“Thuyền trưởng” giàu kinh nghiệm
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/5/2017 | 8:05:21 AM
YBĐT - Về công tác khi Công ty đang đứng bên bờ giải thể, sản phẩm xuất khẩu ở con số không tròn trĩnh, 140 lao động không có việc làm..., ông đã cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ trong doanh nghiệp vượt qua bao khó khăn thử thách, đưa Công ty ổn định trở lại và từng bước phát triển.
Ông Trần Công Bình kiểm tra nguyên liệu đầu vào tại Nhà máy Giấy Yên Bình.
|
Đến nay, doanh thu của Công ty hàng năm đạt trên 300 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 450 lao động đóng bảo hiểm và 300 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng... Thành quả đó, là nhờ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của tập thể, cán bộ, người lao động mà đứng đầu hiện nay là ông Trần Công Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.
Sau nhiều lần hò hẹn, một ngày đẹp trời trung tuần tháng 5, tôi mới có dịp được làm việc với ông Bình tại Văn phòng Công ty. Sau cái bắt tay, ánh mắt, nụ cười thân thiện, ông nói:
- Thông cảm nhé! Đợt này nhiều việc quá! Mấy ngày qua, anh đi kiểm tra tình hình sản xuất tại các đơn vị ở huyện Văn Yên, Văn Chấn.
Tôi cười và rằng, công việc mà! Vừa dứt lời, điện thoại của ông đổ chuông. Nói chuyện điện thoại xong, ông quay sang tôi:
- Bây giờ chú đi với anh vào thăm Nhà máy Giấy Yên Bình nhé!
Tôi nhận lời đi ngay. Tại Nhà máy Giấy Yên Bình, hàng trăm công nhân của các tổ, đội, các phân xưởng đang miệt mài lao động để hoàn thành các sản phẩm. Công nhân vui mừng khi được Giám đốc Bình trực tiếp xuống thăm hỏi, động viên. Chị Nguyễn Thị Huyền - công nhân Nhà máy tâm sự: “Nhờ bác Bình mà chúng em có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, các chế độ, chính sách của người lao động được thực hiện đầy đủ”.
Thế mới thấy, ông Bình được người lao động thực sự kính nể bởi đức tính không ngại khó khăn, gian khổ và bất ban ngày hay lúc ca đêm, ông đều có mặt kịp thời để động viên, chỉ bảo tận tình cho anh em công nhân, nên hoạt động sản xuất của Công ty luôn duy trì, vận hành liên tục.
- Ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông vẫn phải thường xuyên đến kiểm tra các dây chuyền sản xuất? - Tôi hỏi.
Ông Bình cười hiền: “Hiện tại, Công ty đã phân quyền và giao trách nhiệm đến từng giám đốc, phó giám đốc của mỗi nhà máy, nhưng với trách nhiệm cao nhất, tôi không những đi kiểm tra về tình sản xuất mà còn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công nhân để giải quyết kịp thời những vướng mắc từ các tổ, đội.”
- Tôi thấy công nhân ở đây hoạt động rất chuyên nghiệp, ông có "bí quyết" gì không?
- Mình điều hành theo mô hình quản lý “cơ chế khoán, quản sản phẩm cuối cùng đến người lao động” chú ạ!
Tôi hiểu, để có được kết quả như hôm nay, ông Bình đã trải qua biết bao thăng trầm trong công việc. Sinh năm 1957 tại tỉnh Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp cấp III, ông học công nhân kỹ thuật chuyên ngành nguội máy nông nghiệp ở Cộng hòa dân chủ Đức. Kết thúc 3 năm học tập, ông về công tác tại Xí nghiệp Liên hợp Nông công nghiệp Trần Phú.
Đến năm 1989, chuyển đến công tác tại Công ty Chè Yên Bái và năm 1998, ông về làm việc tại Công ty Chế biến Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái (nay là Công ty cổ phần Lâm nông sản, thực phẩm Yên Bái). 18 năm công tác trong ngành chè và 20 năm bươn chải trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản thực phẩm, ông Bình trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, nhưng ở con người đầy quyết đoán và nhạy bén trong việc nắm bắt thị trường này luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Ông Bình nhớ lại: “Tháng 1/1998, mình chuyển về công tác đúng thời điểm Công ty đang bên bờ vực giải thể (theo Nghị định 388). Sản xuất ngừng trệ, công nhân không có việc làm. Với vai trò là người cán bộ, mình đã chủ động tham mưu giúp Ban Giám đốc trong tìm kiếm thị trường, nỗ lực phát triển sản xuất. Sau nhiều ngày tháng lăn lội, vất vả tìm kiếm thị trường, Công ty đã hợp tác được với một đơn vị trong nước để sản xuất đũa tre xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ngay trong năm đó, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng”.
Thành công ban đầu từ sự hợp tác sản xuất đũa tre xuất khẩu, là tiền đề quan trọng để Công ty mở rộng các ngành nghề sản xuất. Bước sang năm 1999, ông tiếp tục tham mưu với lãnh đạo đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất giấy đế xuất khẩu, công suất 2.500 tấn sản phẩm/năm, doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng. Từ năm 2000 - 2006, với vai trò Phó Giám đốc Công ty, ông mạnh đề xuất để Công ty mở rộng nhà máy sản xuất tinh bột sắn ở Văn Yên; nhà máy sản xuất giấy đế ở các huyện: Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình.
Từ năm 2007 đến nay, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Công ty, ông tiếp tục mở mộng quy mô sản xuất và nâng công suất các sản phẩm của các dây chuyền như sản phẩm tinh bột sắn từ 10.000 tấn lên 20.000 tấn/năm. Với tư duy sáng tạo, năng động, ông Bình không bao giờ bằng lòng với những gì đã có, thậm chí phải đối diện với những khó khăn, thách thức.
Điều đó, được minh chứng khi đầu năm 2004, Công ty bắt đầu chuyển đổi mô hình sở hữu từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, gia công, kinh doanh lâm nông sản thực phẩm, với các mặt hàng: tinh bột sắn, tinh dầu quế, giấy đế và gia công vàng mã xuất khẩu.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, trong khi chi phí đầu vào phục vụ cho sản xuất vẫn ở mức cao, nhưng với chiến lược kinh doanh rõ ràng, đào tạo được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và một nền tài chính lành mạnh, ông cùng với Ban Giám đốc Công ty đã chèo lái đưa con thuyền đi từ thành công này đến thành công khác. Đồng thời, ngày càng khẳng định được vị thế của Công ty trên thương trường, trở thành thương hiệu có uy tín trong sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng lâm, nông sản.
Đến nay, Công ty có 8 nhà máy sản xuất, trong đó, có 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng trên địa bàn huyện Văn Yên; 4 nhà máy sản xuất giấy đế tại các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình; 2 nhà máy gia công vàng mã xuất khẩu tại thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình; 1 nhà máy chế biến tinh dầu quế ở huyện Văn Chấn.
Kết thúc năm 2016, doanh thu của Công ty đạt 322 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 16 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 19 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 700 lao động, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Nói về yếu tố dẫn đến thành công của Công ty, ông Bình thẳng thắn: “Phải trung thành với nguyên tắc lãnh đạo sản xuất là kiên quyết chỉ đạo thực hiện cơ chế khoán, quản sản xuất nhằm phát huy lợi ích giữa Công ty và người lao động và tuân thủ 4 vấn đề quan trọng trong chiến lược kinh doanh là: phải có chiến lược sản phẩm, nguồn nhân lực, huy động vốn và lựa chọn đối tác để xây dựng thị trường”.
Ông Trần Công Bình thường xuyên đi kiểm tra tình hình sản xuất và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công nhân trong các nhà máy.
Không những làm tốt vai trò lãnh đạo, ông Trần Công Bình còn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, tìm ra các giải pháp, sáng kiến trong công tác quản lý, áp dụng vào sản xuất mà tiêu biểu là sáng kiến “Hệ thống tự xịt rửa sàng tách bã sắn dây chuyền số 2”, góp phần giảm sức lao động, tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh cho Nhà máy.
Ông tâm sự: “ Mình là quản lý cao nhất ở Công ty mà chỉ nói suông thì anh em sẽ không phục đâu. Hơn nữa, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mình phải là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và gương mẫu trong mọi lĩnh vực”.
Điều đáng ghi nhận, khi Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đứng vững trên thị trường, làm ăn có lãi, đã có nhiều chính sách hỗ trợ vùng nguyên liệu như: sửa chữa đường dân sinh, hỗ trợ canh tác sắn bền vững, hỗ trợ cây quế giống cho đồng bào vùng nguyên liệu quế; có cơ chế thu mua nguyên liệu với giá ổn định, để người nông dân có lãi, yên tâm đầu tư vùng nguyên liệu để ổn định về diện tích và sản lượng cho các nhà máy.
Nói về ông Trần Công Bình, đồng chí Vũ Vinh Quang - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái cho biết: “Đồng chí Trần Công Bình là người luôn gắn bó, tâm huyết với các sản phẩm lâm nông sản của người dân. Trong lúc đầu ra từ sắn, quế khó khăn, đồng chí Bình đã tập trung nguồn lực để thu mua, giải quyết những khó khăn cho người dân. Ngoài ra, Công ty luôn thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, nghĩa vụ cho đối với Nhà nước. Công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp được chú trọng”.
Với những kết quả đã đạt được trong sản xuất, kinh doanh, nhiều năm liền Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đã được các cấp, các ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2013, tập thể cán bộ công nhân viên Công ty và cá nhân ông Trần Công Bình được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là phần thưởng cao quý cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể cán bộ, người lao động trong Công ty, trong đó ông Trần Công Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty là người "thuyền trưởng" giàu kinh nghiệm đã chèo lái con thuyền, đưa Công ty đi từ thành công ngày đến thành công khác như hôm nay.
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Một màu xanh mướt của “hành hoa đăm” trên cánh đồng 7 ha tại thôn 5, xã Yên Phú, huyện Văn Yên - đó là đứa con tinh thần của chàng trai sinh năm 1987 dám nghĩ, dám làm Phạm Thế Đạt.
YBĐT - Đi B không chỉ là khát khao mà còn là niềm kiêu hãnh, hào khí một thời cả nước lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Với những chiến sỹ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 phiên hiệu Trường Sơn ở Yên Bái ngày ấy, chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng ngời lên trong mắt họ là lửa nhiệt thành cách mạng và cả những ký ức thiêng liêng của một thời trai trẻ hào hùng, đẹp đẽ và ý nghĩa nhất song cũng đầy gian khổ và hy sinh.
YBĐT - Khuôn mặt hiền, giọng nói nhỏ nhẹ, không ai có thể nghĩ Trưởng thôn 15 Cát Lem, xã Đại Minh, huyện Yên Bình Nguyễn Trung Thành lại có một quá khứ đầy sóng gió như vậy. 17 năm ngập chìm trong ma túy nhưng bằng sự quyết tâm của bản thân, sự đùm bọc của gia đình và giúp đỡ của cộng đồng, anh đã từ bỏ được "cái chết trắng" để tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng hạnh phúc và tương lai cho mình.
YBĐT - Tôi và Dũng “khàn” lên tới thành phố Yên Bái, được đồng chí Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái vui vẻ, ân cần đón tiếp và chiêu đãi bữa cơm trưa với cá dúi trứng (đặc sản vùng hồ Thác Bà), cơm xong anh chỉ đường cho chúng tôi lên đất Lục Yên (đường vào nhà anh Hoàng Văn Viết). >> Ký ức người anh hùng