Đánh thức bình nguyên

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/5/2018 | 10:44:01 AM

YênBái - YBĐT - Hiếm ở nơi nào có địa hình đa dạng như thế với những dãy núi đá vôi sừng sững. Những dãy núi đất nguyên sơ rừng xanh thẳm bao bọc, ấp ôm các làng bản nhà sàn trong những thung lũng bằng phẳng. Cái đẹp ở "bình nguyên xanh" Khai Trung vẫn giống như nàng tiên mãi say giấc giữa rừng. Cho đến một ngày,  chợt "cánh đồng hoa Paris"  hiện hữu ngay nơi cửa ngõ bình nguyên....

Du khách lên ngắm hoa ở bình nguyên Khai Trung.
Du khách lên ngắm hoa ở bình nguyên Khai Trung.


Từ quốc lộ 70 rẽ về trung tâm huyện Lục Yên tại ngã ba xã Khánh Hòa đi chừng hơn chục cây số là đến trung tâm xã Tân Lĩnh. Rẽ trái qua cầu Tân Lĩnh đi tiếp hơn chục cây số nữa theo địa hình cứ ngược dốc lên cao, bỗng mở ra một không gian bằng phẳng, đó chính là bình nguyên Khai Trung. Bình nguyên này là nơi cư trú của cả xã với 5 thôn, gần 1.400 khẩu, trong đó, người Dao ở 3 thôn chiếm 57% dân số, còn lại 2 thôn người Tày.

Cảnh sắc Khai Trung đẹp lạ thường. Đẹp vì hiếm ở nơi nào có địa hình đa dạng như thế với những dãy núi đá vôi sừng sững. Những dãy núi đất nguyên sơ rừng xanh thẳm bao bọc, ấp ôm các làng bản nhà sàn trong những thung lũng bằng phẳng.
 
Đẹp nữa, còn phải kể đến những con suối nơi thượng nguồn là thác đứng cuồn cuộn chảy, nhưng đổ về đất bằng lại trong vắt, hiền hòa để xã Khai Trung từ cổ xưa có tên gọi động Thủy Điều cùng những tên thôn, tên bản gắn với tên những khe suối lớn: Khe Lùng, Giáp Chảy, Giáp Luồng, Tác Én (thác Én)... được hiểu nôm na nơi đây tựa như cái túi nước rồi điều tiết đi khắp nơi ở dưới thấp.

Sơn thủy hữu tình như thế, khiến Khai Trung giống như miền ôn đới và cho ra bao sản vật quý. Những ruộng lúa, nương ngô, nương đậu tương được cấy trồng, tưới tắm trên nền đất do thảo mục, đá phong hóa của địa hình các - tơ bồi tụ luôn tươi tốt và cho hàm lượng dinh dưỡng cao nhất. Những con suối trong lành là nguồn nước giúp dân Khai Trung nuôi được cá ngon như cá tự nhiên và nổi tiếng nhất là loài cá bỗng. Giống vịt bầu địa phương thả suối, rồi chúng ăn những loài thủy sinh để cho ra thứ thịt vịt đặc sản có một không hai. Hơn cả, phải kể đến giống gà ta da giòn nức tiếng từ xưa được ví von "Rượu Bắc Hà, gà Lục Yên”.
 
Nghĩa là, rượu ngô men lá Bắc Hà nổi tiếng, nhưng phải được nhắm với thịt gà Lục Yên thì mới trở thành món ngon hảo hạng của người sành ăn. Giống gà này có lớp mỡ dưới da khá dày, vàng ươm, thịt ăn không dai lại ngọt thơm.
 
Lý giải vì sao gà ở đây ngon đến vậy? Cả người địa phương và các chuyên gia nghiên cứu về gia cầm đều chung nhận định, trước hết, nó là giống gà có nguồn gốc ở bản địa từ thuở xa xưa. Đồng thời, gà được nuôi ở một môi trường đặc biệt về khí hậu; gà được ăn côn trùng và các loài nhuyễn thể trong núi đá vôi; ăn ngô lúa, nhất là những mầm hạt ngô kẹ, mầm đỗ tương sót lại trên nương sau mùa thu hoạch nên gà mới ngon là vậy.

Con người ở Khai Trung chất phác và thân thiện. Đặc biệt, do cư trú gần như biệt lập giữa một bình nguyên ở nơi lưng trời có độ cao trên 700 mét so với mực nước biển, nên bà con người Dao, người Tày giữ đậm cho mình nét văn hóa truyền thống từ kiến trúc nhà ở, tiếng nói và các loại hình văn hóa dân gian như hệ thống các nghi lễ tín ngưỡng, dân ca, dân vũ, ẩm thực, y dược cổ truyền... của người Tày, người Dao.
 
Với những tiềm năng lớn từ thiên nhiên, con người ở nơi được gọi là bình nguyên xanh này, từ lâu, cấp ủy, chính quyền xã Khai Trung và huyện Lục Yên luôn ấp ủ biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn cho du lịch cảnh quan và du lịch cộng đồng.
 
Vậy nhưng, cái đẹp ở Khai Trung vẫn giống như nàng tiên mãi say giấc giữa rừng. Cho đến một hôm, có chàng trai trẻ Nguyễn Đức Việt quê gốc ở Hải Dương, cư trú ở xã Tân Lĩnh nhận thấy ngày càng có nhiều bạn trẻ trong huyện vào ngày nghỉ thường kéo nhau lên xã Khai Trung vãn cảnh. Việt chợt nghĩ, đã đi chơi ắt có nhu cầu ghi lại những khoảnh khắc đẹp ở Khai Trung! Vậy là, anh thuê đất để cuối đông năm ngoái mua hạt giống hoa lên gieo ngay nơi cửa ngõ bình nguyên.
 
Sang xuân, cánh đồng hoa của Việt đua nhau khoe sắc. Và anh thật bất ngờ, chỉ từ ý tưởng nho nhỏ lại mang đến thành công ngoài sức tưởng tượng. Mới đầu là vài chục người, rồi dần đông lên vài trăm người mỗi ngày đến ngắm hoa. Việt cho biết, tuyệt vời hơn nữa là nhờ báo chí và qua mạng Facebook, sắc hoa của anh nhanh chóng lan tỏa khắp nơi để nhiều người ở tận thủ đô cũng như các tỉnh xa tìm đến. Mỗi người chỉ cần bỏ ra 2 chục nghìn đồng là thỏa sức ngắm hoa, chụp ảnh.

Trong câu chuyện bên vườn hoa xuân, tôi hỏi:

- Em có dự định gì tiếp theo cho việc trồng hoa ở đây?

- Dự định thì nhiều lắm anh ạ! Nhưng trước mắt là phải thuê được đất cả khu vực này anh ạ! - Việt đáp.

Khu vực bằng phẳng này rộng gần 15 ha. Bà con chủ yếu trồng ngô với đậu tương. Tranh thủ lúc mọi người trong đoàn mải mê ngắm hoa, chụp ảnh, tôi mượn chiếc xe máy của Việt đi sâu vào trung tâm xã. Đường trục xã, đường liên thôn đã bê tông hóa nên xe cứ thênh thênh. Giữa khung cảnh đất trời mùa xuân tươi mới, nhìn những ngôi nhà sàn xinh xinh rộng rãi và sạch sẽ; xe máy, máy nông cụ để dưới gầm sàn; trâu, bò, gà vịt bầy bầy lộ vẻ đủ đầy của cuộc sống ở Khai Trung.
 
Giữa xuân, bà con chủ yếu chăm lúa, chăm ngô. Ghé vào nương ngô bên đường - nơi có cặp vợ chồng người Tày đang bón phân, vun gốc và thử vai người muốn thuê đất trồng hoa, tôi hỏi:

- Mình muốn thuê đất ở đây để trồng hoa liệu có được không?

- Được chứ! Dân cho thuê đất thì đất vẫn còn đấy. Không bận làm nương nữa thì mình đi làm thêm việc khác chắc chắn thu nhập sẽ cao hơn” - người chồng đáp lời.

Nghe vậy và liên tưởng, bà con đã nhận thức được lợi ích như thế thì tới đây, nếu Việt muốn thuê cả khu đất rộng lớn này chắc sẽ là không khó.

Trở lại với những ý tưởng của Việt, anh cho biết, nếu thuê được đất thì anh sẽ từng bước đưa vào trồng khoảng 3 chục loài hoa để tạo ra những gam màu rực rỡ phục vụ khách tham quan. Việc trồng hoa không chỉ ngẫu hứng như vừa qua mà cần phải có sự  tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như hợp tác về nhân lực, nguồn lực tài chính và khoa học, kỹ thuật...
 
Nhưng việc trước mắt là phải chọn, rồi thử nghiệm những loài hoa có khả năng thích ứng với địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng; hoa có biên độ mùa vụ kéo dài và những loài hoa luân chuyển theo mùa như hoa bướm, thược dược, hướng dương, hoa cải và các loài hoa cúc, hoa hồng... Việt đã tính đến cả việc tìm nguồn nước ở trên cao để tưới cho hoa. Lựa chọn khu vực để ngắm nhìn tổng thể cả cánh đồng hoa rộng lớn; làm các tiểu cảnh, đường đi lối lại để vừa chăm sóc hoa vừa tiện cho khách tham quan, chụp ảnh...
 
Tính toán xa hơn nữa của Việt là, khi khách lên đây không chỉ được ngắm hoa mà còn được trải nghiệm với ẩm thực, phong tục, tập quán, cùng những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Đặc biệt, du khách sẽ được thả mình trong những dòng suối mát; được khám phá hệ thống hang động tuyệt đẹp ở đây như hang Diêm, hang Dơi, hang Tác Én, hang Sơn Dương... Anh còn nghĩ về một tương lai, biết đâu ở nơi khí hậu ôn hòa này còn có thể sản xuất được các loại hoa hàng hóa...

Những nét chấm phá trong ý tưởng của Việt, tôi thấy đã khá đủ đầy, hấp dẫn cho một điểm du lịch cảnh quan và du lịch cộng đồng. Bởi lẽ, quan niệm về việc đi du lịch bây giờ đã khác trước rất nhiều. Thay vì sự khó khăn trong việc tổ chức được những chuyến đi dài ngày, đi xa thì nhiều người đã chọn cho mình những ngày đi du lịch cuối tuần, cuối tháng bằng ô tô gia đình với những chi phí rất rẻ tiền.
 
Xu hướng đi du lịch đã hài hòa hơn trong nhu cầu tìm đến các đô thị lớn, những bãi biển và những vùng thiên nhiên đậm nét hoang sơ. Chẳng thế, nhiều nhóm bạn trẻ ở thành phố Yên Bái vào kỳ nghỉ cuối tuần đã chọn cho mình hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù có độ cao gần 3.000 mét ở huyện Trạm Tấu; hoặc cùng nhau lên xe tiến lên Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; đi cắm trại ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, trên đảo hồ Thác Bà...
 
Và nếu như họ biết rồi chọn cho mình điểm đến là Lục Yên thì lại càng thuận lợi hơn nhiều và cũng không kém phần hấp dẫn với hành trình buổi sáng khởi hành từ thành phố Yên Bái lúc 6 giờ thì 2 tiếng sau đã vãn cảnh ở đền Suối Tiên, xã Tô Mậu, đền Đại Cại, xã Tân Lĩnh. Đến gần trưa là có mặt ở Khai Trung để buổi chiều khám phá thiên nhiên.
 
Đêm về, cùng trải nghiệm cuộc sống với bà con miền núi. Sáng hôm sau, tiếp tục hành trình về thị trấn Yên Thế khoảng hơn chục cây số tham quan chợ đá quý, mua cho mình chút quà lưu niệm và buổi trưa đã về đến thành phố nghỉ ngơi chuẩn bị cho một tuần làm việc tiếp theo.

Tuy nhiên, để Khai Trung bừng thức những tiềm năng và chắp cánh cho ý tưởng khởi nghiệp của những người trẻ như Nguyễn Đức Việt sẽ rất cần sự hợp lực từ nhiều phía. Bởi lẽ, dù có những ý tưởng táo bạo, quyết tâm lớn để làm du lịch, nhưng với cá nhân hay nhóm người ở địa phương sẽ rất khó thực hiện mà cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở. Đơn cử như việc muốn phát triển du lịch cộng đồng thì sự định hướng của chính quyền, sự nhập cuộc của chính người dân sở tại hay nói cách khác là của các chủ thể văn hóa ở đây mới là yếu tố căn bản để làm sống dậy những tiềm năng.
 
Cụ thể là, người dân phải được hướng dẫn kỹ năng làm du lịch cộng đồng, được tham quan các mô hình du lịch đã thành công ở trong và ngoài tỉnh; được định hướng tạo ra các sản phẩm du lịch bằng chính tiềm năng sẵn có; xây dựng ý thức tạo lập cảnh quan và môi trường thiên nhiên nơi cư trú... Du lịch cảnh quan cũng cần những yếu tố căn bản đi kèm như quy hoạch tổng thể về địa điểm khai thác du lịch; thực hiện giải pháp khoa học để đánh giá các yếu tố tác động đến môi trường và giải pháp bảo vệ, phát triển môi trường sinh thái bền vững.
 
Du lịch hang động, tắm suối, ngắm thác nước hay đường giao thông lên vùng cao, độ dốc lớn luôn phải bảo đảm các yếu tố an ninh, an toàn du lịch hay xúc tiến và quảng bá du lịch... đều là những vấn đề phụ thuộc rất nhiều ở sự tiếp sức từ cơ quan Nhà nước.

Khó khăn và thách thức là đương nhiên, nhưng để đánh thức bình nguyên Khai Trung thành điểm du lịch lý tưởng thì những trở ngại này có lẽ không phải là vấn đề quá nan giải khi Khai Trung đã được đánh giá đúng mức về tiềm năng du lịch. Du khách đã lên với Khai Trung nhiều hơn. Cơ sở hạ tầng về giao thông đã được cải thiện đáng kể. Cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhiều người dân ở đây đã có chung tâm huyết muốn du lịch ở Khai Trung cất cánh. Đặc biệt, trong cuộc gặp gỡ với Bí thư Huyện ủy Nguyễn Chương Phát, anh đã khẳng định vùng đất Lục Yên thực sự là miền quê giàu tiềm năng du lịch, trong đó có bình nguyên Khai Trung.
 
Đồng thời, anh cũng nêu lên những trăn trở và quyết tâm của huyện nhiều năm qua để biến những tiềm năng riêng có của địa phương trở thành địa chỉ trọng điểm du lịch của tỉnh. Trong đó, những giải pháp được ưu tiên hàng đầu là phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực của địa phương; đồng thời, xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách ưu tiên nhất nhằm thu hút mọi nguồn lực từ bên ngoài đầu tư vào phát triển du lịch ở Lục Yên.

 Hoàng Nhâm


 

Các tin khác
Cô Chu Thị Tú Liên (giữa) và các bạn trẻ xem tập san “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” được trưng bày tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Không dừng lại ở sự sáng tạo của bản thân trong việc cụ thể hóa những hình thức thực hiện các chỉ thị về học tập và làm theo Bác, cô Chu Thị Tú Liên còn lan tỏa tinh thần ấy sang những học trò của mình.

Cựu TNXP Hoàng Thị Ngà, thôn Phai Tung, xã Đại Minh giới thiệu mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình với Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Bình Trịnh Văn Mỳ.

YBĐT - Phát huy cao độ tinh thần "xung phong”, đoàn kết vượt khó vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ bà Chiến, bà Ngà, mà trên địa bàn huyện Yên Bình hơn 41 hộ cựu TNXP đã xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. 

Các thế hệ cựu chiến binh tỉnh Yên Bái cùng nhau ôn lại thời khắc lịch sử 30/4/1975.

YBĐT - Cùng nhau đi qua tháng Tư lịch sử, những người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam trên quê hương Yên Bái đã có cuộc hội ngộ và cùng nhau sống lại thời khắc ý nghĩa của ngày 30/4/1975.

Các bé ở điểm trường mầm non Vàng Ngần phải học tập trong điều kiện ánh sáng tự nhiên.

YBĐT - Cơn mưa rào đầu hạ chợt đến, chợt đi khiến con đường hơn 30 km ngoằn nghèo với những đoạn leo rồi đổ dốc từ trung tâm huyện Văn Chấn đến hai thôn Vàng Ngần và Thẳm Có đi càng trở nên khó khăn, vất vả. Đây là 2 thôn chưa từng có ánh sáng của điện lưới quốc gia dù ở ngay cạnh

Nhà máy Thủy điện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục