Bài 2: Quy định bất cập khó thực hiện
- Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2015 | 3:17:21 PM
YênBái - YBĐT - Nghị định 62/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHYT nêu rõ: Trường hợp quỹ khám bệnh, chữa bệnh do BHXH tỉnh quản lý trong năm không sử dụng hết được sử dụng 60% để mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị y tế... để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại địa phương theo hướng dẫn của liên Bộ Y tế - Tài chính. Thế nhưng, việc sử dụng quỹ kết dư quỹ BHYT tại địa phương trong những năm qua chưa được thực hiện theo các quy định trên…
Điều trị cho bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân (huyện Yên Bình).
|
>> Bài I: Chấp chới cảnh “gần nhà xa ngõ”
Trở lại Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân, nhìn cơ ngơi khang trang được đầu tư bạc tỷ, tôi đã phần nào hiểu được sự kỳ vọng của người dân địa phương những mong được cải thiện chất lượng khám chữa bệnh (KCB) là điều dễ hiểu.
Bác sỹ Lâm Thị Chương - Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân - người đã gắn bó với cơ sở KCB này gần hai chục năm chia sẻ công việc chuyên môn của Phòng khám mà lòng nặng trĩu ưu tư: “Trang thiết bị của chúng tôi ở đây chỉ có cái ống nghe là cơ bản nhất để trực tiếp hàng ngày khám chữa bệnh cho nhân dân. Cơ sở vật chất của Phòng khám đã được đầu tư rất cơ bản, đầy đủ các phòng chức năng. Còn để hỗ trợ cho công tác KCB trực tiếp hàng ngày của các y bác sỹ thì thực tế là chưa có gì. Chúng tôi được học đến đâu thì cố gắng làm tốt đến đó. Có những bệnh biết là có thể chữa được tại cơ sở nhưng thuốc men tốt không có, máy móc thiết bị y tế hiện đại hỗ trợ chẩn đoán điều trị như máy siêu âm, chụp X quang cũng không, nên đành bất lực để bệnh nhân chuyển tuyến hoặc đi khám trái tuyến”.
Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân hiện có 7 y, bác sỹ, trong đó có 1 bác sỹ là trưởng phòng khám, 1 y sỹ, 3 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh và 1 dược sỹ. Trung bình mỗi ngày Phòng khám phục vụ khoảng 40 lượt bệnh nhân trong vùng. Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2010, Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng kinh phí đầu tư gần 6 tỷ đồng, gồm đầy đủ các phòng chức năng phân khu hợp lý theo mô hình của một bệnh viện thu nhỏ như: Phòng tiểu phẫu, phòng xét nghiệm, phòng X quang, phòng sản… và khu điều trị có 12 phòng.
Nếu nhìn vào cơ sở vật chất, phải thừa nhận đây thực sự là một phòng khám khu vực được đầu tư khá khang trang, quy chuẩn. Thế nhưng, kể từ khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng đến nay đã gần 5 năm, các phòng chức năng của phòng khám đa khoa này vẫn im ỉm cửa khóa để chờ được đầu tư máy móc thiết bị, đợi được bổ sung con người trong khi nhu cầu KCB của hàng chục nghìn người dân 7 xã thượng huyện Yên Bình thuộc vùng đông hồ Thác Bà mỗi ngày mỗi thêm bức thiết.
Thực tế mỗi năm, hàng trăm người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc các địa phương thuộc vùng phía đông hồ Thác Bà vẫn phải mất đi từ 30 - 50% số tiền BHYT mà đáng lý họ có quyền được hưởng trọn vẹn do khám trái tuyến. Nguyên nhân chính là do điều kiện KCB của tuyến y tế cơ sở không đảm bảo hay nói đúng hơn là quá thiếu thốn về trang thiết bị y tế. Lãnh đạo Sở Y tế thừa nhận, tình trạng thiếu trang thiết bị KCB và nhân lực đang diễn ra ở hầu hết các phòng khám đa khoa khu vực mà nguyên nhân căn cốt là thiếu vốn đầu tư. Đây là một vấn đề mà ngành y tế Yên Bái đang rất nỗ lực giải quyết bằng các giải pháp. Song, có một thực tế là những quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh về việc cấp chứng chỉ hành nghề và quy định phạm vi hoạt động chuyên môn cũng phần nào ảnh hưởng đến việc phân công cán bộ và triển khai kỹ thuật chuyên môn ở các phòng khám đa khoa khu vực.
Việc quy định mỗi cán bộ khi được cấp chứng chỉ hành nghề sẽ kèm theo phạm vi hoạt động chuyên môn ở một lĩnh vực cụ thể nên khi phân công về phòng khám đa khoa khu vực sẽ khó thực hiện các kỹ thuật chuyên môn ngoài phạm vi cho phép. Điều này cũng lý giải vì sao các phòng chức năng của nhiều phòng khám đa khoa khu vực dù đã được đầu tư xây dựng khang trang nhiều năm những vẫn đóng cửa để đấy chờ được đầu tư máy móc, đợi được bổ sung con người. Đây cũng là nguyên nhân căn bản ảnh hưởng đến việc đầu tư trang thiết bị cho các phòng khám đa khoa khu vực tại tuyến y tế cơ sở, nơi đòi hỏi mỗi cán bộ y tế phải có chuyên môn tổng hợp mọi lĩnh vực, hay nói ví von là phải năng động như “con dao pha”.
Được biết, trong 3 năm gần đây (từ 2012 đến 2014), trung bình mỗi năm ngành y tế Yên Bái kết dư tiền bảo hiểm trên 60 tỷ đồng. Vậy nhưng, số tiền này không được ngành y tế địa phương tái sản xuất theo Luật BHYT. Theo quy định, khoản tiền kết dư tại các địa phương trên cả nước đều phải đưa về BHXH Việt Nam. Tính đến cuối năm 2014, Quỹ Kết dư BHXH đã lên đến gần 400.000 tỷ đồng.
Bệnh nhân chờ thanh toán BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
Ông Lường Văn Hom - Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Các địa phương thuộc vùng cao, vùng đồng bào dân tộc của tỉnh hiện vẫn còn rất khó khăn do thiếu y bác sỹ, thiếu trang thiết bị kỹ thuật, song lại không được đầu tư trở lại. Tiền thì thừa nhưng lại mang đi chỗ khác là không công bằng… Nếu số tiền kết dư hàng chục tỷ đó cứ để cho ngành đầu tư trở lại mua sắm trang thiết bị, đào tạo cán bộ chuyên khoa sâu, hoặc hỗ trợ cho bác sỹ ở lại vùng sâu vùng xa thì tin chắc sẽ tốt hơn rất nhiều.
Việc sử dụng quỹ BHYT từ trước khi có Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT được quy định tại rõ tại Điều 34 - Quản lý quỹ bảo hiểm: Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch và có sự phân cấp quản lý trong hệ thống tổ chức BHYT; Điều 35 - sử dụng quỹ BHYT: Trường hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số thu BHYT lớn hơn số chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT thì được sử dụng một phần kết dư để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại địa phương.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc sử dụng quỹ kết dư quỹ BHYT tại địa phương chưa được thực hiện theo các quy định trên. Điều này là bất công bằng giữa các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh nghèo vùng cao, miền núi. Hệ quả là ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Do không tái đầu tư nên người bệnh tham gia BHYT ở các địa phương nghèo không được nhận các dịch vụ kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu. Mặt khác, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và khả năng cung ứng dịch vụ, nhất là ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển BHYT tiến tới BHYT toàn dân, do chất lượng dịch vụ và khả năng cung ứng dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu của người bệnh nên việc vận động người dân tham gia BHYT sẽ khó khăn.
Rõ ràng, Quỹ BHYT là do người dân đóng, nhưng khi kết dư lại chưa được tái sử dụng để phục vụ người bệnh. Không ai biết chúng được dùng vào việc gì. Người dân thì đành chấp nhận với một thực tế là cho bao nhiêu, nhận bấy nhiêu từ chính sách bảo hiểm. Và còn có một thực tế là mặc dù tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ y tế tự nguyện ở mức khá, song việc chi trả cho dịch vụ y tế tự nguyện còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng người dân rơi vào cảnh nghèo hóa.
Từ ngày 01/01/2015, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực. Ngành y tế và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh hy vọng việc sử dụng kết dư quỹ BHYT sẽ được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Tại Nghị định 62/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHYT cũng quy định: Trường hợp quỹ khám bệnh, chữa bệnh do Bảo hiểm xã hội tỉnh quản lý trong năm không sử dụng hết được sử dụng như sau: - 60% sử dụng để mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị y tế, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ và những khoản chi khác để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại địa phương theo hướng dẫn của liên Bộ Y tế - Tài chính; - 40% chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để bổ sung vào quỹ dự phòng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. |
Minh Thúy - Quyết Thắng
Các tin khác
YBĐT - Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội lớn, không vì lợi nhuận, hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả trong khám, chữa bệnh (KCB) và toàn dân tham gia. Thế nhưng, lâu nay người dân 7 xã thượng huyện Yên Bình thuộc vùng phía đông hồ Thác Bà, trong đó có tới trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn phải chấp nhận mất đi từ 30 - 50% số tiền BHYT mà đáng lẽ ra họ phải được hưởng trọn vẹn, do đi khám trái tuyến.
YBĐT - Văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống con người cũng như trong bản sắc của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, cùng với thời gian, không phải di sản văn hóa vật thể nào cũng còn tồn tại nguyên vẹn, thậm chí có những di sản đã và đang dần mất đi.
YBĐT - “Khi rất nhiều người dân ở đây bỏ chăn nuôi thì tôi bắt đầu nhập cuộc” - câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tươm - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên đã đưa tôi cùng thời gian quay trở lại con đường mà anh lựa chọn cách đây đúng 5 năm.
YBĐT- Nằm tách biệt với đất liền, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (LĐXH) tỉnh Yên Bái là nơi 200 học viên đang điều trị cai nghiện. Nơi đây, những cán bộ của Trung tâm đang ngày ngày chăm sóc cho hàng trăm học viên cai nghiện đủ thành phần, trong đó đến hơn 20% đã bị nhiễm căn bệnh nan y HIV/AIDS.