Trăn trở bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/8/2015 | 3:40:50 PM

YênBái - YBĐT - Văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống con người cũng như trong bản sắc của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, cùng với thời gian, không phải di sản văn hóa vật thể nào cũng còn tồn tại nguyên vẹn, thậm chí có những di sản đã và đang dần mất đi.

Khách tham quan nghe giới thiệu về di tích nhà ông Trần Đình Khánh thuộc Cụm di tích lịch sử quốc gia Chiến khu Vần xã Việt Hồng (Trấn Yên).
Khách tham quan nghe giới thiệu về di tích nhà ông Trần Đình Khánh thuộc Cụm di tích lịch sử quốc gia Chiến khu Vần xã Việt Hồng (Trấn Yên).

Trước thực tế đó, làm gì để bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa, đặc biệt là việc bảo tồn để giữ gìn di sản văn hóa vật thể một cách an toàn trước sự xuống cấp hoặc phá hoại, đồng thời, bảo đảm việc giới thiệu, trưng bày, khôi phục và tôn tạo các di tích để khai thác tiềm năng du lịch, gắn với phát triển kinh tế, xã hội đang là câu hỏi lớn đặt ra không chỉ với ngành văn hóa mà với toàn xã hội.

Thực sự được du khách quan tâm?

Nhắc đến di tích lịch sử cách mạng tại Yên Bái, hẳn ai cũng biết đến Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến khu Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Nằm trong cụm di tích ấy, nhà ông Trần Đình Khánh - Trụ sở đầu tiên của Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái, căn nhà trước đây đã bị xuống cấp, năm 2009 được phục dựng và đến năm 2014, được bàn giao cho Trung tâm Văn hóa huyện Trấn Yên quản lý. Ấn tượng của tôi đầu tiên khi đến đây là khuôn viên rợp bóng cây xanh. Bên ngoài cổng là tấm bia đá giới thiệu chung về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông, bên trong là căn nhà sàn rộng rãi.

May mắn được gặp một nhóm các em nhỏ đang thăm quan trong khu vực di tích. Em Trần Thị Quỳnh Nga - học sinh lớp 10, Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc chia sẻ: “Ngay từ nhỏ, em đã được nghe ông bà, cha mẹ kể lịch sử về ông Trần Đình Khánh. Lớn lên đi học xa nhà, lần nào có dịp về thăm nhà em cũng lên đây thắp hương cho ông. Hôm nay, em dẫn các bạn cùng học ở trường về chơi, các bạn đều rất thích thú, em thấy tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lịch sử này”.

Nhà ông Trần Đình Khánh hoàn thành trùng tu, tôn tạo giai đoạn I với tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng. Đến nay, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, khai thác vẫn chưa thu hút được khách thăm quan. Trong 6 tháng đầu năm 2015, chỉ có khoảng 50 đoàn khách đến đây thăm quan. Thẳng thắn nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Trấn Yên cho biết: “Không chỉ tại Yên Bái mà tại nhiều địa phương trên cả nước, các di tích lịch sử cách mạng thường ít thu hút được khách du lịch. Nhà ông Trần Đình Khánh nằm trong Khu di tích Chiến khu Vần là một khu vực có tiềm năng du lịch lớn. Tuy nhiên, hiện nay di tích mới chỉ hoàn thiện giai đoạn I của việc trùng tu, tôn tạo. Nhiều hiện vật bên trong căn nhà vẫn chưa đầy đủ, đường điện còn dang dở, chưa có nhà vệ sinh. Đặc biệt, quanh khu vực di tích chưa có hệ thống dịch vụ: hàng lưu niệm, ăn uống, khu nghỉ…”

Để đưa Khu di tích lịch sử Chiến khu Vần nói chung và di tích nhà ông Trần Đình Khánh nói riêng đi vào khai thác đạt hiệu quả cao là việc làm còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Trung tâm Văn hóa huyện Trấn Yên phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) sẽ tiến hành khảo sát, báo cáo UBND huyện quy hoạch tổng thể, tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn II. Đồng thời, tiến hành sưu tập các hiện vật bổ sung vào di tích, tổ chức lễ hội truyền thống gắn với đồng bào dân tộc tại địa phương…

Khó khăn mọi mặt

Bến Âu Lâu - Di tích lịch sử cấp quốc gia. (Ảnh: Tượng đài trên bến Âu Lâu)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 13 di tích nằm trong danh mục di tích cấp quốc gia và 67 di tích cấp tỉnh. Trong 13 di tích cấp quốc gia có tới hơn một nửa là di tích lịch sử cách mạng. Thế nhưng, phải thẳng thắn nhìn nhận, trước nhu cầu cuộc sống ngày càng được nâng cao, du lịch phát triển thì điểm đến được lựa chọn đầu tiên của hầu khắp người dân trước kỳ nghỉ chắc chắn không phải là một khu di dích lịch sử cách mạng. Có một thực tế khác, trong khi hầu hết các di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh chưa được tu bổ, tôn tạo thì những di tích thuộc loại hình tín ngưỡng, tôn giáo dường như lại được quan tâm hơn… Gần đây nhất, tại chùa Phù Nham, huyện Văn Chấn tuy chỉ phát hiện có di chỉ khảo cổ học về ngôi chùa cổ nhưng chưa được công nhận di tích mà đã được đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để tôn tạo.

Ông Mã Đình Hoàn - Giám đốc Ban quản lý Di tích và Danh thắng, Sở VH, TT&DL Yên Bái cho biết: “Hiện nay, dù là những di tích cấp quốc gia hay di tích cấp tỉnh đều còn đang “ngổn ngang” và khó khăn về mọi mặt. Khó khăn chính là do nguồn kinh phí hạn hẹp, trong khi để trùng tu, tôn tạo hay đưa vào khai thác di tích cũng cần có nguồn kinh phí rất lớn, khó thực hiện công tác xã hội hóa. Hơn nữa, ý thức của người dân mới chỉ dừng ở mức bảo vệ di tích đơn thuần, các khu vực di tích thường lại ở nơi vùng sâu, vùng xa đi lại không thuận tiện.

Nghịch lý ở chỗ, như danh thắng hồ Thác Bà - nơi được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”, thế nhưng việc đầu tư khai thác tiềm năng du lịch và cả văn hóa tâm linh tại đây đều chưa xứng tầm, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Hay như di tích Đồn Ca Vịnh, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, năm 2007 tại đây phát hiện mộ chôn tập thể của nhiều chiến sĩ hi sinh trong chiến dịch Lý Thường Kiệt năm 1951 nhưng đến nay vẫn chỉ nằm nguyên trạng… Đó là chưa kể đến nhiều di tích lịch sử cách mạng khác mang giá trị lịch sử to lớn nhưng hầu như không thể đưa vào khai thác, không thu hút khách du lịch”.

Di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Vần, Khu di tích Căng và đồn Nghĩa Lộ, Khu mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái tháng 2/1930… là những cái tên đã trở nên quen thuộc với những ai lớn lên và sinh ra trên mảnh đất Yên Bái. Nhưng nhìn vào số lượng khách đến thăm những di tích này thì quả là điều đáng buồn!

Tài sản vô giá của dân tộc

Đoàn du khách thăm quan tại Khu mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái tháng 2/1930.

Đối với di sản văn hóa vật thể truyền thống, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc bảo vệ, giữ gìn mà cần coi việc phát huy tác dụng thực tế của các tài sản văn hóa, đặc biệt là trong nhận thức và giáo dục mới là công việc quan trọng. Việc bảo tồn di sản văn hóa không thể chỉ đóng khung trong phạm vi bảo tàng, những giá trị văn hóa truyền thống sẽ “chết” nếu nó không được làm “sống” lại trong đời sống cộng đồng.

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong tỉnh được bền vững, lan tỏa, ông Mã Đình Hoàn cho biết thêm: “Những năm qua, chúng tôi đã tiến hành xây dựng kế hoạch nghiên cứu khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di tích văn hóa, trên cơ sở đó, lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đối với từng di tích, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cá nhân vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch văn hóa, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”.

Với một số lượng đồ sộ về di sản văn hóa vật thể như vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của di sản quả thực không phải điều đơn giản. Thiết nghĩ, cần đưa di sản đến gần hơn với đời sống của người dân, để mọi người hiểu và nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của di sản từ đó ý thức bảo vệ di sản sẽ được nâng cao.

Mai Linh

Các tin khác
Ông Hà Công Hoằng (bên phải) - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thịnh trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây đào với anh Nguyễn Văn Tươm.

YBĐT - “Khi rất nhiều người dân ở đây bỏ chăn nuôi thì tôi bắt đầu nhập cuộc” - câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tươm - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên đã đưa tôi cùng thời gian quay trở lại con đường mà anh lựa chọn cách đây đúng 5 năm.

YBĐT- Nằm tách biệt với đất liền, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (LĐXH) tỉnh Yên Bái là nơi 200 học viên đang điều trị cai nghiện. Nơi đây, những cán bộ của Trung tâm đang ngày ngày chăm sóc cho hàng trăm học viên cai nghiện đủ thành phần, trong đó đến hơn 20% đã bị nhiễm căn bệnh nan y HIV/AIDS.

Xã Bảo Hưng đang xây dựng thương hiệu chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

YBĐT - Nhờ các giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nên trong 5 năm qua Trấn Yên đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu, kế hoạch của cả nhiệm kỳ.

YBĐT - Bình an cho những hành khách đi lại qua bến đò thôn Chăn Nuôi, xã Xuân Ái (Văn Yên) là niềm vui không riêng của ai mà tất cả những người khách đi đò khi được bình an trở về nhà sau những chuyến đò chở đầy niềm vui và hy vọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục