Ngỡ ngàng máy bừa “không người lái”

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/4/2018 | 7:24:53 AM

YBĐT - Dù chưa học hết lớp 7, cũng không hề qua một trường lớp đào tạo nào về cơ khí, thế nhưng anh nông dân dân tộc Tày Hà Văn Hồng ở thôn 12, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn đã sáng chế thành công chiếc máy bừa điều khiển từ xa vô cùng thiết thực với nhà nông. Câu chuyện về cuộc đời và những sáng chế hữu ích, thông minh của anh khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng, nể phục.

Anh Hà Văn Hồng lắp ráp chi tiết phát vào bộ phận tiếp nhận trước khi khởi động máy bừa.
Anh Hà Văn Hồng lắp ráp chi tiết phát vào bộ phận tiếp nhận trước khi khởi động máy bừa.


Ngôi nhà của anh Hà Văn Hồng thật chả giống nhà nông chút nào. Nói đúng hơn nó như một xưởng sửa chữa nho nhỏ. Mọi đồ dùng trong nhà đều tối giản, nhỏ bé nhường chỗ cho những thiết bị, sáng chế của anh Hồng.
 
Thấy tôi không giấu được sự tò mò trước đôi loa to bất thường đặt án ngữ ở phòng khách, chị Phạm Thị Oanh - vợ anh Hồng cười bảo: "Ai vào nhà tôi cũng nhìn đôi loa ấy. Trông cũng hơi lạ nhỉ. Vì đó là sản phẩm của nhà làm ra đấy cô ạ! Ông xã nhà tôi có anh bạn làm MC đám cưới nên thỉnh thoảng có loa hỏng ông ấy lại xin về cuốn lại dây rồi đóng thùng chứa tạo thành đấy. Âm thanh cũng không thua kém gì loa công ty đâu nhé!”.
 
Bên cạnh chiếc cửa sổ duy nhất trong căn phòng là một chiếc bàn, một chiếc thùng gỗ nhỏ đựng đủ thứ từ máy móc đến các linh kiện điện tử nhỏ li ti nhưng khá gọn gàng, đủ để thấy anh Hồng quý chúng thế nào. Tất cả những thứ ấy đều được anh Hồng tìm về từ các cửa hàng phế liệu, những đồ dùng đã hỏng rồi khéo léo, sáng tạo thành các sáng chế hữu ích như đôi loa khổng lồ hay chiếc máy bừa điều khiển từ xa đầy bất ngờ. Và kể từ chục năm trở lại đây với sự xuất hiện của chiếc máy bừa điều khiển từ xa người dân thôn 12 đã thôi tất bật với công đoạn làm đất, tất tả đi sau đuôi trâu hay điều khiển máy giờ chỉ cần đứng một chỗ với vài thao tác bấm máy đơn giản. 

Ngược dòng thời gian hơn chục năm về trước khi chiếc máy bừa góp mặt trên đồng ruộng thay cho sức trâu kéo truyền thống đã là điều kỳ diệu, dù vậy người nông dân vẫn phải theo sau lái máy bừa dù nắng, dù mưa, dù nóng, dù lạnh. Anh Hồng tâm sự: "Nhà có 0,5 ha ruộng thôi mà 2 vợ chồng thay phiên nhau đứng máy, làm việc hết công suất mà 1 tuần mới hoàn thành. Vụ chiêm thì mưa, lạnh, vụ mùa thì nóng bức từ trời dọi xuống, từ máy phả ra, không để đâu hết vất. Bởi vậy, tôi đã nung nấu việc cải tiến máy bừa thêm chức năng điều khiển từ xa để không phải trực tiếp xuống đồng nữa”.

Ý tưởng là vậy song việc thực hiện không phải điều dễ dàng, càng khó hơn với một người nông dân chưa học hết lớp 7 như anh Hồng. Khi xưa, vì hoàn cảnh anh Hồng phải bỏ dở việc học khi 14 tuổi để lao động phụ giúp gia đình. Cho đến giờ, anh vẫn luôn hối hận với quyết định bỏ học giữa chừng. Đam mê của anh bị cản trở bởi sự thiếu hụt kiến thức nền. Nhưng vấp ở đâu thì đứng lên ở đó - anh Hồng đã nghĩ như vậy khi quyết tâm tự học. Mượn lại sách, vở của các em học sinh từ lớp 6 trở lên, anh tự mình mày mò, học lại từ đầu.
 
Cứ có cuốn sách, quyển báo ở đâu là anh lại đọc say sưa như để thỏa mãn đam mê nghiên cứu, tìm tòi của mình. Cứ thế đam mê sáng tạo của anh lớn dần để rồi khi có ý tưởng, anh quyết sẽ hiện thực hóa nó đến cùng. Không có bằng cấp về cơ khí, nhiều người nói anh viển vông, ảo tưởng song điều đó không làm anh nhụt chí.
 
Ký ức tuổi thơ đầy ắp với những tháng ngày gian khó và cuộc sống lam lũ nơi đồng ruộng để có kinh tế trong những ngày mới lập gia đình là động lực lớn để anh Hồng cứ tiếp tục say mê. Thành công sau hơn 1 năm nghiên cứu và 2 tháng lắp ráp, thử nghiệm, chiếc máy bừa không có người lái vẫn chạy bon bon trên đồng ruộng. Thành công đó càng đáng khâm phục khi tác giả của nó là anh nông dân ít học mới chỉ ở tuổi 30.
 
Đam mê sáng tạo anh nông dân với trình độ lớp 7 Hà Văn Hồng vẫn tiêp tục sáng tạo, mày mò những sản phẩm mới.

Mặc dù đã nghe qua về tính năng cải tiến của chiếc máy nhưng tận mắt chứng kiến tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Anh Hồng chọn một chiếc cây nhỏ có tán để tránh nắng, cách xa chiếc máy cả trăm mét. Rồi chỉ với thao tác đơn giản, chiếc máy phía xa đã di chuyển, rẽ trái, rẽ phải linh hoạt theo ý định của người sử dụng.
 
Anh Bùi Đình Nghiên người dân cùng xã đang chăm sóc mạ phấn khởi chia sẻ: "Trước đây, chạy theo trâu, theo máy, chúng tôi vất vả lắm. Mùa đông thì vất kiểu mùa đông, mùa hè thì vất kiểu mùa hè mà cả ngày chạy theo sau máy bừa hết hơi cũng chỉ bừa được khoảng 3 sào ruộng. Còn bây giờ, chỉ cần chọn chỗ đứng tốt rồi điều khiển máy, chỉnh số to nhất cho máy tự chạy thôi. Không phải lội ruộng bì bõm nữa. Thế mà một ngày bừa được 7-8 sào ruộng đấy cô ạ!”.
 
Anh Nghiên nói mà niềm vui hiển hiện qua ánh mắt. Không vui sao được khi mà trước đây để bừa 1.000m2 ruộng, trung bình người nông dân sẽ phải đi gần 2 cây số, giờ thì mọi việc đã đơn giản hơn nhiều. Vừa giải phóng sức lao động vừa đỡ cực nhọc nhất là khi thời tiết nắng nóng hay giá rét. Giá trị là vậy nhưng chiếc máy được anh nông dân với trình độ lớp 7 thực hiện khá đơn giản, điều quan trọng chính là niềm đam mê và sáng tạo. Từ chiếc máy bừa đẩy tay quen thuộc với người nông dân, anh Hồng chỉ thêm vào đó bộ phận phát và bộ phận tiếp nhận.
 
Chỉ tay giới thiệu từng chi tiết trong bộ phận tiếp nhận được anh gắn cố định trên máy bừa, anh Hồng bảo: "Lúc nghiên cứu chế tạo bộ phận này, tôi chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, chiếc máy có thể chuyển hướng bằng cách bóp chiếc cần đẩy tay như cái phanh xe đạp này. Bóp phải nó sẽ chuyển hướng máy sang phải, bóp trái thì chuyển hướng sang trái. Mà chiếc cần đẩy tay này được nối trực tiếp với dây kéo gắn với động cơ. Vì vậy chỉ cần thiết kế một bộ phận có thể kéo chiếc dây kéo này thì sẽ có thể chuyển hướng máy thay thế bộ phận cơ”.
 
Nghe thì có vẻ khó hiểu nhưng nếu chứng kiến tận mắt sẽ thấy đó là cơ sở hoàn toàn có lý. Để có được thành công, anh Hồng đã phải tháo tung từng bộ phận trên chiếc máy bừa để rồi nghiên cứu, quan sát kỹ càng từng chi tiết, bộ phận để tìm ra điểm mấu chốt cho sáng tạo của mình.
 
Và rồi, chỉ từ các vật liệu giản đơn như: nam châm điện, đĩa dẹt bằng sắt từ, đai truyền, puly, dây điện, thanh phanh, anh Hồng đã chế tạo thành công bộ phận tiếp nhận với nhiệm vụ nhận tín hiệu từ bộ phận phát để điều khiển, chuyển hướng máy bừa. Tất cả những chi tiết này đều được anh Hồng tìm mua và tận dụng lại những thiết bị, linh kiện thừa từ các thiết bị điện đã hỏng, các thiết bị điều khiển từ đồ chơi trẻ em rồi cải tiến thêm một vài tính năng cho phù hợp. Nguyên lý hoạt động của máy cũng rất giản đơn.
 
Đặc biệt, khi không cần sử dụng chức năng điều khiển từ xa, máy vẫn có thể hoạt động bình thường. Sau khi lắp chi tiết nhận tín hiệu vào bộ phận tiếp nhận, động cơ từ máy qua đai truyền khiến puly và đĩa dẹt trong bộ phận tiếp nhận quay theo 1 chiều.
 
Muốn chuyển hướng của máy chỉ cần bấm nút sang trái, phải trên bộ phận phát; bộ phận tiếp nhận nhận tín hiệu từ bộ phát sẽ mở dòng điện 1 chiều chạy vào phía bên trái hoặc phải của đĩa dẹt đang quay, khiến nam châm điện đặt bên cạnh đĩa dẹt bị hút vào đĩa. Thanh nam châm này được nối với thanh phanh kéo chuyển hướng của máy khiến máy chuyển hướng theo ý muốn người sử dụng.
 
Toàn bộ quá trình này được anh Hồng hoàn thiện mà không sử dụng bất cứ bản vẽ nào. Tất cả chỉ được phác thảo trong đầu và hiện thực hóa bằng những công việc cụ thể, vừa làm vừa sửa, thất bại nối tiếp thất bại rồi cũng thành công.

Chia sẻ về những trở ngại trong làm công việc sáng chế, anh Hồng bảo, khó khăn lớn nhất với anh không phải là ý tưởng cũng không phải là khi thiết kế, lắp ráp mà chính là việc thiếu hụt những kiến thức nền căn bản. Bởi vậy, anh quyết tâm học lại từ đầu dù là ở tuổi 20 hay 40 như bây giờ vẫn vậy. Với anh, kiến thức là bao la và việc học là mãi mãi. Chúc cho anh tiếp tục thành công với những sáng chế mới thiết thực, hữu ích và thỏa niềm đam mê, sáng tạo của mình.
Hoài Anh

Các tin khác
Anh Hồng kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của măng tây.

YBĐT - Thong dong trên những con đường bê tông dài tít tắp bên những ruộng lúa, ruộng ngô xanh mướt, khung cảnh làng quê Nghĩa An đẹp lạ thường. Sẽ đẹp hơn nữa nếu cuộc sống đồng bào nơi đây ngày thêm khá giả, phát triển bền vững...

Nghệ nhân Vì Văn Sang (trái) hướng dẫn thế hệ trẻ đánh cồng chiêng của dân tộc Khơ Mú.

YBĐT - Năm 2015, ông Vì Văn Sang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và trở thành một trong 3 nghệ nhân Khơ Mú tiêu biểu của vùng Tây Bắc. 

Cô giáo Lò Thị Bích Thủy hướng dẫn các em trong Đội Nghi thức của nhà trường tập nghi thức đội.

YBĐT - "Nói về công tác Đội trong trường học, dễ thì dễ mà khó cũng thật khó bởi ngoài áp lực công việc chuyên môn, công tác Đội luôn đòi hỏi người cán bộ tổng phụ trách phải có lòng nhiệt huyết, năng động, sáng tạo và cả sự đầu tư về thời gian” - Đó là chia sẻ của cô giáo Lò Thị Bích Thủy, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn.

Công nhân Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa phân loại ván thanh.

YBĐT- Rất nhiều lần gặp ông tại các hội nghị và cũng từng đến doanh nghiệp của ông nhưng khi tôi ngỏ ý muốn viết bài về ông thì ông khiêm tốn từ chối. "Mình có làm được gì to lớn đâu? Chỉ là làm gì có lợi cho gia đình và mọi người thì mình cố gắng hết mình làm thôi!”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục