Tân Thịnh- nơi đất “chuyển mình”

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/4/2021 | 7:58:23 AM

YênBái - Chúng tôi trở lại xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn vào độ giữa xuân. Đi trên những con đường bê tông dài tít tắp, ngắm những đồi chè mơn mởn búp non, những vườn bưởi Diễn, cam Canh đua nhau trổ hoa tỏa hương ngào ngạt, chúng tôi thực sự cảm nhận rõ nét hơn sự đổi thay của vùng quê núi đang vươn mình trỗi dậy.

Nhờ phát triển các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, Tân Thịnh đã giải quyết tốt vấn đề tiêu thụ nguyên liệu, ổn định việc làm và thu nhập cho nông dân.
Nhờ phát triển các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, Tân Thịnh đã giải quyết tốt vấn đề tiêu thụ nguyên liệu, ổn định việc làm và thu nhập cho nông dân.

Đã gần 90 tuổi, ông Bùi Đình Nhai ở thôn Tân Phương giờ vẫn ngày ngày đi dạo trên "con đường hoa” liên thôn. Ông tự hào kể: "Chục năm trước, con đường này nhỏ hẹp, gồ ghề nên tôi chẳng dám đi lại nhiều vì nắng thì bụi bặm, mưa lại lầy lội. 

Nhiều khi muốn đến chơi với mấy ông bạn già ở cuối thôn, nhưng rất ngại đường sá. Khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bà con lối xóm ai nấy hồ hởi lắm. Thế rồi, mọi người góp công, góp của cùng làm đường mới. Giờ đường không chỉ phẳng phiu, rộng rãi mà còn xanh, sạch, đẹp vì được người dân trồng cây bóng mát và các loại hoa bên đường. Chủ nhật hằng tuần, mọi người lại gọi nhau cùng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chăm sóc cây xanh vui lắm, cháu à”. Nhờ XDNTM và NTM nâng cao, diện mạo của xã Tân Thịnh đổi thay ngoạn mục. Không chỉ "điện, đường, trường, trạm" được đầu tư khang trang mà đời sống người dân cũng được quan tâm hơn. Giờ đây, thanh niên trong xã ít phải ra thành phố tìm việc làm, vì tại địa phương đã có nhiều công ty, doanh nghiệp tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Cùng chúng tôi đi trên con đường trục thôn vừa được hoàn thành cuối tháng 6 năm ngoái, ông Nguyễn Hữu Tiến - Trưởng thôn Tân Phương phấn khởi cho biết: đây là con đường "Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Theo đó, được sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, thôn vận động nhân dân góp công san tạo mặt đường, ủng hộ thêm 20 triệu đồng thuê máy móc thi công và làm lại hệ thống cống thoát nước qua đường với chiều dài trên 12 m, đường kính cống rộng gần 1 m bảo đảm thoát nước trong điều kiện mưa lớn nhất. 

Cùng đó, thôn còn vận động nhân dân đóng góp trên 15 triệu đồng đổ bê tông 73 m đường giao thông liên xã tuyến Mỵ - Cát Thịnh - thị trấn Nông trường Trần Phú và đây là nơi tiếp giáp giữa hai dự án, nên các nhà thầu thi công đã bỏ lại làm ranh giới "phân chia lãnh thổ”. Khi bắt đầu thực hiện, vẫn còn số ít người dân, cán bộ, đảng viên trong thôn có tâm lý băn khoăn không biết có thực hiện được không, vì địa phương vốn thuần nông, nguồn thu nhập của người dân thấp mà đóng góp kinh phí lớn lại tập trung trong thời gian ngắn, lực lượng lao động có sức khỏe thì đi làm ăn xa...

Do vậy, cán bộ thôn đã phải "họp lên, họp xuống” nhiều lần "đi từng ngõ, gõ từng nhà” kiên nhẫn tuyên truyền, thuyết phục để cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng thuận. Trưởng thôn Nguyễn Hữu Tiến cho biết thêm: điều quan trọng nhất là thôn đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Theo đó, 10 năm qua, nhân dân trong thôn đã hiến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, thổ cư, đóng góp nhiều ngày công để làm đường; vận động xã hội hóa để xây dựng đường giao thông nội đồng và các công trình phúc lợi…

Với phương châm "NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, năm 2018, sau khi đạt chuẩn NTM, xã Tân Thịnh đã XDNTM nâng cao. Địa phương quản lý chặt việc sử dụng và thực hiện duy tu, bảo trì, nâng cấp, đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế, các tuyến đường trục xã, trục thôn. 

Đến nay, các trục đường trên địa bàn được cứng hóa và các hệ thống biển báo cũng như đèn chiếu sáng đảm bảo đi lại thuận tiện; 3 tuyến đường chính của xã và 1 đường từ trung tâm xã đến huyện với tổng chiều dài 17,5 km được kiên cố hóa. Hệ thống kênh mương thủy lợi có tổng chiều dài 22,34 km. Từ nguồn xã hội hóa, nhân dân cứng hóa được 13,5 km, còn 8,84 km kênh mương đất được gia cố tốt bảo đảm cho việc tưới tiêu phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phòng chống thiên tai. 

Từ năm 2018 đến nay, xã được đầu tư lắp đặt thêm 2 trạm biến áp và 4,5 km đường dây trung thế, cải tạo 9 km đường dây 04 KV, bảo đảm cung ứng điện thường xuyên, an toàn cho nhân dân. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo luôn được quan tâm, các trường học thường xuyên duy trì giữ vững các tiêu chí trường chuẩn quốc gia, thực hiện hiệu quả việc dạy và học, bảo quản cơ sở vật chất, giữ gìn vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh tạo bóng mát để nâng cao chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư. Thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn đã phát huy được hiệu quả, tạo điều kiện để nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, Tân Thịnh tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng hàng hóa và lựa chọn những cây, con giống có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất. Một số hộ mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế như: mô hình chăn nuôi thỏ, lợn nái, lợn thịt; nuôi ba ba giống, ba ba thương phẩm; chuyển đổi diện tích đất ruộng kém hiệu quả sang làm ao nuôi cá. Từ năm 2015 đến nay, xã cũng đã chuyển đổi trên 80 ha đất chè kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi: bưởi, cam... mang lại giá trị kinh tế cao và thu nhập bình quân mỗi hộ trồng cam đạt từ 170 - 230 triệu đồng/năm. Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135, vốn chương trình XDNTM đã hỗ trợ giống các mô hình: nuôi gà thịt, lợn thịt, lợn nái, trâu, bò sinh sản, trồng cây ăn quả, trồng rừng... 



Một vườn cam ở thôn Tân Phương, xã Tân Thịnh.

Từ các mô hình, dự án này đã đem lại hiệu quả thiết thực tạo việc làm, nâng cao thu nhập của nhân dân. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển rộng khắp và ngày càng có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 44,3 triệu đồng/người, tăng trên 12 triệu đồng so với năm 2018; số hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá giả ngày càng tăng; năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo phấn đấu giảm còn 1,34%.

Ông Hoàng Quang Thẩm - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: để đạt các tiêu chí NTM nâng cao, xã đã tích cực thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh; các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19; chính sách phát triển chăn nuôi hàng hóa của tỉnh; các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị từ nguồn vốn chương trình XDNTM; dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; tập trung đầu tư sản xuất, chăn nuôi lợn, trâu, bò gà, hỗ trợ trồng cây ăn quả có múi như: bưởi, cam, quýt...

Đồng thời, đổi mới mô hình tổ chức sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm… Theo đó, từ năm 2018 đến nay, đã triển khai 5 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ 676 triệu đồng; 1 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gỗ, keo, bồ đề của Công ty TNHH Wood Yên Bình hỗ trợ về phân bón cho người dân trên địa bàn trồng rừng. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Trạm y tế được đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo theo yêu cầu để khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Hàng năm, các thôn đều duy trì tốt danh hiệu thôn văn hóa và thành lập đủ mỗi thôn có một câu lạc bộ văn nghệ và thể dục thể thao...
Quang Thiều

Tags Tân Thịnh Văn Chấn nông thôn mới

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục