Khát vọng lập nghiệp của giám đốc 8X

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2020 | 8:12:20 AM

YênBái - Với mong muốn tập hợp những người có cùng khát vọng, ý chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, tạo mối liên kết trong sản xuất và bao tiêu ổn định nông sản, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên và người nông dân trồng cam, những thanh niên thế hệ 8X ở thôn Kiến Rịa, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận, người chịu trách nhiệm gánh vác là Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Hợp tác xã.

Anh Đỗ Quang Trọng (thứ hai, bên phải) giới thiệu mô hình trồng cam với lãnh đạo xã.
Anh Đỗ Quang Trọng (thứ hai, bên phải) giới thiệu mô hình trồng cam với lãnh đạo xã.

Cái nắng oi ả như thách thức chúng tôi, mới sáng sớm mà mặt trời đã chói chang khiến cho quãng đường vào xã Bình Thuận như dài thêm. Đánh vật với con đường lô nhô sỏi đá lúc này quả không đơn giản chút nào, ấy vậy mà vừa đặt chân đến đất Bình Thuận, không khí đã mát mẻ hơn, có lẽ bởi những đồi cây, đồi cam dọc hai bên đường vào xã đã tạo cho cảnh quan, không khí dịu mát. 

Mải mê rồi chúng tôi đã đến nhà Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Hợp tác xã. Ngôi nhà xây kiên cố, bề thế với những vật dụng sinh hoạt đắt tiền, nhà cửa vắng hoe, gọi điện tới mấy cuộc mới thấy Trọng nghe máy rồi một lúc sau mới thấy anh mồ hôi nhễ nhại phóng xe máy trở về cùng mấy thành viên trong Hợp tác xã. 

Lau vội những giọt mồ hôi trên mặt, Trọng cho biết đang chỉ đạo các thành viên phun thuốc, làm cỏ cho một số diện tích cam, bởi thời gian vừa qua nắng nóng, một số diện tích có hiện tượng sâu bệnh nên phải xử lý ngay. 

Qua câu chuyện được biết, để có được thành quả như hiện nay, Trọng cũng phải bươn trải đủ thứ nghề, từ trồng rừng, trồng chè, làm dịch vụ nông nghiệp, làm tóc, áo cưới... Rồi cơ duyên đến với nghề trồng cam như một định mệnh khi Trọng được đi tham quan một số mô hình trồng cam ở tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang. 

Cam không phải là cây trồng xa lạ, bởi trước đây Trọng cũng đã trồng nhưng chỉ là nhỏ lẻ, lấy quả phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Nghĩ rằng, nếu cứ phát triển manh mún nhỏ lẻ sẽ rất khó có hiệu quả kinh tế, vậy là năm 2011, anh mạnh dạn phá bỏ hơn 2.000 m2 chè trung du kém hiệu quả, vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hơn 200 triệu đồng để trồng cam. 

Thấy lạ, nhiều người bán tín, bán nghi, cho anh là hâm. Bỏ ngoài tai những lời dị nghị, bàn tán, anh vẫn quyết tâm làm bằng được. Tự thuê người đào rạch, rồi tìm mua giống, trồng và chăm sóc thấy có bệnh lạ lại vào mạng đọc rồi nhờ cán bộ khuyến nông viên tư vấn giúp đỡ. Bỏ bao nhiêu công sức, tổng vốn liếng lên tới cả nửa tỷ đồng để kỳ vọng vào những trái ngọt đầu mùa, rồi hơn 1.000 gốc cam phát triển tốt, sau 3 năm đã cho thu hoạch. 

Từ thành công bước đầu, Trọng tiếp tục mở rộng quy mô trồng cam. Không chỉ vậy, anh vận động bà con trong thôn phá bỏ vườn tạp, diện tích chè trung du kém hiệu quả sang trồng cam. Suy nghĩ nếu cứ làm manh mún kiểu mạnh ai nấy làm sẽ bị tư thương ép giá, hơn nữa khó tìm kiếm được đầu ra cho sản phẩm, tháng 9/2017, anh đứng ra thành lập Hợp tác xã Trồng cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận để bảo đảm quyền lợi cho các thành viên cũng như tạo mối liên kết để bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Người góp của, người góp cây giống, khi thành lập, Hợp tác xã chỉ có 7 thành viên với diện tích cam trên 5 ha. Mọi trọng trách từ hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống đến xây dựng quy trình sản xuất, lo đầu ra cho sản phẩm một mình Trọng đảm nhiệm. Không chỉ có vậy, những năm cam được mùa, Trọng còn đứng ra bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nhiều hộ dân khác chưa đủ điều kiện tham gia Hợp tác xã. Trọng chia sẻ: "Làm ăn tập thể phải biết tính toán, có kế hoạch và chiến lược cụ thể, hơn nữa cũng phải chủ động khảo sát, tìm kiếm, xem nhu cầu thị trường cần những loại sản phẩm như thế nào thì mình đáp ứng. Như vậy, mới phát triển ổn định lâu dài, tránh lặp lại "được mùa, mất giá". 

Bằng những kinh nghiệm thực tế và qua quá trình khảo sát thị trường, anh đã tập trung phát triển cam Đường canh theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi bắt tay vào sản xuất, gặp không ít khó khăn bởi tư duy canh tác của bà con vẫn nặng việc dùng thuốc bảo vệ thực vật. Cam là loại cây nhiều sâu bệnh, khi ra hoa đến lúc đậu quả nếu không chú ý phòng trừ sâu bệnh là hầu như không được thu hoạch. 

Bởi vậy, bà con thường phun thuốc chống rụng quả rồi lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến nhiều năm qua sản phẩm cam của Bình Thuận vẫn không có chỗ đứng trên thị trường, sức tiêu thụ kém. Bằng quyết tâm của mình, Trọng đã thành công trong việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào hơn 70 ha cam của Hợp tác xã. 

Anh chia sẻ: "So với quy trình sản xuất cũ thì sản xuất theo quy trình VietGAP giá cam cao hơn nhưng sản phẩm có chỗ đứng và sức cạnh tranh trên thị trường. Tại các siêu thị lớn của Hà Nội, chúng tôi đã ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Hướng tới đây không chỉ là trong nước mà chúng tôi sẽ có thể xuất ra nước ngoài với quy mô lớn, vì bình quân mỗi năm thu hoạch được trên 500 tấn cam". 

Là thành viên của Hợp tác xã, anh Nguyễn Văn Lâm chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi sản xuất manh mún nhỏ lẻ không có sự liên kết nên tình trạng được mùa mất giá diễn ra khá phổ biến, rồi sâu bệnh nữa, nhiều lúc tưởng chắc ăn nhưng đến lúc thu hoạch thì sâu "ăn” mất trắng. Từ khi tham gia Hợp tác xã, có sự cộng đồng trách nhiệm, sản xuất theo đúng quy trình nên hiệu quả hơn hẳn". 

Giờ đây, nhiều hộ dân cũng tình nguyện tham gia Hợp tác xã, để từ đó hình thành mối liên kết an toàn theo chuỗi. Bằng những nỗ lực và những bước đi thận trọng, sản phẩm cam của Hợp tác xã đã có mặt ở một số siêu thị lớn như Big C và các hệ thống siêu thị bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. 

Chia sẻ vấn đề này, Trọng cho biết thêm: "Việc sản phẩm của Hợp tác xã có mặt và đứng chân tại một số siêu thị và hệ thống bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận là động lực để các thành viên có thêm quyết tâm mở rộng quy mô cũng như tâm huyết với nghề, qua đó sẽ gắn kết thêm nhiều thành viên cộng đồng trách nhiệm giúp nhau thoát nghèo và làm giàu". 

Bằng ý chí, nghị lực và khát vọng làm giàu, mô hình lập nghiệp của những chàng trai thế hệ 8X của xã Bình Thuận đã khẳng định là ở đâu có nhiệt huyết, có đam mê sẽ có thành công. Giờ đây, không chỉ là niềm tự hào của những thế hệ 8X xã Bình Thuận mà còn là niềm tự hào về ý chí, nghị lực, khát vọng làm giàu đồng thời trở thành động lực, tiếp sức cho những thế hệ trẻ của xã Bình Thuận hôm nay vươn lên làm giàu xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp. 
Thanh Tân

Tags Đỗ Quang Trọng giám đốc 8X lập nghiệp hợp tác xã trồng cam

Các tin khác
Nông dân xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu sản xuất lúa hàng hóa.

Đạt được thành tựu trong công tác dân vận là sự nỗ lực, quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu. Tuy nhiên, huyện luôn xác định giữ vững và phát huy thành quả công tác dân vận cũng không kém phần nan giải.

Các cấp hội nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm chăm lo cho hội viên.

“Em có mắt nhưng không thể ngắm nhìn, có đôi môi xinh nhưng không thể cười nói, có đôi tay nhưng không thể nâng niu, có đôi chân nhưng không thể bước, có trái tim nhưng chẳng biết buồn vui…”, đó là hình ảnh của những nạn nhân nhiễm chất độc da cam(CĐDC)/Dioxin thế hệ thứ hai, thứ ba đang hàng ngày phải hứng chịu.Giờ đây việc xoa dịu nỗi đau da cam không còn là trách nhiệm của riêng ai...

Đồng bào Mông vui chung một tết.

Cây thuốc phiện vắng bóng trên quê hương Trạm Tấu, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên, tỏa hôn nhiều năm qua giảm mạnh,người chết đã được đưa vào quan tài rồi mới tổ chức đám tang, người Mông ăn chung một tết Nguyên đán... Đó là cả quá trình gian nan, thử thách, tốn kém, thậm chí hy sinh xương máu của công tác dân vận.

Cán bộ nông nghiệp huyện Trạm Tấu kiểm tra mô hình canh tác ngô bền vững trên đất dốc.

"Mỗi lĩnh vực dân vận ở Trạm Tấu là một cuộc cách mạng”. Đó là đúc kết từ thực tiễn công tác dân vận của anh Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy người Mông trên vùng cao Huyện ủy Trạm Tấu. Và thực tiễn?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục