Ở Cổng trời có Ka - đốp - Bài 2: Sợi dây gắn kết cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/5/2018 | 1:47:08 PM

YênBái - YBĐT - Với người Dao ở Cổng trời, Ka-đốp không chỉ là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cho mỗi hộ gia đình mà còn được coi như tài sản chung: cùng trồng, cùng chăm sóc, cùng trông coi, cùng giữ gìn. 

Trước mỗi lần khai thác quế, thôn Vàng Ngần đều tổ chức họp thôn để thông báo chủ trương đến người dân.
Trước mỗi lần khai thác quế, thôn Vàng Ngần đều tổ chức họp thôn để thông báo chủ trương đến người dân.

 
Mỗi lần khai thác quế, số tiền thu về được đưa vào quỹ thôn để đầu tư làm đường rồi thăm nom dân bản lúc ốm đau, nhất là giúp nhau phát triển kinh tế. Như thế, Ka-đốp đã trở thành sợi dây tinh thần gắn kết cộng đồng người Dao ở Cổng trời cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng đời sống mới. 

Thời gian ở Cổng trời, mê mải với bao câu chuyện về Ka-đốp, điều khiến tôi cảm thấy hứng thú vô cùng chính là việc duy trì được một khu vực trồng quế tập thể để gây dựng quỹ thôn. Trong tôi cứ dấy lên câu hỏi rằng tại sao ở một vùng đất còn nhiều khó khăn với 100% đồng bào dân tộc Dao lại có thể duy trì hiệu quả một mô hình hợp tác lâu dài và hiệu quả như vậy.
 
Tôi ngỏ ý muốn lên khu rừng trồng Ka-đốp tập thể, anh Đặng Kim Lý - Phó Chủ tịch UBND xã chỉ tay về những ngọn đồi xa xa ẩn hiện trong làn sương phía trước: "Khu trồng Ka-đốp tập thể ở Vàng Ngần cách đây khoảng 3km, rộng khoảng 20ha. Ở đó có những cây quế đã vài chục năm tuổi, đường kính khoảng 50 - 60cm. Nếu anh thích thì tôi dẫn anh lên nhưng hôm nay trời mưa sẽ khó đi lắm đấy!”.
 
Sau cái gật đầu của tôi, anh Lý gọi thêm Bí thư Chi bộ Vàng Ngần Đặng Nho Tài rồi cài số, tăng ga hướng thẳng về phía những ngọn núi cao. Vượt qua nhiều đoạn dốc trơn trượt, chúng tôi đã đứng giữa một không gian bạt ngàn xanh quế cùng quế. Bí thư Tài tay vòng một cung: "Khu trồng quế tập thể có 9 mảnh. Đây là mảnh gần nhất, cách nhà văn hóa thôn Vàng Ngần chừng 2km, còn mảnh xa nhất cách khoảng 3,5km”.
 
Nhìn đồi quế tươi tốt, cây nối cây ngút tầm mắt nhìn, tôi ngỡ tưởng lạc vào thủ phủ của cây quế vùng Viễn Sơn, Đại Sơn, Xuân Tầm… nức tiếng của huyện Văn Yên. Ngoài những cây vài năm tuổi, khu này còn có những cây đã trồng đôi chục, ba chục năm mà vòng tay một người lớn ôm không kín.
 
Bí thư Đặng Nho Tài vui vẻ: "Dù ở xa khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn nhưng mỗi khi có thông báo lịch cho dân bản đi trồng hay thu hoạch Ka-đốp thì mọi người ai nấy đều rất hăng hái, nhiệt tình. Vào mùa gieo trồng, nơi đây lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp như ngày hội khi người người nào cơm nắm, nào cuốc xẻng cùng nhau góp sức đào đất, giâm bầu, gieo trồng Ka-đốp. Tôi vẫn nhớ có năm nạn bóc trộm quế hành hoành, trai bản cứ thay phiên nhau canh gác cả ngày lẫn đêm để giữ cây cho bằng được”.

Tôi tò mò:

- Vậy làm thế nào mà mình lại tuyên truyền, vận động bà con đi làm đầy đủ và hào hứng như vậy được anh? Rồi thì việc thu chi, quản lý quỹ làm thế nào để mọi người tin tưởng?

Bí thư Tài đáp lời ngay:

- Cái này có trong hương ước của thôn, của bản từ thời ông thời cha rồi ấy chứ. Ngày xưa, trồng lúa nương, trồng ngô cũng thế mà. Tất nhiên là từ khi chuyển sang trồng Ka-đốp có giá trị kinh tế cao hơn nhiều thì mọi người càng nhiệt tình, hăng hái hơn nữa.

Qua chia sẻ của Bí thư Tài, quỹ thôn Vàng Ngần đã được duy trì nhiều năm nay. Mỗi khi có chủ trương khai thác quế để gây quỹ, Chi bộ thôn Vàng Ngần tổ chức họp để thống nhất diện tích thu hoạch rồi sau đó tiến hành họp dân, thông báo số lượng cây khai thác, diện tích khai thác và giá bán theo thị trường tại thời điểm đó. Để quản lý quỹ, thôn bầu ra ban quản lý do trưởng thôn làm trưởng ban cùng phó ban và thủ quỹ. Số tiền thu về cho đến từng khoản chi tiêu đều được ban quản lý thông báo công khai, rõ ràng cũng như bàn bạc kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi của tất cả người dân.

Không riêng gì thôn Vàng Ngần mà thôn Thẳm Có cũng dành riêng một quỹ đất chung để trồng Ka-đốp. Dù sinh sống không tập trung, giao thông còn khó khăn nhưng người Dao ở Thẳm Có rất đoàn kết, gắn bó trong lao động, sản xuất. Vì vậy, cứ mỗi dịp trồng quế, làm cỏ hay khai thác Ka-đốp, khu vực trồng quế chung náo nhiệt, nhộn nhịp khi tất cả dân bản đều có mặt, rộn ràng tiếng cười nói, tiếng cuốc xẻng… âm vang khắp núi rừng.
 
Chia sẻ về cách làm của thôn, ông Lý Tiến Quang - Trưởng thôn Thẳm Có cho hay: "Cùng với thông báo trên hệ thống loa phát thanh của thôn thì chúng tôi còn gắn trách nhiệm cho từng tổ chức đoàn thể. Trong các buổi đi làm cỏ, trồng cây hay khai thác quế, chúng tôi cử người của các đoàn thể vừa trực tiếp tham gia lao động vừa giám sát, đôn đốc mọi người làm việc”.
 
Cũng theo Trưởng thôn Quang, tại Thẳm Có, nhà nào có nương, có đồi là có trồng Ka-đốp. Ngoài diện tích riêng của mỗi gia đình, thôn cũng dành ra phần đất chung khoảng 5ha trồng quế. Hình thức này đã được duy trì từ nhiều năm nay và đã luôn được mọi người đồng thuận, ủng hộ. Năm vừa rồi, Thẳm Có khai thác 100 cây quế, thu về hơn 60 triệu đồng. Mỗi lần khai thác như vậy, tiền thu từ Ka-đốp được đưa vào quỹ thôn. Nhiều thì chia cho mọi người vào dịp cuối năm, ít thì để hỗ trợ nhân dân làm đường, khắc phục hậu quả bão lũ rồi thăm nom người ốm đau và giúp các gia đình phát triển kinh tế.

Trưởng thôn Vàng Ngần Triệu Văn Lý cho biết thêm: "Bình quân mỗi năm, quỹ thôn chúng tôi dành cho từ 5 - 10 hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Dù số tiền không lớn nhưng cũng tạo điều kiện giúp các gia đình mua sắm trang thiết bị hoặc mua cây giống, vật nuôi. Đặc biệt, đối với tất cả các trường hợp vay vốn, thôn đều không tính lãi”.
 
Theo lời giới thiệu, tôi tìm đến gia đình anh Đặng Kim Thọ - một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ quỹ thôn Vàng Ngần.
 
Anh Thọ khá cởi mở: "Ngoài trồng quế thì gia đình tôi còn đi mua gom quế khô của bà con trong thôn. Điều này đòi hỏi phải có một số vốn tương đối lớn. Do vậy, tôi đề nghị được vay vốn của quỹ thôn và được chấp thuận. Nhờ vốn vay, gia đình tôi đã mở rộng hơn việc kinh doanh và có kinh tế khá giả như hiện tại”.
 
 
Người Dao thôn Thẳm Có, Vàng Ngần thường cùng nhau gieo trồng, chăm sóc, khai thác, phơi quế để gây quỹ.

Trao đổi câu chuyện trồng quế tập thể với Bí thư Đảng ủy xã Suối Quyền Trịnh Xuân Thành, anh hãnh diện: "Đồng bào dân tộc Dao có tính cộng đồng rất cao nên họ không chỉ giữ rừng tốt mà còn trồng quế cũng rất giỏi. Cách gây quỹ thôn từ trồng quế tập thể của người Dao ở Cổng trời duy trì đã được nhiều năm nay cũng vì lẽ đó. Không phải nói quá chứ quỹ thôn của họ còn nhiều hơn chi thường xuyên của xã chúng tôi đấy. Dù là địa bàn khó khăn nhất xã nhưng quỹ thôn Vàng Ngần, Thẳm Có thường xuyên duy trì trên dưới 100 triệu đồng. Từ số tiền này, bà con có điều kiện để đầu tư làm đường, giúp các gia đình khó khăn được vay vốn để phát triển kinh tế”.
 
Bí thư Trịnh Xuân Thành thông tin cụ thể, năm 2017, nhân dân thôn Vàng Ngần đã tự mở mới được 5 km đường giao thông dẫn đến các khu vực trồng lúa và trồng quế, trong đó phần trích từ quỹ thôn và đóng góp của dân là trên 50 triệu đồng. Ngay trong tháng 4 và tháng 5 của năm nay, thôn Vàng Ngần đã tiếp tục khai thác quế tập thể, trích 60 triệu đồng để thực hiện kiên cố hóa hơn 1 km đường bê tông, còn nhân dân thôn Thẳm Có cũng đã đóng góp hơn 15 triệu đồng để làm 200m đường bê tông trong bản. Ngoài ra, người dân hai thôn thường xuyên đóng góp vật liệu, tham gia sửa chữa lớp học mầm non và tiểu học ở thôn Vàng Ngần.
 
Với đồng bào Dao ở Thẳm Có và Vàng Ngần, Ka-đốp không chỉ là một loại cây trồng đem lại thu nhập cao, cải thiện cuộc sống của họ mà còn thực sự là sợi dây gắn kết cộng đồng, hỗ trợ nhau trong cuộc sống đời thường, trong lao động sản xuất.

Những câu chuyện về Ka-đốp dường như khiến thời gian trôi nhanh hơn rất nhiều. Ấn tượng nơi Cổng trời trong tôi có Ka-đốp, có sự trân trọng, có niềm khâm phục dành cho những con người mộc mạc, giản dị, thương mến khó quên. Tôi thầm mong và tin rằng, Ka-đốp đã, đang, sẽ và mãi là sợi dây gắn kết cộng đồng người Dao ở Cổng trời, giúp họ cùng nhau vững bước vượt qua khó khăn, xây dựng đời sống mới!

H.C

Các tin khác
Ông Hiroshi Yokota và đại diện nhà phân phối Lê Bảo Minh (hai người áo đỏ đứng vỗ tay) hát cùng học trò bản Ba Khuy (Văn Yên, Yên Bái).

YBĐT - Nắng gắt đổ xuống núi Nà ngay sáng sớm, nhưng những đứa trẻ đầu trần chân đất bản Ba Khuy đã tụ tập đông đủ ở sân trường từ rất lâu, vui vẻ hồ hởi chẳng màng cái nóng. Các em đợi một người Nhật sắp đến, ông Hiroshi Yokota – Tổng giám đốc Công ty Canon Makerting Việt Nam.

Lãnh đạo xã Suối Quyền trao đổi với nhân dân thôn Vàng Ngần về hiệu quả của cây quế.

YBĐT - Từ một cây ít được biết đến, thậm chí xa lạ với nhiều người Dao ở Cổng trời, cây quế đã dần khẳng định được vị thế, trở thành cây "vàng” mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc và sự đổi thay ở mảnh đất còn nhiều khó khăn, vất vả này. Cộng đồng người Dao giữ gìn, trân trọng và gọi cây "vàng” này bằng cái tên thân thuộc: Ka - đốp.

Du khách lên ngắm hoa ở bình nguyên Khai Trung.

YBĐT - Hiếm ở nơi nào có địa hình đa dạng như thế với những dãy núi đá vôi sừng sững. Những dãy núi đất nguyên sơ rừng xanh thẳm bao bọc, ấp ôm các làng bản nhà sàn trong những thung lũng bằng phẳng. Cái đẹp ở "bình nguyên xanh" Khai Trung vẫn giống như nàng tiên mãi say giấc giữa rừng. Cho đến một ngày,  chợt "cánh đồng hoa Paris"  hiện hữu ngay nơi cửa ngõ bình nguyên....

Cô Chu Thị Tú Liên (giữa) và các bạn trẻ xem tập san “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” được trưng bày tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Không dừng lại ở sự sáng tạo của bản thân trong việc cụ thể hóa những hình thức thực hiện các chỉ thị về học tập và làm theo Bác, cô Chu Thị Tú Liên còn lan tỏa tinh thần ấy sang những học trò của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục