Do đó, bên cạnh phát huy những thành quả đạt được, nhiệm kỳ mới, huyện chú trọng đẩy mạnh công tác dân vận theo hướng nâng cao khả năng tiếp cận các cơ hội mới, vận hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản thoát khỏi huyện nghèo.
Những vận hội được xác định trong giai đoạn hiện nay là công cuộc đổi mới của đất nước ngày càng đạt thành quả to lớn; do vậy, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm điều chỉnh các chính sách ưu tiên và đầu tư nguồn lực cao nhất cho phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Uy tín nước ta trên trường quốc tế ngày càng lớn mạnh, góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư theo mục tiêu phát triển toàn cầu; thu hút đông đảo du khách quốc tế đến Việt Nam; trong đó, có huyện Trạm Tấu; thông tin, quảng bá hình ảnh của huyện Trạm Tấu ra bên ngoài rất thuận lợi; thị trường lao động được mở rộng...
Cơ hội phát triển kinh tế nói chung và kinh tế ở vùng cao, vùng miền núi và dân tộc ngày càng thuận lợi, đó là nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ; tiềm năng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp đặc hữu; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đất đai canh tác nông nghiệp rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào...
Thực tế cho thấy, thời gian qua, huyện Trạm Tấu cơ bản đã định hình, quy hoạch, xây dựng được chiến lược phát triển các tiềm năng, thế mạnh kinh tế và tạo được những bước khởi động và kết quả rất khả quan.
Trong đó, về nông nghiệp hàng hóa, huyện đã tập trung xây dựng các giải pháp để hướng tới khai thác hiệu quả hơn nữa vùng nguyên liệu chè trên 500 ha; trong đó, vùng chè Shan cổ thụ ở xã Phình Hồ chiếm khoảng trên 1/3 diện tích. Hiện tại, huyện đang tích cực phối hợp triển khai xây dựng Chỉ dẫn địa lý Chè Shan Phình Hồ và có những doanh nghiệp tiến hành khảo sát liên kết đầu tư chế biến các sản phẩm chè xanh, chè sạch.
Đối với sản xuất lúa gạo, là địa phương miền núi nhưng Trạm Tấu đang phát huy rất tốt sản xuất hàng hóa đối với giống lúa nếp 87 và tẻ đỏ. Giống nếp 87 chủ yếu được gieo cấy tại xã Hát Lừu khoảng 200 ha và giống tẻ đỏ được trồng ở nhiều xã trong huyện.
Qua thời gian đưa vào gieo trồng, hai giống lúa này cho thấy ưu điểm nổi trội là năng suất cao; chất lượng gạo ngon hơn hẳn ở các địa phương khác do các yếu tố khoa học được xác định là nền nhiệt ở Trạm Tấu thấp hơn những nơi khác; biên độ nhiệt dao động lớn trong ngày; ruộng bậc thang có nhiều chất phong hóa từ núi cao và nguồn cung cấp nước tưới trực tiếp từ các khe núi đá...
Giá bán mỗi ki-lô-gam thóc nếp 87 và tẻ đỏ đều cao gấp rưỡi các giống lúa thường. Toàn bộ những sản phẩm này hiện được tư thương bao tiêu ổn định để cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Giống khoai sọ của người Mông được trồng chủ yếu trên các triền núi đá có độ phì lớn, khí hậu ôn hòa, năng suất cao; bảo quản sản phẩm được lâu; khoai bở, thơm, dẻo ngon nức tiếng gần xa và được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Cũng giống như nếp 87 và tẻ đỏ, do sản lượng khoai sọ hiện còn khá khiêm tốn nên phần lớn sản phẩm được tư thương bao tiêu.
Nhận thấy, đây là một sản phẩm đặc sản có nhiều ưu điểm phát triển kinh tế hàng hóa nên huyện đang chỉ đạo tiếp tục tập trung phát triển quy mô lớn.
Sản phẩm măng ớt Trạm Tấu cũng là một lợi thế kinh tế, do ngày càng có nhiều người biết đến và ưa dùng. Hiện tại, măng ớt chủ yếu được tiêu thụ qua du khách đến với Trạm Tấu và có mặt tại nhiều cửa hàng thực phẩm ở một số thành phố như Yên Bái, Hà Nội...; tuy nhiên, khối lượng sản phẩm chưa nhiều, giá cao.
Măng ớt Trạm Tấu có ưu điểm hương vị thơm cay rất đặc biệt, dễ ăn và sản phẩm này được chế biến bằng những bí kíp truyền thống của người Mông nên bảo quản, sử dụng an toàn trong thời gian kéo dài tới 10 năm. Loài trúc thảo thân đặc để làm măng ớt, qua các cứ liệu điều tra, nghiên cứu khoa học cho thấy, chỉ có duy nhất ở vùng núi huyện Trạm Tấu trên độ cao 1.500m so với mực nước biển nên đây là một lợi thế kinh tế lớn.
Nói đến sản phẩm nông nghiệp đặc hữu ở Trạm Tấu, còn phải nhắc đến giống gà đen, lợn bản địa của người Mông. Thời gian qua, huyện Trạm Tấu đã xây dựng chiến lược phát triển cho hai sản phẩm này và thực hiện các giải pháp để phát triển thông qua giao chỉ tiêu chăn nuôi cho các xã giúp nông dân thích ứng dần với chăn nuôi hàng hóa; khuyến khích đầu tư phát triển theo mô hình gia trại, trang trại.
Cả hai sản phẩm này hiện vẫn chưa bảo đảm được khối lượng cung ứng cho nhu cầu của thị trường và mỗi ki-lô-gam gà đen hiện có giá bán tới 160.000 đồng (cao gấp đôi gà thường); giống lợn bản địa cao hơn từ 20.000 đến 30.000 đồng so với lợn thường. Tại Trạm Tấu, hiện xuất hiện một số mô hình nuôi gà đen, lợn bản địa mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan.
Cùng với phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đặc hữu, Trạm Tấu đang tập trung khai thác các thế mạnh du lịch. Ưu điểm lớn nhất ở Trạm Tấu là có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; du lịch mạo hiểm; du lịch nghỉ dưỡng...
Những năm gần đây, cứ vào những ngày nghỉ cuối tuần, Trạm Tấu thường đón trung bình trên nghìn du khách; trong đó, có cả du khách nước ngoài đã đến với một số điểm như khu nghỉ dưỡng suối khoáng; điểm du lịch đồi thông Eo Gió ở thị trấn huyện; điểm du lịch leo núi Tà Xùa và núi Tà Chì Nhù; điểm thác nước Háng Đề Chơ ở xã Làng Nhì và thác Tà Xùa ở xã Bản Công...
Một tiềm năng kinh tế nữa đang được huyện Trạm Tấu tập trung khai thác, đó là nguồn lao động dồi dào. Nhiều năm qua, huyện đã tham gia vào các chương trình xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Cùng đó, nguồn nhân lực của Trạm Tấu đã tham gia khá mạnh vào thị trường lao động trong nước và thu hút được một nguồn tài chính khá lớn quay lại đầu tư ổn định cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế địa phương.
Điển hình, có 100 người hiện đang hợp đồng lao động tại Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và có thu nhập cao; trong đó, năm 2019 có 2 người đã gửi về cho mỗi gia đình 300 triệu đồng. Hiện tại, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đang có nhu cầu tuyển dụng tiếp khoảng 100 lao động nữa. Nhiều công ty, doanh nghiệp khác cũng đã phối hợp với huyện để khảo sát tiềm năng nguồn nhân lực và trao đổi phương án hợp tác.
Để tạo được những bứt phá trong khai thác các tiềm năng, thế mạnh kinh tế nêu trên, huyện Trạm Tấu đã nghiên cứu, thống nhất đưa ra được nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế từng lĩnh vực kinh tế. Trong đó, về kinh tế nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm đặc hữu, huyện chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào sản xuất hàng hóa và sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đây là vấn đề cốt yếu tạo sự thuận lợi cho đầu tư thâm canh và tạo ra sản phẩm hàng hóa khối lượng lớn.
Đồng thời, quy mô sản xuất tập trung sẽ tạo thuận lợi cho việc thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển và kiểm soát chặt chẽ các quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm có sự đồng bộ hình thức, mẫu mã, chất lượng theo quy chuẩn thị trường...
Riêng với vùng nguyên liệu măng ớt, huyện đã có phương án quy hoạch khoảng trên nghìn héc - ta; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chủ động bảo vệ rừng, nhân rộng vùng nguyên liệu và kiểm soát chặt chẽ không cho khai thác măng cuối vụ khoảng 1 đến 2 tháng nhằm tạo sự sung sức cho vùng nguyên liệu.
Cùng với những giải pháp trên, huyện Trạm Tấu luôn coi trọng vai trò dẫn dắt thương mại cho nông dân thông qua việc quảng bá các sản phẩm hữu cơ, đặc hữu tại các hội chợ thương mại và xây dựng lộ trình tham gia chợ thương mại điện tử. Tích cực vận động nhân dân chung sức cùng với nguồn đầu tư của Nhà nước để mở đường bê tông về các thôn, bản, tạo thuận lợi cho đi lại, sản xuất và lưu thông hàng hóa...
Với hoạt động du lịch, huyện đã phối hợp với một số cơ quan chuyên môn thực hiện khảo sát, lập quy hoạch xây dựng một số điểm du lịch sinh thái. Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng bảo vệ cảnh quan, môi trường, chỉnh trang nhà cửa để từng bước hướng tới làm du lịch cộng đồng; trước mắt là ở cộng đồng dân tộc Thái xã Hát Lừu và cộng đồng người Mông ở khu vực thôn Cu Vai, xã Xà Hồ.
Động viên thanh niên là người dân tộc thiểu số học tiếng Anh; tham gia các lớp đào tạo kiến thức làm du lịch... để chủ động đón đợi các cơ hội mở mang dịch vụ du lịch. Hiện tại, có những thanh niên người Mông làm dịch vụ đưa đón khách, bố trí ăn nghỉ cho du khách tại đỉnh Tà Chì Nhù thu hút rất đông khách và mang lại thu nhập cao.
Công tác tuyên truyền, vận động trong khai thác nguồn nhân lực đã có nhiều cách làm rất sáng tạo. Trong đó, Huyện ủy đã chỉ đạo Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện xây dựng một số phóng sự truyền hình để bà con người Mông hiểu rõ thực tế con em mình được tuyển dụng lao động, đào tạo nghề, bố trí ăn ở, làm việc, mức thu nhập và các chế độ ưu đãi khác tại một số doanh nghiệp trong nước để bà con mạnh dạn tham gia vào thị trường lao động ngoại tỉnh.
Tuyên truyền, vận động để lớp lao động trẻ từng bước khắc phục những hạn chế trong lối sống tự do của người dân tộc thiểu số, chủ động học nghề để hòa nhịp với những yêu cầu khắt khe trong môi trường lao động công nghiệp. Tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính do lao động từ bên ngoài mang lại trở về tái đầu tư một cách hiệu quả nhất tại Trạm Tấu...
Với những giải pháp trên, công tác dân vận của Đảng chắc chắn sẽ tiếp tục tạo nên động lực mới để Trạm Tấu tiếp cận những cơ hội, vận hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu đến năm 2025 cơ bản thoát khỏi huyện nghèo.
Hoàng Nhâm