Tình ca “Khâu xìa plềnh” trên đỉnh Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/3/2018 | 8:16:58 AM

YBĐT - Các bản tình ca "Khâu xìa plềnh” càng hay hơn, đẹp hơn  khi chúng ta được nghe câu chuyện tình của chàng trai dân tộc Kinh yêu say đắm cô gái Mông.

Chị Sủng Thị Lan hạnh phúc bên người chồng thân yêu.
Chị Sủng Thị Lan hạnh phúc bên người chồng thân yêu.

Ai đã một lần lên Suối Giàng (Văn Chấn) khi mùa xuân đến và được nghe người Mông nơi đây hát tình ca "Khâu xìa plềnh” trên những đỉnh núi sương phủ trắng xóa sẽ nhớ mãi không quên. Nội dung các bài tình ca không chỉ ca ngợi tình yêu trong lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa… mà còn lắng đọng cả tinh hoa của đất trời Tây Bắc, làm cho người với người gần gũi, chan hòa hơn.

Các bản tình ca "Khâu xìa plềnh” càng hay hơn, đẹp hơn  khi chúng ta được nghe câu chuyện tình của chàng trai dân tộc Kinh yêu say đắm cô gái Mông. Tình yêu ấy càng ý nghĩa hơn, trân trọng hơn khi chính họ đã viết lên bản "tình ca” về du lịch sinh thái Suối Giàng.

Chúng tôi đến Pang Cáng - một trong những thôn vùng cao của xã Suối Giàng khi hoa đào vẫn còn vương trên các triền núi, búp chè non đang e ấp đợi nắng mai lên, cũng là khi người Mông Suối Giàng mở hội vui xuân. Khắp núi rừng Tây Bắc ngập tràn sắc xuân, ngân vang tiếng khèn, tiếng hát tình ca "Khâu xìa plềnh”.
 
Những ngày này, thời tiết Suối Giàng đẹp mê đắm lòng người nên lượng du khách trong nước và quốc tế đến với các lễ hội của người Mông ngày càng đông hơn. Với người Mông, xuân này càng ý nghĩa hơn khi họ có một khu du lịch sinh thái tại vườn chè cổ để tụ hội múa hát vui chơi. 

Thật may mắn, khi tôi được gặp vợ chồng chị Sủng Thị Lan - chủ của Khu Du lịch suối Giàng và cũng là người "thuyết minh du lịch” duy nhất ở đây.

"Để giúp du khách hiểu về lịch sử của mảnh đất này thì chỉ có thể là tôi thôi” - chị Lan cười tươi dí dỏm nói. Ấn tượng với tôi hay bất cứ ai lần đầu tiên gặp chị đó là người phụ nữ linh hoạt, thân thiện với tiếng nói rủ rỉ, thì thầm và có khuôn mặt đặc trưng của người phụ nữ Mông.



Khu du lịch sinh thái của gia đình chị Sủng Thị Lan ở Suối Giàng ngày càng được đầu tư quy mô, thu hút du khách tham quan.
 
Chị Lan cho biết: "Cũng như các dân tộc khác ở Việt Nam thì tiếng đầu tiên của bài tình ca Mông đó là lời yêu đương, hẹn hò… Tình ca Mông có đến cả trăm bài, bản với giai điệu, nhịp điệu và nội dung khác nhau do dân tộc Mông có nhiều nhánh, như: Mông đỏ, Mông hoa, Mông trắng, Mông xanh. Nhưng đã là tình ca thì tính chất xuyên suốt vẫn là trữ tình. Tính trữ tình không chỉ ở tình yêu đôi lứa mà còn với quê hương, đất nước, với các em thơ và đối với cha mẹ...”.

Câu chuyện tình yêu của chị Lan được đồng bào nơi đây ví như bản tình ca Mông. Tình yêu ấy có niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ khi bị cấm đoán, lúc khắc khoải đợi chờ, rồi vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc…
 
Chị Lan sinh ra và lớn lên ở Suối Giàng. Năm 1994, chị gặp và lấy chồng là công nhân xây dựng thủy lợi. Mối tình của chị có biết bao trắc trở bởi ở Suối Giàng từ xưa đến nay chưa từng có cô gái Mông nào dám vượt lên phong tục của bản để yêu và từ bỏ mọi thứ theo chàng trai người Kinh xuống Mường Lò lập nghiệp.
 
Nắm chặt tay và đưa cái nhìn tình tứ về phía người chồng thân yêu đã cùng mình vượt qua những ngày khó khăn trước đây, chị Lan cất cao lời bài hát "Chi pâu xi dùa” (Không lấy được nhau). Bài hát như kể về tình yêu đầy trắc trở của chính bản thân chị vậy.
 
"Có lẽ, nơi đâu trên thế giới này cũng vậy, tình yêu là chuyện muôn đời. Yêu nhưng không hẳn được yêu, cũng không hẳn sẽ nên vợ nên chồng... Vì anh đi xa, em phải lấy chồng/ Người chồng em không còn nữa/ Đời em cực khổ vô cùng/ Còn đâu ngày xưa...

Đi qua những tháng ngày đau khổ, những ngày mưa không ngớt ấy, tình yêu của chị Lan đã được đơm hoa kết trái cho quả ngọt hạnh phúc. Có lẽ vì vậy mà giọng hát có phần chua xót, hờn trách trước đây nay được chị cất lên trong trẻo hơn, đằm thắm hơn với  bài hát "Cúa dúa pang cầu” (Yêu anh mất rồi).
 
Chị Lan tâm sự: "Những bài hát về tình yêu của dân tộc Mông đã giúp bọn mình thêm quyết tâm sống hạnh phúc bên nhau trọn đời và trở lại Suối Giàng để xây dựng bản làng mình thêm giàu, đẹp hơn”. Lần nữa, chị đưa cái nhìn tình tứ về phía người chồng rồi lại cất cao giọng bài hát "Yêu anh mất rồi” ... "Làm sao nói, làm sao anh về gặp em/ Chiếm cả lòng em, làm xao động lòng em/ Càng gần anh không muốn rời…”. 

Sau 7 năm, vợ chồng chăm chỉ kinh doanh ở chợ Mường Lò khi tích lũy được ít vốn, năm 2012 anh chị đã quyết tâm về quê xây dựng bản làng. Chị đầu tư hơn 6 tỷ đồng để quy hoạch lại 2 ha đồi, rừng với  600 cây chè cổ thụ của gia đình để làm khu du lịch sinh thái.

Đến nay, khu du lịch sinh thái đã đi vào hoạt động ổn định. Tuy lượng khách đến tham quan chưa nhiều, song chị vẫn tạo điều kiện cho 4 lao động của địa phương có công ăn việc làm ổn định.
 
Mặc dù công việc kinh doanh vẫn phải bù lỗ nhưng niềm vui lớn nhất đối với chị là khu du lịch sinh thái của gia đình đang góp sức mời gọi du khách thập phương đến với Suối Giàng và quan trọng hơn là người dân nơi đây bắt đầu biết phát triển du lịch sinh thái dựa vào cây chè cổ thụ.
 
Niềm vui của vợ chồng chị Sủng Thị Lan cũng như rất nhiều đồng bào dân tộc Mông Suối Giàng là xã sẽ trở thành khu du lịch sinh thái nổi tiếng bởi UBND tỉnh Yên Bái đã có quyết định phê duyệt Dự án quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Giàng.
 
Với việc xây dựng khu du lịch theo hướng bảo tồn, giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc cùng tiềm năng du lịch của vùng chè cổ thụ quanh năm trong lành, mát mẻ và lòng mến khách của người dân Suối Giàng đang hứa hẹn du khách một điểm đến lý tưởng cho hành trình du lịch về nguồn ở Yên Bái.
 
Có lẽ lời tâm sự của chị Lan cũng là suy nghĩ của người Mông Suối Giàng, đây là chủ trương quan trọng nhất với người Mông để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào, đồng thời thúc đẩy kinh tế vùng cao phát triển và quan trọng hơn là giúp người Mông yên tâm "an cư lạc nghiệp”.

Đi cùng vợ chồng chị Sủng Thị Lan trên con đường bê tông sạch sẽ, được ngắm toàn cảnh đồi chè cổ thụ, những công trình xây dựng đang gấp rút hoàn thành đâu đó văng vẳng tiếng hát của những đôi trai gái người Mông trao duyên với lời ca trữ tình, trong trẻo "vắt” ngang sườn núi khiến cho Suối Giàng đẹp như thực, như mơ.

- Người Mông vùng cao là "nhà thơ, nhạc sỹ, ca sỹ” lạc quan yêu đời nhất, từ em nhỏ cho đến người già, đồng bào Mông đều thích nhảy múa hát ca và có lẽ là dân tộc yêu đời nhất trên thế giới này anh chị nhỉ! Tôi nói vui.

- Chị cũng cảm thấy tự hào lắm vì mình là người Mông, người con của Suối Giàng. Người Mông mình sống đơn giản thôi, hát không chỉ trong ngày hội mà cả những lúc xuống chợ trao đổi hàng hóa đến ngày mùa gặt hái trên nương; trai gái yêu đương trao đổi với nhau bằng tiếng hát tự tình, bằng khèn lá, tiếng đàn môi hay tiếng sáo, điệu khèn... Tiếng hát đối với người Mông cũng cần như gạo như muối trong đời sống hàng ngày vậy - chị Lan chia sẻ.

Đến với dân tộc Mông Suối Giàng vào những ngày đầu xuân khi hoa mận, hoa đào nở bung trong nắng, du khách không chỉ được hiểu về đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào dân tộc Mông nơi đây, mà còn được hòa mình với thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp, được nhấp ngụm trà xanh ngọt lịm đầu môi bên gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. 

Được hiểu thêm nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, trò chơi dân gian cũng như nghề truyền thống của đồng bào Mông như: nghề rèn, đan lát và thêu dệt, thổ cẩm… 

Hơn hết là được hòa mình vào những bản tình ca "Khâu xìa plềnh” như tình yêu của vợ chồng chị Sủng Thị Lan và bao chàng trai, cô gái Mông để cảm nhận sự thay đổi trong đời sống vật chất và tinh thần của đất và người nơi đây.

 Ngọc Sơn

Các tin khác
Ông Triệu Thiều Thăng trao đổi với bà con về cách phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa.

YBĐT - Tự lấy mình làm mẫu, nói trước làm trước, thành công trong hơn 20 năm vận động đúng đắn chủ trương phát triển kinh tế của Đảng, của địa phương tại chính gia đình mình, đã đưa ông trở thành ngọn "hải đăng” của làng Dao Khe Ván…

Chị Lý Thị Pham (bên trái) trao đổi với chị em thôn Giàng Cài vệ sinh đoạn đường tự quản và công tác vệ sinh môi trường.

YBĐT - Có một xã vùng cao mà ở đó phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; tự nguyện cùng dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh; chia sẻ, động viên những gia đình khi có mâu thuẫn bất hòa..., nhờ đó các loại tệ nạn xã hội được đẩy lùi. Đó là xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn. Có được điều này, công lao thuộc về các "nữ tướng”.

Trên đường tuần tra.

YBĐT - Lạnh lẽo, vất vả, nguy hiểm và có những lúc thầm lặng nữa, tất cả bắt đầu từ lúc thành phố lên đèn và kết thúc khi bình minh. Đo là công việc của những chiến sỹ cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh trên những nẻo đường tuần tra.

Tuổi trẻ Mù Cang Chải chung tay khai hoang ruộng bậc thang.

YBĐT - Có được kinh nghiệm từ các chàng trai người bản địa nên công trình hoàn thành sớm hơn dự tính, ban đầu tất cả tính phải bảy ngày mới hoàn thành mà rồi chỉ năm ngày cả 7ha ruộng đã hoàn tất. Đó chính là công trình khai hoang ruộng bậc thang giúp người dân các bản: Tà Ghênh, Dào Xa, Lao Chải của xã Lao Chải có thêm đất sản xuất mà đoàn viên, thanh niên là lực lượng chính.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục