Yên Bái đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác xã - Bài 3: Những rào cản cần tháo gỡ

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/9/2020 | 8:05:57 AM

YênBái - Các mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới trên địa bàn đã và đang phát huy những hiệu quả tích cực, làm tốt vai trò liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được phần lớn các HTX hiện trong tình trạng “khát vốn”, thiếu nhân lực có trình độ, đòi hỏi phải tiếp tục được tháo gỡ.

Sơ chế măng Bát độ tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành. (Ảnh: T.L)
Sơ chế măng Bát độ tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành. (Ảnh: T.L)


Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể tỉnh đã tập trung đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, tìm kiếm thị trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động. Nhiều mô hình HTX kiểu mới tại các địa phương đã khẳng định được vai trò của mình trong việc làm bệ đỡ cho kinh tế hộ, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX. 

Một số HTX tiêu biểu với cách làm mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị như: HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, HTX 6/12 Đào Thịnh, HTX Suối Giàng, HTX Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng, HTX Dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi, HTX Thái Sơn, HTX Vạn Hoa, HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những HTX đóng vai trò bà đỡ cho kinh tế hộ nông dân phát triển thì cũng không ít HTX làm ăn kém hiệu quả, nhiều HTX chỉ tồn tại trên danh nghĩa. 

Theo Liên minh HTX tỉnh, tính đến hết tháng 6/2020, toàn tỉnh còn 38 HTX ngừng hoạt động chưa tổ chức lại hoặc giải thể theo Luật HTX năm 2012. Việc giải thể các HTX gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân do nhiều HTX đã ngừng hoạt động từ lâu, không xác định được thành viên HTX, các thành viên không còn ở địa phương; hồ sơ, con dấu bị thất lạc… 

Các HTX kiểu cũ còn tồn đọng các vấn đề xác định giá trị tài sản, vốn góp của thành viên; tài sản từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức; HTX nợ tiền thành viên, sổ sách và tài chính không rõ ràng, dẫn tới tình trạng chậm giải thể. Do đó, thời gian tới các cấp, ngành cần có giải pháp mạnh tay hơn nữa xử lý dứt điểm các HTX chỉ sống trên danh nghĩa. 

Trong các rào cản khiến các HTX chậm phát triển thì vốn vẫn là điểm nghẽn và cũng là khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay. Theo Luật HTX 2012, vốn của HTX được hình thành từ 4 nguồn gồm: vốn góp của thành viên (vốn điều lệ); vốn huy động của thành viên và vốn huy động khác; vốn, tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động của HTX; khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước và khoản được tặng, cho khác. 

Theo Liên minh HTX tỉnh, tổng vốn điều lệ của HTX là 580 tỷ đồng, vốn hoạt động đạt 1.600 tỷ đồng; bình quân HTX nông nghiệp có vốn điều lệ 1,3 tỷ đồng, HTX phi nông nghiệp là 2,4 tỷ đồng. Hiện nay, tổng vốn điều lệ của các HTX là trên 1.008 tỷ đồng, bình quân HTX có vốn điều lệ là trên 2,2 tỷ đồng. 

Vốn điều lệ của các HTX nông nghiệp còn thấp, còn nhiều thành viên chưa góp vốn. Vốn ít cùng với việc thiếu tài sản đảm bảo, nhiều HTX không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi nên khó tiếp cận các nguồn vốn vay. 

Hiện, số lượng HTX  được giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm trụ sở chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Do hầu hết các địa phương không bố trí được quỹ đất hoặc vị trí không thuận tiện cho sản xuất, kinh doanh của HTX. Hầu hết các HTX hiện đang thuê, mượn nhà, đất của các thành viên để làm trụ sở, nhà kho, nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong đó, các HTX nông nghiệp tiếp cận vốn tín dụng còn khó hơn rất nhiều. 

Xoay quanh bài toán về vốn, ông Hà Văn Lân - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca chia sẻ: "Hiện, các HTX đều gặp khó khăn về nguồn vốn. Nhiều HTX thuê đất 50 năm nhưng đây lại không thể coi đó là tài sản thế chấp vay ngân hàng. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp hiện rất thấp và hiện giá đất nông nghiệp chỉ định giá 300 triệu đồng/ha; vì vậy, nếu có được vay vốn cũng rất thấp. Nếu không giải quyết được vấn đề về vốn thì các HTX chỉ giậm chân tại chỗ, không thể mở rộng sản xuất, kinh doanh chứ đừng nói đến chuyển đổi sản xuất theo mô hình chuỗi”. 

Cũng do thiếu vốn, nên nhiều HTX muốn đổi mới công nghệ phát triển sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn; điển hình như HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, xã Hoàng Thắng, huyện Văn Yên. Đây  là một trong số đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. 

Tuy nhiên, ông Trần Văn Kiên - Giám đốc HTX chia sẻ: Các sản phẩm xuất sang Trung Quốc của HTX chủ yếu dưới dạng thô. HTX dự kiến tiếp tục đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao tỷ lệ chiết xuất tinh dầu quế cũng như mở rộng kho, xưởng sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm đời sống của thành viên. Dẫu vậy, để đầu tư một dây chuyền chưng cất và mở rộng xưởng cần gần 10 tỷ đồng. 

Do đó, HTX mong muốn được vay vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến sản phẩm chất lượng cao để gia tăng giá trị lợi nhuận, xuất ra nhiều nước trên thế giới để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, thời gian qua việc xuất khẩu tinh dầu quế gặp nhiều khó khăn nên các tổ chức tín dụng, ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các cơ sở chế biến tinh dầu quế tiếp cận với nguồn vốn vì hiện nay hầu hết các nhà máy không còn tài sản thế chấp; do đó, đề nghị cho vay bằng tín chấp. 

Bên cạnh khát vốn thì nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của các HTX phải kể đến năng lực của cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế, công tác quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn, thiếu tiếp cận các nguồn thông tin, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. 

Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện toàn tỉnh có 1.200 cán bộ quản lý HTX; trong đó, số cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học chiếm 18,33%, sơ cấp, trung cấp chiếm 55%, còn lại mới qua các lớp bồi dưỡng ngắn ngày do Liên minh HTX và các ngành khác tổ chức. Do trình độ yếu nên kỹ năng quản trị HTX còn yếu và tổ chức hoạt động của HTX còn nhiều hạn chế. 

Để khắc phục hạn chế này, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện đề án đưa cán bộ trẻ có trình độ cao đẳng đại học về làm việc tại các HTX có thời hạn. Trước những điểm nghẽn trên, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần triển khai hiệu quả các chính sách đã ban hành để trợ lực kịp thời cho kinh tế hợp tác phát triển. 

Văn Thông
(Bài cuối: Cần có giải pháp đột phá phát triển kinh tế hợp tác xã)

Tags Yên Bái đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác xã - Bài 3: Những rào cản cần tháo gỡ

Các tin khác
Đồng chí Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh (ngoài cùng bên trái) kiểm tra vùng nguyên liệu chè của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã ưu tiên phát triển các mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa. Nhiều HTX kiểu mới trở thành hạt nhân liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, người lao động.

Xử lý nguyên liệu chế biến tại Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.

Hoạt động của kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) đã tạo sức lan tỏa cao khi ngày càng có nhiều HTX kiểu mới, điển hình được nhân rộng; số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh cùng với chất lượng được nâng cao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra thực hiện Đề án tại huyện Mù Cang Chải và tặng quà cho các em học sinh.

Quyết tâm nhưng không cứng nhắc, đó là tư tưởng xuyên suốt từ tỉnh tới cơ sở, các đơn vị trường học. Quá trình triển khai có những điều chỉnh kịp thời cho phù hợp hơn. 5 năm thực hiện Đề án đã tạo nên đột phá cho ngành giáo dục Yên Bái.

Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc tại huyện Văn Chấn về việc triển khai thực hiện Đề án.

Năm 2016 - năm đầu thực hiện Đề án cũng là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 39 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Không phải ngẫu nhiên mà Tỉnh ủy lại chọn lĩnh vực giáo dục là ngành đầu tiên thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục