Ở nơi đất không nghỉ

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/8/2015 | 9:12:06 AM

YênBái - YBĐT - Sau mưa, ngỡ nắng nhẹ, trong và dịu lắm nhưng đã lại gắt, chói và rát ngay được. Trụ sở UBND xã An Bình, huyện Văn Yên một buổi sáng đầy nắng như thế, tôi đến theo lời hẹn với Phó chủ tịch UBND xã - Lê Cao Tấn. Con người này đúng kiểu của nói và làm, việc nào ra việc nấy. Ông hỏi ngay sau vài câu trao đổi công việc: “Ý cô sao, ta xuống thôn trước đã, được chứ?”. Có lẽ cũng chỉ đợi sự đồng ý của tôi là ông “chỉ đạo” luôn: “Cô ngồi lên xe tôi, đường tới Cầu Cao phải xe số mới chịu nổi”.

Ông Lê Cao Tấn - Phó chủ tịch UBND xã An Bình (bên phải) cùng ông Trần Đức Sơn - Trưởng thôn Cầu Cao kiểm tra tình hình phát triển của cây ngô hè thu.
Ông Lê Cao Tấn - Phó chủ tịch UBND xã An Bình (bên phải) cùng ông Trần Đức Sơn - Trưởng thôn Cầu Cao kiểm tra tình hình phát triển của cây ngô hè thu.

Đường vào thôn Cầu Cao lỏng chỏng đá, rãnh nhì nhằng. Mưa suốt từ mùng một tháng Sáu âm lịch đã “vằm” không xót thương con đường dài hơn 2km. Có đoạn, ông Tấn phải dùng chân lê sền sệt để bánh xe đỡ trượt. Có đoạn, tôi phải trèo lên đường sắt rồi lại tụt xuống để qua ngầm tràn ngập nước. “Cứ mưa to, Cầu Cao bị chia cắt với bên ngoài cũng vì đoạn này đấy” - ông giải thích thêm khi chờ tôi tiếp tục cuộc hành trình.

Dọc bên đường, lúa xanh, ngô xanh muôn ngàn lá vẫy. Câu chuyện về cây lúa ở An Bình cũng nhanh qua để cây ngô tiếp phần quan trọng. Điều này đương nhiên dễ hiểu khi những thông tin được Phó chủ tịch UBND xã đưa ra: “Cả xã An Bình có 80ha lúa hai vụ, tôi nói đúng số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái năm ngoái, cấm có sai nhé! Còn cây ngô của chúng tôi có 385ha là tất ngô đồi, ngô bãi, ngô ruộng hai lúa”. Nhắc cây ngô rồi thì cũng phải “đả động” đến cây sắn nơi đây mà lại không thể “sơ sơ” được đâu. Nói vậy là bởi hai loại cây này đã gắn liền và có ý nghĩa thật sự quan trọng với cuộc sống người dân địa phương. Hết sắn lại ngô, hết ngô thì sắn - tưởng loanh quanh ấy thế nhưng có bao điều đã nói, đang nói, sẽ nói và vẫn nói...

Xuôi thoải gần cuối chân một con dốc hẹp là ngôi nhà của Trưởng thôn Cầu Cao - Trần Đức Sơn. Ao cá dọc lối vào nhà ăm ắp nước, trông rõ từng đàn cá thảnh thơi thả dáng. Khuôn sân nhỏ đầy những cùi ngô là cùi ngô ẩm ướt, mốc mêu vừa mới được tãi tời đón nắng. Tìm chỗ bỏ đôi giày bệt lề bề bùn đất, tôi ngước mắt ngắm không gian trước nhà. Phía xa là ngô đang lên, chút chênh chếch là đồi sắn, bên tay trái có rặng nhãn lâu năm... Thoáng đãng và yên lành đến lạ! Trưởng thôn, vợ ông và cậu con trai đang ở nhà. Ông Tấn hơi giọng trách: “Tôi gọi cho ông mấy cuộc mà đâu thấy trả lời?”.

Nheo nheo mắt ngó máy di động chốc lát, ông Sơn phân trần: “Ờ, nhỡ mấy cuộc thật! Thì mải chạy ra chạy vào, máy chả theo người nên nào hay...”. Người Trưởng thôn này vẫn tròn nguyên chất giọng và khẩu ngữ của vùng đất Hà Nam dù đã gần bốn chục năm lên đây làm kinh tế. Sương muối điểm trên tóc ông hẳn cũng theo cùng bấy nhiêu tháng năm lăn lộn, tần tảo với đồng đất Cầu Cao. Khác với ông Tấn, ông Sơn nói nhỏ, chậm rãi. Như đối lập nhau nhưng họ đã làm cho câu chuyện cây ngô, cây sắn trở nên cuốn hút tôi với dòng ký ức được mở lại...

Chính thức năm 2002, cây sắn “góp mặt” ở Cầu Cao. Trưởng thôn Sơn nhớ kể: “Cây sắn về thôn theo chương trình của huyện hỗ trợ cả giống này, có phân bón, kỹ thuật nữa. 3ha sắn lúc ấy tính ra không ít. Thú thật, tâm lý cũng có e ngại chứ nhưng nói thẳng ra, vừa là Trưởng thôn vừa là trách nhiệm của đảng viên gương mẫu làm trước, tôi nhận trồng 1ha. Còn 2ha thì chia đều cho bốn đảng viên trong thôn là Nguyễn Hữu Ước, Trần Xuân Thảo, Trần Đức Nhinh, Nguyễn Ngọc Bắc”.

Một năm sau, cây sắn đã bù đắp lại cho những người mạnh dạn “nuôi dưỡng” nó. Ông Sơn và ông Tấn không ngớt nhắc về những búi sắn “khổng lồ” tới 8kg/gốc - tựa một kỳ tích! Tôi thì cứ nghĩ, thôn này tới 80% dân số là người Hà Nam, có lẽ kinh nghiệm canh tác lúa nước sẵn thừa nên việc canh tác sắn cũng rất đơn giản. Đồng đất Cầu Cao đã cho ra mẻ sắn đầu tiên ấn tượng như thế. Sắn thu đến đâu, Nhà máy sắn Văn Yên mua đến đó. Giá trị kinh tế đạt 20 triệu đồng trên mỗi héc-ta, những người tiên phong thử nghiệm vui hơn cả khi tư tưởng như nút thắt được gỡ thẳng. Không những vậy, niềm vui của mùa vụ đầu tiên đã trở thành động lực để người dân Cầu Cao muốn phát triển cây sắn mạnh mẽ hơn nữa.

Dĩ nhiên, mong muốn hết sức tốt đẹp và chính đáng ấy đã đưa cây sắn “phủ sóng” khắp Cầu Cao. Có 1/3 số hộ của thôn trồng sắn vụ năm 2004 thì năm 2008 đã hết toàn bộ. “Phải nói thế này, từ năm 2008 đến năm 2010, dân Cầu Cao thực sự có của ăn của để nhờ cây sắn và trăm phần trăm diện tích đất canh tác trong thôn đều dành cho sắn” - ông Sơn chia sẻ. Ông Tấn góp chuyện rôm rả khi nhẩm tính chẳng nhầm số tiền nào lấy một đồng cũng không sai một lạng sắn nào.

Tôi phục ông lắm: “Xử lý thông tin hơn cả máy tính!”. “Máy tính” ấy nhân chia, cộng trừ ngày công, phân bón, giá thành... để người dân Cầu Cao có thể “đút ví”, “cất tủ” món tiền “tươi”. Cây sắn đã đi qua giai đoạn “thịnh vượng” nhất: Giá sắn củ tươi 2.000 đồng/kg, cung - cầu thuận lợi, thu nhập 60 triệu đồng/ha. Canh tác nhiều năm, đất bạc màu, năng suất sắn giảm thấp cùng với thị trường không thật sự ổn định đồng nghĩa với việc đất nghỉ, sức dừng, người dân tìm cách chuyển đổi loại cây trồng phù hợp. Với những diện tích trồng sắn kém hiệu quả, cây ngô đồi đã nhanh chóng đi vào thay thế. “Cầu Cao là thôn có diện tích ngô đồi chuyển đổi lớn nhất toàn xã An Bình”, Phó chủ tịch Lê Cao Tấn khẳng định.

35ha ngô đồi hiện nay là diện tích được chuyển đổi trong tổng số 130ha sắn của thôn Cầu Cao. Bình quân mỗi năm, từ năm 2011 đến thời điểm này, người dân đã chuyển đổi tầm chục héc-ta trồng sắn kém hiệu quả. Bày tỏ ý muốn đến thăm một hộ thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi, tôi tiếc khi nghe Trưởng thôn trả lời: “Giờ này thì không có ai ở nhà nữa, tất cả đều lên đồi thăm cây”.

Ông Tấn gợi: “Đâu xa, chính nhà Trưởng thôn cũng là một điển hình”. Gia đình ông Sơn đã chuyển 4 sào trồng sắn sang trồng ngô giống DK6919 đồng thời duy trì 2ha sắn KM94. Trong thôn, có 60/88 hộ đã chuyển đổi, hộ nhiều thì 1ha như ông Trần Văn Huệ, Trần Văn Đẳng, Trần Nhữ Hà, còn hộ ít khoảng đôi ba sào. Ông Tấn và ông Sơn cùng chung một nhận định rằng, hết vụ sắn năm nay và năm sau, chắc chắn thôn Cầu Cao cũng như xã An Bình sẽ tiếp tục chuyển đổi sang trồng ngô đồi một cách hợp lý. Nói chuyển đổi “hợp lý” là ở chỗ, quá trình này dựa trên cơ sở khoa học của việc bảo vệ tài nguyên đất, tăng thu nhập cho người dân, bảo đảm an ninh lương thực, tăng sản lượng và diện tích cây có hạt hàng năm, góp phần phát triển đàn gia súc và gia cầm của địa phương.

Làm nông nghiệp, thu nhập thực tế của trồng cây gì, nuôi con gì sẽ quyết định sự lựa chọn hướng đi và đầu tư của mỗi nông hộ. Trong câu chuyện của vợ Trưởng thôn Cầu Cao đã thực sự rõ ràng ý này. Bà “phân tích” về sự cần thiết luân canh giữa cây sắn với cây ngô để nuôi nguồn dinh dưỡng cho đất, về độ rủi ro lớn hơn của cây ngô so với cây sắn, về việc vừa trồng ngô vừa giữ sắn. Người giữ “hầu bao” của gia đình ông Sơn cụ thể hơn ai hết từng ngày công, khoản chi phí cho 4 sào ngô xuân vừa thu hoạch: “Đây ạ, 4 sào ngô xuân, thu 1,6 tấn ngô hạt khô, bán giá 5.300 đồng một cân, tôi thực lãi 1 triệu đồng một sào”.

Ông Tấn hồ khởi chen ngang: “Tôi cho cô biết thêm nhé: Ông Nguyễn Duyên Long ở thôn Khe Rồng một vụ ngô đồi thu tới 12 tấn, ông Đặng Văn Chung cũng ở Khe Rồng thu 8 tấn mỗi vụ và cỡ 5 tấn thì kể không hết... Thế nên lúc nãy tôi mới nói, dự định mở rộng diện tích chuyển đổi từ đất sắn sang trồng ngô ở trong dân sẽ rất lớn”. Điều ông Tấn, ông Sơn và vợ ông Sơn nói hoàn toàn đúng nhưng tôi cũng muốn nói thêm, vai trò định hướng của các cấp chính quyền vô cùng quan trọng với một quy hoạch tổng thể và đồng bộ, một chiến lược phát triển lâu dài và bền vững.

Sản phẩm ngô hạt của thôn Cầu Cao chủ yếu cung cấp cho thị trường, một phần phục vụ chăn nuôi. Người dân trong thôn giàu có nhờ nhiều nguồn thu nhập và không thể không kể đến chăn nuôi. Hiện nay, thôn có 2/3 số hộ giàu và khá, chỉ còn 2 hộ nghèo. Theo số liệu Phó chủ tịch Lê Cao Tấn cung cấp, sản lượng ngô mỗi năm của địa phương chừng 2.800 tấn, trong đó 1/3 dành cho phát triển chăn nuôi. Thực tế, giá trị kinh tế của cây ngô không cần bàn nhiều. Chuyển đổi cây trồng khoa học, hợp lý chính là bảo đảm hài hòa giữa các yếu tố để mang đến hiệu quả cao nhất cho người nông dân.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Điều trị cho bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân (huyện Yên Bình).

YBĐT - Nghị định 62/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHYT nêu rõ: Trường hợp quỹ khám bệnh, chữa bệnh do BHXH tỉnh quản lý trong năm không sử dụng hết được sử dụng 60% để mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị y tế... để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại địa phương theo hướng dẫn của liên Bộ Y tế - Tài chính. Thế nhưng, việc sử dụng quỹ kết dư quỹ BHYT tại địa phương trong những năm qua chưa được thực hiện theo các quy định trên…

Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân huyện Yên Bình được đầu tư xây dựng hơn 5 tỷ đồng, nhưng dụng cụ khám chữa bệnh trực tiếp cho người dân chỉ có ống nghe và đo huyết áp.

YBĐT - Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội lớn, không vì lợi nhuận, hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả trong khám, chữa bệnh (KCB) và toàn dân tham gia. Thế nhưng, lâu nay người dân 7 xã thượng huyện Yên Bình thuộc vùng phía đông hồ Thác Bà, trong đó có tới trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn phải chấp nhận mất đi từ 30 - 50% số tiền BHYT mà đáng lẽ ra họ phải được hưởng trọn vẹn, do đi khám trái tuyến.

Khách tham quan nghe giới thiệu về di tích nhà ông Trần Đình Khánh thuộc Cụm di tích lịch sử quốc gia Chiến khu Vần xã Việt Hồng (Trấn Yên).

YBĐT - Văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống con người cũng như trong bản sắc của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, cùng với thời gian, không phải di sản văn hóa vật thể nào cũng còn tồn tại nguyên vẹn, thậm chí có những di sản đã và đang dần mất đi.

Ông Hà Công Hoằng (bên phải) - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thịnh trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây đào với anh Nguyễn Văn Tươm.

YBĐT - “Khi rất nhiều người dân ở đây bỏ chăn nuôi thì tôi bắt đầu nhập cuộc” - câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tươm - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên đã đưa tôi cùng thời gian quay trở lại con đường mà anh lựa chọn cách đây đúng 5 năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục