Thành công từ thất bại của người khác

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/8/2015 | 3:32:55 PM

YênBái - YBĐT - “Khi rất nhiều người dân ở đây bỏ chăn nuôi thì tôi bắt đầu nhập cuộc” - câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tươm - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên đã đưa tôi cùng thời gian quay trở lại con đường mà anh lựa chọn cách đây đúng 5 năm.

Ông Hà Công Hoằng (bên phải) - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thịnh trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây đào với anh Nguyễn Văn Tươm.
Ông Hà Công Hoằng (bên phải) - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thịnh trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây đào với anh Nguyễn Văn Tươm.

Nhạy bén và quyết đoán, nét tính cách ấy thật rõ ràng và dễ cảm nhận ở anh Tươm dù là lần đầu gặp. “Cơ ngơi này chuẩn như tên anh!” - tôi đùa vui. “Chị ạ, chưa dám nhận vậy nhưng thực sự lúc nào cũng cứ phải cố gắng, cuộc sống mà...” - nghe trong giọng điệu của anh Tươm có chút chất chứa.

Cái nắng tháng Bảy khi người dân mãi chực chờ mưa xuống như làm bỏng rát thêm những tháng năm anh theo nghề buôn gỗ: “Thừa nhọc nhằn, lắm nỗi niềm!”. Có thể anh cũng chưa biết cuộc đời mình sẽ rẽ ngả nào nếu như 5 năm trước không có chuyện xảy ra... Năm 2010, lợn thương phẩm rớt giá, thậm chí chẳng bán nổi, người dân Hưng Thịnh bỏ nuôi hàng loạt cũng như lúc ồ ạt theo nhau chăn nuôi.

Ai đâu biết rằng, trong nỗi chán chường của bao con người đã nhen lên ngọn lửa nơi một con người. “Nói thế nào với chị nhỉ, chỉ hay là lúc đó, tôi bỗng quyết định chắc chắn mình sẽ bỏ nghề buôn gỗ để chuyển sang chăn nuôi lợn. Tôi nghĩ, thất bại luôn là khởi điểm của thành công. Mình có thể thành công từ chính thất bại của bản thân. Mình cũng có thể thành công từ thất bại của người khác” - giọng anh như lửa đã bén.

Nói đơn giản vậy thôi, chứ tại thời điểm ấy, quyết định của anh được phân tích, đánh giá một cách khoa học theo kinh nghiệm của riêng mình. Anh cho rằng, người dân thường không mấy ai tính toán cẩn thận lúc làm ăn, tiếp nhận cái mới còn e dè, cứ phải thấy rõ mười mươi mới làm theo. Đợi “mười mươi” cụ thể trước mắt thì thị trường cũng bắt đầu ổn định nên nhất định sẽ phải bán với giá thấp chứ chưa nói không thể tiêu thụ được. Theo nhau bỏ nuôi vì lỗ vốn, vì không đủ sức đầu tư lâu dài nên chắc chắn thị trường sau đó lại khan hàng, nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu là giá sẽ lại tăng cao. Anh bảo rằng: “Mua 10 lợn nái, tôi đã chính thức bước vào nghề chăn nuôi lợn với rất nhiều hy vọng”. Tôi thêm vào mạch chuyện của anh Tươm: “Mấu chốt thành công của anh, tôi nghĩ cũng bắt đầu từ khác biệt này”.

50 triệu đồng thu về là kết quả đầu tiên dành cho người đàn ông này sau một năm “nhảy” vào nghề chăn nuôi từ thất bại của những người xung quanh. Niềm vui không thể bảo rằng ít nhưng như anh chia sẻ thì “Lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, tôi cũng mở rộng sự tự tin cùng bao niềm hy vọng”. Địa điểm anh Tươm ưng ý để xây dựng chuồng trại là một quả đồi cách nhà quãng 300m. Thắc mắc, tôi hỏi: “Hẳn không chọn được nơi bằng phẳng nên anh đưa lợn lên đồi?”. Anh đáp: “Đó là điều tôi rút ra qua việc đi thăm quan và học tập kinh nghiệm của nhiều người, ở nhiều địa bàn khác nhau.

Tại nơi cao ráo, thoáng mát, chăn nuôi sẽ thuận lợi bởi trong môi trường như thế, các loại vi khuẩn gây bệnh không có điều kiện tồn tại lâu dài”. Cùng với nhen nhóm ý định mới, số tiền anh tập trung cho khu đồi 5ha để san gạt một phần, mua giống cây, trồng chuối... hết cả thảy 92 triệu đồng. Giọng kể, gương mặt anh tràn đầy biểu cảm và hứng khởi.

Vanh vách và rành rọt từng con số, anh Tươm chắc nịch: “Cuối năm 2012, tôi xuất 100 con lợn thương phẩm, lãi kha khá. Tiếp tục đầu tư năm tiếp theo, tôi khoan giếng, đào ao, xây chuồng nuôi 20 nái, mua bể bi-ô-ga. Làm 150m đường bê tông lên tận đồi, san tiếp đồi để trồng cam Đường Canh, bưởi Diễn, quất cảnh là tôi đã tái đầu tư sản xuất từ lợi nhuận 150 triệu đồng của năm 2013. Năm vừa rồi, lợn mang về cho gia đình tôi 250 triệu đồng, tính riêng lãi”.

Anh cũng nhắc mãi việc được Hội Nông dân xã cử tham gia lớp thú y - chăn nuôi tại Trung tâm Dạy nghề huyện Trấn Yên. Những kiến thức cơ bản nhất về chăn nuôi, anh tích lũy trong thời gian một tháng học tập ở đây. Tôi dường như bị cuốn cùng niềm say sưa không dứt khi theo anh trở về những chặng đường đã qua. Cuốn cùng những con số không ngừng tăng mỗi năm và cuốn cùng ý chí, quyết tâm của anh, tôi biết vậy. “Chị có muốn lên thăm khu chuồng trại chăn nuôi của tôi không?” - anh Tươm ướm lời. “Tất nhiên là không thể không rồi!” - tôi đáp.

“Ngồi chắc nhé, dốc cao đấy!” - anh nhắc tôi khi chuẩn bị lên dốc. Giữa trưa, ngằn ngặt nắng mà bước vào khu chuồng trại chăn nuôi lợn thương phẩm là thấy dịu lại hẳn. Từng ô, từng ô, sạch sẽ, thoáng mát, lợn nằm kềnh cang. Anh Tươm hỏi ngay: “Mát không hả chị? Làm khu chuồng này, tôi đã xem xét, chọn hướng để đón được gió mát giữa mùa hè nhưng vẫn bảo đảm độ ấm trong mùa đông. Không chỉ hút gió tự nhiên, tôi còn trồng chuối xung quanh tạo bóng mát. Và không chỉ tạo bóng mát, chuối còn làm thức ăn bổ sung cho nái mẹ”. Ngó ra xung quanh, thấy ngợp mắt màu xanh của hàng ngàn gốc đào, của những bụi chuối...

Sang khu nuôi nái mẹ nằm vuông góc sát đấy, không gian thật dễ chịu nữa: “Ô hay, mát hơn cả bên kia!” - tôi buột miệng. “Đúng vậy, chăm sóc nái mẹ cần kỹ lưỡng và chu đáo hơn. Mẹ khỏe mạnh, con cũng khỏe mạnh. Con giống khỏe mạnh, công chăm sóc về sau cũng nhàn hơn nhiều” - anh lý giải. Ngoài bảo đảm tiêm vắc-xin đúng định kỳ, anh tắm cho đàn lợn bằng máy bơm để cách ly các cá thể với nhau, tránh dịch bệnh và tránh sự phát triển dịch bệnh hiệu quả hơn. Những ngày nắng nóng, đàn lợn được tắm 3 lần vào 10 giờ, 12 giờ và 17 giờ. Anh cũng không lơ là việc vệ sinh chuồng trại, hạn chế người qua lại, phun tiêu độc khử trùng...

Anh Nguyễn Văn Tươm chăm sóc đàn lợn con.

Quy mô chăn nuôi của anh Tươm hiện có 150 lợn thịt, 20 nái, 1 đực giống. Lợn thương phẩm, mỗi lứa, anh chọn nuôi những con đủ tiêu chuẩn để có lãi cao và bán loại dần số kém hơn. Đối với nái mẹ, anh chủ động chọn giống tốt, không phải mua con giống ngoài. Đặc biệt, để giữ giống lâu bền, cứ mỗi lứa thì anh sẽ chọn lại từ 5 đến 6 con. Anh lại cặn kẽ chỉ cho tôi rõ các điểm mạnh, yếu ở giống lợn Đại Bạch của Việt Nam với giống Đu-rốc nhập của Mỹ. Khó nhất là việc theo dõi, phát hiện thời kỳ động dục ở con nái, nếu để nhỡ một lứa là trượt mất 8 tháng liền nên cần phải có chuyên môn, kỹ thuật. Rồi cả chuyện thời điểm nào trong năm cần đẩy mạnh số lượng nuôi, thời điểm nào phải giảm cho phù hợp với nhu cầu...  

Khoa học, đồng bộ từ khâu vào tới khâu ra, tính toán để đạt hiệu quả cao nhất trong chăn nuôi, sản xuất là nét nổi bật của Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Yên Định. Xử lý nguồn chất thải tốt vừa giúp môi trường trong lành vừa tận dụng làm phân bón cho hàng ngàn gốc đào và các loại cây ăn quả của gia đình trong những năm qua. “Một ngàn gốc đào phai, đào bích của quê tôi Nam Điền, Nam Định đã lên đến đây rồi.

Qua hai bể bi-ô-ga, nguồn chất thải có thể tưới luôn cho cây đào. Tránh cho cây khỏi xót, bón phân phải cách độ nửa mét thì mới được như mình mong muốn” - anh cho biết thêm kinh nghiệm chăm sóc đào. Đã mấy năm nay, từ khu đồi này, anh Tươm đã mang hương sắc của mùa xuân đến với nhiều người, nhiều gia đình ở Yên Bái và Lào Cai. Riêng với đào, năm qua, anh cũng có thêm 120 triệu đồng. Chưa hết, gia đình anh còn mở quán ăn, nuôi hàng ngàn con gà, bán thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y...

Có sự nhạy bén với thị trường cùng sức lao động chân chính đã đưa anh Tươm đến với thành công ngày hôm nay. Chia sẻ chân thành, anh cho rằng: “Không ai có thể nói mạnh điều gì ở ngày mai, nhất là trong chăn nuôi vì rủi ro không phải không có và cũng khó lường. Tôi thì nghĩ, lúc nào cũng nên cố gắng hết mình để không bao giờ nuối tiếc!”. Tôi thật lòng chia sẻ cùng anh suy nghĩ ấy. Dẫu cho con đường có gập ghềnh, dù đôi chân có lúc chùn bước nhưng luôn vẹn nguyên ý nghĩa dành cho người đi tới cuối con đường với một niềm tin vào chính bản thân mình.

Nguyễn Thơm

Các tin khác

YBĐT- Nằm tách biệt với đất liền, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (LĐXH) tỉnh Yên Bái là nơi 200 học viên đang điều trị cai nghiện. Nơi đây, những cán bộ của Trung tâm đang ngày ngày chăm sóc cho hàng trăm học viên cai nghiện đủ thành phần, trong đó đến hơn 20% đã bị nhiễm căn bệnh nan y HIV/AIDS.

Xã Bảo Hưng đang xây dựng thương hiệu chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

YBĐT - Nhờ các giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nên trong 5 năm qua Trấn Yên đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu, kế hoạch của cả nhiệm kỳ.

YBĐT - Bình an cho những hành khách đi lại qua bến đò thôn Chăn Nuôi, xã Xuân Ái (Văn Yên) là niềm vui không riêng của ai mà tất cả những người khách đi đò khi được bình an trở về nhà sau những chuyến đò chở đầy niềm vui và hy vọng.

Bản làng Lả Khắt hôm nay.

YBĐT - Lả Khắt hôm nay không chỉ người trẻ tiến bộ trong suy nghĩ mà nhiều người già cũng thay đổi nhận thức trong xây dựng nếp sống văn minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục