Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp màu xanh của những đồi quế, rừng măng Bát độ; màu vàng óng của những đồi cam đang vào độ chín. Thấp thoáng là những ngôi nhà xây theo kiến trúc mới... cho thấy một cuộc sống ấm no hiện hữu.
Hồng Ca là xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn với diện tích tự nhiên trên 9.300 ha, hơn 6.300 nhân khẩu ở 13 thôn gồm 3 dân tộc chính sinh sống là: Tày, Mông, Kinh; trong đó, dân tộc Tày chiếm 54%, Mông chiếm 35%, Kinh 11%. Đặc biệt, 4 thôn của xã có 100% đồng bào Mông.
Năm 2011, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã có xuất phát điểm thấp (chỉ đạt 2 tiêu chí); đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các thôn đồng bào Mông và có tới 7 thôn đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn và chưa đồng bộ; trong đó, 100% đường giao thông là đường đất; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 45%; thu nhập bình quân đạt 9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nhà tạm, nhà dột nát chiếm trên 40%; phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc, nhất là đồng bào Mông còn nhiều lạc hậu; vệ sinh môi trường còn nhiều việc cần phải thay đổi như chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò nuôi thả rông...
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về XDNTM còn hạn chế, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, hạn chế về chuyển đổi tập quán canh tác và đầu tư phát triển kinh tế. Vậy mà, chỉ sau 8 năm XDNTM, Hồng Ca đã thay da đổi thịt.
Theo đó, năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã phấn khởi đón nhận Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Sau bao năm mong đợi, giờ đây người dân Hồng Ca đã được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Sức mạnh nào đã khiến cho Hồng Ca có bước phát triển vượt bậc từ một xã miền núi đặc biệt khó khăn được công nhận xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của cả nước?
Ông Hà Thanh Chương - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Thật sự đây là một kỳ tích! Tất cả các gia đình người Mông xã tôi đã có nhà vệ sinh để giờ không tắm lộ thiên nữa. Toàn bộ chuồng gia súc đã chuyển ra xa nhà ở và đặc biệt hơn là phụ nữ đã biết dùng mắc để phơi quần áo và dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ”.
Suốt câu chuyện, ông Chương luôn nhắc đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh, huyện nên Hồng Ca XDNTM với một niềm tin và khí thế mới. Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về XDNTM và thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban. UBND xã thành lập Ban Quản lý xã và quyết định công nhận các ban phát triển thôn.
Sau khi được tập huấn, tiếp thu các văn bản hướng dẫn của tỉnh, của huyện, Hồng Ca đã đánh giá thực trạng các tiêu chí trên địa bàn xã; xây dựng đồ án quy hoạch và đề án XDNTM làm căn cứ triển khai thực hiện chương trình.
Thực hiện chương trình, xã đã vận dụng sáng tạo các văn bản hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, huyện vào thực tế và huy động được nhiều nguồn lực. Hồng Ca đã huy động cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia XDNTM.
Khi ý Đảng hợp với lòng dân thì bà con các dân tộc ở Hồng Ca đã tích cực đóng góp công sức, tiền của, đất đai để xây dựng đường giao thông, đầu tư phát triển sản xuất... Hồng Ca đã huy động từ các nguồn hỗ trợ Trung ương, tỉnh, huyện và các doanh nghiệp được 170 tỷ đồng; trong đó, người dân đóng góp gần 17 tỷ đồng tiền mặt và hàng vạn ngày công lao động, hàng ngàn mét vuông đất.
Bà Tráng Thị Nhà - Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bổ chỉ tay theo hướng con đường uốn lượn: "Có hơn một cây số đường bê tông thôi, đối với thành phố chắc không khó khăn gì nhưng với đồng bào chúng tôi thì đúng là một giấc mơ và giấc mơ ấy cuối cùng đã được hơn 400 người trong thôn dệt nên”.
Qua 10 năm XDNTM, bộ mặt nông thôn Hồng Ca đã thay đổi trông thấy. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ; hệ thống đường giao thông từ trục đường liên thôn, liên xã đến đường ngõ xóm, hộ gia đình được bê tông hóa trên 84%; 100% hộ được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa xã, thôn được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt cho nhân dân. Đặc biệt, đời sống, nhà ở, tập quán sản xuất tại các bản người Mông đã có thay đổi lớn.
Song song với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Hồng Ca chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung. Chủ tịch UBND xã Hà Thanh Chương cho biết thêm: xã chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, đưa những cây trồng chủ lực vào thâm canh gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Hiện nay, xã có 2 doanh nghiệp, 4 HTX và 22 THT.
Hồng Ca đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với thu mua và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như: vùng tre măng Bát độ trên 1.000 ha với sản lượng măng vỏ tươi hàng năm đạt trên 15.000 tấn; vùng trồng quế gần 2.000 ha, sản lượng vỏ quế khô hàng năm đạt trên 200 tấn; vùng trồng cây ăn quả có múi trên 100 ha; vùng trồng cây nguyên liệu gỗ trên 1.000 ha và vùng trồng dâu nuôi tằm trên 10 ha.
Địa phương đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung quy mô lớn; trong đó, tập trung chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò; chăn nuôi gà đen đặc sản...
Về Hồng Ca, chúng tôi còn được nghe, được thấy nhiều tấm gương làm giàu ngay trên quê hương. Đó là anh Sổng A Dũng - người Mông thôn Khuôn Bổ đã bỏ công sức, vốn liếng tự tạo lập theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài” để đến nay anh có 4 ha tre măng Bát độ, 5 ha quế, 3 ha trồng cây dược liệu, chủ yếu là cây sa nhân mỗi năm thu từ 700 - 800 triệu đồng và giải quyết việc làm cho gần 10 lao động địa phương.
Hay như mô hình trồng 7 ha cây ăn quả trên đất dốc của hộ anh Lương Đình Khương ở thôn Khuôn Bổ mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Rồi mô hình trồng rừng của thanh niên người Mông Vàng A Sò ở thôn Khe Ron với 3 ha quế, 2 ha măng Bát độ, 1,5 ha trồng cây dược liệu mỗi năm thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng.
HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca thu hút hơn 100 xã viên trồng măng tre Bát độ, 400 ha quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Doanh thu của HTX trong 2 năm gần đây đạt trên 3,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng và bao tiêu sản phẩm măng tre Bát độ, cành, lá quế cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn xã và các xã lân cận.
Ông Hà Văn Lân - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca cho biết: "HTX luôn xác định phát triển kinh tế hộ thành viên, nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu hoạt động. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh, chúng tôi xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của HTX; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống sản xuất măng tre Bát độ và chưng cất tinh dầu quế bảo đảm sản lượng, chất lượng và các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu”.
Nông dân thôn Hồng Lâu làm đường giao thông nông thôn.
Sản xuất phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của Hồng Ca đạt 33,26 triệu đồng, năm 2020 dự kiến đạt 36 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 chỉ còn 4,4%. Không chỉ kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập mà tinh thần của người dân cũng được nâng lên.
Ngoài nhà văn hóa, khu thể thao xã, cả 13 thôn của Hồng Ca đều có nhà văn hóa, khu thể thao để chiều chiều vang dậy tiếng hò reo của các đội bóng chuyền hơi.
Trường học, nhà trẻ được xây dựng mới khang trang, hằng ngày trẻ em nô nức đến trường. Điều làm chúng tôi hết sức bất ngờ là 100% trường học đều đã đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Quả là một kỳ tích làm thay da đổi thịt mảnh đất Hồng Ca!
Chia tay Hồng Ca, nhìn những đồi quế, rừng măng xanh tốt, những vườn cam trĩu quả nối nhau chạy dài như nói với chúng tôi về công cuộc xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu ở mảnh đất khó khăn này đã thành công. Hồng Ca đã thực sự thay da đổi thịt từ Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM.
Hồng Duyên