Chân dung một người lính

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/4/2018 | 8:10:08 AM

YBĐT - Qua chuyện kể của những người trong cuộc, tôi vô cùng cảm phục tài năng, sự trung thành vô hạn với Tổ quốc, đức tính giản dị, khiêm nhường của người anh hùng đã chỉ huy tiêu diệt siêu căn cứ bí mật Pa Thí cách đây tròn 50 năm.


Khi còn công tác tại huyện Lục Yên, trong một lần gặp mặt những người có công trên địa bàn dịp cuối năm, tôi quan sát thấy có 2 gương mặt mới, một người đeo quân hàm đại tá biên phòng, đó là Đại tá Hoàng Minh Ất, quê xã Mường Lai. Ngồi bên ông còn một người mặc áo lính đã bạc màu, không đeo quân hàm, quân hiệu gì, ông có dáng người nhỏ bé, hơi gầy, ước chừng tuổi 70, ông được nhiều người biết vì trước khi nghỉ hưu ông là Trung tá - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc công 821, Quân khu 2 trực tiếp tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên.

Qua tìm hiểu được biết ông trước đây đã là lính đặc công thuộc Tiểu đoàn 41 Quân khu Tây Bắc tham gia chiến đấu nhiều trận trên đất bạn Lào, sau đó là chiến trường Tây Nguyên, chiến dịch giải phóng Sài Gòn với nhiệm vụ thọc sâu, diệt gọn. 

Những năm 1967 – 1969, cuộc kháng chiến của nhân dân ta vô cùng ác liệt, miền Bắc bị ném bom bắn phá, đường Hồ Chí Minh liên tục bị bom chia cắt bởi máy bay Mỹ xuất kích từ miền Nam, Utapao – Thái-lan, được chỉ điểm, chỉ huy, dẫn đánh từ một căn cứ vô cùng lợi hại tại Lào mang biệt danh Lima85.
 
Siêu căn cứ bí mật này chỉ cách thủ đô Hà Nội 217 km. Từ Lima85, máy bay B52, F105 đánh đâu trúng đấy cả chiến trường Lào, cả miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Tin tức tình báo ta cho biết, Pa Thí chính là Lima85, từ đây 55% các cuộc tập kích của địch trên đất Lào và miền Bắc Việt Nam được thực hiện.

Căn cứ được đặt trên núi đá dựng đứng với độ cao 1.700 m, chỉ tiếp tế duy nhất bằng đường hàng không, trên đó có bãi đáp, có máy bay trực thăng, có hỏa lực mạnh, có thiết bị điện tử tinh vi phát hiện phương tiện đối phương dẫn đánh cho máy bay với bán kính rộng suốt từ Vân Nam - Trung Quốc trở xuống.
 
Tiêu diệt căn cứ Pa Thí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bộ đội Pa Thét Lào, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã tổ chức nhiều trận đánh nhưng không thành vì dốc núi dá dựng đứng, hiểm trở, độ cao tới 1.700 m, lại được bảo vệ bởi lực lượng mạnh, khí tài hiện đại. Còn Pa Thí thì ta còn thương vong, sự tiếp viện cho chiến trường miền Nam còn tổn thất, hy sinh.

Nhiệm vụ đặc biệt được giao cho Tiểu đoàn Đặc công 41, Trung úy Đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy trận đánh với nhiệm vụ tiêu diệt bằng được siêu căn cứ Lima85.
 
Với ý chí quyết tâm cao, kỹ thuật tài tình, trung đội của ông đã lọt qua toàn bộ sự canh gác dày đặc, cẩn mật của địch, leo núi, tiếp cận điểm cao tiêu diệt cả trung đội địch trên căn cứ, phá hủy các thiết bị quân sự đặc biệt, số còn lại thì lăn xuống núi, chỉ còn vài tên ở khu vực sân bay nhảy lên trực thăng biến mất.
 
Được biết, sau trận đánh quan trọng này, đơn vị ông có đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với ông song việc xác minh hồ sơ của ông tại địa phương bị lỗi, việc phong tặng danh hiệu cho ông không thành.

Với nhiệm vụ đặc thù, bí mật, ông cùng đơn vị tiếp tục chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến trường Tây Nam, sau này là mặt trận Vị Xuyên với tư cách là Trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc công Quân khu. Hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về địa phương với cuộc sống đời thường, ít nói và càng không nhắc đến chiến công.

Chuyện chỉ có vậy, không ai biết đến bởi ông cũng đã về với tiên tổ ở tuổi gần 80. Trước là phái đoàn MIA tìm hài cốt lính Mỹ đến tìm ông và sau chuyến gặp ông, nhiều hài cốt lính Mỹ đã được ông giúp đỡ tìm kiếm thành công. 

Cách đây vài hôm, tôi đọc một bài viết được đăng trích trong một tài liệu tuyệt mật của CIA với tựa đề: Đặc công Việt Nam tập kích xóa sổ siêu căn cứ bí mật của Mỹ tại Lào trên NEWS.VNAY.VN. Bài báo dựa vào tài liệu mật của Lầu Năm Góc, tác giả Sebastien Robin một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Gerogetown.
 
Theo tài liệu 50 năm trước viên trung úy đặc công Việt Nam tên là Trương Mực cùng 1 trung đội 33 người, ngày 12/3/1968 đã tập kích lên đỉnh Pa Thí, sau đó chia làm 5 mũi tấn công theo nhiều hướng khác nhau, theo nhiều nguồn tin trung đội đặc công chỉ hy sinh 1 nhưng tiêu diệt ít nhất 42 lính Thái, lính địa phương và một tá lính Mỹ cùng toàn bộ trang thiết bị trên căn cứ, chỉ có 5 nhân viên không lực và 2 nhân viên CIA đào thoát. Mãi 33 năm sau, người Mỹ mới biết cuộc chiến tại căn cứ bí mật này. 

Bài báo mô tả rất kỹ về căn cứ, trận đánh cùng nhiều hình ảnh sơ đồ căn cứ, binh khí, cả ảnh cựu binh Mỹ tham chiến tại đây, khoảng năm 2000, chính ông Trương Mực đã giúp họ tìm lại nhiều hài cốt lính Mỹ.

Sau khi đọc bài báo, tôi tìm gặp Đại tá Nguyễn Tiến Nguyệt - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái, người từng chiến đấu trên chiến trường Lào nhiều năm, ông xác nhận và đồng tình với tôi những day dứt vì chưa làm tròn phận sự với đồng đội. Ông lại giới thiệu tôi gặp Thiếu tướng Lý A Sáng - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2.
 
Ông Sáng là lính Tiểu đoàn 41 đặc công quân khu Tây Bắc, cùng đơn vị với Trung úy Trương Mực ngày xưa. Tôi cũng được Đại tá Nông Hồng Lai - nguyên Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ông cũng là lính đặc công 821, chức vụ Đại đội trưởng thời ông Trương Mực làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc công 821.
 
Qua chuyện kể của những người trong cuộc, tôi vô cùng cảm phục tài năng, sự trung thành vô hạn với Tổ quốc, đức tính giản dị, khiêm nhường của người anh hùng đã chỉ huy tiêu diệt siêu căn cứ bí mật Pa Thí cách đây tròn 50 năm và nhiều trận đánh khác.
 
Tướng Lý A Sáng cũng cho tôi biết thêm: "Để đánh được căn cứ Pa Thí, Trương Mực đã cùng đồng đội của mình lên mãi Hà Giang tập leo núi đá có độ cao, độ dốc tương đồng, tính toán kỹ về sức khỏe, khả năng mang vác, thời gian cần thiết tối thiểu để chắc thắng. 

Sau trận Pa Thí, cùng với những chiến công vang dội khác, Tiểu đoàn 41 đặc công được nước bạn Lào tặng thưởng Huân chương Tự do hạng Nhất - huân chương cao quý nhất của Lào, Nhà nước ta tặng thưởng đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Chiến công của ông và đồng đội đã mở thông cánh cửa cho sự chi viện của miền Bắc với cách mạng miền Nam và cách mạng Lào đi tới đại thắng mùa xuân năm 1975, hơn thế nữa tiêu diệt căn cứ Pa Thí đã giảm thiểu hy sinh xương máu của đồng bào và chiến sỹ ta. 

Các cơ quan chức năng cần xem xét, làm thủ tục đề nghị Nhà nước truy tặng cho ông danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - một con người, một chiến công mà 50 năm sau những người bên kia chiến tuyến vẫn còn khiếp sợ, vẫn nể phục ông, ca ngợi ông ở góc độ khoa học quân sự.

Ông là Trương Mực - nguyên Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc công 821 - Quân khu 2, dân tộc Tày quê xã Phan Thanh sau chuyển lên xã An Lạc, huyện Lục Yên, ông xứng đáng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh. Nghĩ về ông, tôi thấy bóng dáng khí phách và đức tính cao cả của một người cộng sản, của người lính - anh bộ đội Cụ Hồ.
 
Viết về ông trong dịp tháng Tư này, thay nén tâm nhang tỏ lòng thành kính trước hương hồn người đồng đội, người anh, người đồng chí đã đi xa. Tôn vinh ông để mỗi chúng ta có thêm niềm tin, trân trọng lịch sử, tin tưởng và sống tốt hơn, làm nhiều việc tốt hơn cho đất nước!

Hoàng Đức Vượng

Các tin khác
Ông Lý Hữu Vượng say sưa vẽ tranh thờ.

YBĐT - Ở xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, nơi có 85% dân số là đồng bào dân tộc Dao, ông Lý Hữu Vượng - người đã gần 80 tuổi ở thôn Giàng Cài được biết đến với những tài hoa thiên phú, lấy nét bút vẽ tranh và tâm đức truyền dạy giúp đồng bào Dao giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải cùng cán bộ các phòng chuyên môn khảo sát nguồn nước phục vụ người dân bản Mú Cái Hồ.

YBĐT - Đề án quy hoạch khu tái định cư của UBND huyện Mù Cang Chải được thực hiện trên khu vực bản Mú Cái Hồ, xã Nậm Có với diện tích quy hoạch 1.446,3 ha, thời gian thực hiện Đề án từ năm 2017 đến 2020. 

Nghi thức cúng thần rừng của người Mông xã Nà Hẩu.

YBĐT - Đồng bào Mông Nà Hẩu (Văn Yên) yêu quý rừng và giữ rừng bằng những luật tục riêng, đó là tục cúng thần rừng. Tại đây, bà con đã tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng với cán bộ kiểm lâm huyện,

Thác Háng Đề Chơ hùng vĩ được mệnh danh là một trong

YBĐT - Miên man trong điệu khèn, tiếng sáo réo rắt gọi bạn tình của người Mông, theo những cánh ban rừng nở trắng trời, những cung đường đèo uốn lượn quanh co vắt ngang sườn núi tôi tìm về xã Làng Nhì để tham gia hành trình chinh phục một trong "đệ nhất thác" của vùng Tây Bắc - thác Háng Đề Chơ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục