20 năm có lẻ, người Dao thôn Khe Ván, xã Quang Minh, huyện Văn Yên vẫn luôn coi ông Triệu Thiều Thăng, hiện là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Quang Minh là người dẫn đường, mở lối, đưa cuộc sống của bà con nơi đây thoát hẳn đói nghèo.
Tự lấy mình làm mẫu, nói trước làm trước, thành công trong hơn 20 năm vận động đúng đắn chủ trương phát triển kinh tế của Đảng, của địa phương tại chính gia đình mình, đã đưa ông trở thành ngọn "hải đăng” của làng Dao Khe Ván…
Những ngày đầu xuân về Khe Ván nhộn nhịp lắm! Không phải là sự nhộn nhịp của vui chơi sau tết mà là sự nhộn nhịp, hăng say của lao động sản xuất. Là thôn vùng cao chịu ảnh hưởng nặng của đợt rét đậm, rét hại trước tết, Khe Ván đã linh hoạt gieo cấy sau tết.
Mới mùng 4 đầu năm, người dân Khe Ván đã khẩn trương xuống đồng để bắt kịp khung lịch thời vụ của xã. Trên các thửa ruộng, cơ giới hóa hoạt động hết công suất thay thế hoàn toàn hình ảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau”.
Chỉ sau 4 ngày, hơn 30 ha lúa nước ở Khe Ván đã hoàn thành gieo cấy, thời gian nhanh gần gấp đôi so với các thôn khác.
Thấy tôi ngạc nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh - anh Nguyễn Văn Thiết nói như để giải thích: "Tuy là thôn vùng cao của xã, với 100% đồng bào dân tộc, lại từng gặp vô vàn khó khăn nhưng Khe Ván giờ đã lột xác với diện mạo mới tươi sáng và đủ đầy rồi”.
Cũng phải thôi! Khe Ván của nhiều năm trước không điện, không đường, không trường, không trạm, hủ tục đeo bám khiến người dân đã nghèo lại càng nghèo.
Những năm tháng đó đã đi vào dĩ vãng khi giờ đây thu nhập bình quân đầu người ở Khe Ván đạt gần 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 15%, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa chiếm hơn 80%, tuyệt nhiên không có tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, người dân đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương.
Bên những triền đồi kia đã có nhiều lắm những ngôi biệt thự nhỏ đủ sắc màu mang đến sự phồn thịnh nhờ quế, nhờ sắn và nhờ một phần không nhỏ từ sự dám nghĩ, dám làm, sự vận động, hướng dẫn, khích lệ bà con cùng làm của ông Triệu Thiều Thăng từ những ngày đầu tiên.
Những ngày đầu tiên ấy, có lẽ được bắt đầu từ hơn 20 năm trước. Bên bếp lửa bập bùng, ông Thăng kể: khi còn là thanh niên, ông cũng như phần đông thanh niên trong thôn vẫn ngày ngày phá rừng lấy gỗ mưu sinh.
Không biết đã bao nhiêu ngọn núi, cánh rừng bị người dân trong thôn, trong xã, trong đó có ông tàn phá trong quá khứ. Phải đến năm 1993, Nhà nước thực hiện chính sách giao đất giao rừng và khoán bảo vệ rừng, ông tự nhủ, đây chính là cơ hội để mở ra một cuộc sống mới.
Cuộc sống mới ấy sẽ do những người đồng bào như ông làm chủ và làm giàu từ chính những cánh rừng đang "cầu cứu” kia. Nghĩ là làm, ông vận động người thân và hàng xóm nhận đất giữ rừng. Nhưng người ta lại cười chê, bảo ông là hâm, là gàn dở, nương rẫy không làm lại bỏ công bỏ sức cho bãi đất chẳng ra gì ấy.
Ông thầm nghĩ, với đồng bào mình, nói suông sẽ không có tác dụng. Muốn họ nghe và làm theo, trước hết phải lấy mình làm gương để bà con thấy được hiệu quả rồi họ mới làm.
Ông tiên phong nhận 7 ha đất. Ông chỉ nói với dân làng: "Mọi người chờ tôi. Tôi làm trước, ổn thì mọi người làm sau”. Vì vậy, những ngày sau đó, dù có "đơn thương độc mã” ông vẫn kiên trì với ước mơ biến vùng đất cằn cỗi kia thành rừng "vàng”.
Ý tưởng là vậy, song câu hỏi trồng cây gì vẫn khiến ông băn khoăn. Khi ấy, vùng đất Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Xuân Tầm bên cạnh đã được phủ xanh bởi quế. Người dân ở đó cũng có cuộc sống tốt hơn, no ấm, hạnh phúc hơn. Thấy vậy, ông Thăng quyết định quế chính là loại cây mà ông đang tìm kiếm.
Ông lên Xuân Tầm xin hạt giống của kiểm lâm về ươm giống. Bằng sự cần mẫn, chịu khó, trên mảnh đất cằn cỗi kia đã thấp thoáng màu xanh non mơn mởn của những mầm cây. Tuy nhiên, do đây vốn là khu chăn thả gia súc nên cây trồng đến đâu lại bị trâu, bò thả rông phá hết đến đó.
Ông lại cần mẫn đan rào quây chắn. Nhưng khó khăn vẫn chưa chịu dừng lại. Cây trồng cứ trổ nhánh là tự động còi cọc hoặc chết héo mà không rõ nguyên nhân. Thử nhiều biện pháp không thành, ông ngầm hiểu ra rằng, quế là cây của rừng nhưng không phải cứ để tự nhiên thì cây sẽ xanh tốt; chúng cũng như người, phải có sự chăm bẵm, vun vén mới có thể trưởng thành.
Ông tự mày mò, tham quan, học hỏi các hộ trồng quế ở các xã lân cận. Không nhận được sự chỉ dẫn từ người dân, để hiểu được loài cây này, ông xin được ở lại làm thuê không công. Sau 3 tháng sống với quế, ăn ngủ cùng quế, ông trở về với một cuốn sổ nhỏ nhưng ẩn chứa trong đó những kinh nghiệm quý để tiếp tục thực hiện ước mơ đang dang dở.
Năm 1997, hơn 3 năm kể từ ngày trở về, 7 ha đất ông nhận năm nào đã được phủ xanh bởi quế. Người dân trong thôn cũng thôi nghi ngờ, mạnh dạn nhận đất trồng rừng. Họ tìm ông, xin giống và học hỏi kinh nghiệm. Những gì mình biết, ông đều chia sẻ, quyết không giữ nghề. Nhờ đó, đến nay, vùng đất cằn không sức sống đã bạt ngàn quế với 450 ha, đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân.
Nhiều người ở Khe Ván cho đến bây giờ vẫn tiếc ngẩn ngơ vì khi ấy không nhận thêm vài héc - ta rồi chăm chỉ khai hoang, trồng rừng thì có lẽ bây giờ đã đổi đời. Như ông Thăng chẳng hạn, bắt đầu từ cách đây hơn 20 năm, đến giờ ông có 15 ha trồng quế xen sắn, tổng tài sản khoảng 6 tỷ đồng, hàng năm thu nhập 400 - 500 triệu đồng.
Ông Triệu Thiều Thăng chăm sóc quế.
Không chỉ quế mà cây sắn ở Khe Ván cũng là một câu chuyện dài. Đó là năm 2000, huyện quy hoạch vùng nguyên liệu cho Nhà máy Sắn Văn Yên. Khe Ván cũng nằm trong đó, được hỗ trợ giống, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm, lại có đầu ra ổn định. Thuận lợi là thế, song tư tưởng sợ thay đổi của bà con nơi đây vẫn y nguyên như 7 năm trước.
Khi ấy, ông Thăng đang làm trưởng thôn, ngày ngày ông cùng các đồng chí trong Chi ủy Chi bộ thôn vẫn "cuốc bộ” hàng cây số lên từng lán, từng nương, tuyên truyền, vận động bà con đăng ký trồng sắn.
Cũng như lần trước, ông tiên phong đăng ký trồng 0,5 ha sắn. Sẵn thành công từ vụ quế năm xưa nên thấy ông Thăng trồng, một vài hộ dân cũng mạnh dạn làm theo. 22 hộ dân, xấp xỉ 3 ha là con số không lớn, song đã đánh dấu sự thay đổi trong nhận thức của bà con nhờ sự tích cực của ông Thăng và Chi bộ.
Một năm sau, Nhà máy Sắn Văn Yên được xây dựng, 3 ha trồng sắn của bà con được thu mua với giá trị gần 30 triệu đồng. Thấy có lợi, bà con tích cực trồng sắn, hàng chục héc - ta sắn được trồng bổ sung ngay trong năm. Giai đoạn 2005 - 2006, giá sắn lên cao, nhiều hộ bỏ quế trồng sắn còn ông Thăng vẫn trồng thêm.
Ông kiên trì vận động, thuyết phục người dân: "Tuy 1 ha sắn thu khoảng 15 triệu, còn 1 ha quế chỉ thu 10 triệu đồng nhưng để làm giàu trong tương lai thì sắn không thể thay thế quế. Trồng sắn xen quế mới là hướng đi đúng với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tạo ra một nguồn thu mới trong khi chờ diện tích rừng cho thu hoạch”.
Cái tương lai mà ông Thăng nói khi ấy chính là thời điểm hiện tại, khi quế vẫn giữ vững "phong độ" còn sắn đã dần "thoái vị”.
Dự cảm của ông khiến tôi khâm phục. Quả thực, trong suy nghĩ, việc làm của người đàn ông này luôn đi đầu, đúng hướng và khác biệt. Người dân thấy ông Thăng không bỏ quế mà trồng quế xen sắn, trồng một mà được hai, thuyết phục cả lý cả tình nên tích cực làm theo.
Đến nay, ở Khe Ván có 450 ha đất trồng quế thì có 400 ha trồng xen sắn, sản lượng khoảng 7.500 tấn/năm, đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng. Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần cũng ngày một cải thiện.
Nhờ sự kiên trì vận động của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, những hủ tục ở Khe Ván hoàn toàn được xóa bỏ, bản sắc dân tộc được giữ vững, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, chung sống hòa bình.
Hơn 50 tuổi, người đàn ông tóc hoa râm kia vẫn tự hào nói rằng: "Cuộc đời tôi, sống có ý nghĩa chỉ từ năm 1995” - đó là năm ông chính thức vào Đảng. Ông còn bảo: "Người dân Khe Ván giàu lên là nhờ chính công sức lao động của họ. Tôi chỉ giúp họ sớm giác ngộ, tìm ra hướng đi sớm hơn thôi”.
Ông Thăng đã nói với tôi như vậy, nhưng bản thân tôi đến cuối câu chuyện chỉ đặt ra một câu hỏi: nếu không có những người như Triệu Thiều Thăng luôn lấy mình đi trước, "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” thường xuyên lo chuyện "thiên hạ” thì liệu Khe Ván hôm nay có tươi sáng và đủ đầy?
Hoài Anh