Đi trên con đường bê tông uốn lượn, Trưởng thôn Khe Năm Vũ Văn Hồng hào hứng kể: "Thôn có 4 km đường trục chính đã cứng hóa được trên 3,3 km, đạt 83%; đường ngõ xóm gần 900 m, đã cứng hóa được 700m, đạt 77%. Tổng kinh phí thực hiện bê tông hóa, cứng hóa đường giao thông từ năm 2012 đến nay trên địa bàn thôn là trên 2 tỷ 150 triệu đồng, trong đó bà con chúng tôi đóng góp trên 1 tỷ 171 triệu đồng”.
Theo Trưởng thôn Hồng thì riêng năm 2017, người dân Khe Năm đã bê tông hóa 1,1 km đường giao thông, kinh phí thực hiện trên 546 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ xi măng và ống cống qua đường trị giá gần 160 triệu đồng, số còn lại nhân dân đóng góp bằng công, bằng của. Khi nghe anh Hồng kể, chúng tôi thấy đây là một kỳ tích, bởi Khe Năm chỉ có trên 200 hộ, 700 nhân khẩu với 4 dân tộc anh em cùng chung sống, kinh tế trông vào sản xuất nông- lâm nghiệp là chủ yếu. Do vậy, huy động nhân dân tham gia đóng góp làm đường giao thông không đơn giản.
Theo tính toán, mỗi khẩu thuộc hộ gần mặt đường hưởng lợi trực tiếp tham gia đóng góp 2,2 triệu đồng, các hộ ở bên trong mỗi khẩu đóng góp 1,6 triệu đồng, hộ nghèo và khẩu trên 80 tuổi được miễn tham gia đóng góp. Vậy mà, chỉ sau gần hai tháng thi công, tuyến đường liên thôn dài 1,1 km đã hoàn thành trong niềm hân hoan vui sướng của nhân dân.
"Làm thế nào các anh huy động sức dân tham gia được nhiều như vậy” - tôi hỏi.
Anh Hồng bộc bạch: "Trước hết, cần phải có sự đoàn kết, nhất trí cao từ cấp ủy chi bộ, sự vào cuộc tích cực của những người cán bộ, đảng viên trong thôn. Chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân thấy được những lợi ích khi bê tông hóa đường giao thông. Khi có chủ trương làm đường, mọi công việc bàn với nhân dân đều phải công khai, minh bạch, nhất là về tài chính. Nhân dân được tham gia bàn bạc, thảo luận sau đó tự quyết định phương án, cách thức và trực tiếp nhân dân tham gia giám sát với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Qua trò chuyện tôi được biết, ngay từ năm 2012, thôn Khe Năm đã xây dựng được Quỹ làm đường giao thông và đưa ra mục tiêu mỗi năm phấn đấu bê tông hóa bao nhiêu mét đường, việc đóng góp kinh phí huy động theo từng năm để giảm tải cho người dân. Thế nên, việc huy động mỗi khẩu trực tiếp hưởng lợi tham gia đóng góp 2,2 triệu đồng làm 1,1 km đường mới dễ dàng bởi số tiền ấy chia đều theo từng năm. Số thu được sẽ chuyển vào ngân hàng gửi để lấy lãi, đến khi triển khai làm đường thì rút về chi trả. Đến nay, sau khi làm đường xong, vẫn còn dư trên 15,3 triệu đồng. "Quan trọng nhất là phải công khai rõ ràng, minh bạch về tài chính” - Trưởng thôn Hồng đúc kết.
Những chiếc xe máy chở chè, chở quế, chở cây ăn quả bon bon chạy trên đường làng, người dân Khe Năm ai cũng phấn khởi khi thôn được triển khai dự án cải tạo chè theo tiêu chuẩn VietGap, được tham gia dự án trồng quế, trồng tre măng Bát độ, trồng cây ăn quả có múi, trồng dâu nuôi tằm… theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, giao thông thuận lợi sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản của địa phương.
Ngẫu hứng, ông Triệu Đình Khôi – 86 tuổi, người dân thôn Khe Năm ứng tác luôn mấy câu: "Ông bà đi cúng bái thập phương tam đạo/ Cũng không bằng ủng hộ đường ta/ Mọi người dân đi qua, con ta đi học/ Chẳng sợ đường trơn, chẳng sợ lấm giầy”.
Dù tuổi đã cao, không thuộc diện phải đóng góp, song ông Khôi cũng đã ủng hộ 1 triệu đồng vào Quỹ làm đường giao thông của thôn. Những ngày thi công đường, ông luôn có mặt để giúp đỡ bà con đun nước uống, khích lệ nhân dân quên đi mệt mỏi bằng những lời ca, tiếng hát. "Có đường rồi bà con thấy cái được lợi nhất là gì?” - tôi hỏi. "Thuận lợi nhất là vận chuyển nông sản mang đi tiêu thụ. Trước mà mưa thì đường lầy lội, nông sản để trong nhà ẩm mốc, không bán được. Nay, trời có mưa thì đường cũng chẳng lầy, nông sản làm ra tiêu thụ hết” - ông Khôi phấn khởi trả lời.
Những ngày này, chúng tôi về Hưng Khánh để nghe chuyện nông thôn mới. Người dân trong xã, ai cũng hồ hởi, phấn khởi khi biết xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí (theo đánh giá của xã). Các tiêu chí khó như: thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, vệ sinh môi trường được đánh giá thực hiện tốt, mang tính bền vững.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hoàng Văn Hoa cho biết: "Mới đầu bắt tay vào xây dựng NTM, ngay cả lãnh đạo xã cũng không nghĩ năm 2017 xã có thể hoàn thành 19/19 tiêu chí do năng lực và nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế nên xã lúng túng khi triển khai thực hiện; chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo xã xác định nâng cao nhận thức của người dân đóng vai trò then chốt để thực hiện mục tiêu này”.
Vậy là, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, hội cùng vào cuộc và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thay đổi nhận thức để người dân hiểu xây dựng nông thôn mới là của dân và người dân là người được hưởng lợi trước hết. Từ đó, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm là chính”.
Tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường là tiêu chí khó, xã đã tính và giao trách nhiệm cụ thể cho bí thư chi bộ và các trưởng thôn. Qua một thời gian thực hiện, cảnh quan môi trường chung đã có những thay đổi rõ rệt, nhất là khu trung tâm xã, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp. Các hộ gia đình cơ bản có nhà tiêu hợp vệ sinh, có hố chứa rác thải, vệ sinh môi trường nông thôn được đảm bảo.
Trung tâm xã Hưng Khánh ngày càng khang trang, sầm uất.
Đồng chí Hoàng Văn Hoa cho biết thêm: "Để thực hiện được tiêu chí này thì việc nâng cao nhận thức của người dân là điều quan trọng nhất, nơi nào cấp ủy chi bộ vào cuộc quyết liệt cùng với sự chỉ đạo sát sao của các tổ công tác thì nơi đó thực hiện tốt. Xã tiếp tục xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc và nêu gương những hộ gia đình tiêu biểu trên hệ thống loa truyền thanh xã, tại các cuộc họp thôn bản để tạo sức lan tỏa rộng lớn trong nhân dân”.
Sau 6 năm triển khai, đến nay, Hưng Khánh đã huy động được gần 90 tỷ đồng đầu tư cho nông thôn mới, trong đó Nhà nước hỗ trợ trên 40 tỷ đồng, nhân dân tham gia đóng góp gần 50 tỷ đồng. Và cái được lớn hơn là, xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi tư duy của người dân trong xã về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Những diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng và phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa; chăn nuôi được chú trọng, Hưng Khánh đang có 23 mô hình nuôi lợn trên 50 con và nuôi trâu, bò trên 10 con.
Cùng đó là gần 200 ha quế, xã có khoảng 2.000 ha rừng kinh tế tạo vùng nguyên liệu cho 16 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn. Trong đó, chế biến gỗ đã tạo việc làm cho gần 200 lao động với mức thu nhập bình quân trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.
"Đảng ủy, chính quyền địa phương xác định cụm Tĩnh Mỹ Hưng phát triển trồng tre măng Bát độ; cụm Ngọn Đồng – Lương An phát triển trồng dâu, nuôi tằm; cụm Khe Năm, Khe Ngay phát triển trồng chè chất lượng cao và cây ăn quả có múi…” - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Hoàng Văn Hoa chia sẻ.
Kinh tế khá giả, nhân dân tích cực tham gia đóng góp để bê tông hóa trên 14 km đường liên thôn, trên 17 km đường nội thôn, 11 thôn đều xây dựng được nhà văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,53%. Năm 2017, nhân dân trong xã đã làm mới được 105 ngôi nhà, đưa tỷ lệ nhà đạt chuẩn theo tiêu chí lên 92, 87%.
Ngày xã Hưng Khánh được đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đang đến gần. Nông thôn mới đã và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đi vào lòng dân thông qua những nghị quyết đúng, cách làm sáng tạo. Sự tận tụy hết lòng của người cán bộ, sự đồng thuận cao của nhân dân đã tạo nên sức mạnh để Hưng Khánh vượt qua khó khăn, đi đến thành công.
Mạnh Cường - Hoài Văn