Tỷ phú nông dân ở huyện nghèo

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/8/2015 | 3:10:43 PM

YênBái - YBĐT -  Đến nay, ông Thào A Tủa ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có 58 con trâu, bò và khoảng trên 300 con dê. Tính theo giá thị trường hiện nay với 120.000đồng/kg dê thịt và từ 25 - 40 triệu đồng/con trâu, bò, gia đình ông Thào A Tủa đã có tiền tỷ từ gia súc.

Ông Thào A Tủa (áo đen, trái sang) trao đổi với người dân trong thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu về cách chăn nuôi gia súc.
Ông Thào A Tủa (áo đen, trái sang) trao đổi với người dân trong thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu về cách chăn nuôi gia súc.

Câu chuyện về ông Thào A Tủa làm giàu bằng chăn nuôi đại gia súc ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) được người dân nhắc đến như một cổ tích giữa đời thường. Men theo con đường còn gồ ghề, trơn trượt, chúng tôi đến thăm ông giữa ngày mưa tháng 7, mọi vất vả, lo âu đời thường tan biến khi gặp ông - tỷ phú nông dân của huyện nghèo.

Đón chúng tôi ở bìa rừng, ông Thào A Tủa cười hí hí: “Thôi cán bộ ướt hết cả rồi”. Bắt tay xong, ông khoát tay chỉ lên đồi: "Đấy, đấy! Cán bộ ạ! Mấy anh trâu đực kia cứ thấy mấy chú bò trẻ sừng dài là rình húc nhau cho bằng được". Miệng nói chân nhanh như con thoi, ông xì xồ tiếng bản địa gọi mấy cậu con trai lên buộc mấy chú trâu đực to đùng lại, rồi dẫn chúng tôi về lán, nhấp bát nước chè xanh, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình.

Sinh ra ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, thuở nhỏ, gia đình ông Thào A Tủa có 8 anh, chị em. Nhà đông người, tập quán canh tác lạc hậu, khiến cuộc sống khó khăn chồng chất, một năm thiếu ăn vài tháng, đói nghèo khiến anh em trong gia đình ông hầu như không được đi học. Tuổi thơ là những tháng ngày lũi cũi theo mẹ đi nương, vào rừng đào măng, đào củ, sống qua ngày. Nhớ lại những ngày tháng ấy, đôi mắt ông Thào A Tủa còn ngân ngấn nước, ông kể: "Có lúc đi rừng về, bụng đói cồn cào, nướng xong củ sắn định ăn thì mấy đứa em ngồi cạnh cứ nhìn theo, đành chia hết cho chúng nó, thằng út ăn gần hết... nhìn mình đưa lại miếng sắn. Có lần về phố huyện, thấy đám nhỏ cùng tuổi em mình theo bố mẹ ríu rít đến trường, tay kẹo, tay bánh mình ứa nước mắt".

Tuổi thơ khốn khó, tình thương với anh em, người thân khiến Thào A Tủa quyết tâm đứng lên, cùng anh em trong gia đình tìm cách làm kinh tế. Năm 1988, ông Thào A Tủa lập gia đình. Quyết tâm không để con cái sống cơ cực đã thôi thúc Thào A Tủa tìm hướng thoát nghèo, ban đầu là chăn nuôi dê, tuy nhiên, làm giàu không hề dễ. Bao mồ hôi, nước mắt đổ xuống nhưng gia đình ông Thào A Tủa nếm đủ mùi vị đắng cay của thất bại khi dê sinh lứa đầu tiên, 50% số dê non đều bị chết do rét đậm, rét hại.

Ông Tủa chia sẻ: "Nhìn mấy chục con dê non lần lượt chết mà chảy nước mắt. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đi tong. Vợ con chán nản nhưng mình động viên vợ con, thời gian còn dài cả cuộc đời, thất bại một lần không thể thất bại mãi".

Nghĩ là làm, ông Thào A Tủa quyết tâm vực dậy, ông dành thời gian suy nghĩ, tìm tòi, ông tìm đến các mô hình kinh tế mới trên sách báo và các phương tiện truyền thông, rồi bằng kinh nghiệm thực tiễn, hiểu được khí hậu khắc nghiệt ở quê nhà. Nhiều ngày tháng trăn trở, ông hiểu ra, làm bất cứ mô hình nào cũng phải đầu tư chu đáo, không thể chăn nuôi kiểu “trời sinh voi, trời sinh cỏ” được. Ông Tủa cùng người em trai Thào A Giao xuống vay thêm vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện được 15 triệu đồng, ông mua thêm 10 cặp dê sinh sản và 1 cặp trâu, bò về chăn nuôi, đầu tiên là để chủ động trong sản xuất, sau đó, để nhân giống.

Tận dụng ưu thế đồi rừng, ông khoanh vùng một quả đồi rộng cách xa khu dân cư để bảo đảm vệ sinh môi trường và tránh được dịch bệnh lây lan, ông Thào A Tủa kể: "Cả một quả đồi rộng mấy héc-ta, vợ con nhìn ngao ngán nhưng mình bảo có sức người là làm được hết. Mấy anh em trai, cùng gia đình nai lưng phát băng khoanh rừng làm bãi chăn thả, trồng cỏ để trâu, bò, dê quen bãi như quen ở chuồng để thả mà không sợ mất. Mấy anh em, bố con chia nhau ra để trông. Nhiều hôm mưa bão, người dầm mưa nửa ngày để đưa trâu, bò về tránh rét".

Trời không phụ công người, bằng quyết tâm vượt qua đói nghèo và mạnh dạn chuyển đổi tư duy, đến nay, ông Tủa đã có 58 con trâu, bò và khoảng trên 300 con dê. Tính theo giá thị trường hiện nay với 120.000đồng/kg dê thịt và từ 25 - 40 triệu đồng/con trâu, bò, gia đình ông Thào A Tủa đã có tiền tỷ từ gia súc. Dẫn chúng tôi ra phía bìa rừng, ông Tủa chỉ vào đàn trâu, bò béo mầm đang nhởn nhơ gặm cỏ cười phớ lớ: "Tài sản lớn của gia đình tôi đây. Việc nhà, việc họ trông cả vào "chúng nó", vì vậy, phải chăm sóc cho cẩn thận".

Để bảo vệ đàn đại gia súc nhà mình trước điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở vùng cao, gia đình ông thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để kịp thời cho gia súc về chuồng trại hoặc những nơi an toàn để tránh thiệt hại, bên cạnh đó thường xuyên thăm khám sức khỏe cho gia súc để kịp thời phòng chống dịch bệnh. Có kinh tế vững chắc, ông Thào A Tủa vận động con cháu trong gia đình chăm chỉ học hành vì ông biết rằng, làm bất cứ điều gì cũng cần phải có kiến thức. Hiện nay, 1 người con trai cả của ông Tủa đang là cán bộ Ban Quản lý dự án huyện, 1 người con đã tốt nghiệp trung cấp thú y, 1 học cao đẳng văn hóa và người con út đang học cấp III ở huyện.

Ngoài chăn nuôi đại gia súc, ông Thào A Tủa cùng gia đình còn siêng năng với trồng lúa nước và chuyển đổi lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô đồi. Ông quan niệm, có lương thực đầy đủ thì mới làm việc khác được. Vậy nên, tranh thủ sự giúp đỡ của cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp, ông Tủa mạnh dạn đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Mỗi năm, từ hơn 2ha ruộng, ông thu về  hơn 1 tấn thóc và trên 3 tấn ngô, ngoài bảo đảm nhu cầu lương thực cho cả nhà, số còn lại đem bán để đầu tư cho chăn nuôi, mọi phụ phẩm từ nông nghiệp ông đều tận dụng làm thức ăn dự trữ cho gia súc.

Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Thào A Tủa không ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong bản, đặc biệt là anh em trong nhà, ông cho họ con giống, nuôi chia, đến nay, 8 anh chị em của gia đình ông đều là những hộ có gia súc nhiều nhất bản, ông Thào A Giao cũng có một đàn trâu, bò 22 con và khoảng 30 con dê. Ông Thào A Giao cười khoái chí lắm: "Giờ, cuộc sống của anh em tôi đã khá hơn rất nhiều, có thể nói là một cuộc đời mới, không bị đè nặng nỗi lo thiếu ăn, thiếu mặc như ngày còn nhỏ. Tất cả là nhờ có anh Tủa..".

Đàn đại gia súc đã mang lại tiền tỷ cho gia đình ông Thào A Tủa.

Câu chuyện chăn nuôi khép lại, chúng tôi ngồi sau xe máy của 4 cậu con trai nhà ông Tủa về bản. Trời mưa, đường núi dốc ngược quanh co, trơn như đổ mỡ. Sau mấy pha "đo" đường, chúng tôi cũng về đến nhà. Ngỡ ngàng giữa chốn rừng xanh núi đỏ mà nhà ông Tủa lát gạch hoa bóng loáng, trong nhà sạch trơn tru, ông Tủa cười: "Đấy, nhà tôi cũng phải học nếp sống mới, sạch sẽ chứ nhà báo".

Ông Thào A Chểnh - Trưởng thôn Suối Giao đợi chúng tôi tự lúc nào, nói đến ông Tủa anh chia sẻ: “Ngoài làm kinh tế giỏi khi có thời gian rảnh rỗi ông Tủa còn tranh thủ đến thăm các gia đình người thân và bà con trong thôn, chia sẻ với họ cách làm kinh tế, đặc biệt là những hộ nghèo vì ông Tủa quan niệm nghèo bây giờ cũng là cái tội, mình nghèo con cái sẽ khổ theo nên phải tranh thủ sự quan tâm của Nhà nước, cần cù lao động, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để cải thiện đời sống, ông Thào A Chểnh cho biết  thêm: "Thôn mình bảo nhau chăn nuôi phải chăn nuôi giống ông Tủa, làm kinh tế phải có nghị lực, siêng năng như anh em ông Tủa mới giàu được. Ông Tủa là một tấm gương sáng cho đồng bào Mông làm theo. Nhờ có sự vận động, tuyên truyền của ông mà giờ đây thôn Suối Giao đã có 11 hộ gia đình có mô hình chăn nuôi từ 5 con trâu, bò trở lên, có 3 hộ có số trâu, bò trên 10 con trở lên, chưa kể chăn nuôi dê và lợn thịt".

Chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Thào A Tủa còn vận động gia đình, dòng họ xây dựng nếp sống văn hóa mới như: xây dựng công trình vệ sinh, chuồng trại nuôi nhốt gia súc, cho con cháu đi học đầy đủ và thực hiện tốt việc cưới không thách cưới cao, đám ma không để lâu trong nhà. Trong dòng họ của ông, không có trường hợp nào tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các hộ gia đình thi đua phát triển kinh tế. Đồng chí Hờ A Su - Bí thư Đảng bộ xã Xà Hồ cho biết: "Gia đình ông Tủa và anh em trong dòng họ ông là một điển hình kinh tế của xã, xã xác định tiếp tục vận động đồng bào Mông tận dụng lợi thế đồi rừng để chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt theo hướng hàng hóa giống như gia đình ông Tủa để cải thiện đời sống. Ông Tủa là một tấm gương nông dân vượt khó rất đáng được ghi nhận".

Bằng trách nhiệm với cuộc sống của chính mình và tình yêu quê hương làng bản, ông Thào A Tủa là một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất khó khăn. Đây là mô hình kinh tế mà huyện Trạm Tấu đang triển khai nhân rộng ra toàn huyện. Thành công của những gia đình nông dân như ông Thào A Tủa sẽ là đòn bẩy để huyện Trạm Tấu thoát khỏi huyện nghèo.

Trạm Tấu tháng 7/2015
Phương Thùy - Duy Hùng

Các tin khác
Ông Triệu Viết Ngoày (thứ hai từ trái sang) là người có uy tín ở thôn Ngòi Mấy, xã Bảo Ái (Yên Bình) thường xuyên cùng với cấp uỷ, chính quyền cơ sở vận động nhân dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế địa phương.

YBĐT - Năm 2012, tỉnh Yên Bái có 1.155 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đến 2015 con số này là 1.176 người. 

Người lao động trong Công ty TNHH Doanh Mùi ở xã Hưng Thịnh, Trấn Yên được trả lương từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng, tuỳ vào vị trí công việc.

YBĐT - Mặc dù gặp không ít khó khăn do suy thoái kinh tế, nhưng những năm gần đây, lương của người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh đã được bảo đảm. Bên cạnh chi trả tốt cho NLĐ khối hành chính sự nghiệp, đã có rất nhiều đơn vị khối sản xuất, kinh doanh trả lương cho NLĐ trên mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.

Triển khai lưới điện chiếu sáng tại thôn Đồng Tha.

YBĐT - Các mô hình "Thắp sáng đường quê" và thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã Phúc An (Yên Bình) đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cũng như thay đổi hành vi, thói quen của người dân.

Tình yêu thương của bà Bình nay dành cả cho cháu nội Nguyễn Linh Chi.

YBĐT - Tôi từng đi, từng gặp và tiếp xúc với rất nhiều người vợ, song có lẽ vợ của lính thực sự là những phụ nữ đáng trân trọng bởi đức hy sinh, sự can trường, chịu thương, chịu khó và bởi tấm lòng nhân hậu, hiếu đễ, nhất mực thủy chung. Một lúc ba vai - vừa làm dâu, làm mẹ, làm cha, song chưa bao giờ nghe thấy ở họ một tiếng thở dài hay than vãn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục