Đất lạ thành quê
- Cập nhật: Thứ ba, 29/12/2015 | 9:57:12 AM
YBĐT - Không điều gì khác, chính bàn tay, khối óc và tình yêu lao động, ý chí vươn lên là những "bí quyết" để người An Sơn (xã Hạnh Sơn, Văn Chấn) biến mảnh đất xa lạ, hoang hóa thuở nào thành quê hương thanh bình, khấm khá hôm nay!
Trưởng thôn Nguyễn Văn Đảm thăm ruộng ngô của người dân An Sơn.
|
Đồng đất An Sơn mùa này ngút ngát những ruộng ngô cao ngập đầu người đương kì căng bắp, đỏ mọng bao trái cà chua đông và xanh mỡ màng những giàn bí đao lúc lỉu… Nếu không phải là những người An Sơn đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này cách đây vừa tròn nửa thế kỷ thì ít ai có thể hình dung đồng đất mỡ màu rau trái này từng hoang vu, cằn cỗi, nghèo khó thế nào. Có lẽ, mãi mãi, người An Sơn chẳng bao giờ quên nổi những ngày xưa gian khó!
Cách đây vừa đúng 50 năm và cách nơi này gần 400 cây số, ngày 1/1/1965, gần 100 người của 46 hộ gia đình ở thôn An Khoái (xã An Đình, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã tạm biệt quê hương bản xứ, lên với mảnh đất Hạnh Sơn (huyện Văn Chấn, tỉnh Nghĩa Lộ - nay là Yên Bái) theo tiếng gọi của Đảng và Chính phủ đi xây dựng kinh tế mới miền Tây Bắc.
Ông Nguyễn Văn Xã - một trong số gần 100 người ấy nhắc lại chuyện xưa, rành rọt lắm: "Một cánh đồng hoang hóa không hơn không kém, bạc màu, chỉ có cỏ mọc ngang đầu gối, chỉ là nơi để bà con dân tộc bản địa thả trâu, bắt chim - lạnh lẽo, hoang sơ vô cùng. Hình ảnh mảnh đất mới mà chúng tôi lặn lội 3, 4 ngày trời mới đến nơi là thế và chỉ có thế. Thật sự, nhìn cảnh ấy, sâu tâm can cả gần trăm người lúc bấy giờ như một đều khó tránh khỏi lo lắng, cả hoang mang đấy! Nhưng bù lại, chúng tôi được bà con bản địa đón tiếp rất nồng nhiệt".
Sẻ chia với người miền xuôi vừa chân ướt chân ráo tới nơi này, bà con dân tộc bản Cại, bản Đường đã đưa họ về nhà mình nghỉ trọ, san sẻ từng bát cơm, củ sắn, động viên tinh thần mọi người yên tâm ở lại. Cái tên An Sơn cũng là từ tên hai miền quê An Đình và Hạnh Sơn mà ra, như minh chứng cho một sự gắn kết vùng núi và đồng bằng.
Khởi đầu bằng việc dựng nhà, người An Sơn cùng nhau lên rừng lấy gỗ, vầu, tre nứa dựng lên 30 căn nhà nhỏ, toàn tường tre, vách đất, trơ trọi giữa cánh đồng. "Chúng tôi được chính quyền phân cho mỗi gia đình một nhà nhưng cũng có khi hai, ba gia đình phải chung nhau một nhà. Ngủ sàn tre, vay nhau từng bát gạo, ăn sắn, rau tàu bay - chúng tôi đón cái tết đầu tiên trên mảnh đất này như thế. Đất Tây Bắc những ngày đông rét tê người, hun hút gió. Bản nhỏ của chúng tôi vẫn chưa có đường đi, chưa có cây cối, càng hoang vu và lạnh lẽo… khiến ai nấy đều nhớ tết quê da diết" - ông Xã nhớ lại cái tết đầu vẫn còn nguyên nỗi nhớ quê năm nào.
Sau tết, mỗi hộ một người trở về quê đón tiếp người thân, cả thảy 53 hộ, 252 nhân khẩu, bồng bế nhau, gồng gánh cả giống vật nuôi, giống rau các loại lên An Sơn, nhọc nhằn lập nghiệp đất mới. Tiếp tục bắt tay vào tu sửa nhà cửa, làm chuồng trại, đắp đường đi, khai phá ruộng hoang hóa, lên rừng lấy củi bán, đi bộ tận Nông trường Nghĩa Lộ mua sắn về độn cơm, có khi ăn nguyên sắn, lấy rau má, rau tàu bay mọc hoang về ăn… - người An Sơn đã bắt đầu cuộc sống với hai bàn tay trắng như thế.
"Khổ cực, có gia đình không chịu nổi đã bỏ về quê, có gia đình bỏ sang Phù Nham sinh sống. Chúng tôi động viên nhau quyết tâm bám trụ. Chi bộ Đảng lãnh đạo bầu Ban quản trị Hợp tác xã (HTX) An Sơn, lãnh đạo xã viên cuốc ruộng, đắp bờ, đắp đập, đào mương dẫn nước vào ruộng, cắt cỏ làm phân, gánh hàng trăm tấn trấu đổ ruộng cải tạo đất; rồi vay vốn Ngân hàng Nhà nước mua trâu cày kéo, mua dụng cụ sản xuất…" - ông Nguyễn Văn Xã khi ấy từng làm Phó chủ nhiệm HTX, rồi Chủ nhiệm HTX, bùi ngùi nhắc lại.
Còn Trưởng thôn Nguyễn Văn Đảm năm đó mới mười mấy tuổi, vẫn nhớ như in những ngày miệt mài gánh trấu, làm phân cải tạo đất ruộng: "Mở mắt ra đi gánh trấu, tận chiều muộn mới nghỉ. Cơ man nào là trấu đổ đầy ruộng. Rồi lại cắt cỏ ủ phân… Không biết bao nhiêu công sức mọi người đổ xuống đồng đất này". Không phụ công sức, đất hoang hóa ngày nào đã trả lại cho người An Sơn những vụ thu hoạch lúa, rau màu đầu tiên.
Chi bộ thôn rồi Ban quản trị HTX An Sơn lại tiếp tục cùng bà con xã viên, các ban ngành, đoàn thể đồng lòng “tiến công” vào mặt trận sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích cây lúa 2 vụ đến hơn ba chục ha, dần dần giải quyết ổn định cơ bản lương thực cho người dân. Những ngày máy bay Mỹ bắn phá miền bắc, người An Sơn vừa đào hầm trú ẩn, vừa tiếp tục nỗ lực sản xuất, góp người, góp của cho tiền tuyến. Từ mở rộng diện tích cấy lúa 2 vụ, rồi áp dụng tiến bộ khoa học vào đồng ruộng, đưa giống cây trồng năng suất chất lượng vào gieo trồng, bảng vàng 5 tấn thóc của Thái Bình cũng được người An Sơn đạt được cùng với quê hương, tạo đà cho An Sơn phát triển trên chặng đường mới.
Là người An Sơn, cuộc sống của ai cũng gắn chặt với những thăng trầm của HTX An Sơn. Nghe ông Xã - nguyên Chủ nhiệm HTX trước đây và ông Đảm - Chủ nhiệm HTX bây giờ dung dằng mãi câu chuyện HTX xưa - nay, mới hay đời sống người An Sơn không phải từ "bảng vàng" 5 tấn hôm nào mà cứ thế theo đường thẳng tới hôm nay.
Chi tiết câu chuyện thì miên man mãi theo những bối cảnh của đất nước mỗi thời kỳ, nhưng đại ý rằng, từ HTX An Sơn, sáp nhập vào HTX Hợp nhất toàn xã, rồi lại chia tách, rồi lại giải thể để quản lý theo mô hình thôn bản dưới sự chỉ đạo của UBND xã, rồi lại tái lập… Có lúc, vì nhiều lý do mà HTX làm ăn yếu kém, thất thoát tài sản, năng suất lúa tăng chậm, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, thậm chí có gia đình thiếu ăn trở lại. Nhưng rồi khó khăn cũng qua đi, những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế tạo đà cho người An Sơn vốn chăm chỉ thêm điều kiện làm ăn phát triển.
Rau màu tốt tươi trên đồng đất An Sơn. (Trong ảnh: Ông Thủy chăm sóc ruộng bí đao của gia đình).
"Chủ trương khoán theo Chỉ thị 100 năm 1981 của Trung ương Đảng, rồi đến khoán gọn năm 1987, tiến tới khoán thẳng cho xã viên là động lực cho nông nghiệp nước ta. Dân An Sơn chúng tôi cũng trong đà đó mà gặt hái nhiều thành công trong sản xuất nông nghiệp" - ông Xã cho hay. Chuyển đổi sang cơ chế khoán cây trồng, vật nuôi, năng suất, sản lượng nông nghiệp của An Sơn tăng lên rõ rệt, từ 5 tấn/ha năm 1975 lên 10 tấn/ha năm 1994 và nay là 13,2 tấn/ha trở lên.
Đồng đất An Sơn xuất hiện nhiều loại cây trồng năng suất, chất lượng, đặc biệt là giống lúa đặc sản Séng Cù, Chiêm Hương. Không chỉ hai vụ lúa, người An Sơn đưa vào và sản xuất mạnh cả cây vụ ba. Từ năm 1987, dưới bàn tay người An Sơn, ngô đông đã trở thành cây sản xuất chủ lực cùng với rau màu các loại làm gia tăng giá trị canh tác trên đồng đất này. Năm 1997, HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn tái lập với số vốn năm đầu chỉ có 30 triệu đồng, cho đến giờ đã đạt 700 triệu đồng.
Giờ, còn có ai nhận ra mảnh đất hoang hóa thủa nào? An Sơn hôm nay mỡ màu đồng đất, thanh bình từng con đường nhỏ và ấm cúng những mái nhà xây khang trang san sát nhau. Bao mái tranh trơ trọi thưở nào chỉ còn lại trong kí ức. Tôi muốn gặp ông Đảm trưởng thôn từ sáng sớm mà ông cứ mải mốt công việc không ngơi. Có lẽ như bao người An Sơn khác, ông vẫn quen luôn chân luôn tay công việc như tự thuở mới đến nơi này.
Ngoài đồng, con trai, con dâu ông cũng cặm cụi suốt sớm chăm bẵm, thu hái thửa ruộng cà chua. Anh con trai đã từng lang bạt tận trời Nam làm ăn rồi lại về đây gắn bó với mảnh đất này, gắn bó với đồng đất, rau màu như cha anh. Thửa ruộng bí đao bên cạnh lúc lỉu những quả là quả cũng là của gia đình ông Thủy - lão nông vốn chăm chỉ hơn người, vụ đông nào cũng mượn thêm đất trồng rau, màu, cho thu nhập không đùa được… Kinh tế gia đình khá giả, người An Sơn đồng lòng góp sức xây dựng thôn bản mỗi ngày mỗi khác.
Gần 20 năm trước, đã đóng góp 80 triệu đồng xây dựng, nâng cấp đường điện quốc gia về thôn; rồi lại bỏ công góp của đắp tuyến đường An Sơn đi Tông Co 1,8 km trị giá 100 triệu đồng; hiến đất, rỡ rào làm đường, làm mương, cùng Nhà nước bê tông hóa hơn 1,2 km đường nội thôn, cứng hóa trên 2,5 km kênh mương nội đồng… Chả tính sức người bỏ ra bao nhiêu năm, chỉ những khoản đóng góp trực tiếp, tính ra, đến nay, người An Sơn đóng góp đến 1,2 tỷ đồng cho mảnh đất này khấm khá như hôm nay.
Nửa thế kỷ đi qua, những người An Sơn đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này có người giờ đã không còn nữa, nhưng hẳn rằng không một ai trong họ tiếc nuối quyết định đi theo tiếng gọi của Chính phủ năm nào. Chọn nơi này làm quê hương thứ hai, và không điều gì khác, chính bàn tay, khối óc và tình yêu lao động, ý chí vươn lên là những "bí quyết" để người An Sơn biến đất lạ thành quê!
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Lần theo những vệt bánh xe in dấu trên mặt đường, chúng tôi cùng đoàn công tác liên ngành phát hiện ra khá nhiều trường hợp xe chở quá tải, xe cơi nới thành thùng đang ì ạch trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Cũng từ đây, những chiêu trò, hành vi, thủ đoạn… của cánh xe quá tải nhằm “lách luật”, qua mặt lực lượng chức năng dần hé lộ.
YBĐT - Được đánh giá là một trong những cầu treo dài nhất và có kinh phí đầu tư lớn nhất, cầu treo Khe Cam, xã An Lương, huyện Văn Chấn có tổng chiều dài 120 mét, tổng kinh phí xây dựng 13 tỷ đồng. Cây cầu là huyết mạch giao thông nối vào 6 thôn gồm: Mảm 1, Khe Cam, Suối Dầm, Khe Quéo, Khe Cạnh và Đá Đen với trên 400 hộ dân sinh sống. Khởi công xây dựng từ tháng 8/2014, đến nay cây cầu đã được đưa vào sử dụng.
YBĐT - Trạm Tấu là một trong 62 huyện nghèo của cả nước với địa hình sông, suối dày đặc khiến việc đi lại của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trước những hiểm nguy đang rình rập hàng ngày ở những cây cầu treo đã xuống cấp thì việc xây dựng những cây cầu mới là điều hết sức cần thiết. Bởi đó không chỉ điều kiện tốt để người dân vùng cao đi lại thuận tiện mà giúp bà con thông thương hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
YBĐT - Những cây cầu tạm tròng trành, chênh vênh vắt qua con suối chảy siết đang dần được thay bằng cầu thép vững chãi. Có cầu mới, các bản làng vùng cao cũng thay da đổi thịt từng ngày. Việc xây dựng và đưa vào sử dụng cầu treo dân sinh theo Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số (giai đoạn 2) giúp nhân dân tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung đi lại thuận tiện, an toàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.