Hưởng ứng Ngày Vì nạn nhân Chất độc da cam Việt Nam 10/8

Những "vết thương không mảnh đạn"- cần lắm sẻ chia!

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/8/2020 | 8:21:31 AM

YênBái - “Em có mắt nhưng không thể ngắm nhìn, có đôi môi xinh nhưng không thể cười nói, có đôi tay nhưng không thể nâng niu, có đôi chân nhưng không thể bước, có trái tim nhưng chẳng biết buồn vui…”, đó là hình ảnh của những nạn nhân nhiễm chất độc da cam(CĐDC)/Dioxin thế hệ thứ hai, thứ ba đang hàng ngày phải hứng chịu.Giờ đây việc xoa dịu nỗi đau da cam không còn là trách nhiệm của riêng ai...

Các cấp hội nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm chăm lo cho hội viên.
Các cấp hội nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm chăm lo cho hội viên.

Theo lời giới thiệu của cán bộ Hội Nạn nhân CĐDC thành phố Yên Bái, chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Hồng Chiến, tổ 2, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái - một nạn nhân nhiễm CĐDC. 

Trong ngôi nhà nhỏ ông Chiến đang ngồi xoa bóp chân cho con trai út Nguyễn Hồng Tuấn 37 tuổi bị di chứng CĐDC từ bố. Câu chuyện về những năm tháng chiến tranh khốc liệt được ông Chiến tái hiện qua lời kể chậm rãi. 

Năm 1973, ông lên đường nhập ngũ, tại chiến trường Quảng Trị - Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi sau đó gần 5 năm là lính công binh hoạt động bên Lào. Chiến tranh kết thúc, may mắn hơn nhiều đồng đội ông Chiến trở về với thân hình lành lặn, chỉ đến khi lập gia đình, sinh con ông mới biết mình bị nhiễm CĐDC. 

Qua năm tháng, ảnh hưởng bởi CĐDC khiến ông Chiến thường xuyên đau ốm, bệnh tật. Ông sinh được 3 người con thì người con trai thứ nhiễm CĐDC trí tuệ chậm phát triển, chân tay co quắp. Vợ chồng ông dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn phải bền bỉ lao động để nuôi con. 

Ông Nguyễn Hồng Chiến tâm sự: "Được sự quan tâm của Nhà nước tôi và con trai được hưởng chế độ, chính sách, được thăm hỏi, động viên thường xuyên, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định. Giờ tôi mong mình có sức khỏe để chăm sóc con, chỉ lo sau này già yếu, không còn lo được, con bơ vơ tội lắm!”. 

Còn trong ngôi nhà của nạn nhân CĐDC Vũ Xuân Túc, thôn Khe 4, xã Yên Thái, huyện Văn Yên, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường, bộ bàn ghế cũ, bộ ấm chén, vài chiếc bát ăn cơm... bằng inox. Vừa tiếp chúng tôi ông vừa chỉ tay qua chỗ người con trai Vũ Đình Châu sinh năm 1985, tâm sự: "Mỗi lần lên cơn thần kinh là em nó đập hết đồ trong nhà, nên gia đình chẳng sắm sửa gì, mua đồ bằng inox, nó có đập cũng chẳng vỡ được”. 

Ông Túc nhập ngũ năm 1971, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, năm 1976 thì xuất ngũ. Trở về quê hương, ông Túc lập gia đình sinh được 4 người con thì 3 người bị nhiễm CĐDC, các con ông đều mất khả năng tự chủ, thần kinh không ổn định. 

Ông Vũ Xuân Túc chia sẻ: "Con gái cả Vũ Thị Thắm, sinh năm 1978 và Vũ Thị Tươi sinh năm 1982 hay bỏ nhà đi lang thang, sợ con đi mất nên gia đình tôi luôn phải khóa cửa nhà, còn thằng út Vũ Đình Châu thì hay đập phá. Ngày ngày nhìn các con có lớn mà chẳng có khôn tôi đau lòng lắm. Những năm qua, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên nên gia đình tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với ông Chiến, ông Túc, Yên Bái có hàng nghìn người lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã anh dũng hy sinh, nhiều người là thương binh, bệnh binh, bị phơi nhiễm chất độc hóa học. 

Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.400 người nhiễm CĐDC, trong đó, có trên 750 người là nạn nhân trực tiếp, 590 nạn nhân bị di chứng từ bố mẹ. Hầu hết số nạn nhân trực tiếp tuổi đã cao, sức khỏe yếu, bệnh tật, nạn nhân bị di chứng nặng do ảnh hưởng bởi chất độc hóa học nên đời sống vô cùng khó khăn. 

Điều đáng nói, có những gia đình nhiều thế hệ, nhiều người bị nhiễm CĐDC. Bởi vậy những nạn nhân CĐDC luôn cần lắm sự quan tâm, sẻ chia. Giờ đây chung tay xoa dịu nỗi đau da cam đã và đang trở thành hoạt động đầy ý nghĩa được toàn xã hội hưởng ứng bằng nhiều hành động thiết thực, hiệu quả. 

Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh là cầu nối giữa nạn nhân CĐDC với những nhà hảo tâm đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho nạn nhân CĐDC. Hưởng ứng Phong trào "Vì nạn nhân CĐDC” do Trung ương Hội phát động, các cấp hội trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Từ nguồn hỗ trợ đó, Hội đã xây mới ngôi nhà tình nghĩa cho nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giúp đỡ cho gần 30 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không tính lãi với số tiền 100 triệu đồng để chăn nuôi, phát triển kinh tế. 

Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các cơ sở y tế trong tỉnh, khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, điều trị bệnh hiểm nghèo cho nạn nhân CĐDC; phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương tổ chức đưa đón hàng nghìn lượt nạn nhân về Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh theo chế độ quy định. 

Những năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh cũng luôn đồng hành, chăm sóc đời sống tinh thần, động viên các nạn nhân vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Mỗi dịp Ngày "Vì nạn nhân CĐDC/Dioxin Việt Nam” Hội đều tổ chức các hoạt động ý nghĩa gặp gỡ, sẻ chia nỗi đau da cam các thế hệ, biểu dương nạn nhân CĐDC và thân nhân tiêu biểu vượt khó vươn lên... 

Bên cạnh đó, Hội còn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, thực hiện chính sách đối với nạn nhân CĐDC, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách cho nạn nhân CĐDC... 

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh cho biết: "Sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền và sự nhiệt tình ủng hộ của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội, các nhà hảo tâm và nhân dân cũng như sự cố gắng của các cấp Hội đã góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân CĐDC trong tỉnh. Tuy nhiên, so với những "vết thương không mảnh đạn " của các nạn nhân CĐDC thì những cố gắng bù đắp đó vẫn còn rất nhỏ bé. 

Vì vậy, trong thời gian tới, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” đến cán bộ, hội viên, quần chúng nhân dân. Qua đó, vận động cộng đồng xã hội cùng chung tay ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC.      

Cần những chính sách thấu đáo vì nạn nhân CĐDC

Ông Hoàng Đình Thưởng - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Yên Bình: 



"CĐDC/Dioxin tác động đến hệ thống di truyền gây nên những biến đổi gen di truyền qua bố mẹ ảnh hưởng tới thế hệ sau, gây dị dạng, dị tật bẩm sinh ở con và cháu những người trực tiếp bị phơi nhiễm. Thế nhưng hiện nay, chính sách cho đối tượng nhiễm CĐDC chỉ thực hiện cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ. 

Còn với thế hệ thứ 3 đang phải quằn quại trong đau đớn lại chưa được hưởng chế độ khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình trở nên khốn khó vô cùng. Việc sớm bổ sung chế độ chính sách cho thế hệ thứ 3 của những người từng tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC đang được thụ hưởng chính sách đối với người có công là điều cấp thiết hơn bao giờ hết, để giúp các gia đình giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống”. 

Ông Lê Hồng Cường - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin thành phố Yên Bái: 



"Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn thành phố Yên Bái đã có nhiều chính sách và biện pháp tích cực để hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các nạn nhân bị phơi nhiễm CĐDC. Tuy nhiên, bên cạnh những nạn nhân đang được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, trên địa bàn vẫn còn người tham gia kháng chiến trong vùng Mỹ sử dụng chất độc hóa học chưa được giám định để hưởng chế độ do còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần khắc phục những tồn tại, vướng mắc, vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ trong quá trình xác nhận, thẩm định, không chậm trễ để những đối tượng được thụ hưởng chính sách xứng đáng với công lao mà họ đã hy sinh vì Tổ quốc”.

 Thu Hiền

Tags Yên Bái hưởng ứng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Các tin khác
Đồng bào Mông vui chung một tết.

Cây thuốc phiện vắng bóng trên quê hương Trạm Tấu, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên, tỏa hôn nhiều năm qua giảm mạnh,người chết đã được đưa vào quan tài rồi mới tổ chức đám tang, người Mông ăn chung một tết Nguyên đán... Đó là cả quá trình gian nan, thử thách, tốn kém, thậm chí hy sinh xương máu của công tác dân vận.

Cán bộ nông nghiệp huyện Trạm Tấu kiểm tra mô hình canh tác ngô bền vững trên đất dốc.

"Mỗi lĩnh vực dân vận ở Trạm Tấu là một cuộc cách mạng”. Đó là đúc kết từ thực tiễn công tác dân vận của anh Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy người Mông trên vùng cao Huyện ủy Trạm Tấu. Và thực tiễn?

Chốt kiểm soát chợ Yên Ninh, thành phố Yên Bái nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang khi vào chợ.

Đã hơn 1 tuần kể từ khi bùng phát dịch tại Đà Nẵng, nhưng mọi sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra trong điều kiện bình thường mới, không có tình trạng găm hàng hay đẩy giá các mặt hàng thiết yếu.

Mô hình nuôi gà đen đem lại hiệu quả kinh tế cao của Mùa A Dơ.

Làm chủ trang trại gà đen hơn 1.000 con và làm cả một homestay trên đỉnh núi Tà Chì Nhù, cao thứ 8 Việt Nam, phục vụ du khách leo núi khám phá, săn mây - ý tưởng khởi nghiệp táo bạo của chàng thanh niên Mông chưa đầy 30 tuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục