Đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện: Gỡ nhưng chưa hết vướng
- Cập nhật: Thứ ba, 30/5/2017 | 10:49:33 AM
YBĐT - Thời gian qua, công tác thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn huyện Trấn Yên đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định.
Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy.
|
2 năm không đưa được đối tượng nào
Theo số liệu thống kê, đến tháng 12/2016, trên địa bàn huyện Trấn Yên có 178 người nghiện, 108 người nghi nghiện ma túy có danh sách quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghiện có thể cao hơn nhiều. Hiện tại, 100% các xã, thị trấn của huyện Trấn Yên đều có người nghiện ma túy và có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi. Đối tượng nghiện ma túy chủ yếu dùng hêrôin và ma túy tổng hợp dạng đá (Methaphetamine).
Năm 2016, Công an huyện Trấn Yên đã phát hiện 23 vụ/ 26 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, trong đó đã khởi tố 15 vụ/ 17 bị can; thu giữ 16,5 g hêrôin; 72,78 g thuốc phiện; 0,48 Methaphetamine. Qua điều tra xử lý các vụ án cho thấy, đối tượng nghiện gây ra chiếm tỷ lệ gần 70%, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Hiện, việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn huyện đang gặp phải khó khăn. Nếu như năm 2013, chỉ tiêu đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của huyện Trấn Yên là 20 đối tượng thì huyện đã thực hiện được 24 đối tượng (vượt 4 đối tượng theo Nghị định số 61/2011/NĐ-CP của Chính phủ nay đã hết hiệu lực).
Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện Nghị định số 221 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) có hiệu lực từ ngày 15/2/2014 thì đến hết năm 2016, huyện Trấn Yên không đưa được đối tượng nào vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đến ngày 29/6/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 56 sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định số 111 quy định việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định số 136 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 221 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hai nghị định này có hiệu lực thi hành đã phần nào tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho công tác thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đến nay, huyện đã lập 13 hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn đối với người nghiện ma túy để tạo nguồn đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó: xã Minh Quân 4 hồ sơ, xã Bảo Hưng 1 hồ sơ, xã Hồng Ca 2 hồ sơ, xã Hưng Khánh 1 hồ sơ, xã Lương Thịnh 1 hồ sơ, xã Nga Quán 1 hồ sơ, xã Y Can 3 hồ sơ.
Có được kết quả trên là bởi một số cơ quan, đơn vị, UBND xã đã làm tốt chức năng của mình trong việc triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, các nghị định và thông tư hướng dẫn về lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Công an huyện, Trung tâm Y tế, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân huyện Trấn Yên đã thống nhất một số quan điểm liên quan đến công tác lập hồ sơ đề nghị.
Công an huyện Trấn Yên đã gửi toàn bộ hệ thống tài liệu, biểu mẫu liên quan đến công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tới công an các xã, thị trấn; đồng thời, bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi thực hiện công tác này.
Muôn kiểu đối phó
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện tại, công tác thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn huyện Trấn Yên vẫn còn nhiều khó khăn là do chưa có quy định rõ về diện đối tượng sau cai nghiện bị tái nghiện thì xử lý như thế nào. Để xác định tình trạng nghiện ma túy thì phải triệu tập được đối tượng về UBND hoặc trạm y tế cấp xã. Vấn đề này không dễ thực hiện vì đối tượng thường trốn, tránh, thậm chí nhìn thấy lực lượng chức năng từ xa đã bỏ chạy.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 221 thì sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và quy định tại Điều 9, cơ quan lập hồ sơ thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền được đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ và phát biểu ý kiến về việc lập hồ sơ tại tòa án nhân dân cấp huyện. Thực tế, việc thực hiện công tác này tương đối khó vì người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thường lợi dụng việc thông báo để bỏ trốn.
Việc xác định tình trạng nghiện khó thực hiện vì nếu triệu tập được đối tượng lên thử ma túy thì họ thường sử dụng các loại thuốc tân dược như thuốc tránh thai để vô hiệu hóa hoặc làm sai lệch kết quả kiểm tra. Thêm vào đó, cũng chưa có quy định về việc quản lý người bị lập hồ sơ trong thời gian hoàn thành thủ tục cũng như khi tòa án thụ lý hồ sơ, tổ chức họp và ra quyết định áp dụng biện pháp này.
Và giải pháp
Để thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đạt hiệu quả, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật liên quan đến công tác này tới nhân dân. Các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cấp cơ sở triển khai biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Chủ tịch UBND các xã xác định công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn đối với người nghiện ma túy để tạo nguồn đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần đưa vào kế hoạch công tác hàng năm của địa phương. Tòa án nhân dân huyện, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rút ngắn thời gian thẩm định, thụ lý hồ sơ đề nghị theo quy định hiện hành.
Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo trạm y tế cơ sở, phòng khám khu vực phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các cơ quan liên quan trong việc xác định tình trạng nghiện của người bị lập hồ sơ đảm bảo nhanh chóng, an toàn, đúng quy định. Công an huyện phân công cán bộ chuyên trách tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn công an các xã, thị trấn trong công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn để làm nguồn, đồng thời quan tâm cử lực lượng giúp cơ sở trong công tác này khi có đề xuất.
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Về công tác khi Công ty đang đứng bên bờ giải thể, sản phẩm xuất khẩu ở con số không tròn trĩnh, 140 lao động không có việc làm..., ông đã cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ trong doanh nghiệp vượt qua bao khó khăn thử thách, đưa Công ty ổn định trở lại và từng bước phát triển.
YBĐT - Một màu xanh mướt của “hành hoa đăm” trên cánh đồng 7 ha tại thôn 5, xã Yên Phú, huyện Văn Yên - đó là đứa con tinh thần của chàng trai sinh năm 1987 dám nghĩ, dám làm Phạm Thế Đạt.
YBĐT - Đi B không chỉ là khát khao mà còn là niềm kiêu hãnh, hào khí một thời cả nước lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Với những chiến sỹ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 246, Đoàn 3005 phiên hiệu Trường Sơn ở Yên Bái ngày ấy, chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng ngời lên trong mắt họ là lửa nhiệt thành cách mạng và cả những ký ức thiêng liêng của một thời trai trẻ hào hùng, đẹp đẽ và ý nghĩa nhất song cũng đầy gian khổ và hy sinh.
YBĐT - Khuôn mặt hiền, giọng nói nhỏ nhẹ, không ai có thể nghĩ Trưởng thôn 15 Cát Lem, xã Đại Minh, huyện Yên Bình Nguyễn Trung Thành lại có một quá khứ đầy sóng gió như vậy. 17 năm ngập chìm trong ma túy nhưng bằng sự quyết tâm của bản thân, sự đùm bọc của gia đình và giúp đỡ của cộng đồng, anh đã từ bỏ được "cái chết trắng" để tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng hạnh phúc và tương lai cho mình.