Tảo hôn - những câu chuyện buồn

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/1/2019 | 8:19:48 AM

YênBái - Năm 2018, các huyện có nhiều cặp tảo hôn nhất là Mù Cang Chải là 123 cặp, huyện Lục Yên 67, huyện Văn Yên 60,  Văn Chấn 57, Trạm Tấu 50 cặp...

Một buổi tuyên truyền giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường Tiểu học và THCS số 2 Hồng Ca, huyện Trấn Yên.
Một buổi tuyên truyền giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường Tiểu học và THCS số 2 Hồng Ca, huyện Trấn Yên.

Dù pháp luật không cho phép nhưng nạn tảo hôn vẫn diễn ra. Lấy nhau ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nên hầu hết các cặp vợ chồng tảo hôn sống trong cảnh nghèo túng, thất học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; khả năng tự kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình là rất thấp, dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em, là gánh nặng cho xã hội.


Chuyện ở Hồng Ca

Đến xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên một ngày cuối năm, trời rét đậm trong mưa làm hành trình đến gia đình chị Sùng Thị La, thôn Hồng Lâu của chúng tôi càng thêm khó khăn. 

Ngôi nhà mái lá tuềnh toàng, rộng cỡ ba chục mét vuông, ngoài hai chiếc giường cũ, vài bao thóc thì chẳng có gì đáng giá. Đang trông cháu thấy có khách, chủ nhà vồn vã  mời khách vào nhà nhưng chúng tôi không biết ngồi đâu vì có ghế đâu mà ngồi. 

Một người phụ nữ vừa buông nồi cám lợn rồi "vác” cái bụng lùm lùm từ bếp lên, Phó Chủ tịch xã Hồng Ca - Tráng A Sai giới thiệu: "Đây là cháu Mùa Thị Phông, con dâu chị Sùng Thị La năm nay mới 16 tuổi, lấy chồng gần 3 năm, một trong 7 trường hợp tảo hôn của thôn Hồng Lâu”. 

Mong manh trong chiếc áo cộc, mặt xanh xao, Phông già hơn cái tuổi "trăng tròn” rất nhiều. Xót xa cho Phông, ở lứa tuổi này các bạn cùng trang lứa đang cắp sách tới trường còn em đã phải đảm trách vai trò người vợ, người mẹ. Mà đâu chỉ một, ngót hai tháng nữa thôi, đứa con thứ 2 của Phông sẽ chào đời. 

Chạnh lòng trước hoàn cảnh của Phông, tôi hỏi: "Tại sao cháu lại lấy chồng sớm vậy?”. Phông bẽn lẽn mãi rồi buông một câu khá vô tư: "Yêu thì lấy thôi!”. 

Tôi quay sang chị La: "Chị ơi, sao con trai chị lấy vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn mà mình lại không nói gì sao? "Mình đi làm thuê không có nhà, khi về chúng nó đã ở với nhau rồi. Chúng nó thích nhau nên mình đành chịu!” - chị La trả lời. 

Câu nói vô tư của con, sự thiếu quan tâm của mẹ đã dẫn đến người mẹ chưa đầy 40 tuổi đã lên chức bà nội. Người con trai chưa đầy 18, con dâu chưa đầy 16 tuổi đã làm bố mẹ của 2 đứa con khiến hoàn cảnh đã khốn khó nay càng khó hơn. 



Tảo hôn khiến kinh tế gia đình cháu Mùa Thị Phông, thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Điều đáng buồn, Mùa Thị Phông không phải là trường hợp cá biệt ở thôn Hồng Lâu, thôn có 123 hộ, 400 nhân khẩu mà 3 năm trở lại đây trên địa bàn đã có tới 7 trường hợp tảo hôn. Những năm qua, chính quyền, đoàn thể xã Hồng Ca đã rất nỗ lực trong việc phát hiện, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Bên cạnh đó, Trạm Y tế xã cũng phối hợp với các nhà trường trên địa bàn tuyên truyền các nội dung liên quan đến nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và hệ luỵ của vấn nạn này để các em có thêm kiến thức, góp phần đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thế nhưng năm 2018 trên địa bàn xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên vẫn có 7 trường hợp tảo hôn chủ yếu ở 4 thôn: Hồng Lâu, Khuôn Bổ, Khe Tiến và Khe Ron. 

Chuyện ở Mù Cang Chải

Rời Hồng Ca, chúng tôi ngược lên Mù Cang Chải. Đến xã Nậm Có, nơi có nhiều trường hợp tảo hôn nhất của huyện. Trong ngôi nhà trống huếch, cặp vợ chồng Thào A Tính, Lý Thị Chư ôm đứa con nhỏ còm nhom, nhành nhạch khóc, trông chỉ hai con mắt là rõ. 

Qua câu chuyện của vợ chồng Chư tôi biết họ lấy nhau khi hai vợ chồng còn quá trẻ. Về nhà chồng mới 16 tuổi, Chư vẫn chưa làm được gì ngoài sinh con. Do đó, dẫn đến chưa biết cách chăm sóc con cái cũng như phát triển kinh tế gia đình nên cuộc sống vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ. 

Trường hợp như Chư không phải hiếm ở Mù Cang Chải, năm 2018, toàn huyện Mù Cang Chải vẫn có 123 cặp tảo hôn, chiếm 27,2% trường hợp kết hôn của huyện. 

"Phạt thì người dân không có tiền, chỉ còn cách nhắc nhở, tuyên truyền mỗi ngày, mỗi tháng để "mưa dầm thấm lâu”, để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó bảo ban con cháu thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình chứ cũng chưa thể giải quyết dứt điểm ngày một ngày hai được” - Chị Sùng Thị Máy - Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải chia sẻ. 

Ba năm trở lại đây, Mù Cang Chải có trên 300 trường hợp tảo hôn, dù các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong huyện đã phối kết hợp tổ chức tuyên truyền, phân tích rất nhiều. 

Tìm một lời giải

Thực tế, hầu hết các cặp vợ chồng tảo hôn thời gian qua trên địa bàn đều là những hộ nghèo. Trình độ dân trí và ý thức pháp luật còn hạn chế, ít có cơ hội tiếp thu các tri thức văn hóa, đồng thời các chế tài xử lý còn nhẹ, chưa tương xứng với hành vi vi phạm là những nguyên nhân khiến tảo hôn xảy ra. 

Hơn thế, với suy nghĩ "không lấy chồng sớm thì sẽ ế chồng của nhà gái và lấy người về để có người làm của nhà trai” mà nhiều cặp chỉ cần sự đồng ý của những người trong bản và bố mẹ hai bên là hai đứa trẻ có thể về ở với nhau, không cần chính quyền địa phương chứng nhận. 

Điều này gây không ít khó khăn cho địa phương vì mặc dù thời gian qua các địa phương rất nỗ lực tuyên truyền không để con em lấy vợ, lấy chồng khi chưa đến tuổi pháp luật quy định, nhưng xem ra vẫn không hiệu quả. 

Ông Lương Kim Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh trăn trở: "Trước vấn đề nhức nhối trên, các địa phương và ngành dân số đã triển khai những giải pháp triển khai nhằm hạn chế tình trạng trên. Trong đó, năm 2018, Chi cục đã phối hợp với các địa phương thực hiện đã triển khai hoạt động tuyên truyền can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 24 xã của huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu”. 

Theo đó, đã tổ chức truyền thông lồng ghép với tuyên truyền các nội dung liên quan tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho hàng vạn đối tượng. 

Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến, năm 2018 các huyện có nhiều cặp tảo hôn nhất: Mù Cang Chải là 123 cặp; huyện Lục Yên 67 cặp, huyện Văn Yên 60 cặp; Văn Chấn 57 cặp; Trạm Tấu là 50 cặp... 

Tảo hôn để lại hậu quả rất lớn với cá nhân, gia đình và xã hội, làm gia tăng nhanh số lượng, giảm chất lượng dân số, trực tiếp ảnh hưởng tới việc chăm sóc giáo dục trẻ em. 

Trước hậu quả của nó, có lẽ cần một cuộc "cách mạng” quyết liệt hơn nữa với sự chung tay của các cấp, các ngành để làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là người dân vùng cao như chúng ta đã thực hiện các chiến dịch không tái trồng thuốc phiện, xóa bỏ ruộng một vụ đã thành công trước đây.                
Minh Huyền

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục