Tôi thấy xuân xanh đã về
- Cập nhật: Thứ tư, 30/12/2015 | 10:29:38 AM
YBĐT - Ở Mù Cang Chải có nhiều điều lạ. Ấy là Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang được tạo nên từ bàn tay và khối óc của người dân bản địa, là sương đêm ươm mầm xuân, là những lớp học đêm “xóa mù” mang theo cả tình yêu, niềm tin của các thầy cô giáo...
Lớp học đêm xóa mù chữ ở bản Nả Háng B, xã Púng Luông (Mù Cang Chải).
|
Tôi lên chiếc xe máy của thầy Nguyễn Đức Ninh - giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Púng Luông chờ sẵn ở ngã Ba Kim để đi bản Nả Háng B “xem” “xóa mù”.
Đường vào Púng Luông đã được trải nhựa phẳng đẹp thay cho con đường đất gồ ghề ngày trước, mới thấy một sự “thay da đổi thịt” rất lớn ở địa phương còn nhiều khó khăn nhất của tỉnh. Đường về bản “không còn xa”, nhưng những con đường đất cứ vắt ngược lên núi vẫn còn là thách thức, là “lửa” thử những tấm lòng “vàng” của các thầy cô giáo nơi vùng cao này. Hết đoạn đường nhựa phẳng đẹp, vào đoạn đường đất lên bản Nả Háng B, thầy Ninh “giới thiệu”:
- May mà hôm nay có mưa buổi sáng thôi, chiều tạnh hửng tí nắng nên đường lên bản đỡ hơn rất nhiều chị ạ!
Thầy Ninh nói chưa dứt lời thì chiếc xe máy loạng choạng trơn trượt khiến tôi hốt hoảng, bởi chúng tôi đang ở vị trí một bên là vách núi, một bên là vực sâu.
Dường như hiểu được lo lắng của tôi, thầy Ninh trấn an: “Không sao chị ơi! Xe của em là xe chuyên dụng đi bản rồi, nên chị cứ yên tâm”. Thầy Ninh nói thế thì tôi cũng tạm bình tâm.
Con đường chắc chỉ rộng hơn một thước nhưng lại đầy rãnh sâu do nước xói mà thành, những đoạn trơn trượt vì bùn do cơn mưa buổi sáng, những gồ đá bỗng nhiên nhô lên giữa đường... Thầy Ninh điều khiển “con ngựa sắt” của mình từ từ vượt qua mà vẫn không ngơi những câu chuyện về cuộc sống của những giáo viên miền xuôi lên công tác nơi vùng cao này; về những lần đi dạy trên bản trời mưa đi xe máy được đoạn nào hay đoạn đó, còn lại để xe dọc đường mà đi bộ lên; về những ngày đông lạnh giá nhìn những học trò đến trường với tấm áo mỏng manh khiến thầy - một người đàn ông rắn rỏi không khỏi xót xa, chạnh lòng thương cảm, để rồi cứ giờ ra chơi các thầy lại đốt đống lửa to cho học trò ngồi xung quanh sưởi ấm, cũng có khi cởi đôi tất ở chân mình mà đeo vào cho trò... Nhưng trên tất cả những câu chuyện của thầy Ninh, tôi cảm nhận được sự lạc quan hiếm có, là tình yêu với những học trò vùng cao còn nhiều gian khó. Những câu chuyện theo con đường đất gồ ghề lên bản, khiến xưng danh chị - em (tôi hơn Ninh vài tuổi) ban đầu của tôi với thầy Ninh trở nên ngượng ngùng.
Cái cách Ninh suy nghĩ, những việc làm của Ninh với học trò nơi sương mờ này, cùng những khó khăn vất vả của các thầy cô giáo gieo chữ nơi đây... tất cả thừa đủ để tôi gọi Ninh là “thầy”.
Gần 1 giờ đồng hồ vượt quãng đường chưa đầy 4 km lên bản, nếu trời mưa thì phải hơn nữa. Đấy là thầy giáo đi, chứ cô giáo thì chắc còn khó khăn hơn nhiều. Thầy Ninh cười minh chứng thêm: “Buổi đêm, cứ một quãng là lại thấy 1 chiếc xe máy dựng bên đường, ấy là của các cô giáo đi “xóa mù”, các cô tay yếu chỉ đi được ít đoạn, còn lại là đi bộ”.
Đi từ xẩm tối, giờ thì đã tới hẳn, xe dừng ở trước tấm biển “Điểm trường Nả Háng B”. Trong không gian đêm tĩnh mịch đến mức dường như nghe được tiếng sương lất phất thì trong 2 gian phòng học bằng gỗ lá bỗng vang lên giọng đọc đồng thanh: “Bệnh mắt hột hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách: dùng nước sạch, khăn riêng để rửa mặt ít nhất 2 lần một ngày. Không dùng chung chậu với người bị đau mắt hột. Thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng, nước sạch và phơi ngoài nắng...”.
Nhẹ bước, qua cánh cửa gỗ, tôi thấy khoảng hơn 20 chị người Mông đang chăm chú với bài Tiếng Việt, vừa học chữ, vừa học cách phòng tránh bệnh. Bộ bàn ghế dành cho học sinh tiểu học dường như khá chật trội với các chị - những phụ nữ đã ở tuổi mẹ , tuổi bà tay thì quen với cầm cuốc, cầm dao, quen với việc nhà...
Song, dưới những bàn tay cứng ráp ấy những nét chữ vẫn ngay ngắn, thẳng hàng. Thấy có người lạ, các chị e dè, ngại ngùng. Giờ giải lao, thầy giáo cho nghỉ nhưng không có chị nào ra khỏi chỗ, vẫn chăm chú hỏi nhau, hướng dẫn nhau đánh vần từng con chữ mới học. Dù cũng lớn tuổi lại thêm vẻ lam lũ nhưng dưới ánh điện vàng trong lớp học đủ để tôi nhận thấy rõ trên từng khuôn mặt ấy là niềm hạnh phúc lần đầu tiên đọc được những con chữ trên sách, trên báo.
Chị Hảng Thị Chư - người ít tuổi nhất trong lớp cũng đã có 3 con, đứa lớn của chị Chư đã học lớp 2, đứa nhỏ nhất mới gần 3 tuổi. Dù nhà cách trường hơn 3 km nhưng tối nào chị Chư cũng đi học đầy đủ.
Vượt qua ngượng ngùng ban đầu, chị Chư tâm sự: “Ngày trước muốn đi học lắm nhưng nhà xa quá, lại khó khăn nên phải ở nhà phụ giúp bố mẹ. Lớn lên lấy chồng, sinh con, rồi còn phải làm nương làm rẫy nữa... Đến hôm vừa rồi mình được thầy cô đến nhà vận động đi học. Học chữ thích lắm. Giờ mình đã biết viết tên của mình, lại còn đọc được chữ trên lịch, trên báo rồi. Mình vui lắm”. Đúng là vui lắm chứ, bởi biết cái chữ là tầm nhìn của các chị đã vượt ra khỏi núi rừng này.
Cầm tờ Báo Yên Bái vùng cao, chị Thào Thị Mỷ khoe: “Sáng nay, qua nhà ông trưởng thôn xin được cái này, về cũng đánh vần đọc được. Có gia đình xã bên nuôi được nhiều trâu lắm, còn có em gái người Tày ấy đạt giải học sinh giỏi quốc gia - có nghĩa là học giỏi lắm phải không Chư?”.
Họ gật đầu, họ cười, họ hạnh phúc trong niềm vui tìm hiểu được thế giới bên ngoài, thấy được nhiều cái hay, cái đẹp và nhiều thứ để họ làm theo khi biết con chữ. Vậy là mục tiêu của công tác xóa mù chữ góp phần nâng cao dân trí đã từng bước thu lại kết quả từ những điều như thế.
Học viên lớp xóa mù chữ bản Nả Háng B cùng ôn bài.
Hết giờ giải lao, lúc này vào lớp không chỉ có một thầy giáo mà còn ba thầy cô khác chia nhau ngồi cạnh các chị học viên. Bởi lần đầu tiên “xem” “xóa mù” nên tôi không khỏi thắc mắc đây là cách giảng dạy mới chăng?
Thầy Ninh giải thích: “Mỗi thầy cô ngồi cạnh học trò để kiểm tra, kịp thời hướng dẫn nếu học viên chưa hiểu. Lúc nữa các thầy cô lại chuyển chỗ học viên khác làm lại y chang quy trình vừa xong... Cứ như thế, tất cả những học viên trong lớp đều được các thầy cô chỉ bảo tận tình”.
Thì ra là thế! Cái sự “xóa mù” ở vùng cao đâu phải chuyện đơn giản. Những lớp học đặc biệt với những học viên đặc biệt ắt hẳn phải có những cách dạy thật đặc biệt. “Vậy là một buổi có tới 4 thầy cô giảng dạy?” - Tôi suy đoán. Thầy Ninh cười xua tay: “Không, không phải 4 mà là 8 thầy cô nhà báo ạ! 4 thầy cô sẽ phải lên trước để đi đến từng nhà gọi học viên, còn 4 thầy cô lên lớp dạy. Cứ thế hôm sau lại đảo nhau”.
8 thầy giáo cho một buổi học đêm xóa mù! Chẳng ai có thể tính nổi công trong việc này cả, chẳng thể đo đếm nổi, chỉ ngắn gọn là tình yêu và trách nhiệm mà thôi. Tình yêu với con người, núi rừng nơi đây, trách nhiệm với xã hội và với bản thân mình. Lúc này, tôi mới kịp ngắm kỹ từng khuôn mặt thầy cô dưới ánh sáng hắt ra từ bóng điện trong lớp học. Chao ôi, họ vẫn cười hạnh phúc với một niềm tin cho ngày mai tươi sáng hơn với người dân nơi đây.
Đồng hồ chỉ 21h30 phút, lớp học tan. Sau hình ảnh các học viên bẽn lẽn chào thầy cô là lời dặn dò ân cần về tập đọc ở nhà và nhớ ngay mai lại tới lớp. Học trò ra về, thầy cô cũng xuống núi. Càng khuya sương đêm càng dày hơn, những chiếc váy xúng xính đầy màu sắc, những vóc dáng thân thương của các thầy các cô đi xuyên trong sương khuya. Tôi cũng theo các thầy cô đi xuyên màn sương xuống núi. Ngoảnh lại nhìn về bản Nả Háng B, trong sương đêm mà thấy dường như ánh xuân đã về.
Thanh Ba
Púng Luông, tháng 12/2015
Các tin khác
YBĐT - Không điều gì khác, chính bàn tay, khối óc và tình yêu lao động, ý chí vươn lên là những "bí quyết" để người An Sơn (xã Hạnh Sơn, Văn Chấn) biến mảnh đất xa lạ, hoang hóa thuở nào thành quê hương thanh bình, khấm khá hôm nay!
YBĐT - Lần theo những vệt bánh xe in dấu trên mặt đường, chúng tôi cùng đoàn công tác liên ngành phát hiện ra khá nhiều trường hợp xe chở quá tải, xe cơi nới thành thùng đang ì ạch trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Cũng từ đây, những chiêu trò, hành vi, thủ đoạn… của cánh xe quá tải nhằm “lách luật”, qua mặt lực lượng chức năng dần hé lộ.
YBĐT - Được đánh giá là một trong những cầu treo dài nhất và có kinh phí đầu tư lớn nhất, cầu treo Khe Cam, xã An Lương, huyện Văn Chấn có tổng chiều dài 120 mét, tổng kinh phí xây dựng 13 tỷ đồng. Cây cầu là huyết mạch giao thông nối vào 6 thôn gồm: Mảm 1, Khe Cam, Suối Dầm, Khe Quéo, Khe Cạnh và Đá Đen với trên 400 hộ dân sinh sống. Khởi công xây dựng từ tháng 8/2014, đến nay cây cầu đã được đưa vào sử dụng.
YBĐT - Trạm Tấu là một trong 62 huyện nghèo của cả nước với địa hình sông, suối dày đặc khiến việc đi lại của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trước những hiểm nguy đang rình rập hàng ngày ở những cây cầu treo đã xuống cấp thì việc xây dựng những cây cầu mới là điều hết sức cần thiết. Bởi đó không chỉ điều kiện tốt để người dân vùng cao đi lại thuận tiện mà giúp bà con thông thương hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.