Lương người lao động Yên Bái: Đảm bảo nhưng chưa bền vững
- Cập nhật: Thứ năm, 30/7/2015 | 2:53:05 PM
YênBái - YBĐT - Mặc dù gặp không ít khó khăn do suy thoái kinh tế, nhưng những năm gần đây, lương của người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh đã được bảo đảm. Bên cạnh chi trả tốt cho NLĐ khối hành chính sự nghiệp, đã có rất nhiều đơn vị khối sản xuất, kinh doanh trả lương cho NLĐ trên mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
Người lao động trong Công ty TNHH Doanh Mùi ở xã Hưng Thịnh, Trấn Yên được trả lương từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng, tuỳ vào vị trí công việc.
|
Tuy nhiên, để đồng lương đáp ứng được nhu cầu chi tiêu ở mức tối thiểu của NLĐ, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần quan tâm hơn nữa tới các biện pháp tăng thu nhập cho NLĐ.
Tín hiệu vui
Tỉnh Yên Bái hiện có 1.090 công đoàn cơ sở (CĐCS). Trong đó, có 962 CĐCS khối hành chính sự nghiệp với 32.061 lao động, 128 CĐCS khối sản xuất, kinh doanh với 8.731 lao động. Theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP quy định tiền lương tối thiểu vùng của năm 2015, tỉnh Yên Bái có 2 vùng lương. Cụ thể, ở thành phố Yên Bái thuộc lương vùng 3, mức tối thiểu là 2.400 ngàn đồng, ở 8 huyện, thị xã còn lại là thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình mức lương thuộc vùng 4, mức tối thiểu 2.150 ngàn đồng. Bên cạnh bảo đảm tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã khắc phục khó khăn, bảo đảm lương, thu nhập cho NLĐ trong doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Vân - Phó giám đốc, Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái cho biết: “Hiện nay, doanh nghiệp có 200 lao động, trong đó có 134 lao động nữ, chiếm tỷ lệ 67%. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh như: Trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp có cùng ngành nghề hoạt động kinh doanh, việc đấu thầu cung ứng thuốc vào các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng cạnh tranh khốc liệt; khó khăn trong thanh toán tiền bán hàng với các bệnh viện do công nợ từ nguồn bảo hiểm có giá trị lớn, thời gian nợ kéo dài có nơi (từ 3 - 4 tháng) đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh... nhưng năm 2014, Công ty vẫn quan tâm bảo đảm tiền lương, thu nhập cho NLĐ bình quân đạt trên 4,5 triệu đồng/người/tháng”.
Công ty đã có nhiều biện pháp bảo đảm việc làm cho NLĐ như: Tăng cường công tác nghiên cứu chế thử, tìm thị trường tiêu thụ, tổ chức sắp xếp điều chỉnh lao động, biên chế các bộ phận, bảo đảm nguồn vật tư, hàng hoá để không bị gián đoạn... Do đó, số ngày công bình quân trong phân xưởng đạt 28 công/NLĐ/tháng, góp phần cho NLĐ có thu nhập bảo đảm.
Thực hiện Nghị định 103/2014/NĐ-CP ở vùng 3, mức lương tối thiểu của NLĐ Yên Bái đã tăng 14% và mức lương tối thiểu ở vùng 4 đã tăng 13% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2014 được quy định tại Nghị định 182/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, ở những đơn vị đã xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP của Chính phủ và áp dụng tiền lương tối thiểu vùng thì đời sống của người lao động đã được cải thiện, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng lên tương ứng. Qua đó, NLĐ có lợi khi hưởng chế độ BHXH. Ở các doanh nghiệp nhỏ, ít lao động, tiền lương đã được thể hiện trong hợp đồng lao động.
Qua thống kê và khảo sát của các cấp công đoàn, hiện nay, các doanh nghiệp ở tỉnh Yên Bái đều đã trả lương cho NLĐ không thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Trong quý I/2015, mức lương trung bình của NLĐ trên địa bàn dao động từ 3,1 triệu đồng đến 3,9 triệu đồng tuỳ theo các loại hình doanh nghiệp. Trong đó, công ty Nhà nước trung bình từ 3,1 - 3,9 triệu đồng, công ty cổ phần từ 2,9 - 3,5 triệu đồng, công ty TNHH từ 2,5 - 3 triệu đồng, công ty tư nhân từ 2,4 - 3 triệu đồng, hợp tác xã từ 2,4 - 2,9 triệu đồng. Tiền lương của NLĐ chiếm khoảng 90% thu nhập của họ.
Cần quan tâm hơn nữa
Mặc dù hầu hết chủ sử dụng lao động đã quan tâm tạo điều kiện trả lương cho NLĐ trên mức lương tối thiểu vùng nhưng trong 128 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mới có 95 doanh nghiệp áp dụng tiền lương tối thiểu vùng, chiếm 74,22%, còn lại 33 doanh nghiệp chưa áp dụng, chiếm 25,78% nhưng những doanh nghiệp này đã thực hiện trả theo hợp đồng lao động với mức thấp nhất là bằng tiền lương tối thiểu vùng. Còn đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, đã có 51,8% doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng tiền lương tối thiểu vùng, 42,8% doanh nghiệp chưa thực hiện. Bên cạnh đó, với mức thu nhập trung bình trong các loại hình doanh nghiệp như hiện nay, đời sống NLĐ còn rất khó khăn và chỉ bảo đảm được từ 70% đến 75% mức sống tối thiểu.
Ông Nguyễn Đức Ân - Trưởng ban Chính sách và Pháp luật. Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Qua khảo sát tại 6 doanh nghiệp là Công ty cổ phần May xuất khẩu Yên Bái, Công ty cổ phần Vật liệu Bảo Hưng, Công ty liên doanh Canxi Cacbonnat, Công ty TNHH Hoà Bình, Công ty cổ phần Yên Thành, Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, chúng tôi thấy thu nhập bình quân của NLĐ tại những doanh nghiệp này chưa thể bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của hộ gia đình trong thời giá hiện nay”.
Khảo sát tại một gia đình công nhân trực tiếp sản xuất tại Nhà máy Giấy Yên Bình trong 1 tháng cho thấy, với điều kiện gia đình 2 vợ chồng là công nhân, đã đi làm 3 năm, được đào tạo nghề xeo giấy có tổng thu nhập từ lương, thưởng, ăn ca là 5.960 ngàn đồng. Do 2 vợ chồng có con 10 tháng tuổi phải thuê người trông, phải thuê phòng trọ, rồi các chi phí như tiền ăn, tiền điện, tiền nước, chi phí xăng xe... (mức tối thiểu) mất 7,2 triệu đồng. Với thu nhập và chi tiêu như hiện nay, gia đình này còn thiếu trên 1,2 triệu đồng để chi phí ở mức tối thiểu. Như vậy, tiền lương tối thiểu của vùng 4 năm 2015 so với mức chi tiêu trên chỉ đáp ứng được 70% mức sống tối thiểu. Nếu so với tổng thu nhập (lương, thưởng, ăn ca) của 2 vợ chồng thì thu nhập hiện nay chỉ bảo đảm 82,2% mức sống tối thiểu.
Mặc dù thu nhập trung bình của NLĐ Yên Bái hiện nay mới chỉ đáp ứng từ 70 - 75% mức sống tối thiểu, nhưng với điều kiện một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu, một bộ phận lao động thiếu việc làm thường xuyên, tình trạng nợ, chậm thanh toán tiền các công trình xây dựng đã ảnh hưởng đến thanh toán tiền lương và nộp tiền BHXH cho NLĐ... thì đây là nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành. Tiền lương tối thiểu vùng năm 2015 theo Nghị định 103 của Chính phủ đã phần nào cải thiện được đời sống của NLĐ, đồng thời tạo giúp cho các doanh nghiệp và người sử dụng lao động đỡ khó khăn hơn trong điều kiện hiện nay.
Theo báo cáo của Phòng Thu - BHXH tỉnh, đến tháng 5/2015, toàn tỉnh có 512 đơn vị sản xuất kinh doanh đóng BHXH theo tiền lương tối thiểu vùng theo Nghị định 103 của Chính phủ. Ông Nguyễn Đức Ân cho biết thêm: “Đứng trước tình hình lạm phát và giá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng, chúng tôi đã tham gia với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất với Chính phủ xem xét để có phương án tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức tăng tỷ lệ phần trăm như năm 2015. Đó là, năm 2016 mức lương tối thiểu vùng 3 tăng 14% và vùng 4 tăng thêm 13%, hoặc mức tăng chung của cả 4 vùng đều ở mức 14% so với năm 2015. Mong rằng, các cấp, ngành, đơn vị sản xuất, kinh doanh quan tâm hơn nữa đến lương và thu nhập cho NLĐ, giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, hăng say thi đua lao động, sản xuất tạo của cải cho xã hội”.
Thành Trung
Các tin khác
YBĐT - Các mô hình "Thắp sáng đường quê" và thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã Phúc An (Yên Bình) đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cũng như thay đổi hành vi, thói quen của người dân.
YBĐT - Tôi từng đi, từng gặp và tiếp xúc với rất nhiều người vợ, song có lẽ vợ của lính thực sự là những phụ nữ đáng trân trọng bởi đức hy sinh, sự can trường, chịu thương, chịu khó và bởi tấm lòng nhân hậu, hiếu đễ, nhất mực thủy chung. Một lúc ba vai - vừa làm dâu, làm mẹ, làm cha, song chưa bao giờ nghe thấy ở họ một tiếng thở dài hay than vãn...
YBĐT - Giữa cái nắng cuối tháng 6 đầu tháng 7 như thiêu như đốt, chúng tôi về thăm một số vùng nông thôn ở huyện Văn Yên. Đi trên những con đường mới được bê tông hóa, nhìn bà con nông dân các xã trong huyện chở các hàng hóa nông - lâm sản đi tiêu thụ, chở phân bón ra các cánh đồng chăm sóc lúa mùa không còn vất vả như trước nữa, mới cảm nhận hết được ý nghĩa của những con đường “6+4” (Nhà nước hỗ trợ 60%; nhân dân đóng góp 40% bằng tiền của, ngày công để bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT).
YBĐT - Những “di sản sống” về văn hóa như các “nghệ nhân” ở Nghĩa Lộ thực sự là những “báu vật Mường lò” đang “rút ruột nhả tơ” từng ngày làm giàu thêm kho tàng kiến thức văn hóa khổng lồ của dân tộc. Những báu vật ấy đang tỏa sáng vì một nền văn hóa dân tộc Việt Nam đậm đà bản sắc.