Người “đăng ký khai sinh” gạo Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/6/2018 | 8:27:20 AM

YBĐT - Không là nông dân, cũng chẳng phải kỹ sư nông nghiệp, nhưng với tình yêu vùng đất, con người Mường Lò, anh Liễu Ngọc Mậu - cán bộ Phòng Nội vụ thị xã Nghĩa Lộ đã dành 5 năm đến gõ cửa các cơ quan chuyên môn để xây dựng sản phẩm Gạo Mường Lò được công nhận chỉ dẫn địa lý.

Anh Mậu đi xe máy chở 50 kg gạo Séng cù đến lễ phát động chương trình tuyên truyền vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn tại Hà Nội để giới thiệu sản phẩm.
Anh Mậu đi xe máy chở 50 kg gạo Séng cù đến lễ phát động chương trình tuyên truyền vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn tại Hà Nội để giới thiệu sản phẩm.

Hành trình xây dựng chỉ dẫn địa lý

Tôi có dịp gặp anh Liễu Ngọc Mậu - Chủ tịch Hội Sản xuất, kinh doanh gạo Mường Lò khi anh vừa tham gia lễ phát động chương trình tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn về.
 
Gạt những giọt mồ hôi còn đọng trên trán, anh Mậu chia sẻ: "Nghe được thông tin tại Hà Nội có lễ phát động chương trình tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, 2 giờ sáng, tôi cùng với cộng sự đã chở 50 kg gạo từ Nghĩa Lộ chạy thẳng về Hà Nội để tham gia giới thiệu sản phẩm. Sau khi gạo Mường Lò được trưng bày tại thị trường Hà Nội có chỉ dẫn địa lý cụ thể đã được khách hàng đánh giá là gạo dẻo, thơm, ngọt, hương vị đậm đà và lập tức có đơn hàng tại Hà Nội đặt mua 300 kg. Đây là tín hiệu vui ban đầu để gạo Mường Lò vươn ra thị trường”.
 
Là người quê xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên về làm rể người Thái Mường Lò được hơn chục năm nhưng tình đất và người quê vợ đã thấm đẫm trong con người anh. Từ cây lúa, hạt gạo đã khiến anh Mậu say mê và giành nhiều thời gian để nghiên cứu về cánh đồng Mường Lò.

- Hơn 5 năm nghiên cứu, anh đánh giá thế nào về địa chất Mường Lò? - tôi hỏi.

- Cánh đồng Mường Lò nằm trong vùng đất cổ thuộc cấu tạo địa chất Indonixit với hệ thống kiến tạo địa máng mang đậm nét của vùng Tây Bắc Việt Nam. Mặc dù thuộc tỉnh miền núi, nhưng vùng lòng chảo Mường Lò có địa hình tương đối bằng phẳng. 

Do được thiên nhiên ưu đãi về đất, nước, khí hậu phù hợp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao nên từ bao đời nay nhân dân đã gieo trồng nhiều loại gạo thơm ngon, đặc biệt là giống gạo đặc sản Séng cù nổi bật với độ mềm dẻo, giàu giá trị dinh dưỡng - anh Mậu cho biết.

- Động lực nào giúp anh quyết tâm xây dựng gạo Mường Lò trở thành thương hiệu và có chỉ dẫn địa lý?

- Thật may, khi tôi đang loay hoay tìm cách xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu Gạo Mường Lò thì cũng là lúc Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết về xây dựng cánh đồng Mường Lò thành nơi sản xuất hàng hóa chất lượng cao của tỉnh. Đồng thời, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn cũng luôn tích cực mời gọi đầu tư, quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, tuyên truyền nâng cao vị thế thương hiệu Gạo Mường Lò trên thị trường nên tôi chủ động gõ cửa các cơ quan chuyên môn để đưa ra ý tưởng xây dựng Đề án chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò. Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng đã có hồi âm của lãnh đạo thị xã rằng, đã làm thì phải thành công.

Từ một cán bộ bàn giấy, anh Mậu đã tự đặt cho mình mục tiêu là phải trở thành chuyên gia về nông nghiệp. Với quyết tâm đó, anh đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu giống, thổ nhưỡng, khí hậu, đất, nước và cả phong tục tập quán canh tác của đồng bào Thái Mường Lò.
 
Qua đó, anh xác định được gạo Séng cù là giống chính để xây dựng chỉ dẫn cho gạo Mường Lò. Séng cù là giống lúa được người dân trồng từ lâu, cho năng suất cao. Đặc biệt, khi nấu chín cho độ dẻo, ngọt và hương vị đặc trưng rất riêng.
 
Song, để được công nhận chỉ dẫn địa lý, anh Mậu đã phải tìm đến các nhà chuyên môn về nông nghiệp, những nông dân địa phương trồng lúa lâu năm để xây dựng quy trình sản xuất tối ưu nhất, mang chất lượng tốt nhất. Đồng thời, để gạo Séng cù có chất lượng, yêu cầu người trồng lúa, kinh doanh phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ khâu chọn giống, gieo trồng đến khâu bảo quản, chế biến...
 
Qua nhiều lần điều chỉnh và được các cấp thẩm quyền kiểm định, ngày 14/11/2017, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có Quyết định số 3866/QĐ-SHTT về việc chấp nhận đơn hợp lệ của UBND thị xã Nghĩa Lộ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò cho sản phẩm gạo Séng cù tại khu vực địa lý thuộc các phường: Trung Tâm, Tân An, Pú Trạng, Cầu Thia; các xã: Nghĩa An, Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi thuộc thị xã Nghĩa Lộ và các xã: Thanh Lương, Thạch Lương, Sơn A, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Phù Nham, huyện Văn Chấn.
 
Đây là cơ hội để Gạo Mường Lò khẳng định thương hiệu, chất lượng của mình trên thị trường trong nước và xuất khẩu trong điều kiện nước ta đã trở thành thành viên chính thức, tích cực của Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO.
 
Gạo Mường Lò vươn ra thị trường

Ngay sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Gạo Mường Lò; được UBND tỉnh phê duyệt cho phép thành lập Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò và anh Liễu Ngọc Mậu đã được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội. 

Từ đây, Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò đã chính thức đưa sản phẩm gạo chất lượng cao ra thị trường tiêu thụ và bước đầu nhận được sự ủng hộ tích cực của người tiêu dùng.

Cầm trên tay sản phẩm gạo có bao bì nhãn mác, Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò - Liễu Ngọc Mậu cho biết: "Hơn 5 năm qua, tôi đã cố gắng tham mưu với thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò. Giờ đây, gạo Mường Lò đã được Nhà nước bảo hộ thương hiệu, tôi quyết tâm cùng với đồng bào giữ vững, phát triển Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò dù phía trước còn nhiều gian nan, thách thức, song tôi sẽ vượt qua tất cả!”.
 
Theo đó, ngay sau khi ra mắt sản phẩm gạo Mường Lò đã được người tiêu dùng trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, thành phố Yên Bái, các tỉnh miền xuôi như: Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội tìm đến và đặt hàng.
 
Ông Nguyễn Đình Viết, thôn An Sơn, huyện Văn Chấn cho biết: "Gia đình tôi cũng gieo cấy giống lúa Séng cù, nhưng mức giá bán ra thấy thấp hơn so với thương hiệu gạo Séng cù ở Mường Lò có địa chỉ chỉ dẫn nên đã đến trực tiếp cơ sở sản xuất và đóng bao bì để xem sản phẩm gạo thương hiệu. Qua xem gạo, tôi thấy gạo thương hiệu đúng là gạo Séng cù, không pha tạp, mười hạt như mười chứ không có nhiều tấm gạo như thóc nhà hay xát nên giá cả cao hơn là điều dễ hiểu”.
 
Để quảng bá thương hiệu Gạo Mường Lò có chỉ dẫn địa lý, với 50 thành viên chính thức như hiện nay, Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò đã làm tốt các khâu quản lý về thương hiệu, bao bì sản phẩm cũng như giám sát, kiểm tra chất lượng gạo.

Giờ đây, hình ảnh Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò tỉnh Yên Bái - Liễu Ngọc Mậu hàng ngày lội ruộng, vác thóc ngoài đồng đã rất quen thuộc với nông dân Mường Lò. 

Ngày đến thôn, bản mua gạo, thăm hỏi nông dân, tối về lại ngồi ghi, chép nhật ký  "Chỉ dẫn xuất xứ gạo”. Lật giở cuốn nhật ký hàng ngày, tôi thấy anh Mậu ghi lại rất chi tiết lịch trình công tác, ngày giờ thu hoạch tại đâu, bao nhiêu cân, chất lượng thóc ra sao…
 
Ví dụ: "Chiều tối ngày 30/5/2018, sau khi hết giờ hành chính, tôi đi vào trong bản làng đồng bào dân tộc Thái để nắm bắt tình hình thị trường thóc gạo Séng cù Mường Lò. Tôi vui sướng, xúc động đến trào nước mắt, khi nghe chị Hoàng Thị Dinh ở tổ Tông Co 1, phường Tân An tâm sự: "hôm nay, bà con nhân dân vui lắm anh ạ! Thóc Séng cù bán được 12.500 đồng/kg. Năm nay thóc được mùa, chất lượng cao và chưa bao giờ giá thóc cao đến vậy. Mọi năm giá chỉ khoảng 9.500 đồng/kg. Mấy hôm nay trong bữa cơm mới của người Thái luôn xoay quanh câu chuyện giá thóc và thương hiệu Gạo Mường Lò”...
 
"5 giờ 30 phút sáng ngày 4/6/2018, tranh thủ trước giờ hành chính đi gặt lúa Séng cù do gia đình cấy. Vụ này, thóc nhà mình nặng trĩu bông. Yêu lắm Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò quê mình”...
 
Chiều tối ngày 6/6/2018, hết giờ hành chính, tôi đi kiểm tra vùng nguyên liệu cho Chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò tại cánh đồng xã Thanh Lương, Thạch Lương, Phù Nham huyện Văn Chấn. Xuống cấy, chăng dây cùng bà con, tuyên truyền với bà con giữ gìn, bảo vệ, phát triển thương hiệu Gạo Mường Lò. 

Các cô thiếu nữ Thái Mường Lò tròn xoe mắt, miệng tủm tỉm cười khen cán bộ cấy giỏi thật đấy, cấy nhanh thoăn thoắt, chăng dây thẳng nữa. Trai Thái Mường Lò giờ không biết cấy. Mình được khen phổng mũi. Mình bảo, mình cũng là con em của đồng bào Thái Mường Lò mà.
 
Chị Lộc Thị È, ở thôn Bản Lào, xã Thanh Lương, chia sẻ: nhà có 3.500 m2 ruộng vụ này cấy giống Chiêm hương mang Chỉ dẫn địa lý Mường Lò. Gia đình rất vui khi vụ vừa rồi bán được thóc giá cao”... 

"Ngày mùng 2/6 các hội viên Hội Sản xuất và Kinh doanh Gạo Mường Lò tiếp tục đóng bao gạo đặc sản Séng cù gửi cho khách hàng ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng và huyện Văn Yên, Yên Bái”…
 
Thấy tôi say sưa lật từng trang nhật ký, anh Mậu cười chia sẻ: "Toàn chuyện nhỏ ấy mà. Mình ghi lại để nhớ và làm kỷ niệm thôi”.
 
Vâng! chuyện nhỏ mà chẳng nhỏ chút nào. Những gì anh Mậu đã và đang say mê làm, say mê cống hiến cho quê hương thật đáng trân trọng và khâm phục. Chỉ trong 6 tháng từ khi được công nhận thành lập, Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò đã cung cấp ra thị trường gần 2 tấn gạo. Dự kiến vụ chiêm xuân này sẽ cung cấp ra thị trường 100 tấn. 

Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò đã và đang tích cực tuyên truyền, thông tin về thương hiệu Gạo Mường Lò có Chỉ dẫn địa lý đến thị trường các khu vực miền Bắc, miền Nam, cũng như thị trường quốc tế.

Chia tay anh Mậu tôi chạy xe thong dong trên những con đường bê tông sạch đẹp uốn quanh khu lòng chảo Mường Lò. Mùa gặt mới đi qua, mùi rơm rạ vẫn còn thơm phức.
 
Tôi hít hà thật sâu mùi hương quê ngan ngát ấy và chợt nhớ đến dòng nhật ký anh Mậu vừa viết tối hôm trước: "Là một người con của đồng bào Thái Mường Lò, tôi tự hào về quê hương mình với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, thật thà, mến khách, chất phác, với những món ẩm thực đặc biệt bởi có những hạt gạo Séng cù dẻo thơm muôn phần. Yêu lắm, Mường Lò ơi!”.

 Ngọc Sơn

Các tin khác
Máy hút bùn tìm kiếm đá đỏ của người dân.

YBĐT - Chúng tôi mới có dịp trở lại Sắc Phất - bản người Dao thuộc thôn Khau Nghiềm, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên. Năm 2008, khi đến Sắc Phất, người dân ở đây mới định cư được hơn 10 năm, đời sống vẫn còn muôn vàn khó khăn. Đến nay, sau 8 năm Sắc Phất đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn đó hàng loạt vấn đề cần được chính quyền cơ sở quan tâm, giúp đỡ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy trao đổi với các phóng viên tác nghiệp trong đợt lũ tháng 10/2017 tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh.

YBĐT - Gần một năm trôi qua sau hai đợt lũ lịch sử gây ảnh hưởng nặng nề tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh. Song những ngày căng mình chống lũ của người dân đã trở thành những ký ức không thể quên trong tâm trí của chúng tôi - những phóng viên của Báo Yên Bái tác nghiệp nơi rốn lũ miền Tây.

Trưởng thôn 1 Hoàng Minh Tuấn (bên phải) thăm hộ anh Nông Minh Hạnh vụ đầu thu hoạch khoảng 10 tấn dưa hấu.

YBĐT - Dưa hấu Phúc Ninh theo xe thương lái đến Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang… được giá 6.000 đồng/kg, người dân bán lẻ ở các xã: Cảm Nhân, Tích Cốc, Xuân Long… giá 7.000 đồng/quả 2 kg cũng nhiều.

Từ khung cửa sổ phóng tầm mắt ra xa cánh đồng Nậm Khắt đang mùa nước đổ đẹp say đắm lòng người.

YBĐT - Mỗi căn nhà ở đây không gọi tên theo số mà được đặt những cái tên rất dân dã như nhà ngô, nhà lúa, nhà chè, nhà sơn tra, nhà thông…, chính đây cũng là những loại hoa quả đặc sản của vùng đất Mù Cang Chải. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục