"Họa sỹ” vẽ tranh thờ
Đường lên Nậm Lành hôm nay đã trở lên dễ dàng hơn bởi được Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng, đời sống dân bản vì thế cũng khá giả với những ngôi nhà khang trang xen lẫn trong rừng quế xanh ngút ngàn. Ngôi nhà của "nghệ nhân” Lý Hữu Vượng dễ nhận ra bởi nét đặc trưng của người Dao Tây Bắc với mái lợp lá thông, ngoài hành lang phơi nhiều giấy bản - vật liệu đặc trưng cho dạy chữ và vẽ tranh thờ.
Như cởi bỏ được nỗi niềm của một người luôn đau đáu khi thấy nét văn hóa của dân tộc mình mai một dần, ông Lý Hữu Vượng trải lòng: "Theo quan niệm của người Dao, trên bàn thờ của mỗi gia đình đều thờ tranh. Khi con cháu ra ở riêng và làm nhà mới thì người chủ gia đình đều phải nhờ thầy vẽ lại tranh mới. Có như vậy, vua và các thần mới phù hộ, che chở cho gia đình có cuộc sống bình an và làm ăn phát đạt, con cháu không bị ốm đau bệnh tật. Những bức tranh này mang nội dung, hình thức riêng và kích thước cũng tùy thuộc vào gia chủ giàu hay nghèo”.
Nhâm nhi chén trà và hồi tưởng lại những năm "vàng son” về vẽ tranh thờ, ông Vượng kể, năm 1988, khi thấy không có ai vẽ được tranh thờ, ông lo lắng và thấy phải có trách nhiệm gìn giữ phong tục của dân tộc mình nên đã chuẩn bị gần 10 đồng và 2 hào gạo đi làm lễ học thầy.
- Theo cháu biết, không phải ai cũng có năng khiếu vẽ tranh, đặc biệt là tranh thờ của đồng bào dân tộc Dao? – tôi hỏi.
- Tôi được thần linh "chấm” nên học đâu nhớ đó, nét vẽ cứ tự nhiên có hồn và làm cho bức tranh trở nên sống động hơn. Chẳng thế, ngay năm đầu tiên ra nghề, theo người dân "đặt hàng”, tôi ở lì trong phòng vẽ liền 5 tháng, được 2 bộ tranh, mỗi bộ 17 tờ, lúc bấy giờ có giá 3,4 triệu đồng, tương đương với mấy con trâu trưởng thành đấy! – ông Vượng hóm hỉnh chia sẻ.
Được biết, để có một bức tranh thờ ưng ý, người vẽ phải rất tỉ mỷ, công phu, tốn nhiều thời gian, đặc biệt phải thực sự yêu thích, đam mê mới có thể làm được. Khi người người chủ gia đình muốn làm bức tranh thờ thì phải mang lễ đến nhà thầy cúng xem tuổi của mình hợp với ngày nào trong tháng.
Thầy cúng sẽ chọn ngày phù hợp với tuổi của gia chủ, sau khi cúng lễ xong mới tiến hành vẽ tranh. Khi các bức tranh được vẽ xong, gia chủ chuẩn bị lễ đến để trả tiền giấy và trả công thầy cúng, lễ vật tùy thuộc vào kinh tế và tấm lòng của gia chủ để "rửa mặt” và "mở mắt” cho tranh.
Người vẽ tranh phải chọn ngày để mang tranh đến tận nhà và làm thủ tục treo tranh mới cho gia chủ. Mâm lễ cúng treo tranh mới hay còn gọi là Lễ khai quang của người Dao gồm: một chén nước lã, một bát hương, 5 chén rượu trắng...
Đúng vào 1 giờ sáng, thầy cúng bắt đầu tiến hành làm lễ. Tất cả các thủ tục đều phải được diễn ra trong đêm. Đến lúc mặt trời lên, gia đình hạ cỗ và nấu nướng cho bữa tiệc mừng tranh mới. Lúc này bạn bè và bà con lối xóm mới đến chúc mừng và chúc phúc cho gia chủ.
Để các vị khách được thỏa trí tò mò và chiêm ngưỡng bộ tranh thờ mới làm cho gia chủ ở bản Nậm Tộc, ông Vượng hướng về phía bàn thờ, chắp tay khấn một vài câu gì đó, có lẽ là xin thần linh cho phép rồi mới đưa chúng tôi đến gian làm tranh thờ thăm quan.
Ông vuốt từng bức tranh hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận và chia sẻ: "Tranh thờ của người Dao thường được lưu giữ qua nhiều đời nên rất coi trọng chất liệu giấy. Giấy vẽ tranh là giấy dó. Đây là loại giấy thường được các làng tranh nổi tiếng như Đông Hồ sử dụng do có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhòe khi viết, vẽ và ít bị mối mọt, ẩm mốc. Trước kia, người Dao cũng tự làm được giấy dó, nhưng hiện nay, trên thị trường sẵn có nên không tự làm, mà ra chợ mua về dùng”.
Chúng tôi hỏi về những bức tranh thờ ông vừa vẽ, ông giải thích: "Nội dung của tranh thờ tùy thuộc vào gia chủ nên có sắc thái và giá trị thẩm mỹ rất riêng.
Những bức tranh được dùng những ký tự để vẽ vua và các thần gồm: Thần Ngọc Thanh (Tồ Tác) là ông thần coi giữ bầu trời; thần Thượng Thanh (Lềnh Pú) là ông thần coi giữ mặt đất; thần Thái Thanh (Lềnh Sị) là ông thần coi giữ âm phủ… Các nhân vật trong tranh tuân theo một quy tắc xã hội, nhân vật nào có quyền năng lớn được vẽ to, chiếm vị trí trung tâm, còn các thần ít quyền năng hơn thì được vẽ đơn giản, kích thước nhỏ”.
Hình ảnh "nghệ nhân” già người Dao cần mẫn suốt bao năm qua để vẽ nên những bộ tranh thờ có một không hai với tâm nguyện gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ bao đời này của dân tộc mình khiến tôi vô cùng cảm động. Trong lòng ông Vượng luôn khắc khoải chờ đợi, mong ngóng một ngày có ai đó là con em người dân tộc Dao gõ cửa xin làm lễ học vẽ tranh thờ, xin làm người kế tiếp giữ gìn bản sắc người Dao Tây Bắc.
"Thầy giáo” dạy nét chữ, nét người
Không chỉ ngồi lặng lẽ vẽ tranh thờ, ông Lý Hữu Vượng còn dành nhiều thời gian để dạy chữ Dao cho con em trong bản. "Thầy” Vượng tâm sự: "Trước đây, người Dao đã sử dụng chữ Hán để làm ngôn ngữ viết của dân tộc mình. Trong quá trình sử dụng thì người Dao đã Nôm hóa thành tiếng Dao để dùng trong cúng bái, thơ ca và văn tự”.
Tuy nhiên, những người Dao hiện nay đọc thông, viết thạo ngôn ngữ dân tộc như ông Vượng thì không còn nhiều. Tổ tiên của người Dao xưa đã biết sử dụng chữ viết để ghi chép lại các văn tự quan trọng như chia tài sản của bố mẹ cho con cháu; văn tự mua, bán ruộng nương; nhận con nuôi, gia phả trong dòng họ… Đặc biệt, chữ viết của Người Dao còn được dùng phổ biến trong các lễ hội như: Cấp sắc, Tết nhảy và tục treo tranh…
Tranh thờ - nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong các lễ hội của người Dao.
Song, cuộc sống hiện nay, nhiều luồng văn hóa du nhập, con cháu họ cũng dần sao nhẵng, lãng quên và không học, không còn nói tiếng dân tộc mình, đó là điều khiến ông Vương vô cùng trăn trở. Bởi vậy, hàng năm cứ vào dịp lễ tết, "thầy” Lý Hữu Vượng lại dành nhiều thời gian để truyền dạy chữ Dao cho con cháu với mong muốn thế hệ trẻ sẽ lưu truyền được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Như một học trò đang ngồi học, tôi được thầy Vượng say sưa truyền dạy cho chữ viết của người Dao.
Càng nghe, tôi càng hiểu vì sao chữ viết dân tộc Dao gắn liền với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào Dao. Có biết chữ thì mới được làm người Dao theo đúng nghĩa vì sách cổ dân tộc Dao là dạy làm người, dạy đồng bào kinh nghiệm lao động sản xuất, chăm sóc sức khỏe, phong tục tập quán. Ngược lại, không biết chữ thì không khai thác được những nét đẹp truyền thống phong tục của đồng bào mình.
"Thầy” Vượng cho biết: "Việc học chữ Dao - Nôm tương đối khó, bởi đây là loại chữ tượng hình. Tuy nhiên, khi người học đã nắm vững bộ thủ và quy tắc ghép chữ, tập trung, kiên trì thì sẽ học và sử dụng thành thạo”.
Dạy và học chữ Dao - Nôm trong thời đại này không những có ý nghĩa về văn hóa mà còn mang ý nghĩa xã hội. Theo đó, qua các bài giảng, ý nghĩa của chữ Dao dạy đồng bào mình phải tránh xa các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp...
Với "thầy” Vượng, con em người Dao cứ đến nhà muốn học chữ là thầy truyền dạy. "Thầy” Vượng cũng không nhớ đã có bao lớp học trò người Dao đến đây học viết, học những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Nhưng có một điều khẳng định, ước vọng của "thầy” sẽ thành hiện thực khi Nậm Lành đang trở thành xã điểm của huyện Văn Chấn đi đầu trong Phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”.
Ông Lý Hữu Vượng - một người thầy giáo của bản người Dao, một nghệ nhân tuy chưa được suy tôn, song những gì ông đã và đang làm đang cống hiến sẽ luôn in đậm một tình cảm trân quý của người dân nơi đây dành tặng. Chúng tôi sớm trở lại Giàng Cài để cùng ông chứng kiến thế hệ trẻ đang say mê học vẽ tranh thờ, viết chữ Dao bảo tồn phong tục, tập quán và nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ngọc Sơn - Minh Tuấn