Trong nền kinh tế thị trường, chịu sự cạnh tranh gay gắt đòi hỏi người sản xuất có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh.
Những đòi hỏi đó, hộ nông dân cá thể khó đáp ứng nhu cầu này, đòi hỏi phải liên kết, chí ít cũng phải nông dân liên kết nông dân hay nói cách khác là "hành động tập thể” theo quy trình sản xuất chung.
Muốn sản xuất nông nghiệp ngày một phát triển, bền vững và hiệu quả không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp... mà phải liên doanh, liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất theo chuỗi giá trị là một trong những khâu đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.
Sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là vấn đề mới, nhưng nó được đi vào thực tiễn mạnh nhất, hiệu quả nhất khi Yên Bái thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Có thể nói, sau 2 năm thực hiện Đề án, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị khá hiệu quả.
Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã triển khai thực hiện được 12 đề tài, dự án như: xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm từ cây quế tại huyện Văn Yên; xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành chè tỉnh Yên Bái; xây dựng chuỗi cung ứng nông sản chủ yếu góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp tại huyện Trấn Yên; xây dựng mô hình liên kết sản xuất cam theo chuỗi giá trị và đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Văn Chấn và huyện Lục Yên...
Trong sản xuất rau xanh, rau an toàn, bước đầu hình thành được một số vùng sản xuất rau an toàn và ứng dụng công nghệ cao như: vùng sản xuất rau an toàn tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên với quy mô trên 6 ha; Hợp tác xã Q và C tại xã Đại Phác, huyện Văn Yên 3 ha; thành phố Yên Bái trên 8 ha; sản xuất rau thủy canh tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái quy mô 0,2 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP...
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang xây dựng dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đảm bảo 3 yếu tố: liên kết hộ trong sản xuất bền vững - chất lượng sản phẩm được chứng nhận an toàn, sạch, hữu cơ - có thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Nổi bật nhất là trong chăn nuôi, đã cải tạo đàn giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được trên 5.800 con trâu, bò; tỷ lệ đàn bò lai (lai Sind, lai Bratman, lai BBB) chiếm 45% tổng đàn. Công tác cải tạo giống lợn đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ đàn lợn lai, lợn ngoại tăng cao chiếm trên 70% tổng đàn. Từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo hướng trang trại, gia trại.
Có thể nói, trong hai năm vừa qua, ngành chăn nuôi nói chung, nhất là chăn nuôi lợn nói riêng gặp vô vàn khó khăn do dịch bệnh, đầu ra cho sản phẩm. Do phát triển tràn lan, dẫn đến cung đã vượt cầu, có thời điểm giá một ki-lô-gam lợn chưa bằng 1 kg gạo ngon. Người chăn nuôi lợn lao đao, khốn khó vì cứ mỗi một đầu lợn nuôi lỗ trên 500 ngàn đồng.
Trước những khó khăn ấy, Yên Bái đã quy hoạch lại ngành chăn nuôi, giảm tái đàn. Cùng đó, là tìm đầu ra cho sản phẩm, liên doanh liên kết để tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững; nâng cao chất lượng con giống, áp dụng các giải pháp chăn nuôi giảm giá thành, đặc biệt cùng với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cao.
Trong 2 năm, tỉnh đã hỗ trợ phát triển được 659 cơ sở chăn nuôi/kế hoạch 800 cơ sở, đạt 82,4% kế hoạch đến năm 2020 (327 cơ sở/400 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con/hộ; 21 cơ sở/125 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 30 con/hộ, nhóm hộ; 48 cơ sở/140 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô 100 con/lứa trở lên; 81 cơ sở/120 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con/lứa trở lên; 108 cơ sở/100 cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô 15 con trở lên; 76 cơ sở/250 cơ sở chăn nuôi lợn kết hợp 5 lợn nái và 50 lợn thịt; 01 cơ sở/100 cơ sở chăn nuôi dê quy mô 100 con/hộ). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, chăn nuôi an toàn dịch bệnh và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được quan tâm, thực hiện ngày một nhiều. Đến hết năm 2017, đã chứng nhận VietGAP được 3 cơ sở chăn nuôi lợn (Công ty TNHH Hòa Bình Minh; Công ty TNHH Hòa Yên; Công ty TNHH Đầm Mỏ); chứng nhận được 3 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh gồm: xã Liễu Đô, huyện Lục Yên; cơ sở Phùng Quang Hà ở Nga Quán, huyện Trấn Yên; cơ sở Lâm Ngọc Quang, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên.
Hình thành 13 chuỗi liên kết, trong đó có 3 chuỗi chăn nuôi liên kết theo hình thức khép kín được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gồm: Công ty TNHH Đầm Mỏ nuôi lợn tại thành phố Yên Bái, Hợp tác xã Đại Sơn chăn nuôi lợn tại huyện Lục Yên, Công ty TNHH Nipon Zoki nuôi thỏ tại Văn Chấn; còn lại chủ yếu mới liên kết với nhau trong sản xuất.
Nói đến sự liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi sản phẩm không thể không nói đến mô hình chăn nuôi của Công ty TNHH Đầm Mỏ tại xã Minh Bảo thành phố Yên Bái. Là một kỹ sư xây dựng, sinh ra ở Hưng Yên, lớn lên ở Hà Nội, năm 2014 ông Nguyễn Hồng Thanh lên Yên Bái đầu tư 20 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Đầm Mỏ chăn nuôi lợn.
Với diện tích 5 ha, quy mô 800 lợn nái, trên 2 ngàn lợn thịt, chuồng trại, con giống, chăn nuôi đều đảm bảo an toàn thực phẩm. Đang thuận buồm, xuôi gió thì cuối năm 2016 cho đến đầu năm 2017 giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục và có thời điểm còn chưa đầy 23.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi cũng như công ty của ông Thanh điêu đứng.
Giải pháp trước mắt được ông Thanh đưa ra là giảm đàn tối đa và tìm cách tiêu thụ hết sản phẩm để cắt lỗ. Để phát triển ổn định, tìm lối thoát cho Công ty, ông Thanh đã liên kết với Công ty De Heus Việt Nam và Công ty Thực phẩm sạch Vinh Anh - Hà Nội để thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Với sự liên kết này, sản phẩm của Công ty làm ra không còn phải lo đầu ra cho dù thị trường có nhiều bất ổn. Bên cạnh đó, với sản phẩm sạch của mình, Công ty còn tổ chức mạng lưới tiêu thụ rộng khắp thị trường nội tỉnh.
Nhờ sự liên doanh liên kết theo chuỗi sản phẩm Công ty TNHH Đầm Mỏ sản xuất, kinh doanh ổn định, hiệu quả. Không chỉ vượt qua "bão giá” sản xuất, kinh doanh hiệu quả mà Công ty TNHH Đầm Mỏ đã được xếp vào tốp 100 doanh nghiệp uy tín của Thương hiệu vàng Thăng Long. Nói về sự phát triển chăn nuôi hiệu quả, ông Thanh khẳng định: "Liên kết theo chuỗi sản phẩm là một hướng đi tất yếu buộc người chăn nuôi, chủ trang trại, công ty phải làm theo. Bởi vì, việc xây dựng liên kết chuỗi sẽ giúp cải thiện dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất rõ ràng nguồn gốc, nhận biết rõ những yếu kém. Quan trọng hơn cả là giải quyết tốt vấn đề cung cầu”.
Trong nền kinh tế thị trường, chịu sự cạnh tranh gay gắt đòi hỏi người sản xuất có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh. Những đòi hỏi đó, hộ nông dân cá thể khó đáp ứng nhu cầu này, đòi hỏi phải liên kết, chí ít cũng phải nông dân liên kết nông dân hay nói cách khác là "hành động tập thể” theo quy trình sản xuất chung.
Hiệu quả hơn, bền vững hơn thì quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thương mại được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng hàng hóa. Điều đó, được khẳng định qua thực tế sản xuất 200 ha lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn khá thành công trong năm 2017 tại huyện Văn Chấn và Văn Yên. Huyện Văn Chấn sản xuất giống lúa Séng cù với diện tích 100 ha.
Trong đó, tại xã Thanh Lương với diện tích 60 ha tại 4 thôn: Khá Hạ, Khá Thượng 1, Khá Thượng 2 và Đồng Lơi với 218 hộ tham gia và xã Phù Nham 40 ha triển khai tại 4 thôn: thôn Cầu Thia, Bản Tèn, Bản Lọng, Năm Hăn 1 với 151 hộ tham gia. Huyện Văn Yên sản xuất với diện tích 100 ha bằng giống lúa Chiêm hương tại xã An Thịnh với 859 hộ tham gia.
Qua thực tế cho thấy, các xã đều sản xuất tập trung, liền vùng, cách ly an toàn với các giống lúa khác tránh lẫn tạp theo quy chuẩn chuyên môn. Tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật về sản xuất, giống lúa đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Sản xuất áp dụng các biện pháp kỹ thuật làm đất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch...
Qua thực hiện diện tích 100 ha tại Văn Chấn năng suất lúa Séng cù tại xã Thanh Lương đạt 495kg/1.000m2, sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất thì sẽ cho thu nhập 3.955.000 đồng (chưa tính công lao động), cao hơn so với trồng giống lúa khác 624.000 đồng. Năng suất lúa Séng cù tại xã Phù Nham đạt 540kg/1.000 m2, sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất thì sẽ cho thu nhập 4.509.000đ (chưa tính công lao động), cao hơn so với trồng giống lúa khác 1.178.000 đồng.
Tại huyện Văn Yên, năng suất đạt 51,5 tạ/ha, sau trừ chi phí còn cho thu nhập cao hơn giống lúa khác 13,8 triệu đồng/ha. Như vậy, với diện tích 200 ha đã mang lại giá trị gia tăng thêm cho người dân trên 2 tỷ đồng - một con số khá ấn tượng.
Xu thế phát triển tất yếu của nông nghiệp hiện đại là phải liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm. Với những gì đang diễn ra trong ngành nông nghiệp, nhu cầu liên kết ngày càng đa dạng hơn và không chỉ có nông dân, hộ cá thể cần liên kết mà ngay cả doanh nghiệp - tác nhân trong chuỗi sản xuất hàng hóa nông nghiệp cũng cần liên kết.
Thanh Phúc
Bài 3: Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới