Những mùa cam VietGAP ở Khánh Hòa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/12/2017 | 8:09:59 AM

YBĐT - Những đồi cam bạt ngàn, trái trĩu cành được cây chắt chiu từng giọt dưỡng chất như bàn tay tảo tần của người mẹ ngày ngày nuôi dưỡng những đứa con nên cứ căng mọng, đu đưa trong gió, hân hoan đón mùa vụ bội thu.

Các đồng chí lãnh đạo xã Khánh Hoà và thành viên HTX Cam sành Lục Yên thăm vườn cam của gia đình anh Nguyễn Thanh Sơn, thôn 5.
Các đồng chí lãnh đạo xã Khánh Hoà và thành viên HTX Cam sành Lục Yên thăm vườn cam của gia đình anh Nguyễn Thanh Sơn, thôn 5.

Được chúng tôi thông tin từ trước nên anh Nguyễn Thanh Sơn, thôn 5, xã Khánh Hòa đã chuẩn bị trà nóng và một đĩa cam vàng óng đón khách. Sau chén trà nóng và thưởng thức những múi cam ngọt, đậm, thơm, chúng tôi theo anh Sơn vào vườn cam. Thật ấn tượng khi được đi dưới những tán cam cao như những ngôi nhà tầng ở phố, quả lúc lỉu khiến những người thu hoạch phải bắc những chiếc thang lên cao, chọn một vị trí vững chắc để cắt từng trái cam rồi cho vào chiếc gùi.
 
Chỉ vào những cây cam cao nơi sườn đồi, anh Sơn cho biết: "Đó là những cây mình trồng đầu tiên. Đã hơn 20 năm tuổi nhưng quả vẫn sai, chăm sóc tốt có thể thu được 2 tạ quả mỗi vụ/cây. Lúc nào cũng có mặt tại vườn, nên từng cây, từng cây mình đều hiểu hết tâm tính”.

Thăm vườn, câu chuyện cây cam về đây được trồng, chăm sóc thế nào được người chủ vườn kể lại tường tận cuốn hút chúng tôi. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, như nhiều gia đình trong xã, ruộng thì không có, gia đình anh Sơn chỉ trông vào trồng rừng, nhưng một chu kỳ rừng phải mất 6 - 7 năm, thậm chí hàng chục năm cây mới cho thu  hoạch, con cái thì đang tuổi ăn học, vậy nên gia đình lúc nào cũng túng thiếu. Làm sao để thoát nghèo là trăn trở của nông dân. Đi nhiều nơi, thấy nhiều nơi cây cam cho hiệu quả cao thế là anh Sơn mạnh dạn trồng.
 
"Tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật, cũng chăm bón, hồi hộp chờ đợi. Sau 3 năm, cây cao quá đầu người cho những lứa quả bói đầu tiên. Mà cam hồi ấy lại dễ bán, vợ mình bán tạp hóa ở nhà cứ đem cam về bao nhiêu lại hết bấy nhiêu. Như được tiếp thêm sức mạnh, mình tin rằng cây cam chính là nguồn thu nhập chính của gia đình, thế là mình khăn gói về tận Cao Phong, Hòa Bình, học tập kinh nghiệm, học thêm cách chiết ghép để nhân rộng diện tích” - anh Sơn hào hứng kể lại.
 
Vin tay hái một quả cam nâng niu trong tay, anh Sơn chia sẻ: "Phải nói cây cam cũng thương mình, chứ đất ở đây toàn đá mà cây cứ phát triển, cho những mùa quả trĩu cành. Từ những vụ cam này mà kinh tế gia đình mình dần dần được vực lên, con cái có điều kiện học hành, ngay căn nhà 2 tầng gần bạc tỷ ở Khánh Hòa cũng từ cam mà ra”.

Câu chuyện giữa chúng tôi đương rôm rả, chợt anh Sơn trầm lại. Thì ra, trước đây, khi chưa có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, con đường này còn tấp nập xe qua lại mỗi ngày, vợ anh bán mấy tấn cam cho khách và thương lái. Khách cứ nhìn thấy quả cam vỏ sần và dày như mảnh sành, múi cam róc vỏ, không dính bết vào nhau, tôm vàng rộm và rất mọng nước, vị ngọt đậm là bao nhiêu cũng mua hết. 

Người nọ bảo người kia cứ qua ngã ba Khánh Hòa là người nào người nấy mua một túi cam về làm quà. Từ khi có đường cao tốc xe khách thưa dần, lượng khách hàng vì thế cũng giảm hẳn, thế là những người trồng cam như mình lại đau đầu vì đầu ra cho sản phẩm. 
 
- Chẳng lẽ mình lại bó tay hả anh? - tôi hỏi.
 
- Rất may được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong huyện, trong xã giúp đỡ để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam. Hợp tác xã (HTX) Cam sành Lục Yên được thành lập tháng 12/2015 với 16 thành viên ở tất cả các xã trong huyện Lục Yên tham gia, riêng Khánh Hòa đã có 12 người. Đây cũng là cơ sở để người trồng cam chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm, dần dần xây dựng thương hiệu cam đảm bảo chất lượng theo hướng VietGAP. 

"Gia đình mình cũng là một trong những hộ tiên phong thử nghiệm kỹ thuật trồng, chăm sóc cam theo tiêu chuẩn sản xuất rau quả an toàn VietGAP để phổ biến kinh nghiệm cho thành viên khác trong HTX” -  anh Sơn vui trở lại.
 
Từ đang trồng, chăm sóc theo kiểu tự tích lũy kinh nghiệm nay chuyển đổi áp dụng theo quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng cam Lục Yên nói chung và Khánh Hòa nói riêng không phải không gặp khó khăn. "Nhưng qua học hỏi, giờ thì người dân trồng cam tại xã Khánh Hòa cũng đã thành thục quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Điều phấn khởi với quả cam sành Lục Yên nói chung và xã Khánh Hòa nói riêng là với sự nỗ lực của người trồng cam, của chính quyền các cấp, ngày 25/11/2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Cam  Lục Yên”.
 
Vậy là, quả cam Lục Yên đã có mặt để sánh ngang với các loại đặc sản trong cả nước khi tham gia Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2016 do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân Lục Yên nói chung và HTX cam sành nói riêng, cam Lục Yên đã có chỗ đứng trên thị trường.
 
 
Sản phẩm cam sành Lục Yên tại Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam.

Nói về cam sành Lục Yên hôm nay không thể không nói đến bà Hoàng Thuyết Lập - Giám đốc HTX Cam sành huyện Lục Yên, người luôn sát cánh với thành viên trong HTX. Bà Lập chính là người mang những sản vật của Lục Yên giới thiệu tới khách hàng tại các hội chợ xúc tiến đầu tư. Bà luôn trăn trở: cây cam sành gắn bó với người dân Khánh Hòa hàng chục năm qua, làm sao để nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Với lợi thế của vùng cam truyền thống, những năm qua, cùng với việc mở rộng diện tích tập trung, chính quyền và người trồng cam Khánh Hòa đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, theo quy trình sản xuất rau quả an toàn VietGAP. Hiện Khánh Hòa đã có 179 ha cam trong đó diện tích đã thu hoạnh 90 ha, dự kiến năm 2017 toàn xã thu 500 tấn, với giá 10.000 đồng/kg, thu về 5 tỷ đồng. 
Đáng nói là thị trường tiêu thụ cam được mở rộng tới Hà Nội, Lào Cai, Lai Châu… 

Chia tay Khánh Hòa, nhớ tới khẳng định của ông Nguyễn Kim Ba - Chủ tịch UBND xã: "Cây cam là một trong những cây trồng mũi nhọn để phát triển kinh tế của người dân địa phương. Vì vậy, chính quyền xã luôn tuyên truyền, khuyến khích người trồng cam Khánh Hòa tiếp tục tuyển chọn, nhân giống, thâm canh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng thương hiệu, quảng bá và cung ứng sản phẩm rộng rãi ra thị trường cả nước với chất lượng cam ngày càng cao hơn, mọng nước hơn, nhưng vẫn đảm bảo vị ngọt thơm ngon đậm đà”. 

Tôi tin tưởng với hướng đi đúng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX Cam sành Lục Yên nói chung người trồng cam Khánh Hòa nói riêng sẽ tiếp tục mở rộng và giữ vững thương hiệu, để "Cam sành Lục Yên” mãi đứng vững trên thị trường và những mùa cam ngọt sẽ giúp người nông dân Khánh Hòa nhanh chóng xóa hết đói nghèo, trở thành những tỷ phú trên mảnh đất này.

Minh Huyền

Các tin khác
Chuồng trại chăn nuôi gà của Vàng A Công luôn bảo đảm vệ sinh sạch sẽ.

YBĐT - Tận mắt chứng kiến Công đeo kính cho hàng ngàn con gà. Đeo kính cho gà ư? Không sai đâu. Những anh chàng, cô nàng gà nhởn nhơ ra khỏi chuồng sưởi nắng ấm mang đôi kính đỏ "hợp mốt” trông đỏm dáng, là lạ và ngồ ngộ!  Sự lạ ấy đang ở trang trại 2.000 con gà của chàng trai Mông tên Vàng A Công ở bản Mí Háng Tâu. 

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu chỉ đạo công tác di dời nhà ở của người dân đến nơi an toàn.

YBĐT - Mùa đông ở vùng cao, rét cắt da cắt thịt, nhưng cả hệ thống chính trị huyện Trạm Tấu cùng bà con trong huyện đang nỗ lực hết mình với tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái, làm ấm lên tình người ở những nơi cơn lũ dữ đi qua.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Cường vẫn tham gia bốc dỡ hàng cùng công nhân.

YBĐT - Cuộc đời của ông Nguyễn Hùng Cường, sinh năm 1949 ở thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cũng được ví như một điển hình về sự nghèo túng, đau đớn cùng cực cả về thể chất lẫn tinh thần. Song, hoàn cảnh ấy đã không thể đánh bại được ý chí quật cường của người lính Cụ Hồ. Ông Cường đã vượt lên tất cả và trở thành người nổi tiếng để mỗi khi nhắc đến ai cũng phải khâm phục và trân trọng.

Tiết mục múa gông do nghệ nhân Đặng Nho Vượng dàn dựng đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và Trình diễn trang phục dân tộc tỉnh Yên Bái lần thứ XIV năm 2017.

YBĐT - Ở vùng đất quế Văn Yên không ai không biết nghệ nhân người Dao Đặng Nho Vượng. Ông không chỉ được biết đến như người thuộc nhiều làn điệu páo dung, câu hát dân ca dân tộc Dao mà còn là người duy nhất của huyện Văn Yên có thể cùng lúc thổi 2 sáo tồm ông dặt bằng mũi. Ông cũng là người tận tâm "nhóm lửa" rồi nỗ lực tìm cách để ngọn lửa bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao đỏ luôn bừng cháy trên vùng đất quế Văn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục