Yên Bái xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Bài 1: Thành quả từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp - Thể chế hóa thành các nghị quyết, chính sách

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/8/2021 | 7:41:51 AM

YênBái - Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN-ND-NT), tỉnh Yên Bái đã xác định được các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc trưng có lợi thế; chú trọng phát triển theo chiều sâu, chuyển đổi từ "lượng" sang "chất" gắn với xây dựng, tạo lập thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm OCOP. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Sơ chế sản phẩm quế vỏ tươi tại Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà tại xã Yên Hợp, huyện Văn Yên.
Sơ chế sản phẩm quế vỏ tươi tại Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà tại xã Yên Hợp, huyện Văn Yên.


Ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 26, Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt học tập tới 100% các chi, đảng bộ, tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, nâng cao nhận thức cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của NN-ND-NT.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh và quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển NN-ND-NT theo tinh thần Nghị quyết số 26, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chương trình hành động số 62, ngày 14/01/2009 để triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 56 ngày 19/5/2009 tổ chức thực hiện Chương trình hành động số 62 của Tỉnh ủy. 

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 97, ngày 15/5/2014 về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về NN-ND-NT, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái một mặt chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận của Bộ Chính trị, đồng thời rà soát, đánh giá, điều chỉnh một số chủ trương, đề án, chính sách cho phù hợp và nghiên cứu, cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo trong giai đoạn mới của Trung ương về NN-ND-NT vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế. 

Đặc biệt, ngày 10/6/2015, UBND tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020 với 10 đề án thành phần hỗ trợ phát triển 10 nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, gắn với việc thu hút, liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. 

Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực để tập trung phát triển hạ tầng sản xuất, đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tăng cường hợp tác công tư, tạo sự gắn kết bền vững giữa người sản xuất với các tổ chức doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị hàng hóa, đảm bảo nguyên tắc phát triển bình đẳng, bền vững. 

Cùng với đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành một số nghị quyết, kết luận chuyên đề về NN-ND-NT để triển khai thực hiện Nghị quyết 26 và Kết luận số 97 của Bộ Chính trị, mang lại hiệu quả thiết thực cho NN - ND - NT.

Hiệu quả trong hỗ trợ nông nghiệp

Năm 2017, gia đình ông Triệu Đức Tình ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn được hỗ trợ trên 3.000 bầu quế giống theo Đề án hỗ trợ trồng quế tại các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Yên Bái. 

Ông Tình cho biết: "Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đồi quế của gia đình đã phát triển tốt, đến nay có nguồn thu 50 triệu đồng từ tỉa cành, bán lá, tạo sinh kế phát triển bền vững. Cây quế đã mang lại hiệu quả rất cao cho bà con nhân dân, không chỉ riêng với gia đình tôi mà nhiều hộ gia đình đã xây được nhà, mua được xe máy, ô tô nhờ cây quế”.

Ông Sầm Văn Minh ở thôn Đèo Thao, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình cũng là một trong 103 hộ của xã được hưởng chính sách hỗ trợ trồng quế theo Đề án của tỉnh. Số tiền hỗ trợ 3 triệu đồng/ha tuy không nhiều, song đã giúp gia đình ông cũng như các hộ khó khăn của xã Tân Nguyên có tiền để mua cây quế giống về trồng. 

Ông Hà Văn Chí - Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên cho biết: Những năm qua, hiệu quả kinh tế từ cây quế mang lại là rất lớn nên đã khuyến khích được nhiều hộ dân trên địa bàn xã tham gia trồng quế. Đã có 172 hộ của 13 thôn trong xã tự bỏ tiền mua cây quế giống về trồng với diện tích gần 120 ha, đưa diện tích quế toàn xã lên trên 300 ha. 

Không chỉ Cát Thịnh hay Tân Nguyên, sau 5 năm triển khai Đề án hỗ trợ trồng quế tại các thôn, bản ĐBKK, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ trồng mới gần 6.500 ha quế với tổng kinh phí hỗ trợ gần 20 tỷ đồng, đưa diện tích quế toàn tỉnh hiện có lên trên 78.000 ha, vượt 101% mục tiêu Đề án. 

Hiệu quả từ Đề án đã góp phần hình thành vùng sản xuất quế hàng hóa quy mô lớn, trong đó tập trung ưu tiên địa bàn các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, quảng bá thương hiệu quế và các sản phẩm từ quế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Những ngày cuối tháng 7 có mặt tại vùng tre măng Bát độ, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, đã thấy người, xe nhộn nhịp vào, ra xã để thu mua, vận chuyển măng. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Dương Kim Hưng cho biết: "Năm 2003, tre măng Bát độ là cây trồng mới bén rễ ở đất Kiên Thành. Từ vài chục ha trồng thử nghiệm, sau 18 năm, Kiên Thành đã có diện tích trên 1.874 ha, sản lượng măng thương phẩm đạt 19.000 tấn. Thu nhập từ măng Bát độ đạt 72 tỷ đồng vào cuối năm 2020, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào Mông, đồng bào Tày nơi đây”. 

Thành công có được ở vùng tre măng Bát độ Kiên Thành là nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và sự liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà”. Việc ký hợp đồng liên kết với hai công ty: Công ty TNHH Vạn Đạt và Công ty cổ phần Yên Thành để bao tiêu toàn bộ sản phẩm và đặt địa điểm thu mua và sơ chế ngay tại địa phương đã giúp tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân. Sản phẩm măng Bát độ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan…, đã nâng cao giá trị cây tre măng Bát độ, đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân. 

Ông Đinh Đăng Luận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: "Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay, tỉnh đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, gồm: lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thuỷ sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu. Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: quế, chè, tinh bột sắn, măng và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 30 - 40 triệu USD/năm, chiếm từ 30 - 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh”. 

Cùng với đó, các hình thức sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu đi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic… đã được các tổ chức, cá nhân áp dụng ngày một nhiều hơn. Nhiều hàng hoá nông sản như: gạo, chè, cam, quýt, bưởi, sản phẩm từ quế... đã được tiêu thụ nhiều ở các tỉnh trong cả nước. 

Cùng với việc phát triển 10 nhóm sản phẩm chủ lực, tỉnh cũng ưu tiên phát triển 10 sản phẩm đặc sản: lúa nếp Tú Lệ, bưởi Đại Minh, cam sành Lục Yên, sơn tra, chè Shan hữu cơ, gà đen đặc sản vùng cao, lợn bản địa, vịt bầu Lâm Thượng, quế hữu cơ, cây dược liệu theo tiêu chuẩn "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. 

Từ những kết quả đạt được có thể khẳng định, phương thức tổ chức sản xuất của người dân thay đổi tích cực, từ tự cung, tự cấp, phục vụ đời sống thiết yếu gia đình là chủ yếu đã chuyển dần sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu của thị trường; từ quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu dựa vào nguồn lực sẵn có của tự nhiên đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra năng suất và sản lượng cao hơn, góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Đây là tiền đề vững chắc để Yên Bái thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2020 từ 4,7 - 5%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2020 (theo giá so sánh 2010) đạt trên 7.525 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2010; cơ cấu kinh tế nông, lâm và thủy sản tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng. Đến năm 2020,  tỷ trọng trồng trọt giảm xuống còn 61,98%; tỷ trọng chăn nuôi tăng lên 36,95%; tỷ trọng ngành lâm nghiệp tăng lên 26,20%; tỷ trọng ngành thủy sản tăng lên 4,23%.

Mạnh Cường
Bài 2: Nông thôn mới - điểm sáng vùng Tây Bắc

Tags Yên Bái Nghị quyết 26 tái cơ cấu ngành nông nghiệp sản phẩm OCOP dân tộc thiểu số nông dân nông thôn

Các tin khác
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Yên Bình thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ của các hộ dân vùng Đông hồ.

Những hoạch định chính sách, những bước đi đột phá đã, đang và sẽ thực hiện thể hiện rõ quyết tâm của huyện Yên Bình trong việc đánh thức tiềm năng kinh tế, thắp sáng vùng Đông hồ Thác Bà nói riêng, các địa phương trong toàn huyện nói chung một cách mạnh mẽ và bền vững.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình trồng dưa hấu trên đất bán ngập vùng Đông hồ.

Những mô hình đã hình thành, huyện Yên Bình chỉ đạo rất sát sao với phương châm "làm đến đâu chắc đến đó”, tuyệt đối không nôn nóng làm mất thương hiệu sản phẩm. Đến nay, Yên Bình đã được biết đến với nhiều nông sản mới như dưa hấu, dưa lê, lạc; các sản phẩm cá nuôi lồng....

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo huyện Yên Bình khảo sát thực địa các dự án trọng điểm vùng Đông hồ.

Với những tiềm năng, thế mạnh đang sở hữu, cùng việc đã có một số mô hình kinh tế mũi nhọn hình thành trên tất cả 13 xã, thị trấn, vùng Đông hồ huyện Yên Bình đang cho thấy hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp - thủy, hải sản.

Đoàn giám sát của Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái tới thăm gia đình bà Lương Thị Liên.

Tân Nguyên là nơi quần tụ của đồng bào Dao, Tày, Nùng… thuộc các thôn Đèo Thao, Khe Nhàn, Khe Cọ, Đông Ké… đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng nông thôn mới. Đồng vốn chính sách thực sự đã góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa nghèo tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục