Anh Lương Văn Vân đã có 7 năm gắn bó với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em với vai trò là cán bộ Chương trình Phát triển vùng, xã Bảo Ái (Yên Bình). Từ những ngày đầu tiên đến xã, anh đã tự mình khảo sát tình hình an sinh trẻ em trên địa bàn, qua đó, phát hiện 23 vấn đề trẻ em tổn thương, nghiêm trọng nhất là bạo lực trẻ em.
Một cuộc họp được diễn ra bao gồm các thành viên trong ban bảo vệ chăm sóc, trẻ em cấp xã, ban phát triển thôn, ban quản lý…; "Nguyên nhân của bạo lực là đói nghèo, trình độ nhận thức hạn chế, những dấu hiệu của sự đổ vỡ trong gia đình gây ra mâu thuẫn, tệ nạn xã hội…” - anh Vân đã khẳng định như thế để từ đó phối hợp với UBND xã, các tổ chức đoàn thể định hướng, triển khai các hành động để chấm dứt bạo lực trẻ em.
Bằng nhiều hình thức đa dạng như: truyền thông trực tiếp, truyền thông gián tiếp, tổ chức các buổi sinh hoạt liên quan đến nội dung "gia đình toàn mỹ”, các hoạt động sinh kế, tín dụng tiết kiệm, giúp đỡ các hộ gia đình có trẻ em dễ bị tổn thương phát triển kinh tế, an sinh trẻ em trên địa bàn dần được cải thiện. Anh Vân cũng quan tâm, giúp đỡ trên 10 trường hợp hôn nhân đổ vỡ và bạo lực trẻ em.
Trường hợp vợ chồng anh KV là một điển hình. Vợ chồng anh KV thường xuyên mâu thuẫn trong vấn đề nuôi dạy con cái. Vì con yêu sớm và có tư tưởng bỏ học nên anh KV đã xích tay con lại, nhốt ở nhà. Nắm được thông tin, anh Vân đã nhanh chóng có mặt, nhẹ nhàng phân tích, tư vấn để gia đình tự nhận ra vấn đề của mình, cùng nhau tháo gỡ, vượt qua khó khăn và chung sống hòa thuận.
Ngoài ra, khi xảy ra những vụ bạo lực gây thương tích tại địa phương, anh Vân cũng thường đến bệnh viện để động viên và làm công tác tư tưởng cho cả trẻ em và gia đình. Với anh Vân, nụ cười hạnh phúc của trẻ chính là niềm vui, động lực lớn nhất để anh tiếp tục tâm huyết với công việc này.
Pàng Dua - cô bé người Mông ở xã Xà Hồ (Trạm Tấu) từng bị bố mẹ ép kết hôn sớm từ khi em mới 14 tuổi. Lúc ấy, cô bé mới lớn chỉ biết nghĩ rằng cuộc đời mình có 2 lựa chọn: một là ăn lá ngón tự tử, hai là tự đứng lên đưa ra ý kiến, quan điểm bảo vệ mình đến cùng. Có thể nhiều người cho rằng đó là sự lựa chọn dễ dàng và rõ ràng.
Song đối với một cô bé người Mông 14 tuổi, sống trong môi trường gia đình và cộng đồng quá nặng nề về quan niệm cổ hủ, sự nhận thức còn nhiều hạn chế thì đây hẳn là quyết định khó khăn. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Pàng Dua quyết định chọn cách thứ hai. Biết chống chọi một mình là vô ích, em đã nhờ đến tất cả bạn bè, người thân, các cán bộ ở xã, thôn đến gặp bố mẹ mình để vận động, giải thích, thay đổi suy nghĩ của họ. Sau bao nỗ lực, em được bố mẹ đồng ý sẽ không ép lấy chồng.
Pàng Dua được tiếp tục ước mơ đi học, giờ đã là học sinh lớp 10, không những dẫn đầu lớp về thành tích học tập mà còn nhiệt tình tham gia các hoạt động tập thể, tự tin, mạnh dạn trong cuộc sống. Mỗi ngày trôi qua, Pàng Dua vẫn cố gắng học tập và rèn luyện để sau này trở thành người có ích cho xã hội, là người truyền cảm hứng, dám đấu tranh để bảo vệ bản thân cho các bạn đồng trang lứa vì cuộc sống là của chính mình.
Chị Lường Thị Thiết - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Sơn (thị xã Nghĩa Lộ) là một trong những thành viên tích cực trong Ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em xã. Nhờ chị mà rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đã được quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những gia đình ở xã Phúc Sơn đã quá quen với hình ảnh người phụ nữ dịu dàng, nhỏ bé nhưng chưa bao giờ quản ngại mưa nắng, sáng tối để tìm đến thăm những đứa trẻ vốn sinh ra đã mang nhiều thiệt thòi.
Những người cha tự tay làm thiệp, viết những dòng tâm sự, lời yêu thương để tặng cho vợ và con.
Sau mỗi chuyến đi là mỗi trăn trở "làm cách nào để giúp trẻ vơi bớt những khó khăn” - đó cũng chính là lý do chị thức trắng đêm bên những trang giấy cùng những bản đề xuất, kế hoạch giúp trẻ, để thực hiện tốt hơn công tác tham mưu cho Ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em xã thực hiện hiệu quả các hoạt động chuyên môn.
2 trẻ mồ côi được chuyển tuyến nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh; 7 trẻ được lập hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 2 trẻ được hỗ trợ các điều kiện để đến trường; 5 trường hợp được hưởng chế độ đơn thân nuôi con; kết nối xóa nhà dột nát cho 5 anh em trẻ mồ côi… - là những gì chị Thiết đã làm được để giúp đỡ những đứa trẻ dễ bị tổn thương.
Chị Thiết có một mong muốn là mỗi gia đình đều sinh sống hòa thuận, êm ấm, mỗi đứa trẻ đều có cuộc sống trọn vẹn ý nghĩa. Nhìn cách chị nói, chị làm, cách chị lắng nghe, tư vấn sẽ cảm nhận rõ được tình yêu thương sâu sắc, tấm chân tình dành cho trẻ thơ của chị bởi không chỉ xuất phát là người thực hiện các hoạt động theo vai trò, mà đó là một niềm đam mê, khát khao của chị.
Còn hàng trăm, hàng ngàn những con người bình dị mà phi thường trong cộng đồng đã, đang và sẽ tiếp tục không dửng dưng, im lặng trước những khốn khó, bất công. Họ hành động trong khả năng của mình, hoặc thậm chí nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân, để mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em.
Những con người bình dị đó là những người cán bộ cương trực luôn đặt lợi ích của cộng đồng và trẻ em lên trên hết; là những cộng tác viên tâm huyết vì những thay đổi tích cực trong thôn xóm của mình; là những người cha, người mẹ quyết tâm thay đổi, học hỏi để nuôi dạy con tốt hơn và làm tấm gương cho những gia đình xung quanh; là những em học sinh biết lan tỏa suy nghĩ tích cực của mình để mang lại niềm vui và sự ấm áp cho các bạn.
Cùng với sự tham gia của từng cá nhân, gia đình, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, những hỗ trợ, hoạt động tích cực, cụ thể từ Chương trình Phát triển vùng, Tổ chức Tầm nhìn thế giới đã cùng chung sức tạo ra hy vọng và xây dựng một cuộc sống an toàn, có ý nghĩa cho trẻ em.
Chị Giang Thị Thu Thủy - Quản lý các Chương trình Phát triển vùng Yên Bái - Tuyên Quang cho biết: "Trong hợp phần bảo vệ trẻ, Chương trình Phát triển vùng tổ chức 5 hoạt động, mô hình, bao gồm: mô hình hướng đến gia đình toàn mỹ; phương pháp kỷ luật tích cực; các câu lạc bộ trẻ em nòng cốt ở các trường học; thành lập các ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em cấp xã; mô hình vãng gia. Mỗi mô hình, hoạt động đều có những tác động tích cực đến trẻ, gia đình, những người chăm sóc trẻ, chính quyền các xã, thôn để nâng cao năng lực, thúc đẩy các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ, để trẻ được thực hiện các quyền trẻ em, được sống trong môi trường lý tưởng để phát triển và học tập tốt”.
Hoài Anh