Thực tiễn còn khó khăn
Hiện tại, tỉnh đang có nguồn lao động khá dồi dào với tổng số hơn 490.000 người; trong đó, lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 301.905 người, chiếm 61,6%, phi nông nghiệp đạt 188.736 người, chiếm 38,4%.
So với cả nước, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh diễn ra còn chậm, tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh còn cao so với toàn quốc (hết năm 2019, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp toàn quốc chiếm 34,7%). Cũng vì tập trung nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nên năng suất lao động toàn tỉnh còn thấp, thu nhập của người lao động chưa cao.
Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa nhiều, chủ yếu mới được đào tạo từ 1 - 3 tháng; do đó, năng suất, chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều công ty, doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu lao động.
Những khó khăn, tồn tại này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan như: nhận thức về việc học nghề của một bộ phận lao động nông thôn chưa đầy đủ; công tác thông tin, tuyên truyền, chỉ đạo, quản lý của một số địa phương về đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế; tỷ lệ các lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn còn thấp; công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn gắn với định hướng phát triển nông nghiệp và yêu cầu giải quyết việc làm ở một số địa phương chưa hiệu quả; sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm chưa chặt chẽ.
Cùng với đó, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô nhỏ, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề không nhiều nên giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề nông nghiệp còn khó khăn. Một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện chưa chủ động kết nối với doanh nghiệp để tổ chức dạy nghề theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp; số lượng giáo viên dạy nghề trong toàn tỉnh còn thiếu; các mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp còn ít; một số mô hình điển hình dạy nghề nông nghiệp áp dụng có hiệu quả, song còn khó khăn trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra...
Tăng cường chính sách đầu tư, phát triển hợp lý...
Theo dự báo của ngành chức năng, trong những năm tới, các doanh nghiệp, dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 14.000 lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, may mặc, điện, điện tử, công nghệ thông tin, khai thác, chế biến khoáng sản...
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030, sẽ tuyển mới đào tạo 90.000 người; trong đó, có 75.000 lao động nông thôn tham gia học nghề và có khoảng 20.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án; bình quân mỗi năm hỗ trợ đào tạo nghề cho 4.000 người trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng; trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm từ 55 - 60%, đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm từ 40 - 45%.
Trong số 20.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 12.000 người, chiếm 60%; người khuyết tật khoảng 1.000 người, chiếm 5%; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khoảng 4.000 người (chiếm 20%); lao động nữ khoảng 1.000 người, chiếm 5%; người thuộc hộ bị thu hồi đất, người thuộc diện được hỗ trợ chính sách người có công với cách mạng khoảng 2.000 người, chiếm 10%.
Để đạt được mục tiêu này, cùng với những nỗ lực, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, còn cần phải có những chính sách đầu tư và phát triển hợp lý. Theo đó, cùng với nguồn lực kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ công tác đào tạo nghề lao động nông thôn thì tỉnh cũng nên khuyến khích huy động thêm nguồn lực kinh phí của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi triển khai các lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp; chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên vùng nông thôn, dân tộc thiểu số, lao động nông thôn thuộc các nhóm đối tượng chính sách là hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, tạo việc làm và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục cũng là giải pháp thiết thực để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện cần được đầu tư thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn và yêu cầu liên kết đào tạo cho lao động nông thôn sau khi học nghề có nhu cầu học trung cấp.
Và phát huy nội lực
Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp nên tăng cường phối hợp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài tỉnh liên kết đào tạo và thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tuyển dụng vào làm việc; tăng cường tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở lĩnh vực phi nông nghiệp và đổi mới việc tổ chức các lớp dạy nghề phi nông nghiệp gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động và xuất khẩu lao động; gắn đào tạo nghề nông nghiệp với tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; kết nối hiệu quả và cung cấp kịp thời thông tin thị trường lao động, tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông nhằm thu hút học sinh tham gia học nghề theo mục tiêu phân luồng của tỉnh; tổ chức các hội nghị tư vấn, các phiên tư vấn, giới thiệu việc làm tại các huyện, xã nhằm kết nối hiệu quả thông tin tuyển dụng lao động...
Về phía cấp ủy, chính quyền, địa phương, cần tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các Đề án: "Phát triển nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030; "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; bố trí kinh phí ngân sách tỉnh lồng ghép với kinh phí ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để triển khai thực hiện đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hỗ trợ các hoạt động dạy nghề.
Khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; tăng cường thông tin tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp dạy nghề nhằm nâng cao nhận thức của lao động nông thôn về học nghề; tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các dự án thu hút đầu tư để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp.
Ngoài ra, cũng cần phải hỗ trợ hiệu quả cho lao động nông thôn vay vốn sau khi học nghề để phát triển sản xuất, tạo việc làm; kết nối hiệu quả giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ việc tuyển dụng lao động, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động sau khi được học nghề. Có như vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động.
Hồng Oanh