Hồi sinh nhà sàn - niềm tự hào di sản

Bài 1: Từ ý tưởng của “kỹ sư” người Dao

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/3/2018 | 8:20:54 AM

YênBái - YBĐT - Những năm 1990 trở về trước, hình ảnh nhà sàn thưa dần, khiến bao người lo lắng về một không gian văn hóa nhà sàn đang biến mất. 

Một ngôi nhà sàn cách tân kết hợp với những vật liệu mới khá đẹp.
Một ngôi nhà sàn cách tân kết hợp với những vật liệu mới khá đẹp.

Giờ thì điều lo lắng đó không còn nữa . Những ngôi nhà sàn bê tông y như nhà sàn gỗ đang hồi sinh mạnh mẽ, trả lại vẻ đặc thù nông thôn miền núi truyền thống hòa với nhịp sống hiện đại tạo nên một sức sống tươi mới.

Ngoài sáu chục tuổi đời, ông Vi Văn Bính, người Dao ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình đã có thâm niên nghề mộc từ lúc tuổi đôi mươi. Bởi thế, nghề cưa đục với ông là cả một sự tâm huyết, nên khi trò chuyện về kiến trúc nhà sàn là chạm ngay đến niềm cảm hứng ở ông.

- Vùng mình xưa kia có ở nhà sàn không ạ? - tôi hỏi.

- Chủ yếu là ở nhà sàn! - ông Bính đáp lời.

- Vậy, chẳng lẽ ở đây cũng một thời "chảy máu” nhà sàn?

Giọng trầm trầm như hoài niệm, ông Bính bảo rằng: "Nói là "chảy máu” nhà sàn trước đây thì cũng không hẳn là thế. Đã là đồng bào ở nhà sàn thì bất kỳ ai cũng coi ngôi nhà ấy như một phần máu thịt của mình. Đặc biệt, những ngôi nhà qua nhiều đời sử dụng thì mọi người lại càng ý thức hơn việc giữ gìn nó như từ đường gia tộc.

- Yêu quý những ngôi nhà sàn như thế, sao lại bán đi? - tôi hơi băn khoăn.

Nhưng qua lý giải của ông Bính, tôi mới ngộ ra rằng, ở thời điểm ấy là lúc đời sống kinh tế ở nông thôn, nhất là nông thôn miền núi đang lúc gặp khó khăn nhất của thời kỳ bao cấp.
 
Đồng thời, đây cũng là lúc nhiều ngôi nhà sàn được làm từ vài chục hoặc cả trăm năm về trước đã đến hồi xuống cấp. Để kiếm được gỗ tốt và có tiền sửa chữa nhà sàn thì tốn kém chẳng khác gì làm nhà mới. Bởi vậy, có nhà không đủ lực sửa chữa đành phải dỡ nhà sàn hoán cải thành nhà đất. Thợ mộc những làng nghề miền xuôi nhạy bén nhận ra rằng, trong số những ngôi nhà sàn cũ ấy, có những nếp cột, kèo hầu hết là gỗ lõi, gỗ quý. Thế là, họ bỏ tiền ra lùng mua để lấy gỗ biến thành tủ, sập, bàn ghế, đồ mỹ nghệ đắt tiền.

Bán nhà sàn chuyển sang nhà đất, nhiều người cũng chỉ làm được nhà bằng gỗ tạp, dễ mối mọt. Nhiều nhà đông con, đến lúc dựng vợ gả chồng cho con ra ở riêng có khi chỉ làm được nhà tre, vách đất, nên thời ấy nhìn những làng bản nhà sàn xinh đẹp cứ mỗi lúc một tiêu điều. Là người rành nghề mộc, thấy dân mình đã nghèo lại phải làm nhà bằng thứ vật liệu chỉ được ít năm là mối mọt, hỏng hóc thì không biết khi nào bà con mình mới "an cư lạc nghiệp?”.
 
Ông Bính cứ canh cánh nỗi niềm như thế và sau bao nhiêu trăn trở, bỗng ông để ý thấy những cây điện bê tông cứ đứng vững chãi giữa trời, rồi một ý tưởng có phần rất "hồn nhiên” chợt lóe lên đầu ông: "Cây cột điện bê tông hàng chục năm ở ngoài trời mà nó vẫn bền. Nếu như làm cột nhà sàn như thế và lại được lợp tử tế thì nó còn bền đến chừng nào? Tại sao ta không thử làm nhà sàn bằng cột bê tông?”- ông Bính tâm sự.

Từ ý tưởng ấy, ông Bính đã bàn với những thợ bạn quyết tâm làm thử ngôi nhà sàn bằng cột bê tông đầu tiên vào năm 2002. Tuy nhiên, vốn là thợ mộc lại ở vùng sâu, vùng xa nên kỹ thuật cấu kiện bê tông cốt thép đối với ông thật là lạ lẫm, nên ông vừa làm vừa phải mày mò kỹ thuật. Cột nhà ban đầu chỉ làm được cột vuông, đúc nằm, tạo các lỗ mộng, họng cột bằng cốt gỗ.
 
Lúc dựng nhà thì cột bê tông khá nặng, độ chính xác của các lỗ mộng chưa cao nên khi ghép với các kết cấu gỗ thường bị vênh và phải mất khá nhiều thời gian để rút kinh nghiệm thì kỹ thuật mới ổn định. Thành công của ngôi nhà sàn cột bê tông đầu tiên, khiến cánh thợ của ông Bính niềm vui nhân lên gấp bội, vì nhiều người đến thăm công trình đầu tay này đã tỏ ra thích thú, đặt hàng.
 

Ông Vi Văn Bính giới thiệu về những chi tiết của nhà sàn bê tông được làm cầu kỳ theo lối nhà cổ.

Khi kỹ thuật làm nhà sàn bê tông đã nhuần nhuyễn, ông Bính lại nghĩ đến phải làm cột tròn mới đẹp. Đúng là cột tròn đẹp thật và ai cũng thích, nhưng ông lại gặp thêm những khó khăn mới. Cốp pha để đúc cột tròn chỉ là những thanh gỗ nhỏ, mỏng tạo khuôn nên rất khó làm và chỉ làm một lần là phải bỏ, do gỗ khi đã ngấm nước xi măng thì sẽ bị cong vênh không dùng lại được nên rất tốn kém. Thật may, có người đến xem ông Bính đang thi công đã gợi ý bâng quơ: "Sao các ông không làm khuôn bằng thép?".
 
Đêm về nghĩ lại sự gợi ý này, ông Bính vui như vớ được vàng. Ông quyết tâm mày mò nghiên cứu từng loại khuôn, kích cỡ cho phù hợp với từng chi tiết của ngôi nhà, rồi vay mượn tiền đầu tư loại cốp pha mới bằng tôn. "Quả thực, loại cốp pha này tiện lợi vô cùng!”- ông Bính cho hay.
 
Đồng thời, với loại cốp - pha này, đã tạo được bước đột phá vô cùng quan trọng về kỹ thuật xây dựng nhà sàn bê tông. Đó là kỹ thuật đánh dấu chân cột theo thiết kế của ngôi nhà, rồi bắc giàn giáo tạo cốt thép toàn bộ chi tiết ngôi nhà, sau đó ghép cốp pha bằng tôn để đúc đứng hoàn chỉnh tổng thể khung một ngôi nhà. 

Hơn nữa, có cốp pha bằng tôn thì cấu trúc ngôi nhà không còn đơn giản như trước, mà nó dần được làm cầu kỳ, tinh xảo y như nhà gỗ cổ trước đây, với các chi tiết: chồng bồn, kẻ chuyền, bẩy… uốn lượn như đẽo bằng gỗ; khâu đầu, thượng lương, cái nóc đều đúc được hoa văn và chữ Hán cực đẹp.

Nhấp ngụm trà xanh, vẻ mặt người thợ tài hoa này bỗng ngời lên nét tự hào. Ông Bính tâm sự: "Bao năm đi làm nhà sàn bê tông, tuy vất vả nhưng cũng lắm niềm vui. Vui nhất là mình đã sáng tạo ra loại cột nhà sàn bền hơn cả gỗ lim. Đi làm khắp nơi trong, ngoài tỉnh, ai ai cũng quý mến ông và chẳng hiểu cớ làm sao mà rất nhiều người cứ gọi mình là "kỹ sư” xây dựng". 

Hay như lần làm nhà sàn bê tông cho khu du lịch sinh thái ở xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, có vị khách người Pháp mấy ngày cứ chăm chú nhìn ông chỉ đạo thi công. Một hôm, nhân bữa ăn trưa, vị khách này đến chúc ông ly rượu.
 
Qua lời người phiên dịch, ông được biết vị khách đó tỏ lòng khâm phục sự sáng tạo của ông: "Ở bên Pháp có những người cầm cả bằng kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng nhưng để làm một ngôi nhà như ông, tôi chắc chắn là họ khó mà làm được. Nếu ở Pháp, chắc chắn ông sẽ được đề nghị nhà nước cấp bằng kỹ sư xây dựng rồi!” - vị khách người Pháp nói vậy. 
 
Nhưng đây có lẽ mới là niềm vui, niềm tự hào lớn nhất ở ông. Cầm trên tay chiếc đồng hồ treo tường mặt số đã ngả vàng, ông cho biết, đây là kỷ vật được huyện tặng năm 2013 khi ông vinh dự là đảng viên tiêu biểu của người Dao xã Yên Thành đi dự hội nghị sơ kết điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh của huyện Yên Bình với thành tích bảo tồn kiến trúc nhà sàn bằng vật liệu bê tông. 

Tôi đùa vui:

- Bác còn có thành tích rất quan trọng nữa, đó là chống nạn phá rừng nữa chứ!

 Ông Bính cười hiền từ và rằng:

- Quan trọng nhất là mình đã thỏa nỗi lòng góp phần cho bà con mình được ở nhà sàn, được "an cư lạc nghiệp”. 

Tôi thực sự tin tưởng vào điều ông đã làm được, bởi nghiệp làm báo đã cho tôi đi khắp đó đây nên tôi biết từ khi ông Bính bắt đầu làm nhà sàn bê tông thì mãi sau này những vùng khác mới làm. Ý tưởng làm nhà sàn bê tông của ông, đã góp phần rất quan trọng để giải bài toán nhà ở cho vùng nông thôn. Đặc biệt, người nghèo cũng làm được nhà sàn để ở và quê ông là một thí dụ điển hình. Đầu những năm 2000, cả xã chỉ còn lác đác nhà sàn, nhưng giờ đã có gần 90% hộ dân có nhà sàn bê tông để ở.
 
Từ cánh thợ duy nhất của ông Bính, nay trong thôn Ngòi Di của ông đã có mười mấy cánh thợ và lao động nam nữ cả thôn quanh năm đi làm nhà sàn. Cả xã Yên Thành, xã Phúc An, Vũ Linh… của huyện Yên Bình đã có vài chục cánh thợ.
 
Cùng đó, những nơi ông Bính đưa quân đi làm ở huyện Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, tỉnh Yên Bái; huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Na Hang, Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; huyện Bảo Yên… tỉnh Lào Cai không biết đã nhân lên biết bao nhiêu cánh thợ làm nhà sàn học theo kỹ thuật của "kỹ sư” Vi Văn Bính.
 
Từ những cánh thợ ấy, hàng nghìn ngôi nhà sàn ở Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang… đã mọc lên trong mười mấy năm qua. Ông Bính cho hay, đã có những người từ Sơn La, thậm chí là ở Tây Nguyên mời ông đi làm nhà sàn cho họ.

- Bác sẽ nhận lời chứ? - tôi hỏi.

- Chuyện này mình chưa nghĩ đến, vì tuổi đã cao, nên việc này có lẽ dành cho cánh thợ trẻ. Hơn nữa, nhu cầu làm nhà sàn bê tông của bà con các huyện, tỉnh lân cận còn lớn lắm! - ông Bính giãi bày.

- Ở những nơi ấy, họ cũng đã có thợ làm được nhà sàn rồi mà sao vẫn mời bác? - tôi hơi băn khoăn.

- Đúng vậy, nhưng họ chỉ làm được theo lối kết cấu đơn giản, cột vuông nên nhà không đẹp, trông rất nặng nề. Mình làm đã lâu năm, kỹ thuật đã tốt hơn, làm nhanh hơn và làm được theo lối nhà cổ, tiền công cũng thấp nên họ thích mình! - ông Bính lý giải.

Thì ra là vậy! Nghe ông nói tôi lại thấy sức hấp dẫn, sự hồi sinh của những ngôi nhà sàn cột bê tông đang tỏa lan thật là mạnh mẽ. "Kỹ sư” Vi Văn Bính và bao người thợ khác sẽ còn phải miệt mài làm đẹp cho những bản làng, quê hương miền núi.

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục