“Kiềng ba chân” xây dựng nông thôn mới vững chãi - Bài 2: Phát triển hài hòa và bền vững

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/10/2019 | 8:21:05 AM

YênBái - Giải quyết cơ bản vấn đề then chốt là đội ngũ cán bộ, tăng cường sức mạnh cho các chi bộ thôn, lúc này, Đảng ủy và chính quyền xã Việt Thành xác định nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo: phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp làm đổi thay diện mạo xã Việt Thành.
Cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp làm đổi thay diện mạo xã Việt Thành.


Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Thị Lụa phấn khởi: "Đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy, dám nghĩ dám làm, nói được làm được, dám chịu trách nhiệm là điều căn cốt nhất để mọi chủ trương, đường lối của Đảng ủy, chính quyền được tổ chức thực hiện thành công”.

Khơi tiềm năng ba vùng kinh tế

Nói gì thì nói, phải làm sao để nhân dân "xúng xính tiền trong túi” mới có thể bàn tới việc khác. Là một địa phương thuần nông thì người dân phải sống được bằng nghề nông, ai cũng mong được vậy. Chứng kiến cánh đàn ông, thanh niên la cà uống nước chè cả buổi, sốt ruột lắm! Trông đồng đất vụ nọ nối vụ kia với cây lúa kém hiệu quả, trăn trở nhiều! Ngó đồi gò tạp nham đủ loại cây bao năm chả cho thu nhiều tiền, tiếc nuối thật! 

Không thể chấp nhận chịu nghèo mãi nếu như người dân quê mình không hề nghèo ý chí, không nghèo sức lao động. Phải chụm đầu cùng bàn bạc, trao đổi mới ra vấn đề. Với điều kiện tự nhiên của các thôn, Việt Thành tiến hành rà soát, có căn cứ phù hợp, tìm sự tương đồng để đi đến quyết định quy hoạch thành ba vùng phát triển kinh tế sản xuất hàng hóa tập trung. 

Cụ thể, vùng Đồng Phúc gồm thôn Đồng Phúc, Đồng Phú nhiều đồi rừng sẽ trồng rừng kinh tế, chủ lực là cây quế; vùng Phú Thọ là khu trung tâm gồm thôn Phú Thọ, Phú Mỹ, Phú Lan có tuyến đường tỉnh Yên Bái - Khe Sang chạy qua sẽ phát triển tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại - dịch vụ, sản xuất lúa chất lượng cao, chăn nuôi; vùng Lan Đình gồm thôn Trúc Đình, Lan Đình, Phúc Đình đồng đất màu mỡ sẽ phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. 

Việc quy hoạch và tổ chức thực hiện theo chủ trương và quan điểm: "Vùng nào phải ra vùng nấy, lấy một thôn làm trọng tâm rồi mới nhân rộng. Không tràn lan, khoanh đâu phải được đó, đổi nhau làm xong thì dừng” - đồng chí Lụa cho hay. Bất cứ công việc nào, bất kể thời điểm nào thì đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn có mặt cùng dân. Thế mới nói, ở Việt Thành, những ngày cuối tuần cùng dân rõ ràng có từ ngày đó...

Đồng chí Đỗ Thanh Khôi - Bí thư Chi bộ thôn Đồng Phú nhấn mạnh rằng, sự quyết tâm và quyết liệt trong công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện ba vùng kinh tế của Việt Thành tựa một "chiến dịch”. Chiến dịch đó đi đến thắng lợi vì Đảng ủy, chính quyền xã đã xây được nền móng vững chắc với một đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, các chi bộ thôn vững mạnh, tổ chức thực hiện tốt mọi nhiệm vụ tại cơ sở khi tập hợp được nhân dân thành một khối đoàn kết. 

"Gương mẫu, trách nhiệm, tận tâm trong công việc, người dân trông vào tinh thần ấy, hành động ấy của cán bộ, đảng viên nên nghe theo, tin tưởng, làm theo” - đồng chí Khôi nêu rõ - "Hiệu quả của công tác chú trọng tăng cường sức mạnh cho các chi bộ thôn chính là chỗ đó”. 

Thôn Đồng Phú nằm trong vùng quy hoạch trồng rừng kinh tế với cây quế chủ lực và giai đoạn 2010 - 2015 đánh dấu mốc chuyển đổi mạnh mẽ nhất. Tích cực tuyên truyền, vận động cùng với cây quế mang giá trị kinh tế tự thân đã dần chinh phục người dân Đồng Phú và dần thay thế toàn bộ diện tích các loại cây khác như: vầu, luồng, keo, bạch đàn, bồ đề... Cũng bấy giờ ở Lan Đình - thôn trọng điểm trồng dâu nuôi tằm có những nỗi niềm riêng. "Cây dâu không hề mới mẻ, xa lạ với đồng đất này, dân nơi đây. Đã từng trồng thử nghiệm nhưng khi tuyên truyền, vận động chuyển đổi thì họ chả ưng. Dân bảo toàn thử nghiệm, nản quá!” - ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng thôn Lan Đình giãi bày. 

Giải pháp đưa ra là lựa chọn những hộ tâm huyết để làm điểm. Kiên trì, dốc tâm dốc sức cho cây dâu và con tằm của các hộ đó đã cho hiệu quả, là sức mạnh về niềm tin đối với các hộ. Khơi đúng tiềm năng của ba vùng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của Việt Thành năm 2015 đã đạt 25 triệu đồng. 

Xây đời sống tinh thần lành mạnh

Phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân. "Có thực mới vực được đạo” nên kinh tế phải đi trước. Cuộc sống no đủ hơn thì mới có thể quan tâm chăm lo các hoạt động văn hóa, tinh thần. Là việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Là xây dựng các sân chơi. Là những hoạt động tinh thần khác của cả địa phương... Việt Thành sau khi thành công trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hiến đất làm đường giao thông nông thôn gắn với quy hoạch và phát triển ba vùng kinh tế lại tiếp tục hiến đất xây nhà văn hóa, làm sân chơi thể thao. 

Bắt đầu từ Hội Người cao tuổi xã đưa về môn bóng chuyền hơi đã tạo nên một phong trào sôi nổi, rộng khắp như bây giờ. Cả 8 thôn đều có sân bóng chuyền hơi, thậm chí có thôn là 2 sân và ba vùng có 3 sân bóng đá đặt ở 3 thôn: Đồng Phúc, Phú Mỹ, Trúc Đình. Đương lứa tằm, bà Đinh Thị Thuyết, thôn Lan Đình tranh thủ đi hái lá dâu từ 14 giờ mỗi chiều để 17 giờ kịp về chơi bóng ở sân nhà văn hóa thôn. Thôn có 2 sân thì chia cho hai độ tuổi khác nhau: một sân cho đội thanh niên, một sân cho đội trung niên và người cao tuổi. 

Bà vừa giơ tay ra vừa bảo: "Đây, tay vẫn còn xanh vì tôi vừa đi hái dâu về đấy. Chơi bóng được hai năm rồi, nếu chiều nào không tham gia thì tôi không chịu nổi, thèm lắm!”. 

Khỏe người một nhẽ, gặp nhau còn nhân lên niềm vui, chia sớt nỗi buồn, bàn chuyện nuôi tằm, làm ăn... nên cuộc sống vui vẻ, thoải mái và gắn kết. Các sân chơi hình thành thể hiện sự quan tâm của xã dành cho hoạt động rèn luyện sức khỏe cũng như thể hiện tinh thần đồng thuận của nhân dân, hiến đất, chung sức xây dựng giữa thời "tấc đất, tấc vàng”.

Một công trình văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ là năm 2016, xã khánh thành Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ để tưởng nhớ và tri ân những người con của quê hương Việt Thành đã dâng hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc. Anh Nguyễn Văn Quyết ở thôn Phúc Đình bày tỏ rằng với lớp trẻ các anh, công trình Nhà bia nhắc nhở về ý thức "uống nước nhớ nguồn”, về trách nhiệm với thế hệ cha ông, với tương lai quê hương. 

Sau đó, việc quan tâm khôi phục đền Mẫu xã Việt Thành và được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đã tạo nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Nay tuổi 80, sinh sống tại thôn Phú Thọ, bà Đồng Thị Dung hào hứng chia sẻ niềm vui tuổi già của mình, của các cụ bà kể từ khi có đền Mẫu: "Già vui đền vui chùa, thanh thản, bình yên và luôn luôn răn dạy con cháu làm nhiều việc tốt”. Sức mạnh tinh thần đã làm nên nhiều điều tốt đẹp trên mảnh đất Việt Thành sau 10 năm xây dựng NTM. 

Ông Nguyễn Văn Cương - Trưởng thôn Trúc Đình khiêm tốn nói về những kết quả đạt được trong xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Trúc Đình đã hoàn thành 10/10 tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu với 4 tiêu chí vượt về: nhà ở, đường giao thông, nhà văn hóa, giáo dục. Mừng hơn nữa bởi thu nhập bình quân đầu người của thôn đã đạt 40 triệu đồng tính đến tháng 9 năm nay. 

Làm dâu thôn Trúc Đình, bà Triệu Thị Tâm tươi cười kể chuyện: "Họ hàng tôi ở xa tới chơi tấm tắc khen không ngớt về diện mạo, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, nhất là đường hoa trải dài khắp mọi nơi và nói phải học theo, làm theo. Tôi thấy tự hào lắm, xây dựng NTM vừa giàu vừa đẹp nên ai cũng thích, cũng thêm yêu quê mình!”.

Một sáng thứ Bảy nắng vàng mơ, đồng chí Lê Thị Lụa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cùng đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân thôn Phú Mỹ đốn tỉa đường hoa. 

Mạch chuyện tiếp nối, đồng chí Lụa khẳng định: "Xây dựng xã đạt chuẩn NTM, Việt Thành tạo nên thế "kiềng ba chân” vững chãi: hệ thống chính trị vững mạnh với đội ngũ cán bộ, đảng viên tận tâm phục vụ nhân dân - kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống nhân dân - đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, gắn kết cộng đồng. Tiếp tục xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là sự nghiệp lâu dài và không có điểm kết thúc. Thế "kiềng ba chân” vững chãi sẽ thúc đẩy Việt Thành tiếp tục phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững trong tương lai”.

Việt Thành 10 năm xây dựng nông thôn mới

- Tổng nguồn lực huy động xây dựng là 35 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 17,26 tỷ đồng, chiếm 49,3%.

- Đường liên thôn bê tông, cứng hóa theo quy định đạt 100%, đường ngõ xóm đạt 92%, đường nội đồng đạt 93,3%.

- Có 02 hợp tác xã và 19 tổ hợp tác trồng rừng, trồng dâu nuôi tằm.

- Thu nhập bình quân đầu người: 34 triệu đồng năm 2018; dự kiến đạt 38 triệu đồng năm 2019.

- Số hộ nghèo: 12 hộ, chiếm 1,4%; không có hộ cận nghèo.

- Hơn 57.000 m2 đất được hiến để làm đường giao thông, nhà văn hóa, sân thể thao...; nhân dân tự nguyện đóng góp nâng cấp đường điện chiếu sáng theo các đường trục chính ở 7/8 thôn, lắp đặt 380 bóng đèn điện với tổng trị giá trên 300 triệu đồng; trồng hoa, cây xanh ở 10 km trục đường chính trong xã và các thôn, đạt 83%.

- Tỷ lệ huy động trẻ em đi học mẫu giáo, vào lớp 1, hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt 100%; học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên THPT đạt từ 98%.

- Có 100% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; 90% số hộ có nhà vệ sinh, nhà tắm đạt chuẩn; 90% số hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường.

- Có 100% số thôn được công nhận thôn văn hóa; 95,4% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

- Thôn Trúc Đình qua thẩm định đạt tiêu chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.



Nguyễn Thơm

Tags Yên Bái “Kiềng ba chân” xây dựng nông thôn mới vững chãi phát triển hài hòa bền vững

Các tin khác
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận Phục vụ hành chính công xã Việt Thành, huyện Trấn Yên.

Không phải địa phương được chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới (NTM) của tỉnh Yên Bái và huyện Trấn Yên, nhưng bằng nỗ lực vượt bậc, xã Việt Thành đã đạt chuẩn NTM vào năm 2015 và là xã thứ 3 đạt chuẩn của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015.

Lãnh đạo Đảng ủy xã Trạm Tấu và Bí thư Chi bộ Sùng Thị Say tuyên truyền cho các cháu gái về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Đó là chị Sùng Thị Say - Bí thư Chi bộ 6, thôn Mo Nhang - Km 21, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu. Chị là nữ bí thư chi bộ người dân tộc thiểu số có nhiều nhiệm kỳ nhất ở Đảng bộ xã Trạm Tấu.

Cán bộ, công chức Cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các đoàn thê chính trị-xã hội huyện trồng đường hoa tại xã Khai Trung

"Ngày cùng dân, Ngày cùng doanh nghiệp” còn là dịp để cán bộ và nhân dân trò chuyện, từ đó tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, hướng dẫn người dân bảo vệ môi trường sống, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Một tuyến đường bê tông rực rỡ sắc hoa ở nông thôn Cường Thịnh.

"Ở một đoạn đường khó, sẽ làm ở đoạn đầu đường và cuối đường, đoạn giữa sẽ để lại. Khi người dân thấy rõ sự khác biệt khi đi trên các đoạn đường thì người dân sẽ tự khắc thấy mình được hưởng lợi trong đó". Đó chính là "bí quyết” của Cường Thịnh- địa phương đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục