Mặt trời hào phóng vung nắng xênh xang cho sớm một ngày đông trên bản Mí Háng Tâu. Nếu như anh Thào A Tủa - công chức Văn phòng - Thống kê xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải chẳng mau mắn giới thiệu thì tôi đã tưởng chàng trai Mông tên Vàng A Công đang cười tươi rõ tươi với mình là một học sinh lớp 12 mà thôi.
Tôi vẫn cứ ngỡ ngàng không ít mặc dù đã được thông tin trước rằng Công còn trẻ lắm. Em lắc đầu: "Úi, trẻ gì nữa ạ, em đã 23 tuổi rồi đấy và cũng đã có 2 con!”. Công đang mặc quần cho cậu con trai vừa nghịch đất bẩn, còn vợ đang ẵm ngửa bé gái, tôi dò: "Như kiểu tảo hôn ý nhỉ?”, em bật cười: "Không ạ, đúng quy định của Nhà nước”.
Căn lán có lẽ chẳng rộng cũng chẳng hẹp với cách sắp xếp đồ đạc và vật dụng cần thiết, chiếm diện tích đáng kể là góc kê chồng cao những bao cám gà mang nhãn hiệu Dabaco.
Nhà Công cách đấy không xa, lán này ở tạm để em và vợ tiện việc chăm sóc đàn gà. Phải công nhận rằng địa điểm mà Công chọn chăn nuôi hơn 2.000 con gà rất tiện lợi: chỉ 200 mét từ trục đường quốc lộ 32 rẽ vào, đường đi dễ dàng, không gian thông thoáng bốn bề, gần suối Nậm Kim. Đâu có tự nhiên em chọn vị trí ấy để bắt đầu một cuộc mưu sinh khá mạnh bạo nếu không muốn nói Công đi đầu trong chăn nuôi hàng hóa tập trung lớn nhất ở bản Mí Háng Tâu đã đành mà của cả xã Púng Luông tại thời điểm này. Ông Mùa A Tòng - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định chắc chắn điều đó.
Vàng A Công (bên phải) đeo kính cho đàn gà nòi ô tía
Cùng Công lần ngược trở lại con đường đang đi đủ biết sự lựa chọn của em bắt nguồn từ điều cơ bản nhất: học. Chàng trai Mông có ánh mắt linh lợi thấu tỏ: "Ai cũng đi học thì nhất định việc học phải có ích lợi như thế nào nên mình cũng phải đi học thôi”.
Hết cấp I rồi cấp II, lên cấp III thì Công từ bản Ngã Ba Kim đến theo học ở trung tâm huyện. Rất thực tế nắm bắt thời cuộc khi Công tiếp tục thi đỗ và chọn học Khoa Kỹ thuật Nông lâm, chuyên ngành Thú y của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Nguyên khóa học 2013 - 2016. Học để làm chủ kiến thức, có hiểu biết để tự tạo việc làm ngay trên quê hương mình, đem lại hiệu quả kinh tế đối với cuộc sống gia đình chứ thật sự học để làm cán bộ trong suy nghĩ của em là không hề thiết thực bởi nhiều người tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp như thường.
Đàn gà nòi ô tía được đeo kính đỏ tránh mổ nhau
Học để áp dụng làm nghề, suy nghĩ thật rõ ràng của Công đã trở thành một nguồn động lực giúp em kiên trì theo đuổi con đường muốn đi. Ở quê em, Công nói thấy ít có người theo học nghề mà em học.
Lớp chuyên nghiệp khóa đó của trường, duy nhất có em là người Mông. "Cứ nghĩ lúc nào cũng phải cố tý nữa, cố tý nữa cho không kém bạn bè trong lớp” không chỉ về điểm số mà quan trọng thật sự với em ở khía cạnh nắm vững những kiến thức thầy cô truyền giảng.
Khóa học ba năm rồi cũng kết thúc bằng đợt thực tập kéo dài bốn tháng tại một trại chăn nuôi 6.000 con gà ở xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Thời gian thực tập đã mở ra hướng đi cho Công khi trở về quê vào tháng 6 năm 2016.
Tất cả tích lũy, thực tế mà em có đã cho thấy mọi điều dường như đều đúng thời điểm của nó: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Công chọn 1.000 con gà đen Thụy Phương của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, Hà Nội để vào đàn lứa đầu tiên tháng 1 năm 2017.
Giải thích thắc mắc của tôi tại sao không bắt đầu với giống gà đặc sản của người Mông Mù Cang Chải, Công nêu ra lý do: "Chưa thể chủ động và bảo đảm được nguồn con giống như mình mong muốn, trong khi lại có rất nhiều lựa chọn phù hợp khi đến với Thụy Phương”.
Có vẻ thuận lợi đủ đường từ lúc vào đàn đến tìm thị trường tiêu thụ cho lứa gà khởi đầu của em. Gà cứ lớn đều, khỏe mạnh. Công cũng chẳng bao giờ quên một ngày tháng Năm, em buộc chặt lồng gà 20 con sau xe máy phóng vèo vèo vào thị trấn Mù Cang Chải tiếp thị từng nhà hàng, quán ăn.
Lần đó, riêng nhà hàng Thắng Dung đã lấy luôn 15 con. Em mừng khó nói hết khi nhận phản hồi của khách cho sản phẩm đầu tiên: "Ăn được”. Từ ưng mắt đến ưng chất lượng, thuận mua vừa bán, gà được đặt hàng đều. Ai gọi lẻ dù một, hai con hay nhiều hơn nữa, Công cũng mang đến tận nơi. Hàng đặt cũng túc tắc đến từ dưới thị xã Nghĩa Lộ thì Công lại gửi xe khách chuyển xuống.
Vậy thôi mà đàn gà nhanh chóng hết veo, giá xuất bán 120.000 đồng/kg, vợ chồng Công thu hơn 130 triệu đồng, lãi cũng "tàm tạm”. Món nợ 50 triệu đồng ban đầu dù Công chưa trả ngân hàng nhưng sau khi bán hết con gà cuối cùng của lứa đầu tiên cũng trở nên "nhỏ bớt” trong đôi mắt em và cũng trở nên "nhẹ bớt” trên đôi vai em. Liệu quá lời nếu nói đó là sức mạnh niềm tin?
Thực tế đã đáp lại rằng không hề quá lời.
Hãy xem những việc Công đã làm ngay sau đó: vay tiếp 50 triệu đồng, mở rộng thêm 50 m2 lên tới gần 200 m2 chuồng trại, tháng 8 vào hơn 1.000 con gà nòi ô tía Dabaco, tháng 10 vào tiếp 1.000 con gà đen Thụy Phương. "Tại sao lại không phải tất cả gà đen Thụy Phương như đã thành công?”, Công cười trước khi trả lời: "Nuôi nhiều giống gà phục vụ nhiều đối tượng khách hàng, tìm kiếm nhiều thị trường tiêu thụ mới biết được đâu là sản phẩm người ta thích, ưa chuộng hơn cả”.
Không lo lắng điều gì, dẫu rằng là không thể vì theo em lo thì vẫn lo nhưng không làm thì sao biết mình lo gì, sao biết cách vượt qua nổi. Công cũng lo dịch bệnh chứ. Công cũng có cả nỗi lo về đầu ra nữa. Tự em biết yếu tố nào đã trợ giúp cho mình thuận lợi ngay lứa gà đầu tiên: là giống, là chăm sóc, là bổ sung thức ăn, là phòng chống dịch bệnh, là môi trường an toàn chưa có mầm bệnh… chứ đâu phải một yếu tố riêng lẻ nào quyết định thành công được.
Hiểu thế nên càng cần thận trọng từng khâu, Công không dám coi nhẹ hay sơ suất bất kỳ một công đoạn nào. Một lứa nuôi thôi thì chưa nhiều kinh nghiệm trong khi nhu cầu tìm hiểu, học hỏi thêm của chàng trai Mông lại cao xa như núi, như trời quê hương nên em thường xuyên cập nhật Internet. Chiếc máy tính để bàn ngay ngắn trong một góc căn lán mang dáng vẻ hiện đại nhất trong khung cảnh này, lúc vừa bước chân vào đây thì tôi đã nghĩ vậy.
Nhưng tôi đã nhầm và buộc phải tự thay đổi suy nghĩ: đó chỉ là công cụ, phương tiện để chàng trai Mông ở bản Mí Háng Tâu thể hiện sự năng động, sức trẻ trai trong nhận thức, tư duy và hành động của mình. Thú vị lắm khi tận mắt chứng kiến Công đeo kính cho hàng ngàn con gà. Đeo kính cho gà ư? Không sai đâu. Công chia sẻ về điều này: "Sách vở không có, thầy cô cũng không dạy đâu ạ. Thực tế nuôi lứa trước, gà mổ nhau nhiều, dễ gây ra xây xước, ảnh hưởng đến sự phát triển.
Có những nơi thì người nuôi cắt mỏ gà cũng giảm được tình trạng này nhưng trông con gà mất đẹp đi, nhiều người mua cũng không thích. Xem trên mạng có giới thiệu về kính đeo cho gà nên em mua để làm thử xem sao”. Vừa đặt hàng qua mạng hai ngày trước, hôm nay Công nhận đủ 1.000 đôi kính. Tốn một triệu đồng nhưng kính nhựa vẫn có thể dùng cho nhiều lứa nữa nên tính ra cũng không đắt.
Đàn gà nòi ô tía được Công cho đeo kính trước không tại vì ưu ái hơn mà tại vì đôi tuần nữa đã đến kỳ xuất bán, còn lứa gà đen Thụy Phương thứ hai sẽ lại xuất vào đúng dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Ngó những anh chàng, cô nàng gà nhởn nhơ ra khỏi chuồng sưởi nắng ấm mang đôi kính đỏ "hợp mốt” trông đỏm dáng, là lạ và ngồ ngộ! Suốt cả quãng thời gian gặp Công, chả mấy lúc em rảnh, điện thoại cầm tay réo vang liên tục.
Những cuộc giao dịch đặt mua gà đến từ mọi ngả, bận rộn nhưng tâm trạng em hào hứng lắm. Thì có khác lứa gà đen Thụy Phương hồi giữa năm là mấy, lứa này cũng lứa đầu tiên thử nghiệm gà nòi ô tía của em. Con gà nào ra thị trường, mong chờ phản hồi của khách hàng đến hồi hộp, đơn giản em nuôi niềm hy vọng.
Câu chuyện qua, câu chuyện tới, vẫn phải nhắc đến giống gà đen bản địa nổi tiếng của Mù Cang Chải. Vui mạch chuyện, em mới he hé một chút rằng vẫn ấp ủ dự định nuôi giống gà này bởi thịt ngon, giá cao, thị trường rất thích. Nhất thiết phải cần sự chuẩn bị chu đáo hơn về mọi điều kiện nên chỉ có thể nói vậy thôi, giống như mùa đông âm thầm gom góp đợi mùa xuân bật chồi xanh. Sánh bước cùng mùa đông giá lạnh, giữ lửa trong tim, chàng trai trẻ Vàng A Công đang đi về phía mùa xuân và làm nên sức xuân cho núi rừng, cho đất trời Mí Háng Tâu.
Nguyễn Thơm