Mù Cang Chải là một trong những huyện nghèo của cả nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và các cuộc vận động nhằm phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhờ đó nông thôn huyện Mù Cang Chải cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của hộ nông dân được cải thiện, nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, áp lực về tăng dân số, trung bình hàng năm, trên địa bàn huyện có từ 1.200 đến 1.300 trẻ em được sinh ra; áp lực thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất trên địa bàn các xã ngày một gia tăng, đặc biệt tại các bản: Tu San, Có Thái, Tà Ghênh của xã Nậm Có; La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn; Dào Xa, Cồ Dề Sang A, xã Lao Chải; Dề Thàng, xã Chế Cu Nha...
Đây là các bản có dân số đông nhưng diện tích đất ở, đất sản xuất thiếu trầm trọng dẫn đến tình trạng phá rừng để làm nương rẫy, làm nhà ở, tự phát khai hoang ruộng nước còn thường xuyên xảy ra.
Hiện nay, một số hộ dân đã lấn đất ruộng bậc thang để làm nhà ở, đặc biệt là khu Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang cần được bảo tồn, trong tương lai do nhu cầu về đất ở, ruộng bậc thang cũng sẽ bị xâm lấn, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có.
Nếu vấn đề thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở tại các bản này không được giải quyết sẽ phát sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự và an toàn xã hội như: lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất ruộng, nạn chặt phá rừng, tranh chấp đất ở, đất sản xuất...; gia tăng tỷ lệ hộ nghèo...
Bên cạnh đó, do địa hình của huyện chủ yếu là đồi núi có độ dốc lớn, nhân dân sống phân tán trên các sườn đồi nên trong mùa mưa bão thường xuyên phát sinh nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ gia đình.
Cụ thể như: số hộ phải di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất năm 2014 là 48 hộ; năm 2015 là 61 hộ và năm 2016 là 83 hộ. Do quỹ đất ở của huyện hạn hẹp nên việc bố trí xen ghép cho các hộ phải di dời đến nơi ở mới an toàn gặp rất nhiều khó khăn.
Xuất phát từ những vấn đề thực tế và cấp bách này và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Yên Bái, Ban Thường vụ Huyện ủy Mù Cang Chải đã giao cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tiến hành rà soát, khảo sát toàn bộ các vùng trên địa bàn huyện để lập Đề án khu tái định cư tập trung cho những hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao, những hộ thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất.
Mục tiêu của Đề án là để bảo đảm cho các hộ dân di chuyển từ nơi ở khác đến đều có đất sản xuất lâu dài, đời sống từng bước được nâng lên tốt hơn nơi ở cũ. Đề án được thực hiện sẽ giải quyết được nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, các hộ dân thiếu đất ở, đất sản xuất, góp phần ổn định dân cư.
Qua quá trình khảo sát, đánh giá, UBND huyện đã chọn bản Mú Cái Hồ, xã Nậm Có để xây dựng Đề án.
Ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Đề án nhằm mục đích quy hoạch dân cư vào khu dân cư tập trung, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa các kênh mương thủy lợi, đường giao thông, khai hoang ruộng nước, trồng rừng sản xuất… để từng bước lồng ghép các chương trình, dự án, huy động nguồn lực nhân dân đầu tư về sản xuất nông, lâm nghiệp và cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho bản Mú Cái Hồ, bố trí ổn định cho các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, điều phối mật độ dân cư từ các bản quá đông... đến định cư tại bản Mú Cái Hồ, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài, đặc biệt là hạn chế thấp nhất việc phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm ruộng bậc thang để làm nhà...”.
Bản Mú Cái Hồ nằm cách trung tâm xã Nậm Có khoảng 25 km, có địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ, còn trên 600 ha đất chưa sử dụng có thể khai hoang thành ruộng bậc thang và san tạo để bố trí thành các khu dân cư tập trung, đặc biệt là diện tích đất để trồng rừng và diện tích đất có rừng để đưa vào bảo vệ và phát triển rừng theo Chương trình 30a, chương trình phát triển rừng của Chính phủ, từng bước giúp người dân gắn bó với rừng hơn.
Điều kiện thời tiết, khí hậu phù hợp cho phát triển cây trồng, vật nuôi đa dạng với nhiều sản phẩm đặc thù. Giao thông đi lại tương đối thuận lợi, có trục đường nối thẳng với quốc lộ 32; có khả năng bảo đảm về nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nếu được đầu tư kiên cố.
Mú Cái Hồ còn có đường điện của thủy điện Ngòi Hút chạy qua nên việc đấu nối hạ thế để phục vụ cho nhân dân tại bản quy hoạch mới rất thuận lợi... Tuy nhiên, cũng có khó khăn do bản xa, địa bàn rộng, nguồn đầu tư hàng năm của Nhà nước còn hạn hẹp; dân cư thưa thớt, sống rải rác, không tập trung nên dẫn đến khó khăn trong quá trình đầu tư, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; mặt bằng dân trí thấp, đời sống đồng bào còn nhiều thiếu thốn về vật chất, tinh thần; tỷ lệ hộ nghèo hiện tại còn cao.
Một góc khu đất sản xuất của bản tái định cư mới Mú Cái Hồ.
Theo Đề án quy hoạch khu tái định cư bản Mú Cái Hồ của UBND huyện Mù Cang Chải, việc quy hoạch sẽ được thực hiện trên khu vực bản Mú Cái Hồ với diện tích quy hoạch là 1.446,3 ha, thời gian thực hiện Đề án từ năm 2017 đến 2020.
Mục tiêu của Đề án là bảo đảm cho các hộ dân đều có đất sản xuất để ổn định đời sống; bảo đảm các hộ dân di chuyển từ nơi ở khác đến có đủ điều kiện sống, sinh hoạt phải bằng và từng bước tốt hơn nơi ở cũ.
Năm 2017 và những năm tiếp theo hoàn thành việc xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu cho bản Mú Cái Hồ theo thứ tự ưu tiên là nước sinh hoạt, thủy lợi, giao thông, điện sinh hoạt, nhà văn hóa thôn bản, trường học và các công trình phúc lợi công cộng khác; bảo vệ rừng, trồng rừng kinh tế, kết hợp khai hoang ruộng nước, áp dụng biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc, chuyển đổi các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, tạo độ che phủ cho đất, hạn chế xói mòn đất, giảm thiểu thiên tai xảy ra.
Theo đó, bố trí quy hoạch sử dụng đất hợp lý, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trong đó, quy hoạch bổ sung thêm 462 ha đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và quy hoạch 38,25 ha đất phi nông nghiệp phục vụ đất ở nông thôn.
Cùng đó là các quy hoạch hệ thống nước sạch; quy hoạch mới và nâng cấp, cải tạo, mở rộng một số tuyến đường giao thông; quy hoạch mới cho nâng cấp, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi; quy hoạch trạm biến áp và đường điện; quy hoạch mới nhà cộng đồng và quy hoạch bổ sung Trường Mầm non bản Mú Cái Hồ.
Trong đó, quy hoạch mới, sắp xếp ổn định 2 khu dân cư tập trung trên diện tích 32,1 ha để di chuyển một số hộ dân trong vùng thiên tai, hộ dân cư ở phân tán, số hộ tách mới của bản… bảo đảm bình quân mỗi hộ được giao đất ở và đất vườn liền kề từ 400 m2 trở lên. Sau khi các hộ được giao đất ở thì tự san gạt mặt bằng để làm nhà và được hỗ trợ theo chính sách Nhà nước. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ sắp xếp ổn định cho 150 hộ dân.
Tổng nhu cầu vốn để thực hiện Đề án là 100 tỷ đồng, từ nguồn vốn lồng ghép ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia khác như: nguồn vốn 30a, nông thôn mới, sắp xếp dân cư và các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các nguồn vốn hỗ trợ của huyện và nhân dân tự đóng góp...
Đến nay, huyện đã thực hiện san gạt được 42 lô đất ở (quy hoạch phân lô diện tích đất ở), hoàn thành hai công trình bể nước sinh hoạt cho người dân.
Ông Lò Ngọc Thắng - Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết: "Việc quy hoạch sắp xếp dân cư, phát triển sản xuất của bản Mú Cái Hồ rất có ý nghĩa đối với xã. Theo danh sách đăng ký đến định cư tại bản Mú Cái Hồ, có 137 hộ của cả xã Nậm Có và các xã khác, trong đó 59 hộ của xã Nậm Có.
Đến nay, có 16 hộ đã chuyển đến dựng nhà, sinh sống, trong đó có 6 hộ từ xã La Pán Tẩn, 10 hộ từ các bản Có Thái, có Mông, Tà Chí Cao, Tà Ghênh của xã Nậm Có. Mỗi hộ được phân chia 400 m2 đất ở và 2.500 m2 đất sản xuất.
Mỗi hộ dân chuyển đến đã được huyện hỗ trợ 2 triệu đồng và gạo ăn cho 3 tháng đầu. Xã sẽ tiếp tục tuyên truyền và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ các hộ dân chuyển đến dần ổn định cuộc sống ở tại đây".
Hạnh Quyên - Đức Hồng