứa đầu đẻ một con, lứa hai đẻ đôi, ông giữ lại những con cái, còn con đực nuôi lớn một năm sau thì bán. Chỉ 3 năm sau ông Đồng đã có đàn dê trên 20 con. Liên tục trong nhiều năm đàn dê phát triển rất nhanh, mỗi năm ông bán trên 60 con dê với giá từ 2 - 2,5 triệu đồng/ con, thu về trên 100 triệu đồng.

Đàn dê của gia đình ông Hà Văn Trường.

Theo ông Hà Văn Trường, một trong những người nuôi dê nhiều nhất thôn Mạ hiện nay thì hiệu quả thu hồi vốn từ nuôi dê rất nhanh. Năm 2012, qua Hội Nông dân xã gia đình ông Trường được vay 20 triệu đồng mua 4 dê cái và một dê đực, chỉ một năm sau ông đã trả được vốn vay. Ông Trường cho biết: “4 con dê cái năm đầu tiên đẻ được 12 con, nuôi 6 tháng có thể đạt được 15 kg/con với giá 130.000 đồng/kg như hiện nay thì cũng thu về gần 2 triệu đồng một con. Vì vậy chỉ sau một năm tôi đã trả được nợ và hiện nay, sau 3 năm đàn dê của tôi đã phát triển lên 25 con”. Hiện tại, thôn Mạ có trên 20 hộ nuôi dê với số lượng lớn, ước tính đàn dê trong thôn cũng lên tới gần 800 con.

Với gần 300 ha diện tích mặt nước xen lẫn đảo nhỏ là một trong những tiềm năng lớn để thôn Mạ phát triển nghề nuôi cá lồng và chăn nuôi dê trên đảo. Từ việc thay đổi tư duy, nhận thức người dân thôn Mạ đã không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu hiệu quả trên mảnh đất quê hương.

Anh Dũng

Các tin khác
Ông Vũ Văn Hảo phải làm nghề sửa xe máy để duy trì cuộc sống gia đình.

YBĐT - Sau nhiều năm chờ đợi, tới đây một số lao động tại Công ty cổ phần Chè Văn Hưng (gọi tắt là Công ty Chè Văn Hưng) sẽ được hoàn thiện các thủ tục để được nghỉ theo chế độ, kết thúc chuỗi ngày dài sống trong điều kiện khó khăn về kinh tế, mòn mỏi chờ được hưởng mọi chế độ, lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình.

Một đoạn đường tránh ngập, thành phố Yên Bái đã hoàn thành đưa vào sử dụng. (Ảnh Thanh Miền)

YBĐT - Tôi cứ muốn nhìn thành phố trẻ bên sông từ nhiều góc độ khác nhau, để khám phá hết mọi vẻ đẹp tiềm ẩn không phải ai cũng có thể nhìn ra. Có những buổi chiều, một mình lần mò lên một ngọn đồi cao của xã Hợp Minh phía hữu ngạn sông Hồng nhìn sang thành phố. Cũng có lần leo lên ngọn đồi cao của Nam Cường gần như vị trí trung tâm địa lý, để nhìn trực diện thành phố.

Thanh niên tình nguyện tham gia làm đường giao thông nông thôn tại xã Xuân Long (Yên Bình).

YBĐT - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, những năm qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh không ngừng phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện đi tới khắp các địa phương trong tỉnh để tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển.

Sản xuất hàng hóa đòi hỏi các hộ nông dân phải liên kết lại thành hợp tác xã mới bền vững.

YBĐT - Sản xuất nông nghiệp (SXNN) Yên Bái trong những năm qua đã có những bước phát triển khá toàn diện và vượt lên “chính mình”. An ninh lương thực được bảo đảm, sản xuất bước đầu chuyển dịch theo hướng hàng hóa, tập trung, đã và đang hình thành một số vùng chuyên canh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục