Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần triển khai hiệu quả các chính sách đã ban hành để trợ lực kịp thời cho kinh tế hợp tác phát triển.
Nhìn bao quát bức tranh KTTT thời gian qua, có thể khẳng định, với những chính sách từ phía Nhà nước, KTTT mà nòng cốt là các HTX đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế HTX vẫn tiếp tục phát triển.
Đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 443 HTX; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 266 HTX, công nghiệp 68 HTX, vận tải 9 HTX, thương mại dịch vụ 68 HTX, xây dựng 15 HTX, 17 quỹ tín dụng nhân dân thu hút trên 26.000 thành viên; tổng số vốn điều lệ 1.027,2 tỷ đồng, doanh thu bình quân các HTX đạt 828,5 triệu đồng, lợi nhuận bình quân các HTX ước đạt 176,6 triệu đồng; nộp ngân sách Nhà nước 15 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả ban đầu đạt được, kinh tế HTX còn nhiều hạn chế. Số lượng các HTX đã tăng, nhưng tỷ lệ HTX hoạt động trung bình, yếu chiếm tỷ lệ còn cao; số HTX xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm chưa nhiều, giá trị xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế.
Việc xử lý các HTX ngừng không hoạt động chưa dứt điểm; năng lực nội tại của HTX yếu, còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước; một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực KTTT, HTX triển khai thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả; nguồn lực phân bổ còn hạn chế.
Việc tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai xây dựng trụ sở và cơ sở sản xuất chế biến của HTX còn thiếu quy hoạch, chưa được giải quyết kịp thời; việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đất đai để mở mang nhà xưởng, hạng mục công trình của các HTX còn khó khăn…
Do đó, để kinh tế hợp tác, HTX phát triển, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần triển khai hiệu quả các chính sách đã ban hành để trợ lực kịp thời cho kinh tế hợp tác. Các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của KTTT, nòng cốt là các HTX.
Các địa phương tập trung củng cố các HTX hiện có, giải quyết những yếu kém của các HTX và mạnh tay xóa bỏ những HTX chỉ sống trên danh nghĩa; đồng thời, lựa chọn ra những HTX kinh doanh hiệu quả làm nòng cốt, xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng.
Trong đó, cần tập trung xây dựng và phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa; trong đó, HTX đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ hàng hóa cho người dân.
Thực tiễn đã chứng minh, trong xu thế hội nhập, giá trị xuất khẩu nông sản ngày càng lớn, từng HTX nhỏ lẻ không thể thực hiện được chuỗi giá trị; do đó, HTX cần phải liên kết với HTX và hợp tác với các doanh nghiệp mới đủ năng lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và làm gia tăng giá trị chuỗi sản xuất.
Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, trước tiên, các địa phương tạo điều kiện cho các HTX được thuê, cấp đất ổn định, lâu dài để đầu tư xây dựng trụ sở, nhà xưởng, chuồng trại phục vụ sản xuất.
Cùng đó, tập trung chỉ đạo, khuyến khích dồn điền đổi thửa tạo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn để phát triển liên kết. Đặc biệt, cần có chính sách ưu tiên đối với các tổ chức KTTT, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục huy động, tranh thủ nguồn lực từ các lực lượng xã hội, các tổ chức, đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT. Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách phát triển HTX.
Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình mỗi xã một sản phẩm hỗ trợ tích cực cho KTTT, HTX. Tranh thủ nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, các quỹ khác để hỗ trợ HTX.
Bên cạnh đó, để giải quyết được cơn "khát vốn” hiện nay, hầu hết HTX đều cho rằng, vì HTX là một mô hình đặc thù nên các tổ chức tín dụng cần tạo thuận lợi và có cơ chế linh hoạt trong giải quyết thủ tục vay vốn như cho phép dùng tài sản làm thế chấp có nguồn gốc hình thành từ vốn vay hoặc vốn bằng tín chấp, vay vốn dự án sản xuất, kinh doanh.
Sau cùng thì con người vẫn là yếu tố quan trọng để giúp hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Vì thế, phải nâng cao được năng lực quản trị của HTX và cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, giáo dục nghề nghiệp cho lao động, thành viên và có chính sách thu hút nhân lực trẻ có trình độ cho HTX; cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách đưa cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX nông nghiệp.
Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Với vai trò của mình, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của KTTT, HTX; phát triển tổ hợp tác để tổ chức sản xuất trên nhiều lĩnh vực, đa dạng ngành nghề, nâng dần thành HTX; phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Đẩy mạnh hỗ trợ để nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ các HTX tích cực tham gia các chương trình phát triển HTX của Trung ương và địa phương, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Tư vấn, hướng dẫn các HTX ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và khả năng cạnh tranh trên thị trường...
Văn Thông