Giảm nghèo - Góc nhìn từ Yên Bái - Bài cuối: Đồng bộ chính sách, hợp lực giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/8/2021 | 7:37:22 AM

YênBái - Công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, được các nhà nghiên cứu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình trồng cam của ông Đỗ Văn Chiến, thôn Trung Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ảnh: T.L
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình trồng cam của ông Đỗ Văn Chiến, thôn Trung Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ảnh: T.L


Đặc biệt, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, Yên Bái đã vượt lên mọi khó khăn, thử thách, đạt được kết quả quan trọng và toàn diện, tạo nên diện mạo mới, sức sống xã hội mới, hình ảnh mới cho quê hương Yên Bái như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ghi nhận khi lên thăm, làm việc và tham dự Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” cấp quốc gia xuân 2019: "Chưa bao giờ Yên Bái có được cơ đồ như hôm nay”. 

Kết quả giảm nghèo của Yên Bái trong hơn 5 năm qua, chính là sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; gắn việc hoàn thành mục tiêu giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, tỉnh đã xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của tình trạng đói nghèo; từ đó, rà soát, đánh giá, phân tích hiện trạng hộ nghèo, cận nghèo để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, nút thắt nhằm hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo. 

Anh Hà Quang Diện ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: "Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, nhưng nhờ nguồn vay ưu đãi của Nhà nước, gia đình đã tập trung chuyển đổi mô hình chăn nuôi, mở rộng diện tích trồng rừng và đến nay không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bền vững”. 

Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025. Trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân trên 4,0%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025), riêng 2 huyện 30a là Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm trên 5,5%/năm. Đây là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ khó khăn, bởi đến nay, dù tốc độ giảm nghèo nhanh nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh vẫn còn cao so với bình quân chung cả nước. 

Căn cứ vào thực tế của địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy chia sẻ: "Đến nay, một bộ phận hộ đã thoát nghèo ở các địa bàn thường xuyên chịu tác động của thiên tai vẫn có nguy cơ cao tái nghèo; nhận thức của một bộ phận người dân nghèo vẫn còn có mặt hạn chế, chưa quyết tâm, quyết liệt thoát nghèo. Việc hỗ trợ sinh kế đối với người dân tại các địa bàn vùng cao mà nguồn thu nhập chủ yếu từ chính sách nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là lưới điện quốc gia, hạ tầng giao thông đối với địa bàn vùng sâu, vùng cao còn nhiều khó khăn, đòi hỏi nguồn lực lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương, ảnh hưởng đến tiến trình giảm nghèo”. 

Cùng với đó, một số chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS thời gian qua còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa bố trí đủ nguồn lực, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và hiệu quả của chính sách.  

Để giải được bài toán này, hơn bao giờ hết, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở cần thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, nhất là các chính sách, dự án liên quan đến đồng bào DTTS, hỗ trợ có hiệu quả đối với các đối tượng yếu thế nhằm nâng cao đời sống kinh tế vật chất, giảm thiểu bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. 

Cùng đó, cần nâng cao chất lượng chỉ số hạnh phúc là gắn tăng trưởng kinh tế với xây dựng, phát triển văn hóa, con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. 

Cùng với cả nước "Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, với mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5% hằng năm mà Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã xác định, tỉnh Yên Bái cũng đã đề ra nhiều giải pháp vừa mang tổng quát vừa mang tính cụ thể, chi tiết. Theo đó, để tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân trên 4,0%/năm và  2 huyện 30a giảm trên 5,5%/năm. Đồng thời, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân, tại Đại hội XIII của Đảng, Yên Bái đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề vừa mang tính chất chiến lược, vừa cụ thể trong công tác giảm nghèo. 

Trong đó nêu rõ, khu vực miền núi phía Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng - nơi có đông đồng bào DTTS, là địa bàn có tỷ lệ che phủ rừng cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng cao nhất cả nước, tập trung vào một bộ phận người dân mà sinh kế chủ yếu gắn với kinh tế lâm nghiệp, đồi rừng.

Vì vậy, để vừa thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vừa góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, Trung ương cần có chính sách hỗ trợ hợp lý đối với người dân thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ nguồn nước, nhất là đối với rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, để người dân yên tâm sinh sống, vươn lên thoát nghèo, hướng tới cuộc sống khá giả với nghề rừng. 

Cùng với đó, Trung ương cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là các lĩnh vực: lâm nghiệp, giáo dục dân tộc, lao động việc làm, y tế, dân số… theo hướng tích hợp, đồng bộ, khả thi, giảm dần hỗ trợ trực tiếp, chuyển sang phương thức hỗ trợ gián tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo. 

Hơn nữa, khi xây dựng tiêu chí, định mức, phương án phân bổ các nguồn lực đầu tư, cần ưu tiên hợp lý cho các tỉnh miền núi, vùng đồng bào DTTS, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, kết nối với các huyện nghèo; hạ tầng lưới điện quốc gia; các công trình phòng, chống thiên tai. Đồng thời, sớm hoàn thành việc sắp xếp, bố trí lại dân cư ở những nơi có nguy cơ cao bị thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… Qua đó, góp phần hỗ trợ cho thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững tại các địa bàn này. 

Ngoài các vấn đề có tính chất vĩ mô nêu trên, Yên Bái tiếp tục thực hiện đồng bộ công tác giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung hỗ trợ mở rộng sinh kế, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. 

Các chính sách hỗ trợ phải thiết kế khoa học, hợp lý để hộ nghèo, hộ cận nghèo dễ dàng tiếp cận, triển khai; chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo, quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, nhất là y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn tại các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn… 

Với các giải pháp đồng bộ, những cách làm hay, mô hình mới, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân, Yên Bái sẽ tiếp tục có nhiều đột phá, lập kỳ tích mới trong công tác giảm nghèo, đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, phấn đấu trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. 

Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Bùi Văn Huyền: 



"Yên Bái đạt được nhiều thành tựu trong công tác giảm nghèo, trước hết do phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Trong đó, địa phương này đã đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đặc biệt là giải phóng tư tưởng để người dân nghèo phát huy tính tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, Yên Bái cũng là địa phương có sáng kiến tích hợp các chương trình, dự án giảm nghèo thành một chương trình thống nhất, xuyên suốt, bao quát và không để ai ở lại phía sau”.       

Văn Tuấn  

Tags Đồng bộ chính sách hợp lực giảm nghèo dân tộc thiểu số

Các tin khác
Lãnh đạo xã Mường Lai, huyện Lục Yên động viên nhân dân phát huy lợi thế địa phương để phát triển cây ăn quả có múi.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, kết thúc nhiệm kỳ 2015 - 2020, Yên Bái kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc), bình quân giảm 5,03%/năm, riêng tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước.

Lãnh đạo xã Bản Công, huyện Trạm Tấu thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân.  (Ảnh: T.L)

Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Yên Bái là 32,21%, cao thứ 6 toàn quốc, phần lớn tập trung tại địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Riêng tại 2 huyện 30a, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 75%, thuộc nhóm các huyện nghèo nhất cả nước. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi?

Những đứa trẻ chịu ảnh hưởng nặng nề của ma túy là đối tượng cần được đặc biệt quan tâm, chăm sóc, giáo dục ở vùng cao Mù Cang Chải.

Hệ lụy ma túy để lại với mỗi gia đình và toàn xã hội là bài toán khó có thể giải quyết ngay trong “một sớm một chiều” bởi tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy ngày càng diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi…Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Công an huyện Mù Cang Chải đã bắt giữ 18 vụ với 20 đối tượng phạm tội về ma túy.

Công an tỉnh Yên Bái làm thủ tục trao trả người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Những ngày qua, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới ngày càng phức tạp, những người từng xuất cảnh trái phép sang nước ngoài tìm cách trở về địa phương đã và đang làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh và gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Yên Bái cũng không ngoại lệ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục