Quan tâm người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Cập nhật: Thứ năm, 30/7/2015 | 3:32:28 PM
YênBái -
YBĐT - Năm 2012, tỉnh Yên Bái có 1.155 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đến 2015 con số này là 1.176 người.
Ông Triệu Viết Ngoày (thứ hai từ trái sang) là người có uy tín ở thôn Ngòi Mấy, xã Bảo Ái (Yên Bình) thường xuyên cùng với cấp uỷ, chính quyền cơ sở vận động nhân dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế địa phương.
|
Thực hiện Quyết định 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các địa phương của tỉnh Yên Bái đã có nhiều cố gắng, thường xuyên quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò của người có uy tín trong thực hiện chủ trương. đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở địa phương.
Ở Yên Bái, người DTTS cư trú chủ yếu ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, riêng hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải có tỷ lệ người Mông chiếm trên 90%. Người DTTS ở Yên Bái sống ở những nơi có địa bàn đồi núi cao, bị chia cắt bởi hệ thống ngòi suối, trở ngại trong giao thông đi lại, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Trong giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh Yên Bái có 72 xã khu vực III với 549 thôn bản và 237 thôn bản ở các xã khu vực II được công nhận thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tỉnh luôn xác định việc triển khai các chương trình, dự án và các chính sách dân tộc là góp phần tạo điều kiện để đồng bào DTTS, nhất là hộ nghèo vùng khó khăn ổn định cuộc sống, phấn đấu vươn lên. Bên cạnh thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng, chính sách về vốn vay, về khám chữa bệnh, từ năm 2012 đến nay, người uy tín trong đồng bào DTTS đã được quan tâm hơn cả về vật chất và tinh thần.
Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì phối hợp với các ngành và huyện, thị để tiến hành bình chọn người có uy tín từ cơ sở. Đồng bào thiểu số ở các thôn, bản, tổ dân phố công khai bầu chọn người được bà con tín nhiệm đề nghị chính quyền các cấp và UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Năm 2012, tỉnh có 1.155 người được công nhận có uy tín trong đồng bào DTTS, năm 2013 có 1.167, năm 2014 có 1.170 và đến 2015 UBND tỉnh phê duyệt 1.176 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trong số này, có trên 200 người là già làng, trưởng dòng họ; trưởng thôn bản gần 50 người; cán bộ công chức trên 90 người; thầy cúng, thày mo, chức sắc tôn giáo trên 30 người, số còn lại chủ yếu là những người biết chăm chỉ làm ăn, chịu khó học hỏi và tích cực trong các phong trào ở cơ sở.
Theo ông Nguyễn Nguyên Đúng - Trưởng phòng Dân tộc huyện Lục Yên, hiện nay toàn huyện Lục Yên có 280 người có uy tín trong đồng bào DTTS được các thôn bản bình chọn lên. Việc bình chọn được thực hiện dân chủ, công khai và thống nhất từ cơ sở nên đã khuyến khích động viên mỗi người trong cộng đồng cố gắng vươn lên.
Do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, ảnh hưởng nhất định đến thực hiện chính sách đối với người có uy tín, nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, các huyện, thị xã đều chúc tết và tặng quà trị giá 400 ngàn đồng/người. Việc quan tâm, đến thăm hỏi người có uy tín hoặc gia đình người có uy tín bị ốm đau, bệnh tật hoặc không may qua đời cũng đã có nhiều cố gắng để thực hiện. Năm 2014, tỉnh đã trích ngân sách tổ chức một số lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín và tổ chức đưa người có uy tín đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Một số nơi cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng đã trao đổi thông tin và các chủ trương, chính sách, pháp luật, thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương, việc đặt cấp báo Yên Bái, báo Dân tộc và Phát triển cấp cho người có uy tín đã được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Từ năm 2012 đến 2014, tỉnh Yên Bái đã được cấp trên 3,5 tỷ đồng thực hiện các chế độ chính sách đối với đồng bào các DTTS.
Ông Hoàng Trung Năng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Về triển khai Quyết định 18/2011/QĐ-TTg của Chính phủ, Yên Bái cơ bản đã thực hiện tốt. Gần đây, người có uy tín đã được đi tham quan, học hỏi và tổ chức được các lớp tập huấn, cung cấp thông tin. Bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng Dân tộc tham mưu, đề xuất với UBND các huyện thị, trong điều kiện ngân sách cho phép nên dành kinh phí để thực hiện việc thăm hỏi, chia sẻ khuyến khích người có uy tín một cách chủ động hơn”.
Ông Hoàng Trung Năng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh (giữa) trao đổi với cán bộ Phòng Chính sách dân tộc về các chế độ chính sách liên quan đến người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Nhờ sự động viên kịp thời, lại có thông tin và nắm bắt nhiều tình hình hơn, nên người có uy tín trong cộng đồng thiểu số trên địa bàn tỉnh đã cố gắng thể hiện vai trò của mình, gương mẫu trong các phong trào ở cơ sở.
Có thể kể đến ông Triệu Viết Ngoày - người có uy tín ở thôn Ngòi Mấy, xã Bảo Ái (Yên Bình) đã cùng với Đảng ủy, chính quyền vận động nhân dân lao động sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng; ông Mễ Văn Giáo ở Đại Đồng (Yên Bình) là điển hình trong chăn nuôi để bà con học tập làm theo; ông Đặng Văn Hiện ở Tân Hợp (Văn Yên) gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, phát triển mô hình kinh tế trang trại trị giá hàng tỷ đồng; ông Hờ A Chinh ở Nậm Có (Mù Cang Chải) đã phát huy vai trò của người có uy tín, vận động đồng bào định canh định cư, ổn định sản xuất…
Ông Nguyễn Long Hải - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mù Cang Chải trao đổi: “Huyện Mù Cang Chải hiện có 119 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trong tháng 7/2015, thực hiện kế hoạch của Ban Dân tộc tỉnh, chúng tôi đã tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền và thông tin tình hình địa phương cho người có uy tín. Có thể nói, ngoài những người tuổi cao sức yếu, nhưng tiếng nói vẫn giữ vị trí quan trọng đối với gia đình dòng họ thì những người có uy tín trong đồng bào ở Mù Cang Chải đã phát huy tốt vai trò của mình và tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo cho bản thân và cộng đồng”.
Tỉnh Yên Bái hiện có trên 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 46,31% dân số, dân tộc Tày chiếm 18,27%, Dao 11,31%, Mông 11,06%, Thái 7,17%, Cao Lan 1%, còn lại là dân tộc khác. Theo số lượng, có 7 dân tộc có dân số trên 10.000 người, 2 dân tộc có từ 1.000 đến 5.000 người, 3 dân tộc có 500 đến 2000 người, một số dân tộc có vài trăm, vài chục người. |
Năm 2014, tỉnh đã dành nguồn kinh phí tổ chức cho đoàn đại biểu người có uy tín của tỉnh đi tham quan, học tập tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.
Cùng với tích cực tham gia các hoạt động hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong cộng đồng, tham đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn ra khỏi địa bàn, tiếng nói của người có uy tín đã cùng người dân thôn bản nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng với những âm mưu tuyên truyền gây chia rẽ dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống truyền đạo trái phép… góp phần ổn định cuộc sống, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Trong 5 năm qua, đời sống của đồng bào vùng dân tộc, miền núi tiếp tục được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm, mỗi năm giảm trung bình từ 3% - 4%; hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm bình quân trên 6%/năm.
Cùng với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, đồng bào các DTTS trên địa bàn đã tham gia hiến đất ruộng vườn, đóng góp tích cực bằng tiền và công lao động vào công cuộc xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Nhờ đó, diện mạo nông thôn miền núi ngày càng đổi thay, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở vùng khó khăn.
Đầu tháng Tám tới đây, tỉnh Yên Bái tổ chức đưa đoàn đại biểu là những người có uy tín trong đồng bào DTTS, những già làng, trưởng bản đi tham quan học tập ở một số địa phương trong cả nước. Đây là dịp để động viên những người có uy tín trong đồng bào DTTS phát huy những kết quả đạt được, tích cực hơn nữa trong các phong trào thi đua, phấn đấu đóng góp nhiều hơn vào thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra cho những năm tiếp theo.
Minh Quang
Các tin khác
YBĐT - Mặc dù gặp không ít khó khăn do suy thoái kinh tế, nhưng những năm gần đây, lương của người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh đã được bảo đảm. Bên cạnh chi trả tốt cho NLĐ khối hành chính sự nghiệp, đã có rất nhiều đơn vị khối sản xuất, kinh doanh trả lương cho NLĐ trên mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
YBĐT - Các mô hình "Thắp sáng đường quê" và thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã Phúc An (Yên Bình) đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cũng như thay đổi hành vi, thói quen của người dân.
YBĐT - Tôi từng đi, từng gặp và tiếp xúc với rất nhiều người vợ, song có lẽ vợ của lính thực sự là những phụ nữ đáng trân trọng bởi đức hy sinh, sự can trường, chịu thương, chịu khó và bởi tấm lòng nhân hậu, hiếu đễ, nhất mực thủy chung. Một lúc ba vai - vừa làm dâu, làm mẹ, làm cha, song chưa bao giờ nghe thấy ở họ một tiếng thở dài hay than vãn...
YBĐT - Giữa cái nắng cuối tháng 6 đầu tháng 7 như thiêu như đốt, chúng tôi về thăm một số vùng nông thôn ở huyện Văn Yên. Đi trên những con đường mới được bê tông hóa, nhìn bà con nông dân các xã trong huyện chở các hàng hóa nông - lâm sản đi tiêu thụ, chở phân bón ra các cánh đồng chăm sóc lúa mùa không còn vất vả như trước nữa, mới cảm nhận hết được ý nghĩa của những con đường “6+4” (Nhà nước hỗ trợ 60%; nhân dân đóng góp 40% bằng tiền của, ngày công để bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT).