Làng Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên lúc ẩn, lúc hiện trong bồng bềnh sương trắng. Không biết có phải người Mông có tập quán sống ở những nơi non cao kỳ thú như thế này hay bởi lẽ cũng vì kế sinh nhai mà đồng bào phải chấp nhận những vùng đất ấy cho mình.
Trong vòng hai mươi năm về trước, làng này như bị bỏ quên, đến nỗi tờ báo của địa phương và các phương tiện truyền thông khác chả khi nào nhắc đến tên. Thế nhưng, mấy năm gần đây, cái tên làng Mông Khuôn Bổ luôn luôn xuất hiện trên mặt báo, trong các chương trình phát thanh và truyền hình. Khi xã vùng cao Hồng Ca được xếp vào loại những xã có nhiều khó khăn và làng Khuôn Bổ là làng thuộc diện đặc biệt khó khăn, được huyện, được tỉnh và Trung ương trao Bằng công nhận xã nông thôn mới, làng Khuôn Bổ trở thành làng kiểu mẫu thì những câu chuyện về Hồng Ca, Khuôn Bổ xuất hiện ngày càng nhiều.
Chuyện ở lưng chừng núi, như những câu chuyện truyền kỳ, chuyện cổ tích kể mãi không hết. Trong những câu chuyện ấy có nhiều chuyện kể về vai trò của Chi bộ Đảng; của người nữ bí thư chi bộ người Mông kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận; của Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn. Mấy năm trước, phụ nữ người Mông làm Bí thư Chi bộ còn hiếm lắm. Vì lẽ đó, nữ Bí thư Cháng Thị Nhà được nhiều nơi biết đến. Chị trở nên "nổi tiếng” còn vì phong cách lãnh đạo, tự mình vươn lên khẳng định vai trò của mình bằng uy tín và trách nhiệm trước đồng bào mình.
Cách đây mười năm, khi bàn thảo về nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện rà soát từng xã xem đã đạt được bao nhiêu tiêu chí, trong số 19 tiêu chí chung khi ấy Hồng Ca mới chỉ có 2 tiêu chí, còn Khuôn Bổ là đơn vị đặc biệt khó khăn, khỏi phải nói chưa có được tiêu chí nào.
Điểm xuất phát thấp như vậy quả thật rất khó. Thế nhưng ngược lại, nếu Hồng Ca, Khuôn Bổ mà xây dựng được nông thôn mới thì các xã khác, thôn khác, làng khác không có lý do gì không xây dựng được. Ấy chính là khâu đột phá, huyện phải đầu tư các nguồn lực vào đây, trước hết là đầu tư trí tuệ rồi đến đầu tư vật chất, tinh thần; phải huy động mọi tổ chức chính trị xã hội giúp đỡ đồng bào.
Nói như thế để thấy rằng, XDNTM không thể để nông dân đơn độc làm, mà là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức. Nói như thế cũng không phải người khác đến làm thay. Xây dựng Khuôn Bổ, nguồn lực từ bên ngoài là nguồn động viên, khích lệ khơi dậy niềm khát vọng của chính người Mông ở đây để rồi họ bỏ công sức, tiền của và mọi suy nghĩ biến khát vọng xây dựng Khuôn Bổ trở thành một làng NTM của người Mông.
Trong điều kiện ấy, khó khăn là cái chắc. Huyện giao cho xã, xã giao cho thôn, mà thôn là Bí thư Chi bộ Cháng Thị Nhà, là Trưởng thôn Sổng A Dũng và cả Chi bộ Đảng ở đây. Bí thư Chi bộ còn trẻ lại là nữ người Mông. Nhưng chính nữ làm bí thư mà biết vận dụng lợi thế này thì lại là thế mạnh. Nữ nói dễ lọt tai người nghe hơn nam giới. Nữ biết nêu gương làm trước thì vận động ai chả nghe.
Cháng Thị Nhà còn trẻ, trẻ thường ít kinh nghiệm vì chưa từng trải, nhưng trẻ lại giàu nhiệt huyết, làm gì cũng phăng phăng đi trước, làm trước thế thì vận động ai chả nghe. Hơn nữa Cháng Thị Nhà lại là người có học, người có trình độ văn hóa, có hiểu biết và cũng đã từng trải qua nhiều vị trí công tác của Hội Phụ nữ xã.
Có thể nói, một cách chính xác Cháng Thị Nhà là người đã làm cho khát vọng xây dựng nông thôn mới cháy lên thành ngọn lửa ở Khuôn Bổ này. Hơn 80 hộ người Mông nghe theo Cháng Thị Nhà. Họ nghe theo Nhà, là nghe theo lời nói phải của con, của cháu; lời hay của chị, lời khôn của người em gái. XDNTM là xây dựng cho chính mình, mọi lợi ích là của mình, mọi ấm no, tiến bộ là mình hưởng, những con đường đẹp là để mình đi, để phát triển kinh tế, có nhà tắm, có môi trường sạch là để mình hưởng mà đầu tiên là phụ nữ người Mông mình hưởng… chẳng có lý do gì mà chần chừ, mà không dồn sức để làm. 19 tiêu chí, 19 đầu công việc đều khó.
Ở Khuôn Bổ thì tất cả các tiêu chí đều như phải làm lại từ đầu, nếu đã có thì cũng mới chỉ là thai nghén, ví như đường sá thì mới chỉ là những con đường mòn, lối mở; phát triển kinh tế để có thu nhập cao thì mới chỉ có phong trào trồng quế, trồng cây tre măng lẻ tẻ ở một số gia đình, chưa có sản phẩm hàng hóa nhiều.
Với Bí thư Cháng Thị Nhà và Trưởng thôn Sổng A Dũng việc làm nào đối với Khuôn Bổ cũng đều là mới và khó. Nhưng cái mới và cái khó lại chính là động lực và niềm hứng khởi để bắt tay vào việc. Làng NTM phải có đường, có điện, đường đến từng xóm, từng nhà phải là đường ra đường. Những con đường dốc, đường mòn, lối mở ở lưng chừng núi phải được thay bằng đường đổ bê tông đủ rộng để dân đi lại thuận tiện phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế và đấy cũng là bộ mặt nông thôn mới ở vùng cao.
Bí thư Chi bộ bảo rằng, con đường trục thôn dài hơn 1 km đối với vùng xuôi chả đáng gì, nhưng với làng Mông đặc biệt khó khăn này là cả một thử thách. Nhưng cái lý "một người đi chưa thành đường, nhiều người đi sẽ thành đường” phải được vận dụng vào đây.
Đất làm đường vận động dân cho, vật liệu chủ yếu là xi măng Nhà nước cho cộng với sức dân và sự giúp đỡ của các lực lượng làm sao không làm được, làm đường là để đòng bào Mông đi, để bộ mặt làng sáng sủa. Thế là toàn bộ đường mòn, lối mở, từ xã đến làng, từ làng đến xóm được mở rộng đổ bê tông.
Đường trục của xã dài hơn 3 km được trải nhựa như đường ở thành phố, thị trấn. Con đường trục của thôn được trồng hoa, trồng cây bóng mát. Mùa này hoa nở tím, nở vàng hai bên đường. Mùa xuân hoa từ những con đường hoa và cả những bông dã quỳ, những bông hoa không tên ở ven đồi quế, đồi tre làm nên cảnh sắc mới lạ của làng Mông kiểu mẫu.
Xây dựng làng Mông Khuôn Bổ trở thành làng NTM có việc tưởng chừng như dễ hơn việc làm đường đổ bê tông, hoặc trải nhựa rất nhiều, không ngờ lại vấp phải những khó khăn không kém, ấy là vận động bà con thay đổi một tập quán đã hình thành từ đời này qua đời khác, ấy là nếp ăn, nếp ở.
Bí thư Chi bộ Cháng Thị Nhà và Trưởng thôn Sổng A Dũng cùng sự giúp sức của cán bộ huyện và xã đến từng nhà bàn bạc và xem xét chuyển nơi chăn nuôi gia súc ra xa nhà, tìm nơi làm nhà xí, nhà tắm vừa là đảm bảo vệ sinh môi trường vừa đưa đồng bào tiếp cận với cuộc sống văn minh, hiện đại. Huyện vận động một đơn vị vũ trang của huyện đến giúp dân cùng làm; nhà có điều kiện làm trước, nhà chưa có đủ điều kiện làm sau.
Bí thư Chi bộ làm trước, Trưởng thôn làm trước và từ kinh nghiệm nhà mình giúp dân xây nhà tắm thay cho tập quán tắm ở chái nhà, đầu bếp hoặc đi vệ sinh ra môi trường xung quanh. Bí thư Cháng Thị Nhà xác định, việc vận động này khó mấy cũng phải làm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên không phải là điều gì cao siêu ở đâu đâu mà chính là ở đây, ở năng lực nắm bắt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, ở thực tiễn bản Mông này mà tổ chức thực hiện.
Cái quan trọng hàng đầu là Chi bộ Đảng và mỗi đảng viên phải biết nghĩ đến dân, chăm lo cho dân như chăm lo cho chính gia đình mình. Một vài tháng chưa làm được thì một vài năm, nhưng phải làm cho kỳ được. Những lời nói của nữ Bí thư Chi bộ Cháng Thị Nhà mộc mạc và giản dị, việc chị làm cũng bình thường và giản dị như một lời tâm sự, như những giọt mưa thấm dần vào lòng đất để rồi tạo nên những mạch nước ngầm trong veo, sạch sẽ.
Nay, đến Khuôn Bổ thì thấy làng Mông hoàn toàn mới lạ, cả 82 gia đình đều có nhà cửa khang trang, gọn gàng, sạch sẽ, đạt ba tiêu chuẩn bền mái, bền cột, bền nền. Nhiều gia đình còn xây được cả nhà gạch, sân láng xi măng rộng rãi. Điều ngạc nhiên hơn cả mà ai đến đây cũng nhận ra ngay, nó khác lạ lắm là nhà nào cũng xây được nhà tắm, nhà xí, có bồn chứa nước bằng inox đặt ở trên mái nhà; nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn. Người Mông nói chuyện với nhau ở lưng chừng núi, ở giữa đồi quế, đồi cây ăn quả, ở trên đường đều bằng điện thoại di động hoặc kết nối với Internet ở mọi lúc, mọi nơi. Thế là đồng bào ở núi cao nhưng cũng đã tiếp cận được với cuộc sống văn minh, hiện đại.
Nhưng dù sao thì tất cả những cái nhìn thấy vẫn chỉ là vẻ đẹp bên ngoài, cốt lõi của cuộc cách mạng ở nông thôn vùng núi cao là phát triển kinh tế bền vững, để người dân đều có thu nhập ngày càng cao. Trong nhiều năm nay thực hiện chủ trương của huyện, của xã, người Mông Khuôn Bổ đã phát triển cây quế, cây tre măng, cây ăn quả, cây dược liệu. Hơn 11 ha ruộng cấy lúa, mỗi năm thu hoạch gần 100 tấn lương thực, đủ để nuôi sống ngần ấy con người, bảo đảm an ninh lương thực, còn làm giàu phải có định hướng phát triển kinh tế bền vững, phải cơ cấu lại cây trồng vật nuôi để có sản phẩm hàng hóa.
Bí thư Chi bộ Cháng Thị Nhà, Trưởng thôn Sổng A Dũng, Chi bộ Khuôn Bổ xác định như thế. Cán bộ, đảng viên trong chi bộ đi từng nhà vận động dân, vận động thanh niên đang có khát vọng làm giàu trồng quế, trồng cây tre măng, trồng dược liệu sa nhân dưới bóng mát tán cây. Bí thư chi bộ Cháng Thị Nhà vẫn những lời mộc mạc, giản dị nói với dân, với thanh niên có hướng lập nghiệp là mỗi nhà trồng một vài héc-ta trở lên, mỗi người trồng vài trăm, vài nghìn cây thì cây quế mới trở thành hàng hóa, cây tre măng mới có thể tạo ra một chuỗi sản phẩm có giá trị. Cây ăn quả cũng vậy, trồng vài cây chỉ đủ cho trẻ con ăn, phải liên kết với nhau mà trồng mới thành hàng hóa có giá trị, thu nhập mới cao và giàu được.
Một làng có quy mô dân số hơn 400 dân nhưng sau 10 năm XDNTM đã trở thành một làng kiểu mẫu, có bộ mặt làng quê hoàn toàn đổi mới, có trên 150 ha quế, 70 ha tre măng, có 10 ha cây ăn quả, cây dược liệu, gần 90 phần trăm gia đình có mức sống thuộc loại khá và giàu. Nhiều mô hình lập nghiệp đem lại kinh tế cao. Ấy là mô hình kinh tế tổng hợp của Trưởng thôn Sổng A Dũng vừa trồng quế, trồng tre măng, trồng cây dược liệu sa nhân, thảo quả dưới tán rừng và phát triển chăn nuôi, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng từ quế và tre măng. Ấy là mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Vài tháng trước tết, vườn quả trên đất dốc ở Khuôn Bổ vàng rực màu cam, quýt. Ấy là mô hình kinh tế của tuổi trẻ lập nghiệp Hờ A Sinh, được Tỉnh đoàn và Hội Doanh nghiệp trẻ hỗ trợ.
Với hơn 300 triệu đồng đầu tư đến nay sau ba năm đã có một khu trang trại chăn nuôi lợn đen đặc sản (người ta vẫn thường gọi là lợn rừng) có giá trị kinh tế cao và nuôi hươu sao, có hơn một héc-ta tre măng và 1,5 ha cây gáo vàng. Ấy là mô hình kinh tế của chị Giàng Thị Cu trồng quế, trồng tre măng, chăn nuôi gà quy mô lớn. Đặc biệt, chị đã chọn hướng lập nghiệp chính là chăn nuôi giống gà bản địa của người Mông thịt đen, xương đen đặc biệt quý, thường được người tiêu dùng săn lùng mua về ăn hoặc làm thuốc. Đến nay đàn gà có trên 500 con, chị đang tiếp tục đầu tư để mở rộng khu chăn nuôi để đưa quy mô đàn lên mức cao hơn.
Gặp gỡ chủ nhân của những mô hình kinh tế và điển hình lập nghiệp còn rất trẻ mà đã trở nên gia đình khá giả người ta thường nhắc đến nữ Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận Cháng Thị Nhà, nhắc đến trưởng thôn Sổng A Dũng và những cán bộ, đảng viên khác ở đây là những người biết nghĩ đến dân như nghĩ đến gia đình mình, gắn bó với dân ngay từ những công việc đầu tiên của quá trình XDNTM. Người dân ở làng Mông Khuôn Bổ và cả ở xã Hồng Ca thừa nhận rằng, các đảng viên ở đây là những người đã làm cho ngọn lửa khát vọng làm giàu, khát vọng cuộc sống mới, cháy bùng lên thành ngọn lửa trong mỗi người dân, ngọn lửa ấy đã làm nên những mô hình mới, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một làng người Mông ở lưng chừng núi.
Bội Đông