Đừng để vụ việc ở Hưng Khánh đi quá xa!
- Cập nhật: Thứ tư, 2/8/2017 | 11:48:20 AM
YênBái - YBĐT - Người dân Hưng Khánh phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng gây ô nhiễm của doanh nghiệp là điều dễ hiểu, nhưng có nên tụ tập đông người, hơn mười ngày qua mổ chó, mổ lợn ăn uống, bỏ bê ruộng vườn, rừng đồi như vậy hay không? Chưa kể chuyện rào đường, xây kè, đào rãnh... là đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Kết quả xét nghiệm nước giếng vẫn đảm bảo an toàn.
|
Ngày 24/3/2017, báo Yên Bái đăng phóng sự phản ánh tình trạng Doanh nghiệp Tân Thịnh triển khai dự án chăn nuôi lợn quy mô lớn (6.000 con lợn) tại thôn Tĩnh Hưng, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên.
Quá trình triển khai Dự án có đầy đủ giấy phép và thực hiện việc xử lý chất thải gồm: bể tách phân và nước thải; 2 bể biogas (1 bể dung tích 3.000 m3, 1 dung tích 7.800 m3); hai hồ điều hòa sinh học (1 hồ 400 m2, 1 hồ 10.000 m2).
Đầu năm 2016, Doanh nghiệp chính thức hoạt động với số lợn đưa vào chăn nuôi khoảng trên 3.000 con. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3/2017, cơ sở chăn nuôi Tân Thịnh đã gây ô nhiễm khá nghiêm trọng.
Cụ thể là, phân và nước thải của khu chăn nuôi này làm ô nhiễm hoàn toàn hồ thủy lợi Đồng Chuổm và nước từ hồ thủy lợi này tiếp tục theo hệ thống mương máng gây ô nhiễm ao thả cá của một số hộ dân.
Vụ việc đã được báo cáo lên UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường Trấn Yên, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Các ngành chức năng đã có mặt tại hiện trường và xử lý vụ việc. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của các ngành hữu quan, Doanh nghiệp Tân Thịnh đã tiến hành xử lý môi trường bằng vôi bột và cam kết sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý chất thải và bồi thường thiệt hại cho người dân. Ngày 9/3/2017, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ Doanh nghiệp Tân Thịnh và ông Ninh Văn Dũng đã thỏa thuận hỗ trợ kinh phí do cá chết.
Theo đó, Doanh nghiệp Tân Thịnh hỗ trợ ông Ninh Văn Dũng 7 triệu đồng. Tiếp đó, Doanh nghiệp Tân Thịnh đã đầu tư, xây dựng thêm hệ thống xử lý chất thải gồm 1 bể sục khí 100 m2 và 2 bể lắng, mỗi bể 50 m3... Mặc dù đã có sự đầu tư để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nhưng sự ô nhiễm vẫn khá trầm trọng. Mùi hôi thối tỏa đi khắp nơi, đặc biệt là nước hồ Đồng Chuổm có màu đen, sủi bọt và bốc mùi tanh hôi... nên người dân thôn 8 và thôn 9 xã Hưng Khánh đã nhiều lần có kiến nghị với các cấp, các ngành.
Trước tình trạng trên, ngày 7/7/2017, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên đã quyết định thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, thống kê, xác minh, đề xuất biện pháp giải quyết nội dung, mức độ ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường; giám sát việc thực hiện trách nhiệm chấp hành pháp luật về môi trường của Doanh nghiệp Tân Thịnh.
Trước đó, ngày 5/7/2017, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên Nguyễn Đình Chiến đã trực tiếp xuống khu chăn nuôi; chủ trì buổi làm việc với doanh nghiệp, chính quyền địa phương và đối thoại với người dân.
Thông báo kết quả buổi làm việc nói trên khẳng định: Doanh nghiệp Tân Thịnh xây dựng hệ thống công trình xử lý chất thải không đầy đủ, chậm tiến độ, vận hành hệ thống xử lý chất thải không đúng quy định, xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. UBND huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều lần kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh; nhân dân yêu cầu doanh nghiệp cam kết trách nhiệm khắc phục nhưng doanh nghiệp không chủ động thực hiện và để tình trạng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, nảy sinh tình trạng ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn.
UBND huyện Trấn Yên yêu cầu Doanh nghiệp Tân Thịnh không nhập giống để tăng đàn lợn, thực hiện việc chuyển đàn lợn hiện có ra khỏi trang trại (thời gian hoàn thành chậm nhất đến hết ngày 25/7/2017). Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực trang trại đảm bảo đồng bộ với việc vớt hết bèo tây trên mặt hồ Đồng Chuổm; có biện pháp xử lý vệ sinh nước hồ đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; thực hiện trách nhiệm bồi thường, khắc phục những vấn đề ảnh hưởng do hoạt động của doanh nghiệp gây ra theo yêu cầu của tổ công tác và cấp có thẩm quyền; có văn bản báo cáo nội dung, thời hạn xây dựng, hoàn thiện hệ thống công trình xử lý chất thải đảm bảo yêu cầu và được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền mới tiếp tục được chăn nuôi lợn trong trang trại.
Những vấn đề đặt ra của UBND huyện Trấn Yên đối với Doanh nghiệp Tân Thịnh là rất cần thiết, đảm bảo doanh nghiệp này chấp hành đúng pháp luật về bảo vệ môi trường, quá trình sản xuất kinh doanh không ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân trong vùng.
Tính đến ngày 31/7/2017, Doanh nghiệp Tân Thịnh đã hoàn thành việc di chuyển đàn lợn ra khỏi trang trại; đã thỏa thuận với gia đình ông Đỗ Hữu Sinh, thôn 8, xã Hưng Khánh về phương thức bồi thường 720 m2 đất ruộng lúa nước (không cấy được vì nước ao sinh học của doanh nghiệp gây ngập úng; đã vớt toàn bộ số bèo tây trên mặt hồ Đồng Chuổm; đang tiến hành gia cố bể biogas số 2 để tránh bị vỡ do mưa lũ; làm rãnh thoát nước mặt (ở sườn đồi phía bên phải trang trại), không để nước chảy vào ao sinh học.
Doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện việc xử lý ô nhiễm hồ Đồng Chuổm và các hệ thống công trình xử lý chất thải trong khu vực trang trại; cống thoát nước của ao sinh học số 3 vẫn bị rò rì, nước vẫn chảy xuống hồ thủy lợi Đồng Chuổm; doanh nghiệp vẫn chưa bố trí xây dựng được đường mương tách và thoát nước mạch, nước mặt tự nhiên ở sườn đồi phía bên trái và giữa trang trại ra khỏi hồ Đồng Chuổm...
Được biết, để đảm bảo nguồn nước mà người dân sử dụng là an toàn, huyện Trấn Yên đã chỉ đạo lấy 5 mẫu nước giếng của 5 hộ trong khu vực đi xét nghiệm và kết quả xét nghiệm lý hóa nước của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho thấy cả 5 mẫu đều vẫn ở mức an toàn.
Như vậy, có thể khẳng định, chính quyền huyện Trấn Yên đã và đang thực hiện đúng chức năng của mình. Mọi động thái đều tuân thủ pháp luật, đảm bảo công tâm, khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả doanh nghiệp và người dân thôn 8, thôn 9 xã Hưng Khánh. Doanh nghiệp Tân Thịnh cũng đã chấp hành ý kiến chỉ đạo của huyện (đặc biệt là trong khu chuồng hiện nay không có lợn), nhưng đáng tiếc là người dân trong vùng lại không tin.
Chúng tôi có mặt tại xã Hưng Khánh lúc 13 giờ 30 ngày 31/7/2017, bất chấp thời tiết rất nóng bức nhưng tại đầu đường vào khu trang trại, hàng chục người vẫn đang tụ tập và bàn luận rất sôi nổi. Bà con đã tự ý lập gác chắn bằng ống thép, xây bệ đá rất lớn hai bên đường với mục đích làm hẹp khẩu độ của đường, không cho ô tô tải đi qua và đào rãnh sâu, khổ rộng, kết hợp với rào tre để ngăn cản việc đi lại trên tuyến đường này. Nhận thấy có sự xuất hiện của nhà báo, nhiều người tập trung lại trình bày ý kiến với nội dung chủ yếu “trại chăn nuôi quá hôi thối; đặc biệt, nguồn nước rất ô nhiễm; cương quyết đề nghị huyện Trấn Yên không cho doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên đầu nguồn nước...”.
Như nội dung phóng sự “Cần kiểm soát xả thải của doanh nghiệp chăn nuôi Tân Thịnh” mà Báo Yên Bái đã đăng, chúng tôi đã lưu ý đến vấn đề “Trang trại nằm trên đầu nguồn hồ thủy lợi Đồng Chuổm” rất nhạy cảm đối với môi trường cũng như cuộc sống và sản xuất của người dân. Việc giám sát Doanh nghiệp Tân Thịnh chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường là rất cần thiết.
Trong trường hợp doanh nghiệp này vẫn tiếp tục vi phạm với mức độ nghiêm trọng thì cần mạnh tay xử lý, thậm chí là rút giấy phép kinh doanh. Nhưng nếu doanh nghiệp đảm bảo việc xử lý chất thải theo quy định thì chính quyền và nhất là người dân cũng cần có sự cảm thông, tạo điều kiện giúp đỡ. Hàng chục tỷ đồng đã đầu tư vào việc xây dựng chuồng trại mà Doanh nghiệp Tân Thịnh mới bán được vài lứa lợn, trong khi nghề chăn nuôi chưa qua được cơn khốn đốn vì lợn mất giá.
Người dân Hưng Khánh phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng gây ô nhiễm của doanh nghiệp là điều dễ hiểu, nhưng có nên tụ tập đông người, hơn mười ngày qua mổ chó, mổ lợn ăn uống, bỏ bê ruộng vườn, rừng đồi như vậy hay không? Chưa kể chuyện rào đường, xây kè, đào rãnh... là đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Từ tình trạng kể trên, cán bộ, đảng viên và người dân Hưng Khánh, trước hết là hai thôn 8 và 9 cần bình tĩnh, thận trọng, tin tưởng vào hướng xử lý của chính quyền mà cụ thể là UBND huyện Trấn Yên. Mọi việc vẫn đang tiếp tục được xử lý theo quy định, bởi vậy đừng để câu chuyện đi quá xa!
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Địa chỉ đỏ đầu tiên trong hành trình của chúng tôi là Ngã ba Đồng Lộc - cái tên mà chỉ cần nhắc tới thôi khiến ai cũng nghĩ ngay tới cụm từ “tọa độ chết”...
YBĐT - Hiện, tỉnh Yên Bái còn 3 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Theo lộ trình giai đoạn 2016 - 2020, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung ứng dịch vụ thủy nông sẽ thực hiện cổ phần hóa.Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp này, việc cổ phần hoá gặp những khó khăn nhất định.
YBĐT - Đến từ các phòng, đội nghiệp vụ của Công an tỉnh và công an huyện, với các chiến sĩ, đi tăng cường cơ sở là một dịp trải nghiệm; được ôn lại và thực hiện những biện pháp nghiệp vụ đã được đào tạo; rèn luyện kỹ năng viết lách, nhất là kỹ năng diễn thuyết trước đám đông.
YBĐT - Mùng một tết năm 1985, trạm thu dung thương binh vẫn cứ dồn dập. Hoàng Đức Vượng vào ca mổ cho chiến sỹ Toàn, một bên chân Toàn đã hoại tử, phải cắt bỏ từ đùi. Toàn thản nhiên nói: “Anh ơi, hôm nay mùng một tết, em tròn mười tám tuổi!”. Vượng nén lòng làm nhiệm vụ. Ca mổ kết thúc, Toàn được cứu sống.